Xử lý dầu nhớt thải đúng quy định

Xử lý dầu nhớt thải đúng quy định

Xử lý dầu nhớt thải đúng quy định

Qua các bài viết về đường dây tái chế dầu nhớt thải, buôn bán dầu lậu trái quy định pháp luật tại tỉnh Đồng Nai và các địa phương khu vực Đông Nam Bộ của Báo Thanh Niên[1]. Vấn đề quản lý, kiểm soát và xử lý dầu nhớt thải đặt lên nhiều vấn đề đáng quan ngại đối với môi trường.

1. Dầu nhớt thải là chất thải nguy hại

Dầu nhớt thải được xếp vào nhóm chất thải nguy hại theo quy định pháp luật[2]. Dầu nhớt thải gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường đất, nước, không khí và tác động trực tiếp đến sức khỏe con người.

Theo thống kê của Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Việt Nam sử dụng khoảng 90.000 tấn dầu nhớt mỗi năm[3]. Số lượng xe máy, ô tô đăng ký mới hơn 3,5 triệu chiếc mỗi năm. Do đó, phần lớn số lượng dầu nhớt được sử dụng cho các phương tiện giao thông đường bộ như xe máy, ô tô. Số lượng các cơ sở, tiệm sửa chữa xe máy, ga-ra ô tô tỷ lệ thuận với số lượng xe máy, ô tô và xuất hiện ở khắp các ngả đường từ thành phố đến nông thôn. Đây được xem nguồn dầu nhớt thải chủ yếu, khó kiểm soát, quản lý. Và là nguồn cung dầu nhớt thải chủ yếu của nhiều cơ sở chế biến dầu nhớt lậu.

2. Thực trạng xử lý dầu nhớt thải tại các cơ sở sửa chữa xe máy, ga-ra ô tô

Theo quy định pháp luật về xử lý chất thải nguy hại, đối với dầu nhớt thải tại các tiệm sửa chữa xe máy, ga-ra ô tô phải được chủ các cơ sở thu gom, phân loại, lưu giữ. Sau đó, bán hoặc chuyển giao cho đơn vị, cơ sở cung cấp dịch vụ xử lý dầu nhớt thải có giấy phép môi trường về xử lý, tái chế dầu nhớt thải.

Thực trạng tại nhiều địa phương hiện nay, các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có đủ điều kiện về giấy phép môi trường lại rất hạn chế về số lượng. Cơ sở chuyên xử lý dầu nhớt thải lại càng ít. Bên cạnh đó, công tác thông tin, tuyên truyền, kết nối các cơ sở xử lý dầu nhớt thải với các tiệm sửa chữa xe máy, ga-ra ô tô không được làm tốt dẫn đến nhiều đối tượng xấu lợi dụng tổ chức thu gom, xử lý, tái chế dầu nhớt thải trái pháp luật.

Nhiều chủ cơ sở sửa chữa xe máy, ga-ra ô tô cho rằng họ không được biết đến các cơ sở xử lý dầu nhớt thải đủ điều kiện theo quy định. Họ còn được nhiều bên chào mời thu mua dầu nhớt thải. Vừa có thêm lợi nhuận từ việc bán dầu nhớt thải mà không cần lo khâu xử lý.

Vấn đề quản lý, xử lý dầu nhớt thải theo đúng quy định Luật Bảo vệ môi trường cũng không được chủ các cơ sở sửa xe máy, ga-ra ô tô quan tâm. Dẫn đến dầu nhớt thải được thu gom, lưu trữ tại các cơ sở rất sơ sài, gây ô nhiễm nghiêm trọng đến môi trường.

3. Xử lý dầu nhớt thải đúng quy định pháp luật

Để tuân thủ quy định về môi trường liên quan đến dầu nhớt thải. Các cơ sở sửa chữa xe máy, ga-ra ô tô cần thực hiện thủ tục đăng ký môi trường với UBND cấp xã/phường và tuân thủ thực hiện các điều kiện về quản lý dầu nhớt thải bao gồm việc khai báo, phân loại, lưu giữ và giao kết hợp đồng, chuyển giao dầu nhớt thải cho cơ sở dịch vụ đủ điều kiện xử lý.

3.1 Thực hiện đăng ký môi trường[4]:

Cơ sở sửa chữa xe máy, ga-ra ô tô được xếp vào nhóm chủ nguồn thải theo quy định[5].

Hiện nay chủ nguồn thải sẽ không còn phải thực hiện thủ tục đăng ký chủ nguồn thải với Sở Tài nguyên và môi trường cấp tỉnh như quy định trước đây. Tuy nhiên, chủ nguồn thải như tiệm sửa chữa xe máy, ga-ra ô tô phải chủ động thực hiện đăng ký môi trường[6].

Thủ tục đăng ký môi hiện nay thực hiện rất đơn giản. Tiệm sửa chữa xe máy, ga-ra ô tô đăng ký môi trường với Ủy ban nhân dân cấp xã/phường nơi đặt cơ sở.

Document

Hồ sơ gồm đăng ký môi trường gồm:

– Văn bản đăng ký môi trường (Theo – Phụ lục II – Thông tư 02/2022/TT-BTNMT)

– Bản sao Quyết định phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường (áp dụng trường hợp cơ sở lớn phải thực hiện các thủ tục xin giấy phép môi trường).

Gửi hồ sơ về UBND cấp xã bằng 01 trong 03 hình thức: trực tiếp, bưu điện hoặc trực tuyến qua hệ thống dịch vụ công quốc gia.

UBND xã sẽ tiếp nhận hồ sơ và cập nhật dữ liệu đăng ký môi trường của cơ sở lên hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu môi trường quốc gia.

3.2 Đảm bảo các điều kiện về quản lý dầu nhớt thải:

– Khai báo dầu nhớt thải[7]:

Chủ cơ sở sửa chữa xe máy, ga-ra ô tô sẽ khai báo dầu nhớt thải tại Văn bản đăng ký môi trường khi thực hiện thủ tục đăng ký môi trường với UBND cấp xã/phường. Chủ cơ sở có trách nhiệm khai báo gồm khối lượng dầu nhớt thải, phương án xử lý dầu nhớt thải, …

– Phân loại, lưu giữ dầu nhớt thải[8]:

Công việc phân loại dầu nhớt thải sẽ do cơ sở tự chịu trách nhiệm thực hiện. Các thiết bị, bao bì lưu giữ dầu nhớt thải phải đảm không bị hư hỏng, rò rỉ hay rách vỡ. Không chứa đựng quá 90% dung tích và có nắp đậy kín.

Đối với nơi lưu giữ dầu nhớt thải phải đảm bảo mặt sàn kín, không bị thẩm thấu, tránh nước mưa. Có mái che cho toàn bộ khu vực lưu giữ. Đảm bảo có các thiết bị PCCC, cát hoặc mùn cưa và xẻng để sử dụng trong trường hợp bị rò rỉ dầu nhớt thải.

Dầu nhớt thải chỉ được lưu giữ tối đa 1 năm tại các tiệm sửa chữa xe máy, ga-ra ô tô. Việc lưu giữ quá 1 năm thì cơ sở phải thực hiện báo cáo về Sở Tài nguyên và Môi trường cấp tỉnh. Và sớm tìm phương án, đơn vị dịch vụ xử lý dầu nhớt thải để thu gom và xử lý[9].

Nơi lưu giữ dầu nhớt thải phải có mái che, sàn kín, có thiết bị PCCC và xử lý dầu nhớt rò rỉ

– Giao kết hợp đồng, chuyển giao dầu nhớt thải với cơ sở dịch vụ xử lý dầu nhớt thải:

Tiệm sửa xe máy, ga-ra ô tô phải thực hiện giao kết hợp đồng thu gom, vận chuyển, xử lý dầu nhớt thải với cơ sở dịch vụ xử lý chất thải nguy hại có giấy phép môi trường phù hợp với việc xử lý dầu nhớt thải[10].

Khi chuyển giao dầu nhớt thải, phải lập chứng từ chuyển giao (). Chứng từ chuyển giao sẽ có 04 liên. Chủ nguồn thải như tiệm sửa chữa xe máy, ga-ra ô tô sẽ giữ liên số 3 khi cơ sở xử lý chất thải nguy hại tiếp nhận dầu nhớt thải để vận chuyển. Nhận và giữ liên số 04 khi đơn vị dịch vụ xử lý chất thải nguy hại xử lý xong dầu nhớt thải.

Trong vòng 6 tháng, kể từ ngày chuyển giao nếu không nhận đủ hai liên 3 và 4 của chứng từ chuyển giao, cơ sở phải khai báo với Sở Tài nguyên và Môi trường để tiến hành xử lý[11]. Việc không khai báo trong trường hợp này, cơ sở có thể bị xử phạt lên đến 20 triệu đồng[12].

Chuyển giao dầu nhớt thải cần lưu ý giao kết hợp đồng và lập chứng từ chuyển giao

Mức xử phạt đối với vi phạm trong quản lý chất thải nguy hại như dầu nhớt thải có thể lên đến hàng chục, hàng trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, dầu nhớt thải tàn phá đến môi trường nước, đất, không khí và ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe của con người ngay tại chính cơ sở nếu không được xử lý đúng cách. Các chủ cơ sở sửa chữa xe máy, ga-ra ô tô cần tuân thủ các quy định, thực hiện tốt việc thu gom, phân loại và lưu giữ dầu nhớt thải tại cơ sở để bảo vệ môi trường. Thực hiện nghiêm chỉnh việc đăng ký môi trường, liên hệ các đơn vị thu gom, xử lý, tái chế dầu nhớt thải đủ điều kiện về giấy phép môi trường để chuyển giao xử lý, tái chế dầu nhớt. Góp phần ngăn chặn các đối tượng lợi dụng để tái chế dầu nhớt thải thành dầu nhớt kém chất lượng đưa ra thị trường sử dụng.

 

Trên đây là nội dung tư vấn về “Xử lý dầu nhớt thải đúng quy định

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Lê Tiến Thành

Người hướng dẫn: Luật sư Thuận

 

[1] Bốc trần “tổ hợp” tái chế dầu nhớt thải liên tỉnh: Đường đi của dầu lậu, xem https://thanhnien.vn/boc-tran-to-hop-tai-che-dau-nhot-thai-lien-tinh-duong-di-cua-dau-lau-185230606220030079.htm

[2] Điều 3.20 Luật Bảo vệ Môi trường năm 2020 và Phụ Lục III Thông tư 02/2022/TT-BTNMT

[3] Đẩy mạnh kiểm soát dầu nhớt trên thị trường, xem https://tcvn.gov.vn/day-manh-kiem-soat-chat-luong-dau-nhon-tren-thi-truong/12/04/2022/

[4] Điều 22 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT

[5] Điều 3.1 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT

[6] Điều 3.9 Luật Bảo vệ môi trường năm 2020

[7] Điều 35.1 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT

[8] Điều 35.2 Thông tư 02/2022/TT-BTNMT

[9] Điều 71.1 (c) Nghị định 08/2022/NĐ-CP

[10] Điều 72.1 Nghị định 08/2022/NĐ-CP

[11] Điều 71.4 Nghị định 08/2022/NĐ-CP

[12] Điều 29.2 (c) Nghị định 45/2022/NĐ-CP

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÁP LÝ HỢP ĐỒNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI TRONG LĨNH VỰC LAO ĐỘNG

Categories: Môi Trường

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*