Ưu đãi thuế dành cho Doanh nghiệp Khoa Học và Công Nghệ

Ưu đãi thuế dành cho Doanh nghiệp Khoa Học và Công Nghệ

Ưu đãi thuế dành cho Doanh nghiệp Khoa Học và Công Nghệ

Hiện nay, Chính Phủ đang rất quan tâm và khuyến khích phát triển các doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Ngày 01/02/2019 đã ban hành nghị định[1] quy định về nhiều chính sách ưu đãi, hỗ trợ mà doanh nghiệp khoa học và công nghệ được nhận. Sau đó, Bộ Tài Chính ban hành Thông tư[2] hướng dẫn về miễn thuế, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp đối với doanh nghiệp KH&C và hướng dẫn chi tiết hơn về chính sách này. Điểm đặc biệt nhất là việc doanh nghiệp được miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo.

Sau đây Luật Nghiệp Thành sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề này:

 

  1. Tại sao lại có chính sách ưu đãi thuế đặc biệt này đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ?

Doanh nghiệp KH và CN thường có những giai đoạn hình thành và phát triển khá là lâu và tốn kém kinh phí.

Có 4 giai đoạn hình thành và phát triển:

1) Xây dựng ý tưởng kinh doanh từ kết quả nghiên cứu;

2) Hình thành các dự án đầu tư để hoàn thiện kết quả nghiên cứu, đáp ứng được yêu cầu thương mại;

3) Thành lập doanh nghiệp KH&CN từ những dự án đầu tư trên;

4) Tiếp tục hoàn thiện sản phẩm và khẳng định sự phát triển của doanh nghiệp.

Như vậy, để thành lập một doanh nghiệp KH&CN thường mất một khoảng thời gian rất dài và doanh nghiệp phải bỏ chi phí tài chính lớn cho hoạt động nghiên cứu và hoàn thiện công nghệ để có thể tạo ra sản phẩm thương mại. Đây là giai đoạn khó khăn nhất nên các doanh nghiệp rất cần sự hỗ trợ về vốn, tài chính từ phía nhà nước và các nhà đầu tư.

  1. Điều kiện để doanh nghiệp là DN KH và CN?

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ là doanh nghiệp thực hiện sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khoa học và công nghệ để tạo ra sản phẩm, hàng hóa từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ[3].

Kết quả khoa học công nghệ được hiểu là[4]:

+ Sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn,..

+ Giống vật nuôi mới, giống cây trồng mới, giống thủy sản mới, giống cây lâm nghiệp mới, tiến bộ kỹ thuật đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận;

+ Kết quả thực hiện nhiệm vụ đã đạt được các giải thưởng về khoa học và công nghệ..

+ Các kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền xác nhận, công nhận theo quy định của pháp luật;

Document

+ Công nghệ nhận chuyển giao được cơ quan có thẩm quyền xác nhận theo quy định của pháp luật.

Điều kiện để doanh nghiệp là doanh nghiệp khoa học công nghệ được quy định như sau:

+ Được thành lập và pháp luật đúng theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2020

+ Có khả năng tạo ra hoặc ứng dụng kết quả khoa học và công nghệ được cơ quan có thẩm quyền đánh giá, thẩm định, công nhận.

+ Đối với các doanh nghiệp đã thành lập từ đủ 5 năm trở lên, phải có doanh thu từ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu. Các doanh nghiệp mới thành lập dưới 5 năm không cần đáp ứng điều kiện về tỷ lệ doanh thu.

  1. Điều kiện DN được miễn thuế[5]

Để được ưu đãi thuế, doanh nghiệp KH&CN phải đáp ứng 4 điều kiện:

+ Được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp KH&CN.

+ Doanh thu hằng năm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu hằng năm của doanh nghiệp[6].

+ Doanh thu được tạo ra từ dịch vụ có ứng dụng kết quả KH&CN trong lĩnh vực công nghệ thông tin là doanh thu từ dịch vụ mới, không bao gồm các dịch vụ đã có trên thị trường[7].

+ Doanh nghiệp KH&CN phải hạch toán kế toán và tính thuế riêng thu nhập từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN trong kỳ để được hưởng ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp[8].

  1. Chính sách ưu đãi thuế nào? Cách thực hiện?

Thu nhập của doanh nghiệp khoa học và công nghệ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ được hưởng ưu đãi miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, cụ thể: được miễn thuế 04 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 09 năm tiếp theo[9].

Thời gian miễn thuế, giảm thuế đối với doanh nghiệp khoa học và công nghệ được tính liên tục kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Trường hợp  DN không có thu nhập chịu thuế[10] là việc kinh doanh lỗ trong ba năm đầu (DN đã được cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ) thì  năm đầu tiên tính thời gian miễn thuế, giảm thuế được tính từ năm thứ tư.

Trong thời gian đang được ưu đãi miễn thuế, giảm thuế TNDN, nếu năm nào doanh nghiệp khoa học và công nghệ không đáp ứng điều kiện và doanh thu của các sản phẩm hình thành từ kết quả khoa học và công nghệ đạt tỷ lệ tối thiểu 30% trên tổng doanh thu năm của doanh nghiệp thì năm đó DN KH&CN không được hưởng ưu đãi và năm đó được trừ vào thời gian được hưởng ưu đãi thuế TNDN của doanh nghiệp khoa học và công nghệ

Thủ tục thực hiện ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp thực hiện theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập doanh nghiệp và quản lý thuế.

  1. Thực trạng và lợi ích của việc ban hành chính sách này ở các Doanh nghiệp KH&CN

Thực trạng của các doanh nghiệp KH&CN trước khi có các chính sách ưu đãi:

+ Chưa có nhiều doanh nghiệp đạt tiêu chuẩn DN KH&CN và doanh nghiệp không mặn mà trong việc thực hiện các thủ tục để được chứng nhận là doanh nghiệp KH&CN.

+Các khó khăn về vốn, đầu ra cho sản phẩm, kênh thông tin cho người tiêu dùng, chứng nhận chất lượng sản phẩm… Do đó, ngoài các DN có năng lực, tự nghiên cứu, tự tìm thị trường và đối tác thì rất nhiều các DN có ứng dụng KHCN vẫn gặp nhiều khó khăn khi họ phải tự tìm kiếm lối đi riêng cho mình.

+ Không được tạo điều kiện để sản xuất, kinh doanh và ứng dụng KHCN. Nhiều DN không bán được sản phẩm, doanh số bằng 0.

+ Việc thành lập doanh nghiệp để đạt DN KHCN thì vô cùng khó khăn. Đặc biệt, ví dụ khi đã vào vườn ươm hay đăng ký độc quyền sáng chế, DN phải khai báo chi tiết về công nghệ, mô tả sáng kiến của mình nên rất dễ bị mất thông tin, bí quyết quy trình công nghệ. Bên cạnh đó, DN chưa thấy được nhiều lợi ích khi được công nhận là DN KHCN, kể cả việc miễn giảm thuế.

Sau khi có Nghị định 13/2019/NĐ-CP và Thông tư 03/2021/TT-BTC có hiệu lực:

+ Tạo động lực giúp các doanh nghiệp khác lựa chọn lĩnh vực KH&CN để đầu tư, góp phần thúc đẩy việc nghiên cứu, phát triển KH&CN, sáng tạo đổi mới cho Việt Nam. Nếu nhiều doanh nghiệp tập trung đầu tư KH&CN thì thị trường sẽ phát triển mạnh và các lĩnh vực khác cũng được hưởng thành quả, lợi ích.

+ Tạo bước đột phá mới, có tác động tích cực cho không chỉ riêng doanh nghiệp KH&CN, mà còn cho cả sự phát triển chung của ngành. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, khi được miễn giảm thuế, các doanh nghiệp KH&CN có thể dùng nguồn lực đó để tái đầu tư phát triển.

 + Tạo ra động lực để các doanh nghiệp khác phấn đấu trở thành doanh nghiệp KH&CN.

+ Thông tư số 03/2021/TT-BTC quy định 4 điều kiện để doanh nghiệp KH&CN được hưởng ưu đãi. việc quy định rõ điều kiện chi tiết, cụ thể như vậy đã ngăn chặn sự trục lợi của các doanh nghiệp “núp bóng” công nghệ, qua đó còn tránh việc “xin – cho”, kéo dài thời gian với các doanh nghiệp đủ điều kiện.

+ Việc đưa ra 4 điều kiện cơ bản để được hưởng ưu đãi là hợp lý, chính xác, tránh việc các doanh nghiệp xin chứng nhận 1 lĩnh vực, nhưng hoạt động đa lĩnh vực và muốn được miễn thuế toàn bộ cho doanh nghiệp thì không công bằng đối với các doanh nghiệp KH&CN thực sự, gây thất thu thuế cho Nhà nước.

  1. Chính sách mới này có ảnh hưởng gì tới xã hội?

– Pháp luật ưu đãi thuế TNDN phải là một hệ thống minh bạch, thống nhất, phù hợp với tình hình kinh tế – xã hội đất nước, tạo môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp KH&CN yên tâm mở rộng sản xuất kinh doanh và đầu tư cho KH&CN nhằm tạo đà phát triển các sản phẩm mới có giá trị xuất khẩu, góp phần tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm toàn cầu và đóng góp nhiều hơn nữa vào GDP của Việt Nam trong thời gian tới.

– Vấn đề về ưu đãi thuế nói riêng và các ưu đãi khác nói chung của chính phủ đối với doanh nghiệp KH&CN đã tạo đà cho các hình thức doanh nghiệp khác phát triển hơn nữa những sản phẩm của mình cung ứng ra thị trường, từ đó thúc đẩy sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, tạo đà phát triển xã hội.

– Những phát minh của doanh nghiệp KH&CN đã giúp ích cho xã hội rất nhiều như: phương pháp xử lý chất thải giúp giảm thiểu ô nhiễm môi trường, các loại máy công suất lớn trong nông nghiệp giúp giảm thiểu sức lao động con người, các loại máy trong phòng thí nghiệm giúp con người sáng chế ra nhiều loại chất có lợi và chữa trị được nhiều bệnh cho con người,…

Trên đây là nội dung tư vấn về vấn đề “Ưu đãi thuế dành cho Doanh nghiệp Khoa Học và Công Nghệ”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Hoàng Thị Loan

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận

 

 

[1] Nghị định 13/2019/NĐ-CP

[2] Thông tư 03/2021/TT-BTC

[3] Luật Khoa học và công nghệ 2013

[4] Điều 3 Nghị định số 13/2019/NĐ-CP

[5] Điều 12, Nghị định 13/2019/NĐ_CP

[6] Doanh thu hằng năm từ hoạt động sản xuất, kinh doanh các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN là doanh thu của toàn bộ các sản phẩm hình thành từ kết quả KH&CN. Tổng doanh thu hằng năm của doanh nghiệp là toàn bộ doanh thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, doanh thu từ hoạt động tài chính và thu nhập khác của doanh nghiệp.

[7] Tiêu chí, cơ sở xác định dịch vụ có ứng dụng kết quả KH&CN trong lĩnh vực công nghệ thông tin là dịch vụ mới thực hiện theo quy định của Bộ KH&CN.

[8] Điều 18.2, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp số 14/2008/QH12

[9] Điều 12.1 Nghị định 13/2019/NĐ-CP

[10] Điều 2, Thông tư 111/2013/TT-BTC

Document
Categories: Công Nghệ, Thuế

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*