Hỗ trợ pháp lý miễn phí, Doanh nghiệp được gì?

Hỗ trợ pháp lý miễn phí, Doanh nghiệp được gì?

Hỗ trợ pháp lý miễn phí, Doanh nghiệp được gì?

Hỗ trợ pháp lý miễn phí

Ngày 24 tháng 06 năm 2019, Chính phủ đã ban hành văn bản quy định về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp[1]. Những quy định trong văn bản này ra đời nhằm sửa đổi bổ sung một số điểm cần hoàn thiện của văn bản cũ[2] và đưa khái niệm “Hỗ trợ pháp lý” đến gần hơn đối với công chúng.

Vào ngày 16 tháng 08 năm 2019, những quy định này sẽ chính thức có hiệu lực, theo đó:

  1. Hỗ trợ pháp lý là gì?

Hỗ trợ pháp lý là việc các tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ[3] có trách nhiệm thực hiện và tổ chức thực hiện các hoạt động nhất định (sẽ được trình bày ngay sau đây) nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức và thói quen tuân thủ pháp luật, hạn chế rủi ro, vướng mắc pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp và hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật[4].

Mỗi chương trình hỗ trợ pháp lý sẽ kéo dài 05 năm kể từ ngày được phê duyệt[5].

Với những quy định mới, “hỗ trợ pháp lý” được khái niệm hóa thay vì chỉ liệt kê như trước. Đây là tiền đề thuận lợi cho việc tiếp cận và thực hiện các quy định bởi nó mang đến một cách nhìn tổng quan hơn, cho phép tùy nghi tại một số trường hợp thay vì chỉ gói gọn trong phạm vi các hoạt động được ấn định trước.

  1. Các hình thức hỗ trợ pháp lý

Nếu dựa vào phạm vi, hỗ trợ tư pháp được phân thành 03 loại: chương trình hỗ trợ pháp lý trong phạm vi liên ngành, phạm vi nội Bộ, và phạm vi địa phương[6].

Nếu dựa vào nội dung và cách thức hoạt động, hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được chia làm hai loại:

2.1. Xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng cơ sở dữ liệu pháp luật

Hình thức hỗ trợ này được thực hiện thông qua việc xây dựng, quản lý, duy trì, cập nhật, khai thác và sử dụng:

+ Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật. Hiện nay website https://vbpl.vn là nơi cập nhật tất cả các văn bản quy phạm pháp luật được ban hành, bao gồm cả các văn bản của các tỉnh, thành phố. Tất nhiên số văn bản sẽ không đầy đủ, nhưng website này đã và đang trở thành một nguồn tra cứu hữu ích cho mọi người.

+ Cơ sở dữ liệu về vụ việc, vướng mắc pháp lý. Hiện tại các bản án, quyết định của Tòa án được tập hợp tại website https://congbobanan.toaan.gov.vn. Đối với các Quyết định của trọng tài thương mại; các văn bản trả lời của cơ quan Nhà nước[7] đối với các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong quá trình áp dụng pháp luật…thì vẫn chưa có nguồn cung cấp chính thống. Chúng phân bố rải rác trên trang điện tử của các cơ quan, tổ chức Nhà nước và các website độc lập của tư nhân, tổ chức phi chính phủ.

+ Văn bản tư vấn pháp luật của mạng lưới tư vấn viên pháp luật[8] và hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật. Mạng lưới tư vấn viên pháp luật theo lĩnh vực quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ được công khai trên cổng thông tin của Bộ, cơ quan ngang Bộ đó. Mạng lưới này bao gồm luật sư, tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn viên pháp luật, trung tâm tư vấn pháp luật đủ điều kiện hành nghề tư vấn pháp luật theo quy định của pháp luật.

Theo quy định mới, các tổ chức cá nhân vừa đề cập chỉ cần tự nguyện thông báo tham gia chương trình hỗ trợ pháp lý[9] và được Bộ, cơ quan ngang Bộ công bố công khai thông tin thì sẽ được quyền ký kết các hợp đồng tư vấn pháp lý đối với doanh nghiệp nhỏ và vừa. Chi tiết về trình tự và thủ tục đăng ký hỗ trợ pháp lý có lẽ cần chờ Chính phủ ban hành các văn bản hướng dẫn sau này. Hiện tại chỉ có quy định về trình tự thủ tục xin được hỗ trợ pháp lý.

  • Thủ tục xin được hỗ trợ pháp lý:

Sau khi thỏa thuận dịch vụ tư vấn pháp luật với tư vấn viên pháp luật thuộc mạng lưới trên, doanh nghiệp nhỏ và vừa gửi hồ sơ đến Bộ, cơ quan ngang Bộ quản lý tư vấn viên đó để đề nghị hỗ trợ chi phí tư vấn pháp luật về vụ việc, vướng mắc. Hồ sơ đề nghị bao gồm:

  1. a) Tờ khai xác định doanh nghiệp siêu nhỏ, doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp vừa theo Mẫu.
  2. b) Bản chụp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
  3. c) Hợp đồng dịch vụ tư vấn pháp luật giữa tư vấn viên pháp luật và doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong đó nêu rõ nội dung tư vấn, phí dịch vụ tư vấn.
  • Mức hỗ trợ[10]:
LOẠI DOANH NGHIỆPCHI PHÍ HỖ TRỢ[11]
Doanh nghiệp siêu nhỏ.100% nhưng không quá 3.000.000 đồng/năm.
Doanh nghiệp nhỏ.30% nhưng không quá 5.000.000 đồng/năm.
Doanh nghiệp vừa.10% nhưng không quá 10.000.000 đồng/năm.
Hộ kinh doanh chuyển đổi sang doanh nghiệp nhỏ và vừa.100% phí tư vấn, hướng dẫn hồ sơ, thủ tục thành lập doanh nghiệp[12].

100% phí quy trình, thủ tục việc cấp phép lần đầu đối với doanh nghiệp kinh doanh ngành nghề có điều kiện.

100% phí tư vấn về thủ tục hành chính thuế và chế độ kế toán trong 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu[13].

Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo[14].Hỗ trợ 100% giá trị của:

+ Hợp đồng tư vấn về thủ tục xác lập, chuyển giao, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ;

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

+ Hợp đồng tư vấn về xây dựng và thực hiện chính sách, chiến lược hoạt động sở hữu trí tuệ;

+ Hợp đồng tư vấn về thiết kế, đăng ký bảo hộ, khai thác và phát triển giá trị của nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp, sáng chế;

+ Hợp đồng tư vấn về xây dựng và phát triển tài sản trí tuệ đối với chỉ dẫn địa lý;

+ Hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở;

+ Hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tự tổ chức đo lường;

Doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia cụm liên kết ngành[15], chuỗi giá trị[16].Hỗ trợ 100% giá trị các:

+ Hợp đồng tư vấn về thúc đẩy liên kết trong cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị;

+ Hợp đồng tư vấn về xây dựng các dự án liên kết kinh doanh nhằm thúc đẩy phát triển thị trường, nâng cao giá trị của sản phẩm, hàng hóa;

+ Hợp đồng tư vấn về nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh;

+ Hợp đồng tìm kiếm thông tin, quảng bá sản phẩm, phát triển thương hiệu chuỗi giá trị và cụm liên kết ngành nhưng không quá 20 triệu đồng trên một hợp đồng và không quá một hợp đồng trên năm.

+ Hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp xây dựng tiêu chuẩn cơ sở;

+ Hợp đồng tư vấn để doanh nghiệp tự tổ chức đo lường.

+ Hợp đồng đặt hàng các cơ sở viện, trường để nghiên cứu thử nghiệm phát triển các sản phẩm, dịch vụ nhưng không quá 30 triệu đồng trên 01 lần và không quá 01 lần trên năm.

2.2. Xây dựng và tổ chức thực hiện chương trình hỗ trợ pháp lý

Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiến hành với 03 mảng chính[17]: cung cấp thông tin, bồi dưỡng kiến thức, và tư vấn pháp luật.

Cung cấp thông tin: bao gồm thông tin pháp luật trong và ngoài nước, pháp luật quốc tế; cảnh báo các rủi ro pháp lý và những chính sách của ngành, lĩnh vực, địa phương liên quan đến doanh nghiệp nhỏ và vừa (nếu có).

Bồi dưỡng kiến thức pháp luật: bao gồm bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; và bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho mạng lưới tư vấn viên pháp luật.

Tư vấn pháp luật: bao gồm đối thoại, giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp và các hoạt động tư vấn pháp luật khác phù hợp với các quy định của pháp luật trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa và nguồn lực của Bộ, cơ quan ngang Bộ, chính quyền địa phương cấp tỉnh, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp.

  1. Thứ tự ưu tiên

Các doanh nghiệp nhỏ và vừa nhận được hỗ trợ pháp lý theo thứ tự ưu tiên sau[18]:

  1. Doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ hơn nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện được hỗ trợ trước;
  2. Doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng từ 30% tổng số lao động trở lên là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật;
  3. Doanh nghiệp nhỏ và vừa nộp hồ sơ đáp ứng đủ điều kiện hỗ trợ trước được hỗ trợ trước.

Thứ tự ưu tiên này sẽ giúp cho việc hỗ trợ được thực hiện hiệu quả, kịp thời khi phân định ra hai tiêu chí là đối tượng và thời gian nộp hồ sơ. Trước đó việc xử lý hồ sơ xin hỗ trợ đơn thuần chỉ dựa vào thời gian nộp và điều này vô tình gây ra tình trạng đối tượng cần được trợ giúp hơn lại không thể nhận được trợ giúp trước.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về Hỗ trợ pháp lý miễn phí, Doanh nghiệp được gì?

Để biết doanh nghiệp nào được hỗ trợ pháp lý, bạn đọc có thể xem bài viết Hỗ trợ pháp lý miễn phí cho doanh nghiệp.

Xem thêm bài viết liên quan đến việc hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ tại đây.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Huỳnh Thái Sơn.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Nghị định 55/2019/NĐ-CP.

[2] Nghị định 66/2008/NĐ-CP.

[3] Xem thêm tại bài viết: Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: doanh nghiệp nào được hỗ trợ và được ai hỗ trợ.

[4] Điều 3.1 Nghị định 55/2019/NĐ-CP.

[5] Điều 11.1 Nghị định 55/2019/NĐ-CP.

[6] Điều 12 Nghị định 55/2019/NĐ-CP.

[7] Các Bộ, Cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh.

[8] Xem thêm Điều 3.3 Nghị định 55/2019/NĐ-CP.

[9] Xem Điều 10 – Điều 13 Nghị định 55/2019/NĐ-CP.

[10] Điều 9.3 Nghị định 55/2019/NĐ-CP.

[11] Chi phí tư vấn pháp luật theo văn bản thỏa thuận cung cấp dịch vụ tư vấn pháp luật giữa tư vấn viên pháp luật và doanh nghiệp.

[12] UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao đơn vị đầu mối thực hiện công tác tư vấn.

[13] UBND cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương giao đơn vị đầu mối thực hiện công tác tư vấn.

[14] Là doanh nghiệp nhỏ và vừa được thành lập để thực hiện ý tưởng trên cơ sở khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới và có khả năng tăng trưởng nhanh. Để được hỗ trợ các doanh nghiệp này cần có điều kiện cần là thời gian hoạt động không quá 05 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu; đồng thời chưa thực hiện chào bán chứng khoán ra công chúng đối với công ty cổ phần. Đồng thời phải được đầu tư, lựa chọn bởi các cơ quan, tổ chức nhất định. Xem thêm Điều 20 Nghị định 39/2018/NĐ-CP.

[15] Cụm liên kết ngành là hình thức liên kết giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành và doanh nghiệp, tổ chức có liên quan cùng hợp tác và cạnh tranh. Xem thêm Điều 3.7 Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017.

[16] Chuỗi giá trị là mạng lưới liên kết tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm hoặc dịch vụ, bao gồm các giai đoạn tiếp nối nhau từ hình thành ý tưởng, thiết kế, sản xuất, phân phối sản phẩm đến người tiêu dùng. Xem thêm Điều 3.3 Luật Hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa 2017.

[17] Điều 10.2 Nghị định 55/2019/NĐ-CP.

[18] Điều 4.4 Nghị định 55/2019/NĐ-CP.

 

 

 

 

 

 

 

Document
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*