Chưa xử phạt hành vi không phân loại rác của người dân?

Chưa xử phạt hành vi không phân loại rác của người dân?

Tại sao Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa xử phạt hành vi không phân loại rác của người dân?

Theo quy định hiện hành, chất thải là vật chất (ở thể rắn, lỏng, khí) được thải ra từ sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, sinh hoạt hoặc hoạt động khác[1]. Bài viết này sẽ chỉ đề cập đến chất thải rắn sinh hoạt (sau đây gọi là rác/rác thải). Nếu căn cứ vào khả năng tái chế, có thể phân loại rác thành ba (03) nhóm: rác hữu cơ dễ phân hủy (bao gồm thức ăn thừa, lá cây, rau, củ, quả, xác động vật…), rác có khả năng tái chế tái sử dụng (bao gồm giấy, nhựa, kim loại, cao su, ni lông, thủy tinh…), và các loại rác còn lại[2]. Thế nhưng phân loại rác không chỉ dừng lại ở việc phân thành ba (03) nhóm vừa nêu, mà là rất nhiều nhóm nhỏ khác như: nhóm thùng carton, giấy báo; nhóm vỏ lon; nhóm cao su; nhóm túi nylon các loại…

Mỗi loại rác lại cần được xử lý với một phương thức khác nhau. Chẳng hạn rác hữu cơ dễ phân hủy như thức ăn thừa, lá cây, rau, củ…có thể chế biến thành phân bón thông qua chôn lấp, nghiền nát…Còn rác vô cơ như nhựa, thủy tinh…sẽ được tái chế thông qua phương pháp nung chảy. Nếu không phân loại rác tại nguồn, các cơ sở xử lý rác sẽ phải thực hiện công đoạn này trước khi tái chế rác, đồng nghĩa với việc tiêu tốn thời gian và chi phí thuê nhân công. Nên thực tế đa số các cơ sở sẽ chọn phương thứ chôn lấp, đốt, tiêu hủy – đồng nghĩa với việc mọi loại rác thải đều bị xử lý với cùng một cách thức. Một số loại rác vì thế sẽ không thể phân hủy, hoặc thời gian phân hủy rất lâu (VD: chai nhựa mất đến hàng trăm năm để tách thành nhưng mảnh nhỏ hơn, và thực sự chúng vẫn chưa phân hủy), gây ảnh hưởng đến môi trường và các hoạt động của con người. Vì những lẽ trên mà bên cạnh việc bảo vệ môi trường, phân loại rác tại nguồn sẽ giúp quá trình tái chế được diễn ra nhanh chóng, từ đó tiết kiệm được rất nhiều thời gian, công sức, và chi phí.

Tại thành phố Hồ Chí Minh, chiến dịch phân loại rác thải được khởi xướng và bắt đầu nhân rộng từ giữa năm 2018 tuy nhiên đến nay vẫn chưa thực sự mang lại hiệu quả như mong đợi. Dù trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch phân loại rác thải, thành phố Hồ Chí Minh đã liên tục ban hành các Quyết định[3], Thông báo, cùng nhiều Chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân trên địa bàn[4]. Tính hiệu quả thấp của chiến dịch một phần đến từ việc đa số người dân vẫn chưa biết rằng nếu không thực hiện theo quy định (bao gồm phân loại, đổ rác đúng nơi quy định, ký hợp đồng với tổ chức thu gom rác…) thì sẽ bị phạt. Một bộ phận khác thì dù biết nhưng do ý thức chưa cao, nhận thấy rằng chẳng ai xử phạt nên cứ vô tư giữ thói quen cũ: dồn tất cả rác thải vào một túi cho…tiện. Bên cạnh đó là việc khi xe chở rác đến thu rác thì nhân viên lại trộn lẫn các túi rác đã phân loại chung vào một nơi. Nhiều người dân thấy vậy nên không mặn mà với phân loại rác vì cảm thấy công sức của mình bị uổng phí.

Đã ngót một năm trôi qua kể từ thời điểm chiến dịch bắt đầu nhưng dường như vẫn chưa có bất cứ tổ chức, cá nhân nào bị xử phạt vì không phân loại rác thải. Vậy lý do có thể là gì? Luật Nghiệp Thành xin chia sẻ đến bạn đọc về vấn đề này.

  1. Mức xử phạt này được xem là đủ tính răn đe nhưng chưa mang tính thực tiễn cao

Theo quy định hiện hành, hành vi không phân loại, không lưu giữ rác thải rắn sinh hoạt; không ký hợp đồng hoặc không chuyển giao rác thải rắn sinh hoạt cho đơn vị có chức năng thu gom, vận chuyển và xử lý theo quy định sẽ bị phạt tiền từ 15.000.000 – 20.000.000 đồng[5]. Mức xử phạt này có trị giá xấp xỉ một tháng lương của một lao động có thu nhập khá tại thành phố Hồ Chí Minh. Trong khi đó thu nhập của đại đa số những người đang sinh sống và làm việc tại TP. HCM lại nằm dưới mức này.

Quyết định xử phạt vi phạm hành chính sẽ chỉ được thi hành nếu người vi phạm có khả năng chi trả. Đối với các tổ chức, cá nhân có thu nhập không cao, việc phải đóng mức phạt từ 15.000.000 – 20.000.000 đồng là điều không thể. Nếu trong lĩnh vực giao thông đường bộ, Cảnh sát giao thông có thể tạm giữ phương tiện của người vi phạm trong một số trường hợp[6] để đảm bảo thi  hành, thì đối với hành vi không phân loại rác mà đối tượng vi phạm lại không có khả năng đóng tiền phạt thì cơ quan chức năng phải xử lý như thế nào?

Theo quy định hiện hành, nếu tổ chức cá nhân không tự nguyện thi hành khi bị xử phạt vi phạm hành chính thì sẽ bị cưỡng chế thi hành[7]. Tuy nhiên đây là trường hợp “không tự nguyện thi hành”, còn trường hợp được Luật Nghiệp Thành nhắc đến là “không có khả năng thi hành”. Thực tế này đòi hỏi cần có một văn bản hướng dẫn xử phạt từ phía cơ quan có thẩm quyền.

Pháp luật Việt Nam hiện nay cũng chỉ quy định miễn, giảm tiền phạt đối với cá nhân trong trường hợp gặp khó khăn đặc biệt, đột xuất về kinh tế do thiên tai, thảm họa, hỏa hoạn, dịch bệnh, bệnh hiểm nghèo, tai nạn và có xác nhận của UBND cấp xã nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó học tập, làm việc[8]. Việc nộp phạt nhiều lần cũng chỉ được chấp thuận nếu mức phạt từ 20.000.000 đồng trở lên đối với cá nhân (và 200.000.000 đồng trở lên đối với tổ chức)[9]. Trong khi đó mức phạt tối đa cho hành vi không phân loại rác dừng lại ở mức 20.000.000 đồng, tức người bị xử phạt chỉ có cơ hội được nộp phạt nhiều lần khi…bị phạt ở mức tối đa.

Chưa kể đến là các thủ tục phát sinh trong quá trình xử phạt (thủ tục xin miễn giảm, xin đóng nhiều lần, xác minh thu nhập…) cũng sẽ tiêu tốn khá nhiều thời gian. Điều này ít nhiều sẽ gián tiếp ảnh hưởng đến một trong các nguyên tắc cơ bản của việc xử phạt vi phạm hành chính là quá trình xử lý phải được tiến hành nhanh chóng[10], gây khó khăn cho cả cơ quan Nhà nước và đối tượng bị xử phạt.

  1. Sự khó khăn trong công tác kiểm tra và xác định đối tượng vi phạm

Trước nay đã có rất nhiều quy định sinh ra, nhưng không có cơ chế để xử phạt. Chẳng hạn như quy định về việc giữ khoảng cách tối thiểu giữa các xe khi tham gia giao thông đường bộ[11].

Document
Tốc độ lưu hành[12] (km/h)Khoảng cách an toàn tối thiểu (m)
> 6035
8055
10070
120100

Cá nhân vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 100.000 –  200.000 đồng đối với xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô, từ 60.000 – 80.000 đồng đối với người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy. Phạt tiền từ 800.000 – 1.200.000 đồng đối với trường hợp vi phạm trên đường cao tốc[13]. Tuy nhiên nếu phạt thì cơ quan chức năng sẽ phải dùng biện pháp nghiệp vụ gì để chứng minh khoảng cách giữa hai xe? Một số người còn nói vui rằng nếu áp dụng quy định này, chắc chắn sẽ gây ra tình trạng ách tắc giao thông vì hầu hết người tham gia giao thông đều sẽ vi phạm.

Quy định về việc phân loại rác cũng tương tự như thế. Đối với những nơi mà mỗi nhà đều có thùng rác riêng thì miễn cưỡng có thể cho rằng cơ quan chức năng có thể xác định được ai vi phạm mà xử phạt. Đấy là đã chưa tính đến trường hợp có người bỏ rác lén sang thùng rác nhà hàng xóm, hoặc có ai đó đi ngang và tiện tay vứt vào. Còn đối với những nơi rác được tập kết tại một địa điểm nhất định (như phòng để rác của các tầng chung cư) thì tất nhiên là không có cách nào để xác định chủ nhân của túi rác. Có ý kiến cho rằng quy định này rồi cũng sẽ chịu chung số phận với quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng[14] – quy định đã được tuyên truyền hết sức rầm rộ vào những năm 2013 nhưng sau đó lại rơi vào tình trạng luật có nhưng…khó phạt.

  1. Chính quyền thành phố Hồ Chí Minh không đặt nặng vấn đề xử phạt[15]

Suy cho cùng, các nhà làm luật đã cân nhắc rất kỹ càng khi soạn ra các quy định như trên. Dù thực tế chưa được áp dụng nhiều, nhưng khi có vụ, việc liên quan xảy ra thì cơ quan chức năng sẽ không rơi vào tình trạng bối rối vì không có luật để điều chỉnh. Nếu ngay lập tức kiểm tra, siết chặt công tác phân loại rác, nhất định sẽ tạo ra một sự xáo trộn lớn trong thói quen sinh hoạt của người dân. Đây chính là lý do quan trọng nhất để giải thích cho việc chính quyền thành phố còn chưa bắt đầu công tác xử phạt.

Mục đích cuối cùng của việc đưa ra chế tài cho công tác phân loại rác thải là tạo ra thói quen cho người dân, và để điều đó trở thành hiện thực thì thứ quan trọng nhất là thời gian. Do đó nếu xử lý gắt gao trong khâu xử phạt, chính quyền chắc chắn sẽ nhận được nhiều ý kiến trái chiều khi mà đa số người dân vẫn chưa nhận thức được tầm quan trọng của việc phân loại rác. Trước nay họ đã quen với việc để các loại rác thải chung tại một nơi. Nếu muốn thay đổi thói quen này thì điều mà chính quyền cần thực hiện là phổ biến rộng rãi quy định, và hướng dẫn người dân cách thức phân loại rác trước khi áp dụng các hình thức xử phạt. Ý thức hệ sẽ được thay đổi dần dần, và đến thời điểm phân loại rác trở thành thói quen thì khung chế tài sẽ mặc nhiên được chấp nhận từ người dân.

Bạn đọc có thể xem thêm bài viết về Giá thu gom rác ở thành phố Hồ Chí Minh, và Quy định quản lý, vận hành của nhà thầu thu gom xử lý rác.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về việc Tại sao Thành phố Hồ Chí Minh vẫn chưa xử phạt hành vi không phân loại rác của người dân?

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Huỳnh Thái Sơn.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

[1] Điều 3.12 Luật Bảo vệ Môi trường 2014.

[2] Điều 15.1 Nghị định 38/2015/NĐ-CP.

[3] Quyết định 38/2018/QĐ-UBND; Quyết định 44/2018/QĐ-UBND; Quyết định 12/2019/QĐ-UBND…của UBND TP. HCM.

[4] Cấp phát 04 nhãn dán phân loại rác thải/lần/hộ gia đình, chủ nguồn thải với tần suất 02 lần/năm. Hỗ trợ nhãn dán trên túi rác cho hộ gia đình thực hiện phân loại và chuyển giao trong 06 tháng. Xem thêm Điều 14.1.a Quyết định số 44/2018/QĐ-UBND của UBND TP. HCM.

[5] Điều 20.4 Nghị định 155/2016/NĐ-CP; Điều 6 Quyết định 12/2019/QĐ-UBND của UBND TP. HCM.

[6] Xem Điều 78 Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

[7] Điều 2.1 Nghị định 166/2013/NĐ-CP.

[8] Điều 76, 77 Luật Xử lý vi phạm Hành chính 2012.

[9] Điều 79 Luật Xử lý vi phạm Hành chính 2012.

[10] Điều 3.1.b Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012.

[11] Điều 12 Luật Giao thông đường bộ 2008.

[12] Điều 12 Thông tư 91/2015/TT-BGTVT.

[13] Điều 5.1.g Nghị định 46/2016/NĐ-CP.

[14] Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá 2012; Điều 20.1.a Nghị định 155/2016/NĐ-CP.

[15] Hội nghị hướng dẫn thực hiện Quyết định 44/2018/QĐ-UBND của UBND TP. HCM.

 

 

 

 

 

Document
Categories: Môi Trường

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*