Xử lý vi phạm hành vi sửa chữa hồ sơ bệnh án
(Cập nhật, bổ sung ngày 23/8/2024)
Hồ sơ bệnh án thể hiện dưới dạng bản giấy hay điện tử thì đều chứa thông tin cá nhân và tài liệu y học về tình trạng sức khỏe của bệnh nhân vì thế sự chính xác và tính bảo mật luôn cần được đảm bảo[1]. Tuy nhiên tháng 10/2023, Thanh tra Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã công bố xử phạt hàng loạt các cơ sở khám chữa bệnh, trong đó bác sĩ chuyên khoa da liễu của Công ty TNHH YC Beauty đã bị xử phạt do có hành vi sữa chữa hồ sơ bệnh án nhằm làm sai lệch thông tin về khám, chữa bệnh.[2]
Hành vi tẩy xóa, sửa chữa hồ sơ bệnh án là một trong những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám, chữa bệnh[3] vì nó trực tiếp gây ảnh hưởng đến tâm lý, tinh thần của người bệnh, gia đình và vô tình tiếp tay cho những mục đích không tốt đẹp. Khi cá nhân, tổ chức thực hiện sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể như thế nào chúng ta cùng tìm hiểu tại bài viết sau.
* Xử phạt vi phạm hành chính:[4]
– Hình phạt chính: Phạt tiền từ 5 triệu đến 10 triệu đồng;
– Hình phạt bổ sung: Tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng.
Lưu ý: Mức phạt tiền này áp dụng đối với cá nhân; nếu là tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân[5].
* Truy cứu trách nhiệm hình sự:
Hành vi tẩy, xóa, làm giả, làm sai lệch thông tin bệnh án gây hậu quả nghiêm trọng có thiệt hại xảy ra thì cá nhân thực hiện sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự ‘Tội giả mạo trong công tác’ với mức phạt quy định như sau:
1. Phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với hành vi vụ lợi hoặc vì động cơ cá nhân khác mà lợi dụng chức vụ, quyền hạn thực hiện một trong các hành vi sau đây[6]:
– Sửa chữa, làm sai lệch nội dung giấy tờ, tài liệu;
– Làm, cấp giấy tờ giả;
– Giả mạo chữ ký của người có chức vụ, quyền hạn;
2. Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm đối với các hành vi sau:
– Có tổ chức;
– Người phạm tội là người có trách nhiệm lập hoặc cấp các giấy tờ, tài liệu;
– Làm, cấp giấy tờ giả với số lượng từ 02 giấy tờ giả đến 05 giấy tờ giả.
3. Phạt tù từ 12 năm đến 20 năm khi :
– Cấp giấy tờ giả với số lượng từ 11 giấy tờ giả trở lên;
– Để thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
Lưu ý: Người phạm tội có thể bị cấm đảm nhiệm hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đến 100 triệu đối với hành vi vi phạm.[7]
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về vấn đề “Xử lý vi phạm hành vi sửa chữa hồ sơ bệnh”.
Nếu các bạn cảm thấy bài viết này hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn ‘Chia sẻ’ bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Thị Tú Anh.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
Người cập nhật, bổ sung : Quách Gia Hy
[1] Điều 2.17, Điều 69.1 và Điều 69.2 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023
[2] Tham khảo bài viết TPHCM: Nhiều cơ sở, cá nhân bị xử phạt hành chính do vi phạm các quy định về khám, chữa bệnh của Trang tin điện tử Đảng bộ Thành phố Hồ Chí Minh.
[3] Điều 7.10 Luật Khám bệnh chữa bệnh 2023
[4] Điều 38.5.(e), 38.8.(a) Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
[5] Điều 4.5 Nghị định 117/2020/NĐ-CP.
[6] Điều 359 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
[7] Điều 359.5 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017