Thủ tục nhường quyền nuôi con

Thủ tục nhường quyền nuôi con

Thủ tục nhường quyền nuôi con

Sau khi ly hôn thì vợ chồng có thể thỏa thuận hoặc Tòa án quyết định việc ai sẽ là người trực tiếp nuôi dưỡng con chung. Vậy sau khi có quyết định của Tòa án hoặc vợ chồng đã thỏa thuận được người nuôi con chung thì người trực tiếp nuôi con có thể nhường quyền cho người còn lại không? Nếu có thì điều kiện, thủ tục, thời gian và địa điểm yêu cầu sẽ giải quyết như thế nào? Bài viết sau của Luật Nghiệp Thành sẽ cung cấp các thông tin cần thiết để Qúy bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề trên.

* Trong trường hợp người trực tiếp nuôi con không còn đủ điều kiện để tiếp tục chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục cho con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác để phù hợp với lợi ích của con thì người được Tòa án quyết định nuôi dưỡng hoặc người còn lại đều có thể yêu cầu Tòa án thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.[1]

Ví dụ: Hai vợ chồng anh A và chị B có 2 đứa con chung là E. Năm 2018, hai vợ chồng làm thủ tục ly hôn và Tòa án tuyên giao quyền nuôi dưỡng con chung cho chị B nuôi dưỡng đến năm con chung 18 tuổi và anh A có nghĩa vụ cấp dưỡng. Năm 2022, do tình hình kinh tế khó khăn chị B không có đủ điều kiện để chăm sóc cho con chung nên chị B nhường quyền nuôi dưỡng lại cho anh A.

Bạn đọc tham khảo thêm bài viết: Quyền nuôi con khi lấy ý kiến của con từ đủ 07 tuổi.

Đây là thủ tục nhường quyền nuôi con, tức là người trực tiếp nuôi con cho rằng bản thân không còn đủ điều kiện để mang lại những lợi ích tốt nhất cho con như trước nên đã nhường lại quyền nuôi dưỡng con cho người còn lại, hoặc cha mẹ đã có thỏa thuận riêng để phù hợp với con nên thủ tục sẽ giải quyết theo việc yêu cầu Tòa án giải quyết mà hai bên không xảy ra tranh chấp. Vì thế thủ tục nhường quyền nuôi con diễn ra theo các bước sau:

Bước 1: Người yêu cầu chuẩn bị 1 bộ hồ sơ, gồm các loại giấy tờ sau:

– Đơn yêu cầu thay đổi quyền nuôi con;

– Quyết định, bản án ly hôn của Tòa án và đã có hiệu lực pháp luật;

– Căn cước công dân/ Hộ chiếu còn hạn của người yêu cầu;

Document

– Giấy khai sinh của con chung;

– Các giấy tờ, tài liệu chứng minh cho yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con.

Bước 2: Người yêu cầu gửi hồ sơ đến Tòa án. Theo đó, Tòa án nhân dân cấp Quận/huyện/TP nơi một trong hai bên đang cư trú, làm việc sẽ có thẩm quyền giải quyết việc dân sự.[2]

Bước 3: Sau khi Tòa án ra thông báo tạm ứng lệ phí thì người yêu cầu phải tiến hành nộp tiền tạm ứng cho việc yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con là 300.000 đồng. Người yêu cầu tiến hành đóng tiền tại Chi cục Thi hành án dân sự và gửi lại biên lai cho Tòa án. Sau đó, Tòa án sẽ thụ lý và giải quyết việc dân sự theo trình tự, thủ tục của tố tụng dân sự.[3]

Bước 4: Sau khi Tòa án thụ lý vụ việc dân sự thì thời hạn giải quyết trong vòng 02 đến 03 tháng. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà thời hạn giải quyết sẽ diễn ra nhanh hoặc chậm hơn.

Như vậy, nhường quyền nuôi con là thủ tục không xảy ra tranh chấp giữa các bên, cả hai bên đồng nhất việc thỏa thuận, trao lại quyền nuôi con cho bên còn lại, vì lợi ích, điều kiện về kinh tế, môi trường tốt nhất dành cho con. Cho nên thủ tục này sẽ do Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết theo thủ tục việc dân sự với yêu cầu thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn.

* Sau khi nhường quyền nuôi con có đòi lại được quyền nuôi con không?

Ví dụ: Năm 2018, chị D và anh E ly hôn với nhau và có 1 người con chung là bé G. Tòa án quyết định giao quyền nuôi con cho chị D. Năm 2020, chị D nhường quyền nuôi con lại cho anh E do hoàn cảnh và điều kiện khó khăn. Nay, chị D muốn giành lại quyền nuôi dưỡng con nhưng không thỏa thuận được với chồng?

Tình huống này chị D vẫn có thể giành quyền lại quyền nuôi dưỡng bé G từ anh E. Theo đó, chị D phải đưa ra căn cứ anh E không còn đủ điều kiện về kinh tế và nhân thân (như từng phạm tội, có tiền án, có lối sống không lành mạnh…) để tiếp tục chăm sóc bé G. Bên cạnh đó, chị D phải chứng minh được bản thân có thu nhập và chỗ cư trú ổn định; có thể mang lại cho bé G những lợi ích gì. Vì chị D và anh E không thỏa thuận được với nhau về việc thay đổi người trực tiếp nuôi con nên đây là vụ án tranh chấp chứ không còn là vụ việc dân sự. Khi chị D chuẩn bị hồ sơ gửi đến Tòa án thì sử dụng Đơn đề nghị thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn thay cho Đơn yêu cầu.[4]

 

Bạn đọc tham khảo thêm bài viết: Giành quyền nuôi con khi có nhiều con chung.

 

Trên đây là nội dung tư vấn về “Thủ tục nhường quyền nuôi con

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Quách Gia Hy

Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi

Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận

 

[1] Điều 84 Luật Hôn nhân và gia đình 2014

[2] Điều 39.2.(i) Bộ luật tố tụng dân sự 2015

[3] Điều 4 và Danh mục ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14.

[4] Điều 28.3, 84.2, 35, 39.1 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015

Document
Categories: Gia Đình

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*