Công tác bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô
Trong thời gian qua, số lượng các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng tăng lên một cách đột biến, đặc biệt là những vụ tai nạn có liên quan đến các hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Kéo theo đó là những thiệt hại không hề nhỏ về người và của. Nhằm chấn chỉnh và khắc phục tình trạng nêu trên, Nghị định 10/2020 về Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô được ban hành sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/4/2020. Theo đó, công tác bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sẽ được tăng cường và thắt chặt hơn nữa.
Nội dung quy trình bảo đảm an toàn giao thông:
- Quy định áp dụng đối với đơn vị kinh doanh vận tải[1]: Các đơn vị kinh doanh vận tải cần thực hiện các hoạt động sau:
– Theo dõi, giám sát hoạt động của người lái xe và các phương tiện trong suốt quá trình hoạt động kinh doanh vận tải;
– Thực hiện kiểm tra các điều kiện về an toàn giao thông của xe ô tô và người lái xe trước khi bắt đầu hành trình (Đối với các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi sẽ thực hiện kiểm tra theo kế hoạch sản xuất kinh doanh của đơn vị đó);
– Chấp hành quy định về thời gian lái xe liên tục, thời gian làm việc trong ngày của lái xe; chế độ bảo dưỡng sửa chữa đối với xe ô tô kinh doanh vận tải; chế độ kiểm tra, giám sát hoạt động của xe ô tô và người lái xe trên hành trình;
– Có các phương án kiểm soát để bảo đảm không còn hành khách nào ở trên xe khi đã kết thúc hành trình (áp dụng đối với xe kinh doanh vận tải hành khách);
– Tập huấn nghiệp vụ vận tải và an toàn giao thông cho người lái xe; có các phương án xử lý khi xảy ra tai nạn giao thông trong quá trình vận tải; chế độ báo cáo về an toàn giao thông đối với lái xe và người điều hành vận tải;
- Quy định áp dụng đối với đơn vị kinh doanh bến xe khách, bến xe hàng[2]: Các đơn vị kinh doanh bến xe khách, bến xe hàng cần thực hiện các hoạt động sau:
– Kiểm tra các điều kiện an toàn giao thông của xe ô tô, người lái xe, các hàng hóa và hành lý của hành khách trước khi xe xuất bến;
– Thực hiện các chế độ kiểm tra, giám sát hoạt động của xe ô tô, người lái xe trong khu vực bến xe và chế độ báo cáo về an toàn giao thông.
- Quy định áp dụng đối với phương tiện giao thông:
– Xe ô tô được các đơn vị sử dụng để kinh doanh dịch vụ vận tải phải đảm bảo các quy định về chất lượng, an toàn kỹ thuật sau[3]:
+ Xe ô tô kinh doanh vận tải hành khách, xe ô tô kinh doanh vận tải hàng hóa và xe trung chuyển phải được lắp thiết bị giám sát hành trình[4].
+ Được trang bị hệ thống thắng (phanh) xe chắc chắn, đúng kỹ thuật, đảm bảo được sự an toàn[5];
+ Trang bị vô lăng đúng kỹ thuật, đảm bảo cho tay lái có thể phản ứng nhanh và linh hoạt[6];
+ Vô lăng của xe ô tô phải được thiết kế ở phía bên tay trái của xe[7];
+ Có đủ hệ thống đèn chiếu sáng gần và xa, đèn soi biển số, đèn báo hãm và đèn tín hiệu[8];
+ Sử dụng bánh (lốp) xe đúng kích cỡ và đúng tiêu chuẩn kỹ thuật của từng loại xe[9];
+ Trang bị đầy đủ gương chiếu hậu, kính chắn gió, kính cửa (sử dụng loại kính an toàn) để bảo đảm tầm nhìn cho người điều khiển[10];
+ Thiết bị còi xe phải có âm lượng đúng quy chuẩn, vừa nghe, đảm bảo tiếng còi không quá lớn, cũng không quá nhỏ[11];
+ Các kết cấu xe phải được thiết kế sao cho đủ độ bền và bảo đảm tính năng vận hành ổn định[12].
– Không sử dụng xe ô tô khách có giường nằm hai tầng để hoạt động trên các tuyến đường cấp V và cấp VI miền núi[13];
- Quy định áp dụng đối với người lái xe:
– Khi điều khiển xe khách có giường nằm hai tầng thì các đơn vị kinh doanh vận tải cần sử dụng những lái xe có ít nhất 2 năm kinh nghiệm trong việc điều khiển xe khách có trọng tải từ 30 chỗ (bao gồm cả chỗ ngồi của người lái xe);
– Người lái xe ô tô phải đáp ứng được các quy định về độ tuổi và sức khỏe:
+ Người lái xe phải đảm bảo được các tiêu chuẩn về sức khỏe thông qua Bảng tiêu chuẩn sức khỏe[14]. Đồng thời, những người lái xe chuyên nghiệp phải luôn được khám sức khỏe định kỳ nhằm đảm bảo họ có đầy đủ sức khỏe để có thể điều khiển phương tiện giao thông một cách an toàn[15];
+ Người lái xe phải đảm bảo được các quy định về độ tuổi như sau: Người lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên, lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2) phải từ đủ 21 tuổi trở lên[16]; Người lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi, lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC) phải từ đủ 24 tuổi trở lên[17]; Người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD) phải đủ 27 tuổi trở lên[18].
Lưu ý: Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi (đối với nữ) và 55 tuổi (đối với nam)[19].
– Lý lịch hành nghề lái xe phải được lập và cập nhật đầy đủ các nội dung quy định về quá trình hoạt động của từng người lái xe[20];
– Thời gian làm việc của người lái xe ô tô không được quá 10 giờ trong một ngày và không được lái xe liên tục quá 4 giờ[21].
Bên cạnh các quy định nêu trên, lực lượng công an và các cơ quan chức năng cần tăng cường xử lý nghiêm những hành vi vi phạm giao thông, nhất là đối với những trường hợp điều khiển phương tiện tham gia giao thông mà trong cơ thể có chất ma túy, có các chất kích thích, vi phạm nồng độ cồn; không chấp hành đúng tín hiệu giao thông; chạy quá tốc độ; đi không đúng làn đường, phần đường; vi phạm quy trình, thao tác lái xe, quy định về phương tiện và người lái xe nhằm góp phần cho công tác bảo đảm an toàn giao thông được thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn.
Lưu ý: Nghị định 10/2020 về Quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 01/4/2020.
Dịch vụ xin cấp giấy phép vận tải cho doanh nghiệp, hợp tác xã tại thành phố Hồ Chí Minh.
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Công tác bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Võ Thị Minh Thương.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 11.2.(a) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[2] Điều 11.2.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[3] Điều 53.1 Luật Giao thông đường bộ 2008
[4] Điều 12.1 Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[5] Điều 53.1.(a) Luật Giao thông đường bộ 2008
[6] Điều 53.1.(b) Luật Giao thông đường bộ 2008
[7] Điều 53.1.(c) Luật Giao thông đường bộ 2008
[8] Điều 53.1.(d) Luật Giao thông đường bộ 2008
[9] Điều 53.1.(đ) Luật Giao thông đường bộ 2008
[10] Điều 53.1.(e, g) Luật Giao thông đường bộ 2008
[11] Điều 53.1.(h) Luật Giao thông đường bộ 2008
[12] Điều 53.1.(k) Luật Giao thông đường bộ 2008
[13] Điều 11.3.(b) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[14] Phụ lục I, BẢNG TIÊU CHUẨN SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI LÁI XE ban hành kèm Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT
[15] Điều 60.2 Luật Giao thông đường bộ 2008
[16] Điều 60.1.(c) Luật Giao thông đường bộ 2008
[17] Điều 60.1.(d) Luật Giao thông đường bộ 2008
[18] Điều 60.1.(đ) Luật Giao thông đường bộ 2008
[19] Điều 60.1.(e) Luật Giao thông đường bộ 2008
[20] Điều 11.3.(d) Nghị định 10/2020/NĐ-CP
[21] Điều 65.1 Luật Giao thông đường bộ 2008