Thủ tục đăng ký khai sinh cho con riêng trong thời kỳ hôn nhân

Thủ tục đăng ký khai sinh cho con riêng trong thời kỳ hôn nhân

Thủ tục đăng ký khai sinh cho con riêng trong thời kỳ hôn nhân

Tình huống: Khách hàng nam làm tư nhân cần tư vấn: “Tôi đã có vợ và 2 con gái, do vợ làm công chức nên gia đình tôi không được sinh thêm con thứ 3. Tôi vừa mới có con trai với một người phụ nữ khác. Giờ tôi muốn làm giấy khai sinh cho con có tên của tôi và mẹ của đứa trẻ. Mong Luật sư tư vấn”

Trả lời: Đối với trường hợp này chúng tôi xin phép tư vấn bạn như sau:

Người con thứ 3 mà bạn vừa có cùng với người phụ nữ kia theo pháp luật được gọi là con ngoài giá thú. Con ngoài giá thú là con được sinh ra bởi người cha và người mẹ không có quan hệ hôn nhân, không được đăng ký kết hôn hợp pháp theo quy định của pháp luật.

Theo pháp luật Hộ tịch hiện hành, thì việc đăng ký khai sinh không bắt buộc hai bên cha mẹ phải có giấy chứng nhận đăng ký kết hôn. Tức, không có sự phân biệt con trong giá thú hay ngoài giá thú trong việc đăng ký khai sinh cho con. Hơn nữa, trẻ em sinh ra có quyền được khai sinh, được có quốc tịch[1], được bảo vệ, chăm sóc, nuôi dưỡng và nhiều quyền lợi khác nữa[2]. Nên, cho dù trong trường hợp bạn có thêm người con thứ 3 (đứa bé là con ngoài giá thú), đồng thời bạn hiện vẫn đang có gia đình hợp pháp với vợ của mình thì đứa bé ấy vẫn có quyền được đăng ký khai sinh và ghi tên của người bố và mẹ mình trên giấy khai sinh.

Hiện tại, bạn muốn làm giấy khai sinh cho con, bao gồm cả tên của bạn và người phụ nữ kia, thì trước tiên, bạn cần làm thủ tục nhận con bao gồm tờ khai nhận con[3]; giấy tờ hoặc tài liệu chứng minh quan hệ cha con (thư từ, phim ảnh, vật dụng, văn bản cam đoan của cha, mẹ về việc đứa bé là con chung, giám định y tế hoặc ít nhất là 2 người thân thích của cha, mẹ làm chứng,…)[4] tại Ủy ban nhân dân cấp xã[5] và sau đó tiếp tục thực hiện các thủ tục đăng ký khai sinh cho con như bình thường. Vì con bạn còn nhỏ cho nên chúng tôi cho rằng việc chứng minh mối quan hệ cha con nên được thực hiện tại Tòa án hoặc làm xét nghiệm ADN. Hơn nữa, trên thực tế thì việc thực hiện thủ tục trên tại Tòa án và cơ quan xét nghiệm ADN cũng phổ biến hơn cả.

Chúng tôi sẽ phân tích một số điểm ưu và nhược của việc thực hiện thủ tục xác nhận mối quan hệ cha con tại Tòa án và các cơ quan xét nghiệm ADN, hy vọng sẽ phần nào giúp bạn đưa ra được lựa chọn hợp lý nhất cho mình.

1) Ưu và nhược điểm của việc thực hiện thủ tục công nhận mối quan hệ cha con tại Tòa án

– Ưu điểm:

+ Tòa án là một trong những cơ quan tư pháp của Nhà nước. Hầu hết việc thực hiện các thủ tục tại Tòa án, một khi Tòa đã đưa ra bản án hoặc quyết định thì chúng thường có hiệu lực thi hành và có giá trị bắt buộc đối với những người có liên quan.

+ Các thủ tục tại Tòa án thường tuân thủ theo những quy trình nghiêm ngặt về hình thức, thủ tục, thẩm quyền. Cho nên, khi cha-mẹ thực hiện cam kết về mối quan hệ cha-con tại Tòa án sẽ được nhiều người tin tưởng và công nhận hơn cả.

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

+ Hầu hết việc mở phiên họp và các thủ tục thực hiện tại Tòa án được thực hiện với nguyên tắc công khai. Cho nên, ngoài cha-mẹ, những người khác cũng có thể chứng kiến việc Tòa án giải quyết và ra quyết định. Điều này góp phần thể hiện sự rõ ràng, minh bạch, ít có gian lận hay sai sót.

+ Chi phí làm thủ tục tại Tòa án chỉ vài trăm ngàn đồng, đảm bảo cho mọi người đều có thể thực hiện thủ tục này.

– Nhược điểm:

+ Trên thực tế, có nhiều trường hợp, khi người phụ nữ có mối quan hệ tình cảm và quan hệ tình dục với nhiều người đàn ông trong cùng một thời điểm. Thì cam kết của cha-mẹ tại Tòa án nhằm công nhận mối quan hệ cha con chưa chắc đã xác định đúng được cha đẻ của đứa bé.

2) Ưu và nhược điểm khi tiến hành xét nghiệm ADN

– Ưu điểm:

+ Việc thực hiện xét nghiệm ADN thường được thực hiện bằng hệ thống máy móc, thiết bị hiện đại, tuân theo những quy chuẩn y tế nghiêm ngặt. Cho nên, kết quả đưa ra thường đạt được độ chính xác cao. Với cam kết kết quả chính xác 99,99%, điều này sẽ đem lại sự an tâm, tin tưởng gần như tuyệt đối đối với mọi người.

+ Hiện nay ở hầu hết mọi nơi, các bệnh viện, trung tâm giám định, xét nghiệm ADN xuất hiện ngày càng nhiều. Điều này sẽ đảm bảo linh hoạt, tiện lợi về mặt thời gian, khoảng cách cho mọi người hơn. Những người ở xa không phải lo ngại việc phải vào thành phố lớn để xét nghiệm ADN, phải thu xếp thời gian và công việc.

+ Hiện nay, chi phí xét nghiệm đã giảm nhiều so với trước. Cho nên, nhiều người sẽ có điều kiện được tiến hành xét nghiệm AND.

– Nhược điểm:

+ Trên thực tế, đã có trường hợp gửi mẫu xét nghiệm, nhưng đã bị tráo đổi với mẫu của người khác trước khi đến phòng xét nghiệm nhằm thay đổi kết quả có lợi cho một người nào đó, hoặc khi trải qua nhiều khâu, nhiều bước xét nghiệm đã dẫn đến sự nhầm lẫn, sai lệch kết quả.

+ Cũng bởi vì hiện tượng các trung tâm xét nghiệm ADN hiện nay “mọc lên như nấm”. Tuy nhiên, ở nhiều trung tâm lại chưa có phòng xét nghiệm huyết thống. Nên khi bạn đến những trung tâm này gửi mẫu xét nghiệp. Đơn vị này sẽ nhận mẫu và thu tiền, rồi sau đó lại gửi mẫu đến nơi khác để tiến hành xét nghiệm mẫu thử. Việc xê dịch, trải qua nhiều nơi xử lý khiến cho các mẫu xét nghiệm dễ bị lẫn lộn. Từ đó, việc dẫn đến kết quả sai lệch là hoàn toàn có thể xảy ra.

+ Cũng chính bởi việc nhận mẫu xét nghiệm giùm cho các trung tâm chưa trang bị các thiết bị xét nghiệm huyết thống. Cho nên, nhiều khi người tiến hành xét nghiệm cũng không chú trọng, chu đáo, xem xét kỹ kết quả. Bởi vì, họ không phải là người trực tiếp chịu trách nhiệm với phía khách hàng. Nếu có sai sót và không được phát hiện ra, thì điều này thật sự rất thiệt thòi cho khách hàng.

+ Trên phiếu trả kết quả xét nghiệm huyết thống thường chỉ thể hiện kết quả xác nhận 2 mẫu xét nghiệm đó là “cùng huyết thống” hoặc “không cùng huyết thống”, đồng thời kết quả chỉ được cam kết chính xác 99,99%. Ngoài ra, không thể hiện thêm bất cứ nội dung nào. Điều này chưa thực sự đem lại kết quả chính xác và sự tin tưởng tuyệt đối cho khách hàng.

Theo quy định của pháp luật Hộ tịch hiện hành thì thời hạn công nhận văn bản cam kết của cha và mẹ đứa bé nhằm công nhận mối quan hệ cha-con tại Tòa án là 5 ngày với mức phí là 300.000 đồng. Sau thời hạn này Tòa án có trách nhiệm gửi văn bản kèm trích lục bản án hoặc bản sao quyết định đến Ủy ban nhân dân nơi đứa bé sinh sống để tiếp tục thực hiện các thủ tục làm giấy khai sinh[6].

Còn đối với trường hợp xét nghiệm ADN xác định huyết thống: Tùy thuộc vào gói xét nghiệm và mẫu xét nghiệm mà khách hàng gửi đến thì chi phí xét nghiệm sẽ có mức từ 3 triệu – khoảng 10 triệu đồng. Thời hạn trả kết quả ADN hiện nay cũng được rút ngắn nhiều so với trước, thông thường sẽ từ 2-7 ngày.

Hy vọng với những chia sẻ nêu trên, Luật Nghiệp Thành sẽ giúp bạn đưa ra được sự lựa chọn phù hợp nhất cho mình trong việc thực hiện thủ tục xác nhận quan hệ huyết thống để làm giấy khai sinh cho con.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về vấn đề “Thủ tục cha làm khai sinh cho con ngoài giá thú?”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

Biên tập: Võ Thị Minh Thương.

Người hướng dẫn: Luật sư Thuận

 

[1] Điều 13 Luật Trẻ em 2016

[2] Điều 4 Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em về không phân biệt đối xử với trẻ em 2004

[3] Điểm a, khoản 1, Điều 12 Thông tư 15/2015/NĐ-CP

[4] Điều 11 Thông tư 15/2015/NĐ-CP

[5] Khoản 1, Điều 25 Nghị định 123/2015/NĐ-CP

[6] Khoản 1, Điều 30, Luật Hộ tịch

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Categories: Gia Đình

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*