Quy định về thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Quy định về thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Quy định của pháp luật về thiết bị giám sát hành trình tàu cá

Kể từ ngày 01/01 năm nay, tất cả các tàu cá với chiều dài tối đa từ 15m trở lên bắt buộc phải gắn thiết bị giám sát hành trình[1]. Cụ thể, từ ngày 01/01/2019 – 01/07/2019 là thời hạn cho các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên lắp thiết bị giám sát. Đối với tàu làm nghề lưới kéo, câu cá ngừ đại dương có chiều dài lớn nhất từ 15m – dưới 24m, thời hạn này là trước ngày 01/01/2020. Còn các tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m – dưới 24m thì phải lắp trước ngày 01/04/2020[2].

Thiết bị giám sát hành trình là gì?

Thiết bị giám sát tàu cá hiểu đơn giản là thiết bị ghi nhận, lưu trữ, và truyền tải tín hiệu về vị trí, tốc độ, hướng đi của tàu về trung tâm dữ liệu giám sát tàu cá[3]. Thiết bị này có cơ chế hoạt động tương tự với điện thoại, máy fax…và có tên gọi chung là các thiết bị đầu cuối[4].

Có các loại thiết bị giám sát hành trình nào?

Trên thị trường hiện nay có nhiều loại thiết bị giám sát hành trình tàu cá khác nhau, chẳng hạn:

Vifish.18: là thiết bị do Công ty TNHH MTV Thông tin Điện tử Hàng hải Việt Nam (VISHIPEL) nghiên cứu và phát triển. Với các tính năng như: theo dõi trực tuyến hành trình, lịch sử hành trình của tàu; nhận báo động cấp cứu từ tàu; nhận cảnh báo khi tàu đi vào vùng cấm đánh bắt, vùng biển nước ngoài; xem thông tin thời tiết…

ZuniVN-01: là thành quả của sự hợp tác nghiên cứu, chế tạo và sản xuất giữa Viện Khoa học và Công nghệ khai thác Thủy sản – trường Đại học Nha Trang và Công ty Zunibal. Mỗi 60 phút sẽ tự cập nhập thông tin tàu và rồi gửi về bờ thông qua vệ tinh. Kết hợp khả năng chống nước, chống chìm, khóa từ…

TG102LE: sản phẩm do VietGlobal – với hơn 10 năm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh thiết bị giám sát phát triển. Sản phẩm có những tính năng nổi bật như: xác định vị trí tàu qua điện thoại (hoặc máy tính) có kết nối internet; xác định vận tốc của tàu tại những thời điểm khác nhau; giám sát đóng mở cửa tàu, tắt mở động cơ; lưu lộ trình di chuyển của tàu trong 12 tháng.

Ngoài ra còn có các thiết bị khác như: Icom, Movimar, S-Tracking, VX-1700 …

Mục đích của việc lắp thiết bị giám sát là gì?

Lắp đặt thiết bị giám sát tạo thuận lợi cho công tác quản lý tàu cá.

Ngày 02/05/2019 Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn đã giao 31.541 giấy phép khai thác thủy sản tại vùng khơi cho các tỉnh thành trên cả nước[5]. Số lượng này về sau còn được một số tỉnh kiến nghị xem xét lại để tăng thêm. Điều này cho thấy số lượng tàu cá của Việt Nam ở thời điểm hiện tại đang rất lớn. Mà số lượng càng lớn thì đương nhiên càng cần nhận được quan tâm từ phía chính quyền. Việc lắp đặt thiết bị giám sát tàu cá sẽ tạo tiền đề cho các công tác quản lý tàu trong giai đoạn hậu đăng ký, đăng kiểm, nhất là đối với các tàu khai thác tại vùng khơi, vùng biển cả[6].

Hai rủi ro thường gặp nhất của tàu cá khai thác xa bờ là rủi ro đối với thiên nhiên, và rủi ro đối với chính quyền nước ngoài. Vì hoạt động xa so với đất liền do đó khi gặp các đợt sóng lớn, mưa bão thất thường, hoặc thủy thủ đoàn mắc bệnh nặng…tàu cá đương nhiên sẽ phải tự thân vận động mà không nhận được bất kỳ sự trợ giúp nào từ phía đất liền. Việc theo dõi thông tin về vị trí của tàu cá thông qua hệ thống định vị sẽ giúp công tác ứng cứu được thực hiện kịp thời nếu có xảy ra bất kỳ tình huống bất trắc nào. Ngoài ra việc theo dõi tàu khai thác thủy sản sẽ giúp hạn chế tình trạng tàu cá khai thác sai vùng, khai thác trái phép tại vùng biển quốc gia khác… từ đó làm căn cứ xử phạt hành chính.

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Những khó khăn khi triển khai?

Khó khăn lớn nhất hiện nay là về vấn đề tài chính. Hiện tại một thiết bị giám sát hành trình có giá dao động vào khoảng một triệu đồng, chưa tính chi phí lắp đặt cùng các loại phí khác được dùng để duy trì và bảo dưỡng để đảm bảo thiết bị này hoạt động liên tục.

Chẳng hạn với sản phẩm TG102LE, hiện tại có giá 1.200.000 đồng, tuy nhận được những ưu đãi từ phía nhà cung cấp như bảo hành 05 năm, tặng 01 năm sử dụng hệ thống GPS[7]…Nhưng sau khi thôi nhận được sự hỗ trợ từ phía nhà cung cấp, chủ tàu sẽ phải chi trả chi phí để sử dụng hệ thống GPS hàng tháng (350.000 – 1.200.000 đồng/tháng tùy nhà cung cấp[8]). Nhà nước cũng không thể hỗ trợ hết cho các tàu cá, vì với số lượng 31.451 giấy phép khai thác, số tiền hỗ trợ mỗi năm sẽ lên đến hàng trăm tỷ[9].

Bên cạnh đó là khó khăn về nguồn cung cấp năng lượng cho các thiết bị giám sát. Đa số các tàu cá của nước ta hiện nay đều là tàu vừa và nhỏ, sử dụng năng lượng được cung cấp từ ắc quy. Cơ chế hoạt động của ắc quy là sạc và xả điện năng, nếu ắc quy hết nguồn năng lượng dự trữ thì sẽ không thể sạc vì tàu đang trên biển. Trong khi đó các máy giám sát hành trình lại luôn cần hoạt động 24/24.

Nếu không lắp thì bị xử phạt như thế nào?

Theo quy định hiện hành chủ tàu cá là đối tượng bị xử phạt nếu có hành vi vi phạm liên quan đến thiết bị giám sát tàu cá. (Lưu ý mức phạt dưới đây là dành cho cá nhân, mức phạt đối với tổ chức gấp đôi mức phạt đối với cá nhân[10]).

HÀNH VIMỨC XỬ PHẠT

(Đơn vị: triệu đồng)

Tháo thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá mà không có sự giám sát của đơn vị cung cấp, lắp đặt thiết bị[11].3 – 5.

30 – 50 đối với hành vi tái phạm, vi phạm nhiều lần.

Không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển đối với tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 15m – dưới 24m, trừ trường hợp bất khả kháng[12];

Không thực hiện quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hỏng[13];

Không báo cáo hoặc báo cáo không đúng về việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá cho cơ quan quản lý để thực hiện kiểm tra theo quy định;

Không thực hiện kẹp chì khi lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá theo quy định hoặc không thông báo mẫu kẹp chì cho cơ quan quản lý theo quy định[14];

20 – 30.
Cung cấp thiết bị giám sát hành trình cho ngư dân không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật theo quy định[15].300 – 500.
Tàu có chiều dài lớn nhất từ 15m – dưới 24m không trang bị thiết bị giám sát[16];

Tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên không duy trì hoạt động hoặc vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động[17].

300 – 500.

500 – 700[18] đối với hành vi tái phạm, vi phạm nhiều lần.

Tàu có chiều dài lớn nhất từ 24m không trang bị thiết bị giám sát[19].800 – 1.000.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành đối với Quy định của pháp luật về thiết bị giám sát tàu cá.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Huỳnh Thái Sơn.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

[1] Điều 50.2.đ; Điều 104.1 Luật Thủy sản 2017.

[2] Điều 44.3.e Nghị định 26/2019/NĐ-CP.

[3] Điều 3.6 Nghị định 26/2019/NĐ-CP.

[4] Terminal Equipment.

[5] Thông qua Quyết định 1481/QĐ-BNN-TCTS.

[6] Để tìm hiểu thêm về vùng khơi và các tàu nào có thể khai thác thủy sản tại vùng khơi, bạn đọc có thể xem qua bài viết Quy định về vùng khai thác thủy sản.

[7] VietGlobal. Thiết bị giám sát hành trình tàu cá. Xem ngày 05.07.2019, tại: http://vgl.com.vn/tin-tuc/thiet-bi-giam-sat-hanh-trinh-tau-ca-2/.

[8] Số liệu vào tháng 06/2018. Trang thông tin điện tử Tổng cục Thủy sản. 14.06.2018. Thiết bị giám sát tàu cá Zuni: Giải pháp hữu hiệu cho quản lý, an toàn tàu cá và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản Việt Nam. Xem ngày 08/07/2019, tại: https://tongcucthuysan.gov.vn/vi-vn/khait%C3%A1c-th%E1%BB%A7y-s%E1%BA%A3n/-khai-th%C3%A1c/doc-tin/010806/2018-06-14/Banner%20002.

[9] Với mức phí 350.000 đồng/tháng, tổng chi phí hỗ trợ cho 31.451 tàu cá trong một năm sẽ là: 350.000 x 31.451 x 12 = 132.094.200.000 đồng.

[10] Điều 5 Nghị định 42/2015/NĐ-CP.

[11] Điều 35.1 Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

[12] Có thể bị phạt bổ sung: tước quyền sử dụng văn bằng, chứng chỉ thuyền trưởng tàu cá từ 03 tháng đến 06 tháng.

[13] Trừ trường hợp bất khả kháng.

[14] Điều 35.1 Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

[15] Điều 20.1.e Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

[16] Điều 20.1.c Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

[17] Trừ trường hợp bất khả kháng. Xem thêm Điều 20.1.d Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

[18] Điều 20.2 Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

[19] Điều 20.3.g Nghị định 42/2019/NĐ-CP.

 

 

 

 

 

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Categories: Cá Nhân

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*