Xử lý vi phạm trốn cách ly và phòng chống dịch bệnh Covid-19

Xử lý vi phạm trốn cách ly và phòng chống dịch bệnh Covid-19

Xử lý vi phạm trốn cách ly và phòng chống dịch bệnh Covid-19

Ngày 30/03/2020 vừa qua, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao vừa đưa ra văn bản hướng dẫn số 45/TANDTC-PC, theo đó hướng dẫn xác định tội danh về việc xét xử tội phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Đó là các tội danh liên quan tại Bộ luật Hình sự nhưng được quy định các hành vi rõ ràng hơn.

Dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến ngày một phức tạp nhưng lại có nhiều đối tượng ích kỷ chỉ nghĩ cho bản thân mà gạt bỏ đi lợi ích cộng đồng. Và phát sinh những hành động bất chấp như trốn khỏi nơi cách ly, không tuân theo các quy định tại nơi cách ly hay không chấp hành thực hiện khai báo y tế, cả việc lợi dụng sự sợ hãi của người dân để chuộc lợi cho bản thân, v.v…. Những hành vi trên có thể gây ra hậu quả rất nghiêm trọng như làm chết người thậm chí có thể khiến dịch bệnh lây lan mất kiểm soát. Do vậy, dưới đây là các hành vi vi phạm sẽ bị xử lý hình sự mà tất cả mọi người nên chú ý và không thực hiện, vì bản thân, gia đình và vì lợi ích của xã hội. Trong hoàn cảnh này, mỗi cá nhân phải có sự đồng lòng hướng tới mục tiêu ngăn chặn dịch bệnh. Đó cũng là điều mà nước ta và cả thế giới đang nỗ lực hết mình.

  1. Xác định tội danh theo Bộ luật Hình sự[1]

Tội làm lây lan dịch bệnh truyển nhiễm nguy hiểm cho người. Và Tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người[2]

Thực hiện các hành vi sau đây:

+ Trốn khỏi nơi cách ly;

+ Không tuân thủ quy định về cách ly;

+ Từ chối, trốn tránh việc áp dụng biện pháp cách ly, cưỡng chế cách ly;

+ Không khai báo y tế, khai báo không đầy đủ hoặc khai báo gian dối.

– Thứ nhất, đối với các đối tượng:

+ Người đã được thông báo mắc bệnh

+ Người nghi ngờ mắc bệnh

+ Người trở về từ vùng có dịch bệnh Covid-19

Đây được xem là Tội làm lây lan dịch bệnh truyển nhiễm nguy hiểm cho người.[3]

– Thứ hai, với người chưa bị xác định mắc bệnh Covid-19 nhưng sống trong khu vực đã có quyết định cách ly, quyết định phong tỏa. Mà thực hiện các hành vi như trên gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh. Được xem là Tội vi phạm quy định về an toàn ở nơi đông người.[4]

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Ngoài ra, đối với các chủ cơ sở kinh doanh, người quản lý cơ sở kinh doanh dịch vụ (như quán ba, vũ trường, karaoke, dịch vụ mát-xa, cơ sở thẩm mỹ,…). Nếu vẫn hoạt động kinh doanh mặc dù đã có quyết định tạm đình chỉ để phòng chống dịch.

Và gây thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên do phát sinh chi phí phòng, chống dịch bệnh. Thì sẽ bị xử lý về Tội vi phạm quy định về an toàn nơi đông người.

Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.[5]

Hiện nay, những thông tin không chính xác về tình hình dịch bệnh Covid-19 xuất hiện khắp nơi trên mạng xã hội. Việc thông tin chính xác về diễn biến dịch bệnh đến người dân là rất quan trọng để tránh hoang mang tâm lý, gây ra những tác động tiêu cực ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch. Do vậy, với những hành vi:

Đưa lên mạng máy tính, mạng viễn thông thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, thông tin xuyên tạc về tình hình dịch bệnh Covid-19, gây dư luận xấu thì được xem là Tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông.

Tội làm nhục người khác[6]

Đó là các hành vi đưa trái phép thông tin cá nhân, bí mật đời tư; xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của nhân viên y tế, người tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Cả những người mắc bệnh, người nghi ngờ mắc bệnh Covid-19.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản[7]

Đối với các hành vi lợi dụng dịch bệnh Covid-19 đưa ra thông tin không đúng sự thật về công dụng của thuốc, vật tư y tế về phòng, chống dịch bệnh nhằm chiếm đoạt tài sản của người khác.

Có thể nhận thấy rõ gần đây, có nhiều đối tượng lợi dụng sự sợ hãi, thiếu hiểu biết của một số người dân. Mà thực hiện hành vi phạm tội như lừa bán vắc-xin chữa virus Corona nhưng thực chất lại là vắc-xin 7 bệnh cho chó hay có đối tượng giả mạo nhân viên y tế dùng nước cất, kháng sinh để tiêm phòng bệnh Covid-19. Còn có cả thẻ diệt virus tận 280 nghìn/thẻ có với lời mời gọi “Made in Japan”.

Tội buôn lậu[8]

Đó là hành vi đã, đang hoặc nhằm đưa trái phép thuốc, vật tư y tế dùng vào việc phòng, chống dịch bệnh Covid-19 ra khỏi biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhằm thu lợi bất chính.

Tội đầu cơ[9]

Người có hành vi lợi dụng sự khan hiếm hoặc tạo sự khan hiếm giả tạo trong tình hình dịch bệnh Covid-19 để mua vét hàng hóa. Mà hàng hóa đó đã được công bố là mặt hàng bình ổn giá hoặc hàng hóa được Nhà nước định giá. Với mục đích nhằm bán lại để thu lợi bất chính thì bị xử lý về tội đầu cơ.

Như trường hợp các nhà thuốc tích trữ khẩu trang để bán lại với mức giá gấp 3-4 lần so với thông thường.

Tội chống người thi hành công vụ[10]

Xử lý đối với những người có hành vi dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác cản trở người thi hành công vụ trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng[11]

Đối tượng áp dụng đối với tội này là những người có trách nhiệm trong phòng, chống dịch bệnh Covid-19.

Nhưng không thực hiện triển khai hoặc triển khai không kịp thời, không đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định. Và gây ra hậu quả nghiêm trọng.

  1. Áp dụng hình phạt[12]

Áp dụng hình phạt nghiêm khắc đối với các trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng (như làm lây lan dịch bệnh từ 02 người trở lên, làm chết người,…).

Áp dụng hình phạt chính là hình phạt tiền, cải tạo không giam giữ hoặc phạt tù nhưng cho hưởng án treo theo đúng quy định của pháp luật đối với trường hợp phạm tội chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc gây ra hậu quả ít nghiêm trọng (như chưa làm lây lan dịch bệnh).

Ngoài việc áp dụng hình phạt chính, Tòa án xem xét áp dụng hình phạt bổ sung và biện pháp tư pháp theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Trên đây là nội dung tư vấn về “Xử lý vi phạm trốn cách ly và phòng chống dịch bệnh Covid-19”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Linh Chi

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận

 

[1] Mục 1 Văn bản hướng dẫn số 45/TANDTC-PC

[2] Điều 240, 295 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

[3] Điều 240.1.c Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

[4] Điều 295 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

[5] Điều 288 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

[6] Điều 155 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

[7] Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bố sung 2017)

[8] Điều 188 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bố sung 2017)

[9] Điều 196 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bố sung 2017)

[10] Điều 330 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

[11] Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)

[12] Mục 2 Văn bản hướng dẫn số 45/TANDTC-PC

 

 

Document
Categories: Cộng Đồng

Comments

    Write a Comment

    Your e-mail address will not be published.
    Required fields are marked*