Đóng thuế đối với giao dịch lan đột biến

Đóng thuế đối với giao dịch lan đột biến

Đóng thuế đối với giao dịch lan đột biến

Gần đây, trên các phương tiện thông tin đại chúng xuất hiện nhiều thông tin về các giao dịch mua bán “lan đột biến” với giá hàng chục thậm chí hàng trăm tỷ đồng gây xôn xao dư luận. Trong số đó, không ít đối tượng kinh doanh lách luật bằng cách trao đổi sản phẩm trồng trọt để không phải đóng thuế. Như vậy, một vấn đề đặt ra là các cơ quan thuế sẽ quản lí thu thuế đối với hoạt động này như thế nào để tránh thất thoát thuế. Để giải quyết trình trạng trên thì mới đây Tổng cục thuế đã có Công văn[1] yêu cầu Cục Thuế các tỉnh, thành phố thực hiện công tác quản lý thuế đối với giao dịch mua bán lan đột biến theo quy định pháp luật về thuế.

Sau đây, Luật Nghiệp Thành sẽ giúp bạn đọc nắm rõ các mức thuế đối với giao dịch này.

Giao dịch mua bán “lan đột biến” phát sinh của tổ chức và của hộ gia đình, cá nhân sẽ có mức đóng thuế khác nhau.

1.Giao dịch mua bán của tổ chức

a.Đóng Thuế Giá trị gia tăng (GTGT):[2]

– Nếu “Lan đột biến” do doanh nghiệp, tổ chức tự trồng và bán ra thì không chịu Thuế GTGT vì đây là sản phẩm trồng trọt do tổ chức tự bán ra nên thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT.[3]

– Nếu “Lan đột biến” do doanh nghiệp, hợp tác xã nộp Thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ:[4]

+ Không phải kê khai, tính nộp Thuế GTGT nếu bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã ở khâu kinh doanh thương mại. Trên hóa đơn GTGT, dòng giá bán là giá không có thuế GTGT, dòng thuế suất và thuế GTGT không ghi, gạch bỏ.

+ Kê khai, tính nộp Thuế GTGT theo mức thuế suất 5% nếu bán cho hộ, cá nhân kinh doanh và các tổ chức, cá nhân khác.

Phương pháp khấu trừ thuế trong trường hợp này áp dụng cho cơ sở kinh doanh đang hoạt động có doanh thu hàng năm từ bán lan đột biến từ 1 tỷ đồng trở lên và thực hiện đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ theo quy định và một số trường hợp cơ sở kinh doanh đăng ký tự nguyện nốp thuế theo phương pháp này.[5]

Căn cứ tính thuế GTGT theo phương pháp khấu trừ gồm có thuế GTGT đầu ra và đầu vào.

Số thuế GTGT phải nộp=Số thuế GTGT đầu raSố thuế GTGT đầu vào được khấu trừ

Trong đó:

Số thuế GTGT đầu ra = Giá tính thuế của hàng “lan đột biến bán ra (x) với thuế suất (5%)

Document

Số thuế GTGT đầu vào được khấu trừ là tổng số thuế GTGT mà cơ sở đã nộp hộ người tiêu dùng cuối cùng khi mua hàng, các khoản thuế này được ghi trên hóa đơn mua hàng trong kỳ.

– Nếu doanh nghiệp, hợp tác xã và tổ chức kinh tế khác nộp theo phương pháp trực tiếp và bán ở khâu kinh doanh thương mại thì kê khai, tính nộp Thuế GTGT theo tỷ lệ 1% trên doanh thu.[6] Khi đó, Phương pháp trực tiếp áp dụng cho các tổ chức sau:[7]

– Doanh nghiệp, hợp tác xã đang có doanh thu hàng năm dưới 1 tỷ đồng hoặc mới thành lập.

– Hộ, cá nhân kinh doanh có doanh thu hàng năm hơn 100 triệu đồng.

– Tổ chức, cá nhân nước ngoài và các tổ chức khác không thực hiện hoặc, thực hiện không đầy đủ chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ.

– Tổ chức kinh tế khác trừ trường hợp đăng ký theo phương pháp khấu trừ.

b.Đóng Thuế Thu nhập Doanh nghiệp (TNDN)

– Tổ chức, doanh nghiệp có thu nhập từ việc bán “Lan đột biến” thì phải nộp Thuế TNDN theo quy định. Tuy nhiên vẫn có trường hợp tổ chức, doanh nghiệp được miễn thuế TNDN nếu thuộc các trường hợp sau:[8]

+ Thu nhập của hợp tác xã từ trồng “Lan đột biến” hoặc ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn; đặc biệt khó khăn;

+ Thu nhập của doanh nghiệp từ trồng “Lan đột biến” ở địa bàn có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn;

2.Giao dịch mua bán của hộ gia đình, cá nhân

– Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh có giao dịch mua bán “Lan đột biến” thì thuộc diện điều chỉnh của Thuế GTGT và Thuế TNCN theo quy định về hoạt động kinh doanh. Theo đó, hộ, cá nhân kinh doanh chỉ phải nộp thuế TNCN, thuế GTGT khi doanh thu trên 100 triệu đồng/năm.[9] Thuế GTGT và Thuế TNCN của hộ, cá nhân kinh doanh theo phương pháp khoán sẽ gồm doanh thu và tỷ lệ tính thuế trong đó tỷ lệ Thuế GTGT là 1%; tỷ lệ Thuế TNCN là 0,5%.

Bạn đọc tham khảo bài viết Thuế của hộ kinh doanh

– Nếu hộ gia đình, cá nhân trực tiếp trồng bán “lan đột biến” thì không chịu thuế GTGT và được miễn Thuế TNCN.[10]

Từ các quy định trên có thể thấy, các loại lan đột biến do người dân tự trồng, chăm sóc và bán ra thì đều được miễn thuế, không chịu thuế dù giá cao đến đâu. Cá nhân, tổ chức mua bán lan đột biến chỉ bị tính thuế khi họ là bên trung gian mua lại của người sản xuất  và bán cho bên thứ 3. Khi đó, cá nhân, tổ chức mua bán lan đột biến sẽ phải đóng thuế TNDN/TNCN và thuế GTGT.

Hơn nữa cũng nhận thấy, “lan đột biến” là cây trồng thuộc lĩnh vực nông nghiệp nên được hưởng chính sách ưu đãi thuế ở mức cao nhất đối với lĩnh vực nông nghiệp (các trường hợp miễn thuế, không chịu thuế, chịu mức thuế suất thấp nhất). Qua đó góp phần thu hút đầu tư, phát triển lĩnh vực nông nghiệp và hỗ trợ người dân hơn.

Thực trạng giao dịch “lan đột biến” hiện nay

Thời gian vừa qua, những thương vụ giao dịch lan đột biến có giá trị lên đến vài chục tỷ, thậm chí cả trăm tỷ đồng ở các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Tuyên Quang… làm những người chơi và trồng lan vô cùng bất ngờ. Bên cạnh việc đem lại nguồn thu lớn cho người dân thì việc mua bán giá trị cao cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro.

Việc tự do định giá là cơ hội cho các đối tượng lợi dụng để “thổi giá” gây sự hấp dẫn giả tạo để kích thích, dẫn dụ người mới chơi nhằm mục đích trục lợi. Người dân hiện chỉ vì lợi trước mắt mà bất chấp rủi ro để đi vay, kêu gọi các nguồn tiền đổ xô trồng đầu tư, mua bán “lan đột biến” thì khi giá lan đột biến rớt xuống thì người dân sẽ bị điêu đứng bởi có nhiều người đi vay mượn để đầu tư. Nếu không bán được, hay bán quá rẻ thì sẽ lâm vào cảnh nợ nần.

Sự thật là qua điều tra, theo dõi các giao dịch, của Công an các tỉnh đã bước đầu phát hiện một số vụ là lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Những đối tượng mua bán này đã sử dụng phương thức tinh vi khi tách lan đột biến thật gắn vào gốc lan phi điệp thường bằng keo dán đã lừa đảo, chiếm đoạt hàng trăm triệu, hàng tỉ đồng của nhiều người. Có thể thấy, giao dịch Lan đột biến giá cao tiềm ẩn nguy cơ gây phức tạp tình hình an ninh trật tự như là vỡ nợ dây chuyền và có thể dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật khác như đòi nợ thuê, trộm cắp, cướp giật tài sản,..

Như vậy, người dân phải hết sức thận trọng trong việc giao dịch “lan đột biến”, cần phải tỉnh táo, tìm hiểu kỹ thông tin về giá cả để tránh những rủi ro và thiệt hại như trên.

 

Trên đây là nội dung tư vấn về: “Đóng thuế dối với giao dịch lan đột biến”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, chia sẻ, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Khánh Như

Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi

Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận

[1] Công văn 833/TCT-DNNCN

[2] Điều 1.a Công văn 833/TCT-DNNCN

[3] Điều 5.1 Luật Thuế GTGT 2008

[4] Điều 5.5 đoạn 1,2 Thông tư 219/2013/TT-BTC

[5] Điều 12 Thông tư 219/2013/TT-BTC

[6] Điều 5.5 đoạn 3 Thông tư 219/2013/TT-BTC

[7] Điều 13.2 Thông tư 219/2013/TT-BTC

[8] Điều 4.1 Văn bản hợp nhất  14/VBHN-VPQH Luật Thuế TNDN

[9] Điều 1.2 Thông tư 92/2015/TT-BTC

[10] Điều 1.1 Luật 106/2016/QH13 và Điều 4.5 Luật Thuế TNCN 2007

Document
Categories: Thuế

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*