Áp dụng ưu đãi thuế cho công ty sản xuất phần mềm
Khi sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực liên quan đến phần mềm, công ty sẽ được hưởng phần ưu đãi về thuế. Tuy nhiên, khi được áp dụng, doanh nghiệp cần lưu ý trong việc kê khai, xuất hóa đơn trong quá trình sản xuất, kinh doanh phần mềm. Thông qua bài viết này, Luật Nghiệp Thành sẽ tổng quan về vấn đề này.
Thông qua bài viết Ưu đãi thuế cho công ty sản xuất phần mềm, chúng ta biết được công ty này sẽ được hưởng hai loại ưu đãi thuế như sau:
I. Ưu đãi thuế GTGT
Kê khai và xuất hóa đơn thuế GTGT:
Phần mềm là đối tượng không chịu thuế GTGT nên công ty sản xuất, kinh doanh phần mềm hay gia công cho giai đoạn lắp ráp máy tính đều được hưởng phần ưu đãi này. Tuy nhiên cần lưu ý, dù thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT nhưng doanh nghiệp vẫn phải kê khai thuế GTGT cho cơ quan thuế và xuất hóa đơn khi bán hoặc gia công phần mềm. Khi đó, doanh nghiệp cần lưu ý một vài điều sau:
+ Kê khai chỉ tiêu 26 trong Tờ khai thuế GTGT mẫu 01/GTGT;
+ Căn cứ vào hóa đơn đầu ra phát sinh trong kỳ để lập bảng kê hóa đơn, chứng từ hàng hóa, dịch vụ bán ra mẫu 01-1/GTGT và điền các hóa đơn đầu ra không chịu thuế GTGT vào mục 1 của bảng kê;
=> Nếu chậm nộp hồ sơ khai thuế GTGT theo kỳ tính thuế, doanh nghiệp có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền tùy thuộc vào thời gian nộp chậm.[1] Để có thể hiểu rõ hơn Qúy bạn đọc có thể tham khảo bài viết sau: Cách tính xử phạt chậm nộp tờ khai thuế nhiều lần.
+ Hóa đơn đầu ra có nội dung: thuế suất là “KCT” (Không chịu thuế) và phần tiền thuế là 0;[2]
* Ngoài sản xuất, kinh doanh phần mềm, doanh nghiệp còn kinh doanh các mặt hàng chịu thuế suất GTGT khác như ổ lưu trữ, máy in, máy tính xách tay,…thì doanh nghiệp cần kê khai rõ mặt hàng chịu thuế và không chịu thuế GTGT. Trong hóa đơn cũng cần làm rõ phần thuế suất tương ứng với từng loại hàng hóa; hoặc dùng bảng kê để thể hiện rõ mặt hàng với những thuế suất khác nhau.[3]
=> Qúy bạn đọc có thể tham khảo một số bài viết sau để hiểu về các trường hợp và mức phạt liên quan đến hóa đơn trong quá trình hoạt động, sản xuất:
– Mức xử phạt sử dụng hóa đơn không hợp pháp;
– Kê khai thuế khi ngày lập và ngày ký trên hóa đơn khác nhau?
– Xử phạt hành vi lập hóa đơn không đúng thời điểm
II. Ưu đãi thuế TNDN
1. Kê khai và nộp thuế TNDN:
Không phải công ty sản xuất phần mềm nào cũng được hưởng ưu đãi thuế TNDN, mà chỉ những doanh nghiệp sản xuất đáp ứng đủ điều kiện thực hiện dự án đầu tư mới; hoặc không thuộc danh mục lĩnh vực đầu tư có điều kiện thì mới được hưởng ưu đãi thuế TNDN. Theo đó, khi doanh nghiệp đủ điều kiện thì 4 năm đầu sẽ được miễn thuế, 11 năm tiếp theo sẽ được áp dụng các mức thuế suất khác nhau như 5%, 10%.[4]
Doanh nghiệp cần hiểu rõ mức thuế suất của từng năm và căn cứ vào số thuế TNDN của năm trước, dự kiến kết quả sản xuất, kinh doanh trong năm để xác định số thuế TNDN tạm nộp của từng quý. Vì thuế TNDN là loại thuế trực thu, tạm nộp theo quý và quyết toán theo năm, nên số thuế phải tạm nộp của 04 quý không thấp hơn 80% số thuế TNDN phải nộp được quyết toán năm.[5]
2. Trường hợp nộp thiếu hoặc nộp dư tiền thuế TNDN:[6]
– Nếu nộp thiếu từ 20% trở lên thì doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số thuế tạm nộp với số thuế phải nộp;
– Nếu nộp thiếu dưới 20% thì doanh nghiệp nộp số thuế còn thiếu dưới 20% vào ngân sách nhà nước trong thời hạn nộp hồ sơ quyết toán thuế năm. Nếu quá thời hạn này thì tính tiền chậm nộp kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với quyết toán.
– Nếu nộp thừa thì doanh nghiệp nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế cho cơ quan thuế. Sau khi thực hiện bù trừ và xác định doanh nghiệp không còn nợ thì doanh nghiệp sẽ được hoàn số tiền thuế TNDN nộp thừa. Nếu không làm hồ sơ đề nghị hoàn thì số tiền thuế TNDN thừa được coi là số thuế tạm nộp của năm kế tiếp.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Áp dụng ưu đãi thuế cho công ty sản xuất phần mềm”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Quách Gia Hy
Người kiểm tra nội dung: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 13 Nghị định 125/2020/NĐ-CP
[2] Điều 10 Nghị định 123/2020/NĐ-CP; Quyết định 1450/QĐ-TCT và Điều 1.17 Quyết định 1510/QĐ-TCT
[3] Điều 10.6 Nghị định 123/2020/NĐ-CP
[4] Thông tư 13/2020/TT-BTTTT; Điều 11, 12.1 Thông tư 96/2015/TT-BTC
[5] Điều 8.6.(b) Nghị định 126/2020/NĐ-CP và Điều 1.3 Nghị định 91/2022/NĐ-CP
[6] Điều 17 Thông tư 151/2014/TT-BTC và Điều 12a Thông tư 156/2013/TT-BTC