Thủ tục yêu cầu tòa án tuyên bố phá sản của chủ nợ

Thủ tục yêu cầu tòa án tuyên bố phá sản của chủ nợ

Thủ tục yêu cầu tòa án tuyên bố phá sản của chủ nợ

Phá sản dường như là biện pháp cuối cùng của doanh nghiệp khi công ty kinh doanh thua lỗ không còn khả năng thanh toán. Tuy nhiên với chủ nợ, đây được xem là một biện pháp đòi nợ, giúp chủ nợ có thể thu lại được nguồn tiền của mình đối với những con nợ có khả năng trả nợ nhưng cố tình không trả nợ. Theo quy định của pháp luật về phá sản thì chủ nợ của doanh nghiệp cũng là người có quyền yêu cầu mở thủ tục phá sản tại Tòa án. Tuy nhiên, không phải mọi chủ nợ đều có quyền trên? Bên cạnh đó, chủ nợ có thể 100% thu lại khoản tiền của mình hay không? Và thủ tục phá sản đối với chủ nợ được thực hiện như thế nào, nhưng sẽ phát sinh những bất cập và có lợi ích gì nếu chủ nợ yêu cầu phá sản. Sau đây, Luật Nghiệp Thành sẽ tìm hiểu cùng bạn đọc nội dung trên.

  1. Đối tượng chủ nợ

Thứ nhất, chủ nợ nào có quyền nộp đơn yêu cầu tòa án mở thủ tục phá sản?

Chủ nợ không có bảo đảm, chủ nợ có bảo đảm một phần mới có quyền nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản khi hết thời hạn 03 tháng kể từ ngày khoản nợ đến hạn mà doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán.[1]

Thứ hai, chủ nợ có các quyền và nghĩa vụ như:[2]  cung cấp, thu thập, sao chụp các tài liệu chứng cứ phá sản; yêu cầu các cá nhân, tổ chức liên quan giao nộp tài liệu liên quan; đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình; đề nghị xem xét, đề nghị xác minh, thu thập tài liệu khi không thể tự thực hiện; tuân thủ yêu cầu của các cơ quan liên quan; nộp lệ phí phá sản; v.v…

Bạn đọc có thể tham khảo cụ thể tại Điều 18, 19 Luật Phá sản.

  1. Trình tự, thủ tục phá sản

 Bước 1: Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

– Nộp đơn yêu cầu tại Tòa án cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.

– Nộp lệ phí yêu cầu mở thủ tục phá sản là 1.500.000 đồng[3]

– Tạm ứng chi phí phá sản:

Trong đó, chi phí phá sản được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Và Tòa án nhân dân sẽ đưa ra mức tạm ứng chi phí phá sản trong từng trường hợp cụ thể ngoài ra Quản tài viên, doanh nghiệp thanh lý tài sản sẽ bán một số tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán để đảm bảo chi phí phá sản.[4]

=> Do Tòa án quyết định.

* Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với chủ nợ phải đảm bảo những nội dung sau:[5]

  1. Ngày, tháng, năm
  2. Tên Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết phá sản
  3. Tên, địa chỉ người làm đơn
  4. Tên, địa chỉ của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản
  5. Khoản nợ đến hạn

Lưu ý:

+Thứ nhất, Phải có chứng cứ để chứng minh là khoản nợ đến hạn và chủ nợ đã có yêu cầu thanh toán nhưng doanh nghiệp không có khả năng thanh toán.

Do đó, phải nộp kèm theo đơn các văn bản như: Văn bản đòi nợ của chủ nợ, văn bản khất nợ của doanh nghiệp. (Mục 2 Nghị quyết 03/2005/NQ-HDTP)

+ Thứ hai, các khoản nợ đến hạn gồm khoản nợ không có bảo đảm và có bảo đảm một phần (nhưng chỉ tính phần không có bảo đảm) => khoản nợ đó phải được các bên doanh nghiệp và chủ nợ xác nhận, có đầy đủ các giấy tờ và tài liệu để chứng minh và không có tranh chấp với nhau. (Mục 2 Nghị quyết 03/2005/NQ-HDTP)

Nếu chủ nợ có đề xuất chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản thì trong đơn phải ghi rõ tên, địa chỉ của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

* Hình thức nộp:[6]

– Trực tiếp

– Gửi qua bưu điện

Lưu ý: Ngày nộp đơn được tính từ ngày Tòa án nhận đơn hoặc ngày có dấu bưu điện nơi gửi

Bước 2: Phân công cho Thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản[7]

Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu,

Chánh án Tòa án nhân dân sẽ phân công cho một Thẩm phán hoặc Tổ thẩm phán (gồm 03 thẩm phán) giải quyết đơn.

Bước 3: Tòa án xử lý đơn[8]

Trong 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công cho thẩm phán giải quyết đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, nếu:

– Hồ sơ hợp lệ => Thẩm phán thông báo mở thủ tục phá sản

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đơn hợp lệ, Tòa án sẽ có thông báo nộp lệ phí, tạm ứng chi phí phá sản.

Chủ nợ phải nộp lệ phí, tạm ứng chí phí phá sản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thông báo nộp lệ phí.[9]

Cụ thể:

+ Nộp lệ phí phá sản cho cơ quan thi hành án dân sự;

+ Nộp tạm ứng chi phí phá sản vào tài khoản do Tòa án nhân dân mở tại ngân hàng.

– Hồ sơ không đầy đủ[10] => có thông báo sửa đổi, bổ sung[11]

– Trả lại đơn[12]

Việc thông báo xử lý đơn yêu cầu đều được thực hiện bằng văn bản cho người yêu cầu và cả doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Bước 4: Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản

Khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai tạm ứng chi phí phá sản thì Tòa án sẽ thụ lý đơn.[13]

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý đơn, Tòa án có thông báo cho các bên có liên quan về việc thụ lý đơn.

Bước 6: Quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản[14]

Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày thụ lý đơn, thì Thẩm phán sẽ ra quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản.

Thẩm phán sẽ ra quyết định mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

Document

Có thể trong trường hợp cần thiết, trước khi quyết định mở thủ tục phá sản, Thẩm phán sẽ triệu tập phiên họp với những người liên quan[15]

* Thông báo quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản[16]

Toà án chỉ ra quyết định mở thủ tục phá sản khi doanh nghiệp mất khả năng thanh toán

– Nếu có quyết định mở thủ tục phá sản:

Chủ nợ nộp đơn sẽ nhận được thông báo quyết định của tòa án và các cá nhân, tổ chức có liên quan.

– Nếu có quyết định không mở thủ tục phá sản:

Chủ nợ nộp đơn sẽ nhận được thông báo

Kể từ ngày Tòa án ra quyết định thì thời hạn gửi và thông báo quyết định là 03 ngày làm việc.

Bước 7: Chỉ định Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản[17]

Kể từ ngày ra quyết định mở thủ tục phá sản thì trong vòng 03 ngày làm việc Thẩm phán sẽ chỉ định Quản tài viên hoặc doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Các hoạt động của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản:

– Gíam sát doanh nghiệp khi doanh nghiệp tiếp tục hoạt động

– Nhận các báo cáo của doanh nghiệp trước khi thực hiện một số hoạt động nhất định[18]

Bước 8: Kiểm kê tài sản[19]

Kiểm kê tài sản và xác định giá trị tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán là do doanh nghiệp thực hiện, và sau đó được gửi cho Tòa án.

Nếu việc kiểm kê của doanh nghiệp là không chính xác thì Tòa án yêu cầu quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản xác định lại tài sản của doanh nghiệp.

Bước 9: Chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ[20]

Kể từ ngày Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản trong thời hạn 30 ngày, chủ nợ phải gửi giấy đòi nợ cho Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Trong đó,

+ Giấy đòi nợ gồm những nội dung như:

  1. Tên, địa chỉ, quốc tịch, căn cước của chủ nợ hoặc đại diện chủ nợ
  2. Tổng số nợ phải trả, bao gồm khoản nợ và khoản tiền lãi đến hạn nhưng chưa thanh toán; số nợ chưa đến hạn; số nợ có bảo đảm và phương thức bảo đảm; số nợ không có bảo đảm mà doanh nghiệp phải trả; khoản tiền bồi thường theo hợp đồng (nếu có)

Do chủ nợ và người đại diện hợp pháp của chủ nợ ký tên.

+ Tài liệu, chứng cứ chứng minh về khoản nợ đó

Sau đó, danh sách chủ nợ sẽ được niêm yết công khai tại trụ sở Tòa án, tại trụ sở doanh nghiệp, v.v…. Chủ nợ sẽ nhận được danh sách chủ nợ trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày niêm yết. Chủ nợ sẽ có quyền đề nghị xem xét lại danh sách chủ nợ.[21]

Và chủ nợ có quyền đề nghị Thẩm phán xem xét lại danh sách chủ nợ (trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn niêm yết), sau 03 ngày làm việc Thẩm phán phải xem xét, giải quyết đề nghị.

Bước 10: Hội nghị chủ nợ

Sau 20 ngày kể từ ngày kết thúc việc kiểm kê tài sản => Thẩm phán phải thông báo triệu tập Hội nghị chủ nợ, gửi cho người có liên quan chậm nhất là 15 Ngày trước ngày khai mạc Hội nghị.

Khi nhận được thông báo triệu tập Hội nghị chủ nợ và các tài liệu khác có liên quan thì Chủ nợ là người nộp đơn có nghĩa vụ phải tham gia Hội nghị chủ nợ. = > không tham gia có thể ủy quyền bằng văn bản cho người khác.

Điều kiện hợp lệ của hội nghị chủ nợ:

– Số chủ nợ tham gia đại diện cho ít nhất 51% tổng số nợ không có bảo đảm. (a)

– Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được phân công giải quyết thì phải tham gia hội nghị chủ nợ (b)

– Nếu không đáp ứng 2 điều kiện (a), (b) thì hoãn hội nghị chủ nợ, sau đó triệu tập lại Hội nghị chủ nợ lần 02 (trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hoãn). Nếu vẫn không đáp ứng thì Thẩm phán sẽ tuyên bố phá sản.

Tại Hội nghị chủ nợ: Chủ nợ hoặc người đại diện hợp pháp của mình sẽ trình bày ý kiến của mình về những vấn đề có liên quan đến quyền, nghĩa vụ của họ trong việc giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản. Và chủ nợ có quyền thành lập Ban đại diện chủ nợ.

Trong Nghị quyết sẽ đưa ra một trong 3 kết luận sau:

– Đình chỉ giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản (Khi doanh nghiệp không mất khả năng thanh toán)

– Phục hồi kinh doanh

– Tuyên bố phá sản

Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ được thông qua:

Có hơn nửa tổng số chủ nợ (không có bảo đảm) có mặt và đại diện cho từ 65% tổng số (không có bảo đảm) trở lên có biểu quyết tán thành.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tổ chức hội nghị chủ nợ, Tòa án nhân dân sẽ gửi Nghị quyết Hội nghị chủ nợ cho Viện kiểm sát và cá nhân, tổ chức liên quan trong đó có chủ nợ.

Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ có thể bị đề nghị, kiến nghị xem xét lại bởi những đối tượng trên.[22]

Bước 11: Tuyên bố phá sản với các trường hợp

– Phương án phục hồi hoạt động kinh doanh: Không thực hiện được và hết thời hạn thực hiện nhưng vẫn mất khả năng thanh toán[23]

– Thông qua nội dung tại Nghị quyết của Hội nghị chủ nợ là tuyên bố phá sản

– Hội nghị chủ nợ tổ chức lần 02 không đáp ứng đủ điều kiện

– Thủ tục rút gọn[24] (thủ tục trên được thực hiện khi doanh nghiệp không còn tiền, tài sản)

Bước 12: Thi hành quyết định tuyên bố phá sản

Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định tuyên bố phá sản, khi nhận được phân công thì Chấp hành viên sẽ thực hiện nhiệm vụ sau:[25]

– Mở tài khoản ngân hàng đứng tên cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền để gửi các khoản tiền thu hồi được của doanh nghiệp phá sản

– Giám sát quản tài viên, doanh nghiệp thanh lý, quản lý tài sản thực hiện thanh lý tài sản

– Thực hiện cưỡng chế thu hồi tài sản, giao tài sản cho người mua được tài sản trong vụ việc phá sản

– Sau đó Chấp hành viên sẽ phân chia tài sản theo quyết định tuyên bố phá sản.

Thứ nhất, Thanh lý tài sản

Thanh lý theo các phương thức như Định giá tài sản, Định giá lại tài sản, Bán tài sản.

Thời hạn để Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý TS thực hiện thanh lý tài sản là sau 02 năm nếu không thực hiện được thì việc thanh lý sẽ do Cơ quan thi hành án dân sự thực hiện thanh lý.[26]

Thứ hai, Sau khi nhận được báo cáo của Quản tài viên, DN quản lý, thanh lý TS về thanh lý tài sản thì Chấp hành viên thực hiện việc phân chia tài sản[27]

Thứ tự phân chia tài sản theo thứ tự sau: (1)*

  1. Chi phí phá sản;
  2. Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể đã ký kết;
  3. Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
  4. Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.

Nếu tài sản của doanh nghiệp sau khi thanh toán đủ các khoản trên thì phần còn lại sẽ thuộc về:

– Thành viên hợp tác xã, hợp tác xã thành viên;

–  Chủ doanh nghiệp tư nhân;

–  Chủ sở hữu công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên;

– Thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, cổ đông của công ty cổ phần;

– Thành viên của Công ty hợp danh.

Lưu ý:  Nếu giá trị tài sản không đủ để thanh toán theo quy định tại mục (1)* thì từng đối tượng cùng một thứ tự ưu tiên được thanh toán theo tỷ lệ phần trăm tương ứng với số nợ.

Trong quá trình giải quyết yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ nợ có quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, [28] nhưng phải có yêu cầu bằng văn bản nêu rõ lý do.

III. Mức tạm ứng chi phí phá sản là:[29]

Tạm ứng chi phí phá sản là khoản tiền do Tòa án nhân dân quyết định để đăng báo, tạm ứng chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Gồm Khoản tiền quyết định đăng báo + Chi phí Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản

Thứ nhất, Khoản tiền quyết định đăng báo do Tòa án thực hiện.

Thứ hai, Chi phí quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản:

Được thanh toán từ giá trị tài sản của doanh nghiệp mất khả năng thanh toán.

Bao gồm thù lao Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản (tính theo thời gian, công sức, kết quả, các phương thức như giờ làm việc, múc thù lao tọn gói, mức thù lao tính theo tỷ lệ % tổng giá trị TSDN) và chi phí khác.

Trong đó,

+ Thù lao Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được xác định theo Điều 21.4 Nghị định 22/2015

Nhưng việc xác định còn tùy vào từng trường hợp khác nhau như :

-Với trường hợp Tòa án ra quyết định đình chỉ thủ tục phá sản thì mức thù lao do Thẩm phán với quản tài viên, …. thỏa thuận và xem xét dựa vào mức thù lao.

– Trường hợp doanh nghiệp bị tuyên bố phá sản do hoãn hội nghị chủ nợ; nghị quyết hội nghị chủ nợ không được thông qua; Hội nghị chủ nợ không tổ chức lại được hoặc không thông qua được phương án phục hồi kinh doanh thì dựa theo tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý. Theo bảng dưới đây,

TTTổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lýMức thù lao
1Dưới 100 triệu đồng5% tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý
2Từ 100 triệu đồng đến 500 triệu đồng5 tháng lương cơ sở theo quy định của pháp luật về lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang + 4% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 100 triệu đồng
3Từ trên 500 triệu đồng đến 1 tỷ đồng20 tháng lương cơ sở theo quy định của pháp luật về lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang + 3% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 500 triệu đồng
4Từ trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng36 tháng lương cơ sở theo quy định của pháp luật về lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang + 2% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 1 tỷ đồng
5Từ trên 10 tỷ đến 50 tỷ đồngMức thù lao đối với tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý đến 10 tỷ đồng xác định theo mục 4 của Bảng này + 0,5% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 10 tỷ đồng
6Từ trên 50 tỷ đồngMức thù lao đối với tổng giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý đến 50 tỷ đồng xác định theo mục 5 của Bảng này + 0,3% của phần giá trị tài sản thu được sau khi thanh lý vượt quá 50 tỷ đồng.

– Trường hợp phương án phục hồi kinh doanh khác thì cũng theo mức thỏa thuận của Thẩm phán với Quản tài viên, doanh nghiệp, v….

+ Chi phí khác: bao gồm tiền tàu xe, lưu trú và các chi phí hợp lý khác cho việc thực hiện hoạt động quản lý, thanh lý tài sản. Việc thanh, quyết toán chi phí khác của Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

  1. Những lợi ích và bất lợi đối với chủ nợ khi doanh nghiệp tuyên bố phá sản
Lợi íchBất lợi
– Nhờ thủ tục phá sản, thì quá trình kiểm kê tài sản của doanh nghiệp sẽ được thực hiện cũng như các biện pháp bảo toàn tài sản, nhằm đảm bảo tài sản để phân chia và doanh nghiệp không thể chuyển đổi, tẩu tán và làm thất thoát tài sản.– Mất nhiều thời gian từ lúc nộp hồ sơ cho đến lúc có quyết định tuyên bố phá sản của Tòa án và thanh lý, phân chia tài sản, nếu bên doanh nghiệp phá sản yêu cầu xem xét, kiến nghị, v.v… đặc biệt là những vụ việc có tích chất phức tạp mà phải chuyển lên toà Thành phố/ Tỉnh[30]
– Chủ nợ có quyền yêu cầu Tòa án ra quyết định áp dụng một hoặc một số biện pháp khẩn cấp tạm thời để bảo toàn tài sản của doanh nghiệp[31], (nhưng phải có văn bản yêu cầu nêu rõ lý do và yêu cầu cụ thể.)

 

– Thứ tự phân chia tài sản cho chủ nợ không bảo đảm là gần cuối chỉ được xếp lên trên đối với chủ nợ có bảo đảm. Vì theo thứ tự ưu tiên phân chia tài sản thì doanh nghiệp khi bị tuyên bố phá sản sẽ phải chi trả các khoản chi phí ưu tiên khác như chi phí phá sản, khoản nợ lương, bảo hiểm; v.v….
– Nếu tài sản của doanh nghiệp thấp hơn số nợ hoặc bằng số nợ thì theo thứ tự phân chia tài sản cho đến chủ nợ thì chủ nợ sẽ khó thu được số nợ ban đầu hoặc tệ hơn là không có.

Ngoài ra, nếu có nhiều chủ nợ không bảo đảm thì khi tài sản còn để phân chia sẽ phải chia theo tỷ lệ % tương ứng với số nợ của từng chủ nợ.[32]

  1. Hậu quả pháp lý của việc tuyên bố phá sản của chủ nợ

Hậu quả pháp lý là kết cục tất yếu sẽ dẫn đến mà cá nhân, tổ chức phải gánh chịu trong trường hợp vi phạm pháp luật.

– Cụ thể tại Nghị định 82/2020 có quy định các hành vi vi phạm như sau:

Hành viMức phạt (đồng)
Vi phạm trách nhiệm của người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản[33]Nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản do không khách quan, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín, hoạt động kinh doanh của Doanh nghiệpPhạt tiền từ 5 – 10 triệu
Hành vi gian dối trong việc yêu cầu mở thủ tục phá sản, gây ảnh hưởng xấu đến danh dự, uy tín, hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã.Phạt tiền từ 10 – 20 triệu
Vi phạm quy định về tham gia hội nghị chủ nợ[34]Người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản không tham gia hội nghị chủ nợ, không ủy quyền cho người khác tham gia hội nghị chủ nợ mà không có lý do chính đángPhạt tiền 1 – 3 triệu
Vi phạm quy định về nghĩa vụ cung cấp tài liệu, chứng cứ[35]Không cung cấp đầy đủ, kịp thời tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc phá sản cho, chủ nợ, doanh nghiệp, hợp tác xã, Tòa án, Viện kiểm sát, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản đúng thời hạn quy định, trừ trường hợp có lý do chính đáng.Phạt tiền từ 1 – 3 triệu
Cung cấp không chính xác tài liệu, chứng cứ liên quan đến vụ việc phá sản cho chủ nợ, doanh nghiệp, hợp tác xã, Tòa án, Viện kiểm sát, quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản.

Nếu ta xem xét lại từ quy trình yêu cầu mở thủ tục phá sản cho đến khi thi hành quyết định phá sản thì tổng thời gian các trường hợp xem xét lại, kiến nghị, đề nghị, kiểm kê lại tài sản, hoãn hội nghị chủ nợ, phát sinh khác thì thời gian giải quyết là gần 01 năm (thời gian trên không tính việc kiểm kê tài sản của quản tài viên, doanh nghiệp thanh lý tài sản mất nhiều thời gian thì có thể cộng thêm tối đa là 02 năm).

Theo như thực tế, thì nếu vụ việc có tính chất phức tạp thì thời gian có thể kéo dài đến 06 năm. Bạn đọc có thể tham khảo tại Quyết định đã được công bố tại Tòa án nhân dân Tp.HCM tại đây.

Trên đây là nội dung tư vấn về “Thủ tục yêu cầu tuyên bố phá sản của chủ nợ”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Linh Chi

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận

[1] Điều 5.1 Luật Phá sản 2014

[2] Điều 18, 19 Luật Phá sản 2014

[3] Danh mục B.3 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14

[4] Điều 23 Luật Phá sản 2014, Điều 40 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14

[5] Điều 26 Luật Phá sản 2014

[6] Điều 30 Luật Phá sản 2014

[7] Điều 31 Luật Phá sản 2014

[8] Điều 32 Luật Phá sản 2014

[9] Điều 38 Luật Phá sản 2014

[10] Điều 34 Luật Phá sản 2014

[11] Khi không đầy đủ nội dung theo quy định tại Điều 26, 27, 28 hoặc 29 Luật Phá sản 2014

[12] Điều 35 Luật Phá sản 2014

[13] Điều 39 Luật Phá sản 2014

[14] Điều 42 Luật Phá sản 2014

[15] Là người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, chủ doanh nghiệp hoặc đại diện hợp pháp của doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản, cá nhân, tổ chức có liên quan để xem xét, kiểm tra các căn cứ chứng minh doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán.

[16] Điều 43 Luật Phá sản 2014

[17] Điều 45.1 Luật Phá sản 2014

[18] Quy định cụ thể tại Điều 49.Luật Phá sản 2014

[19] Điều 65 Luật Phá sản 2014

[20] Điều 66 Luật Phá sản 2014

[21] Điều 67 Luật Phá sản 2014

[22] Điều 85 Luật Phá sản 2014

[23] Điều 96.2 Luật Phá sản 2014

[24] Điều 105 Luật Phá sản 2014

[25] Điều 120 Luật Phá sản 2014

[26] Điều 121.4 Luật Phá sản 2014

[27] Điều 120.2.d Luật Phá sản 2014

[28] Điều 70 Luật Phá sản 2014

[29] Điều 4.14 Luật Phá sản 2014

[30] Điều 8.1.d Luật Phá sản 2014

[31] Điều 70 Luật Phá sản 2014

[32] Điều 54.3 Luật Phá sản 2014

[33] Điều 70 Nghị định 82/2020

[34] Điều 76 Nghị định 82/2020

[35] Điều 69 Nghị định 82/2020

Document
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*