Thủ tục giao thuê đất rừng cho hộ gia đình, cá nhân

Thủ tục giao thuê đất rừng cho hộ gia đình, cá nhân

Thủ tục giao thuê đất rừng cho hộ gia đình, cá nhân

Rừng là nơi gồm nhiều sinh vật sống và nhiều yếu tố khác tạo nên một tổng thể hệ sinh thái, là nơi khởi nguồn của sự sống, điều hòa khí hậu, thời tiết, giảm thiệt hại thiên tai, cân bằng hệ sinh thái, là ngôi nhà chung của tất cả các sinh vật trên Trái Đất. Có thể nhận thấy, rừng chiếm một vai trò không thể thiếu trong đối với cuộc sống không chỉ của các sinh vật mà của cả con người. Do đó, để diện tích rừng ngày càng mở rộng cùng với việc nâng cao chất lượng, độ che phủ của rừng, mà nước ta đã có những chính sách giao đất rừng cho nhiều hộ gia đình cá nhân. Điều đó không chỉ giúp người dân có công việc giúp xóa đói giảm nghèo mà còn góp phần nâng cao nhận thức của các người dân sinh sống, đặc biệt là cạnh các khu rừng có chức năng phòng hộ. Vì thế, nếu các hộ gia đình cá nhân có nhu cầu muốn trồng rừng thì sẽ cần thực hiện những thủ tục gì? Luật Nghiệp Thành sẽ tư vấn giúp bạn đọc những thủ tục trên.

  1. Mục tiêu của việc giao đất rừng cho hộ gia đình, cá nhân

Thực tế, theo số liệu thống kê và báo cáo liên quan, việc giao đất giao rừng cho các hộ gia đình cá nhân đã giúp tăng cường trách nhiệm của người dân đối với rừng, tăng cường bảo vệ tài nguyên rừng, cải thiện sinh kế của các hộ, v.v…. Tính đến thời điểm cuối năm 2016, thì diện tích đất lâm nghiệp giao cho các hộ gia đình, cá nhân sử dụng chiếm 32,83% tổng số diện tích đất được giao cho các đối tượng sử dụng gồm tổ chức kinh tế, cơ quan đơn vị nhà nước, tổ chức sự nghiệp công lập và các tổ chức khác, v.v.. Đứng thứ hai trong các đối tượng được giao diện tích đất rừng, trong đó đa phần là đất rừng sản xuất.[1]

Do đó, ta có thể thấy tầm quan trọng của hộ gia đình, cá nhân trong việc nâng cao chất lượng rừng, hơn nữa trong thời gian hộ dân trồng rừng sẽ giúp người dân nhận thức được tầm quan trọng của rừng và sẽ có trách nhiệm với rừng hơn. Góp phần nâng cao nhận thức cùng với cải thiện cuộc sống kinh tế, tăng thu nhập, giảm tỷ lệ thất nghiệp, xóa đói giảm nghèo của các hộ dân, đặc biệt là các hộ dân ở khu vực miền núi, vùng cao.

  1. Hiện tại có những loại rừng nào?

Hiện nay, theo quy định của Luật Đất đai 2013 và Luật Lâm nghiệp 2017 căn cứ vào mục đích sử dụng chủ yếu thì hiện nay rừng tự nhiên và rừng trồng được phân thành 03 loại:[2]

– Rừng đặc dụng;

– Rừng phòng hộ;

– Rừng sản xuất.

Trong đó, rừng đặc dụng là loại rừng được sử dụng để bảo tồn hệ sinh thái, gen sinh vật, nghiên cứu, bảo tồn di tích lịch sử-văn hóa, tín ngưỡng, danh lam-thắng cảnh, nghỉ dưỡng, giải trí, cung ứng dịch vụ, v.v….

Rừng phòng hộ như cái tên của nó thì đây là rừng để bảo vệ nguồn nước, đất, chống xói mòn, sạt lở, lũ, sa mạc hóa, hạn chế thiên tai, điều hòa khí hậu, quốc phòng, an ninh, v.v…

Còn rừng sản xuất thì được sử dụng để cung cấp lâm sản; sản xuất kinh doanh cả lâm-nông-ngư nghiệp kết hợp; du lịch sinh thái, giải trí; v.v…Đa phần các hộ dân sẽ trồng các loại cây như keo, mỡ, thông, gió trầm, v.v…. kết hợp với dược liệu bên dưới tán cây rừng.

Việc giao rừng hay cho thuê rừng của UBND cấp huyện sẽ được UBND cấp tỉnh phê duyệt. Vì thế để UBND cấp huyện có thể cho giao rừng hay cho thuê rừng cùng với việc sử dụng đất hàng năm của cấp huyện thì phải được UBND cấp tỉnh, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. Do đó, nếu hộ gia đình cá nhân có nhu cầu đề nghị giao đất hay thuê đất rừng thì không chỉ đảm bảo về năng lực quản lý rừng mà còn phải phù hợp với kế hoạch sử dụng đất hàng năm tại địa phương.[3]

  1. Hộ gia đình cá nhân nào sẽ được giao rừng và cho thuê rừng ?[4]

– Nhà nước sẽ giao rừng phòng hộ không thu tiền sử dụng rừng đối với:

Hộ gia đình, cá nhân cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã nơi có rừng phòng hộ. Gồm các loại rừng phòng hộ đầu nguồn; rừng phòng hộ chắn gió, chắn cát bay; rừng phòng hộ chắn sóng, lấn biển; rừng bảo vệ nguồn nước của cộng đồng dân cư.

– Nhà nước sẽ giao rừng sản xuất không thu tiền sử dụng rừng đối với:

Hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư cư trú hợp pháp trên địa bàn cấp xã thuộc nơi có diện tích rừng.

– Về việc thuê đất, nhà nước sẽ cho hộ gia đình, cá nhân cho thuê đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên và rừng sản xuất là rừng trồng.

Tiền thuê đất sẽ trả hàng năm hoặc một lần để thực hiện sản xuất lâm nghiệp; sản xuất lâm-nông-ngư nghiệp kết hợp; kinh doanh du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí.

Document

Như vậy, hộ gia đình, cá nhân chỉ được giao, thuê đất rừng sản xuất và rừng phòng hộ. Riêng với loại rừng đặc dụng thì sẽ do các đối tượng khác được quyền sử dụng như: Ban quản lý rừng, Tổ chức khoa học-công nghệ, cộng đồng dân cư đối với khu tín ngưỡng, v.v….Vì đặc điểm của loại rừng này phức tạp và cần có sự tham gia bảo tồn của nhiều cơ quan chuyên môn, tổ chức gắn bó lâu đời, am hiểu, vv…do đó chỉ những đối tượng trên mới được bảo vệ và quản lý rừng đặc dụng hiệu quả.

  1. Hạn mức giao đất rừng[5]

Hạn mức giao đất là diện tích đất tối đa được giao.

Đối với đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất: mỗi hộ gia đình, cá nhân không được quá 30 héc ta đối với mỗi loại đất rừng trên.

Riêng với đất rừng sản xuất thì sẽ được giao thêm nhưng không được quá 25 héc ta.

  1. Thủ tục giao rừng, cho thuê rừng[6]

– Hộ gia đình cá nhân có nhu cầu sẽ nộp đơn đề nghị giao đất rừng hoặc cho thuê rừng đến Uỷ ban nhân dân cấp huyện.

Vì việc giao rừng phải đi kèm với giao đất nên các trình tự, thủ tục giao rừng, cho thuê rừng đều sẽ được thống nhất, đồng bộ với giao đất, cho thuê đất.

Cụ thể, hộ gia đình cá nhân sẽ nộp Mẫu đề nghị giao đất, giao rừng, cho thuê đất, cho thuê rừng tại Mẫu số 3 Phụ lục II Nghị định 156/2018.

– Thời hạn giải quyết: 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.

– Kết quả: Sau khi đã qua cơ quan quản lý về lâm nghiệp và cơ quan Tài nguyên và Môi trường, nếu được chấp thuận thì hộ gia đình, cá nhân sẽ được nhận Quyết định về việc giao đất, giao rừng.

Và 03 ngày làm việc sau khi nhận quyết định, với trường hợp thuê đất, rừng thì hộ gia đình, cá nhân sẽ ký Hợp đồng thuê rừng với Chủ tịch UBND cấp huyện.

– Phải đảm bảo liên kết giữa đất-rừng nên nếu vẫn chưa hoàn thiện hồ sơ giao, cho thuê rừng hoặc hồ sơ giao, cho thuê đất, thì hộ gia đình cá nhân cần liên hệ với cơ quan quản lý[7] để hoàn thiện các thủ tục về đất- rừng.[8]

  1. Hộ gia đình có quyền gì sau khi đã thuê và được giao đất rừng?

Vì sau khi đã được quyền sử dụng rừng trên thì hộ gia đình, cá nhân được giao rừng, cho thuê rừng sẽ được gọi chủ rừng. Mà quyền của chủ rừng là được khai thác công dụng, hưởng hoa lợi, lợi tức từ rừng.[9]

Bên cạnh đó, tại các loại rừng đã liệt kê thì hộ gia đình, cá nhân sẽ được sở hữu loại rừng sản xuất (đối với rừng trồng). Cũng với loại rừng này hộ gia đình cá nhân còn được sở hữu rừng khi chủ rừng khác chuyển nhượng, tặng cho và trao thừa kế cho mình. [10] Có thể hiểu, được quyền sở hữu nghĩa là sẽ có quyền chiếm hữu, sử dụng và cả định đoạt đối với các cây trồng, vật nuôi và tài sản khác gắn liền với rừng. Như vậy, một gia đình có thể từ đời này sang đời khác kế tục trồng rừng, còn được hưởng các sản vật tự nhiên mà rừng mang lại và thu được khoản lợi từ việc khai thác rừng.

* Cụ thể, quyền được khai thác như sau:

Với rừng phòng hộ,[11]

Là rừng tự nhiên thì sẽ được khai thác các cây gỗ đã chết, gãy đổ, bị sâu bệnh, cây đứng ở nơi có mật độ lớn hơn so với quy định. Còn được khai thác măng, tre, nữa, nấm (nếu rừng phòng hộ đạt yêu cầu); khai thác các lâm sản ngoài gỗ khác (không được ảnh hưởng khả năng phòng hộ)

Là rừng trồng sẽ được khai thác cây phụ trợ, chặt tỉa thưa nếu mật độ lớn; khai thác cây trồng chính[12]. Nhưng sau khi khai thác phải tái sinh hoặc trồng lại rừng trong vụ trồng kế tiếp và vẫn tiếp tục quản lý, bảo vệ rừng.

Với rừng sản xuất

Là rừng tự nhiên thì khi khai thác trước tiên hộ gia đình cá nhân phải có đề nghị và được Uỷ ban nhân dân cấp huyện chấp thuận.[13]

Là rừng sản xuất thì chủ rừng là hộ gia đình, cá nhân được quyết định khai thác rừng trồng thuộc sở hữu của mình.[14]

*Đi kèm với quyền lợi thì không thể thiếu nghĩa vụ của chủ rừng trong việc khai thác rừng. Các nghĩa vụ đó như sau:

Là đất rừng nên hộ gia đình cá nhân sử dụng rừng cần nhận thức được nghĩa vụ mình cần thực hiện.

– Đầu tiên là bảo vệ rừng, là bảo vệ hệ sinh thái rừng, bảo vệ thực vật rừng hệ sinh thái rừng, phòng cháy chữa cháy rừng, loại trừ sinh vật gây hại rừng.[15]

– Thứ hai là phát triển rừng,

Với rừng phòng hộ, phải xây rừng tập trung, liền các vùng và duy trì tạo cấu trúc rừng đảm bảo chức năng của rừng.[16]

Với rừng sản xuất, phải duy trì rừng tự nhiên hiện có; phục hồi những nơi chưa đạt tiêu chí thành rừng[17] và chỉ được cải tạo rừng tự nhiên ở những nơi không có khả năng tự phục hồi. Trồng rừng tập trung, cung cấp các nguyên liệu cho công nghiệp chế biến lâm sản. Tích cực trồng nhiều loài cây, cố gắng chuyển rừng trồng gỗ nhỏ sang gỗ lớn.[18]

* Bên cạnh đó, chủ rừng là hộ gia đình cá nhân cần tuân thủ những quyền và nghĩa vụ chung khác được quy định tại Luật Lâm Nghiệp như: được hỗ trợ kinh phí nếu gặp thiên tai khi phát triển rừng sản xuất, bồi thường giá trị rừng, tài sản đã được đầu tư và xây dựng hợp pháp khi bị thu hồi rừng; v.v…Phải trả lại rừng khi có quyết định thu hồi; chấp hành việc kiểm tra, xử lý của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền; v.v…[19]

Triển khai giao đất, giao rừng đã là một trong những chính sách trọng tâm của nước ta từ những năm 90. Khẩu hiệu “Trồng cây gây rừng” cũng luôn được lan truyền qua nhiều năm, tuy nhiên bảo vệ rừng không chỉ là những hành vi trực tiếp như trồng cây gây rừng, mà ngay cả chúng ta cách xa rừng hơn nghìn cây số vẫn có thể gián tiếp bảo vệ. Đó là không tiêu thụ lâm sản của những loài cây quý hiếm, không mua bán các sản phẩm của động vật hoang dã, cho đến những hành động bảo vệ môi trường sống xung quanh như không vứt rác bừa bãi, tiết kiệm năng lượng và giữ gìn cây xanh, v.v…Vì thế, hãy cùng chung tay bảo vệ môi trường sống của chúng ta và muôn loài, các bạn nhé!

Trên đây là nội dung tư vấn về “Thủ tục giao đất rừng cho hộ gia đình, cá nhân”

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích, thì Bạn cùng chúng tôi hãy lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn vào nút “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, chia sẻ và góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Linh Chi

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận

[1] Quyết định 2311/QĐ-BTNMT

[2] Điều 5 Luật Lâm nghiệp 2017, Điều 10 Luật Đất đai 2013

[3] Điều 15 Luật Lâm nghiệp 2017

[4] Điều 16, 17 Luật Lâm nghiệp 2017

[5] Điều 129 Luật Đất đai 2013

[6] Điều 36 Nghị định 156/2018

[7] Uỷ ban nhân dân cấp huyện

[8] Điều 37, 38 Nghị định 156/2018

[9] Điều 2.9, 11 Luật Lâm nghiệp 2017

[10] Điều 7.2 Luật Lâm nghiệp 2017

[11] Điều 55 Luật Lâm nghiệp 2017

[12] khi đạt tiêu chuẩn khai thác theo phương thức khai thác chọn hoặc chặt trắng theo băng, đám rừng

[13] Điều 58 Luật Lâm nghiệp 2017

[14] Điều 59 Luật Lâm nghiệp 2017

[15] Điều 46 Luật Lâm nghiệp 2017

[16] Điều 47 Luật Lâm nghiệp 2017

[17] Tham khảo tiêu chí rừng ở Điều 8 Nghị định 156/2018/NĐ-CP

[18] Điều 48 Luật Lâm nghiệp 2017

[19] Điều 73, 74 Luật Lâm nghiệp 2017

Document
Categories: Nhà Đất

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*