Trả lương thấp hơn mức tối thiểu vùng đóng BHXH như thế nào
Trả lương thấp hơn mức tối thiểu vùng đóng BHXH như thế nào?
Tình huống:
Công ty tôi đang tuyển 2 nhân viên dọn dẹp vệ sinh (tạp vụ) văn phòng mỗi ngày làm việc khoảng 2 tiếng và cuối tháng trả cho mỗi cô là 2.600.000 đồng. Theo quy định thì HĐLĐ từ 1 tháng trở lên là phải đóng BHXH. Công ty tôi áp dụng thời gian làm việc là 8 giờ/ngày. Tuy nhiên, với 2 cô nhân viên này thì công ty em sẽ phải đóng BHXH như thế nào cho đúng?
Trả lời:
Dựa trên thông tin mà bạn cung cấp, Luật Nghiệp Thành xin được tư vấn như sau:
Hiện nay việc đóng BHXH như thế nào và làm sao cho đúng đang là điều băn khoăn của các doanh nghiệp khi tuyển dụng NLĐ vào làm việc cho mình. Đa số doanh nghiệp đều hiểu rằng NLĐ làm việc cho mình thì doanh nghiệp phải có trách nhiệm đóng BHXH cho họ sau khi ký kết HĐLĐ. Nhưng thực tế, một người làm việc cho doanh nghiệp lại chưa chắc đó là NLĐ của doanh nghiệp. Điển hình như NLĐ được thuê, mướn thông qua hợp đồng dịch vụ, hợp đồng khoán việc… (gọi chung là HĐDV). Về bản chất thì HĐLĐ và HĐDV là hai loại khác nhau. Bạn có thể tham khảo bài viết “Phân việt Hợp đồng lao động và hợp đồng dịch vụ” trên trang tuvanluat.vn mà chúng tôi đã chia sẻ.
Theo quy định hiện nay, đối với HĐLĐ từ 1 tháng trở lên đều phải tham gia đóng BHXH bắt buộc (trừ trường hợp thuộc diện đóng BHXH bắt buộc nhưng tổng số ngày công của NLĐ trong tháng ít hơn 14 ngày). Mức đóng BHXH bắt buộc không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng đối với công việc đơn giản nhất trong điều kiện làm việc bình thường [1]. Điều kiện làm việc bình thường ở đây là việc NLĐ đảm bảo đủ thời giờ làm việc trong tháng mà doanh nghiệp đặt ra chung đối với nhân viên. Công ty bạn quy định thời giờ làm việc là 8 giờ/ngày thì đây là thời giờ làm việc bình thường. Còn 2 cô tạp vụ chỉ làm 2 giờ/ngày được xem là làm việc không trọn thời gian. Đối với NLĐ làm việc không trọn thời gian vẫn được hưởng các quyền và nghĩa vụ như đối với NLĐ làm việc trọn thời gian[2].
Trong trường hợp của bạn, bạn ký HĐLĐ thời vụ với NLĐ mà có thời hạn từ 1 tháng trở lên cũng phải tham gia đóng BHXH bắt buộc theo như quy định đã ban hành. Mức đóng BHXH bắt buộc với công việc đơn giản nhất tối thiểu bằng với mức lương tối thiểu vùng. Mức lương tối thiểu vùng ở thời điểm hiện tại được tính như sau[3]:
Mức đóng/tháng | Vùng |
4.180.000 đồng | I |
3.710.000 đồng | II |
3.250.000 đồng | III |
2.920.000 đồng | IV |
Tùy thuộc vào địa bàn làm việc mà mức lương tối thiểu vùng sẽ có sự thay đổi như bảng trên. Như vậy, nếu chiếu theo quy định, công ty bạn trả lương cho 2 cô tạp vụ là 2.600.000 đồng/tháng thấp hơn cả mức tối thiểu vùng quy định. Tuy nhiên, trong trường hợp của công ty bạn 2 cô tạp vụ đó chỉ làm việc 2 giờ/ngày thì tổng thời gian làm việc của 2 cô tạp vụ trên 1 tháng so với quy định thời giờ làm việc bình thường là 8 giờ/ngày thấp hơn 14 ngày công/tháng. Theo đó, công ty không phải đóng BHXH cho 2 cô trong trường hợp này. Từ đó, có thể có 2 cách để công ty bạn không phải đóng BHXH cho NLĐ đó là:
Cách 1: Nếu ký HĐLĐ thì doanh nghiệp chấm công làm sao đó trong 1 tháng số ngày công của 2 cô tạp vụ này không quá 14 ngày. Riêng đối với HĐ thời vụ thì không được ký quá 2 lần, nếu công ty vẫn tiếp tục sử dụng lao động thì phải ký kết HĐLĐ không xác định thời hạn và đồng thời không được ký kết HĐ thời vụ đối với công việc có tính chất thường xuyên từ 12 tháng trở lên.
Cách 2: Thay vì ký kết HĐ dịch vụ thì công ty có thể ký kết hợp đồng khoán việc với 2 cô thỏa thuận công việc và tiền phí DV cho công việc đó.(HĐDV không phải đóng BHXH, BHYT, BHTN).
Đối với việc lựa chọn cách 1 thì doanh nghiệp cần lưu ý hàng tháng thể hiện trên bảng chấm công sao đó tổng số giờ mà 2 cô làm việc không quá 14 ngày công theo cách tính ngày công mà công ty quy định. Còn đối với HĐDV, nếu mức thu nhập của 2 cô sau khi đã trừ đi mức giảm trừ gia cảnh mà số tiền nhận được trên 2.000.000 đồng/lần thì doanh nghiệp phải lưu ý khấu trừ 10% thuế TNCN trước khi trả tiền cho 2 cô tạp vụ.
Từ đó, ta có thể nhận thấy rằng không phải trường hợp nào doanh nghiệp cũng phải ký kết HĐLĐ mà doanh nghiệp có thể lựa chọn việc ký kết làm việc theo dạng HĐDV sao cho vừa đảm bảo được công việc mình cần mà mang lại lợi ích cho công ty.
Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về “Trả lương thấp hơn mức tối thiểu vùng đóng BHXH như thế nào?”
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Biên tập: Trần Thị Duyên
Cập nhật, bổ sung ngày 21.01.2021.
Người bổ sung: Lê Thị Tú Anh
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 6 Quyết định 595/QĐ-BHXH NĂM 2017
[2] Điều 32.3 BLLĐ 2019.
[3] Điều 3 NĐ 157/2018/NĐ-CP