Giấy ủy quyền có cần công chứng, chứng thực?
Trong cuộc sống hàng ngày, cá nhân hay một tổ chức vì một lý do nào đó mà không thể tự mình đi thực hiện các giao dịch liên quan đến quyền lợi của mình thì có thể ủy quyền cho người khác nhân danh mình thực hiện những công việc cụ thể. Và có rất nhiều người thắc mắc rằng giấy ủy quyền có phải công chứng không? Qua bài viết này, Luật Nghiệp Thành sẽ giúp cho bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
1.Giấy ủy quyền là gì?
Giấy ủy quyền là một văn bản pháp lý trong đó ghi nhận việc người ủy quyền chỉ định người được ủy quyền đại diện mình thực hiện một hoặc nhiều công việc trong phạm vi quy định tại giấy ủy quyền.
Xét về bản chất giấy ủy quyền được xem là một giao dịch dân sự bởi theo Điều 116 Bộ luật Dân sự 2015, giao dịch dân sự có thể là hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.
2.Thời hạn ủy quyền được pháp luật quy định ra sao?
Thời hạn ủy quyền do các bên thỏa thuận hoặc do pháp luật quy định. Nếu không có thỏa thuận và pháp luật không có quy định thì hợp đồng ủy quyền có hiệu lực 01 năm, kể từ ngày xác lập việc ủy quyền[1].
Tuy nhiên, nếu hai bên có thỏa thuận về thời hạn ủy quyền nhưng trong một số trường hợp thì thời hạn này có thể kết thúc khác so với thỏa thuận.
Ví dụ: Hai bên có thể kết thúc sớm việc ủy quyền so với thỏa thuận trong các trường hợp sau:
– Công việc được ủy quyền đã hoàn thành.
– Người được đại diện hoặc người đại diện đơn phương chấm dứt thực hiện việc ủy quyền.
– Người được đại diện, người đại diện là cá nhân chết.
– Người được đại diện, người đại diện là pháp nhân chấm dứt tồn tại.
– Người đại diện không còn đủ điều kiện theo quy định.
– Các Căn cứ khác làm cho việc đại diện không thể thực hiện được.
3.Giấy ủy quyền có bắt buộc phải công chứng, chứng thực?
Giấy ủy quyền thường chỉ được sử dụng cho trường hợp ủy quyền đơn giản. Riêng các trường hợp phức tạp thì các bên sẽ sử dụng hợp đồng ủy quyền.
Hiện nay, theo quy định của Luật Công chứng 2014, không có thủ tục công chứng giấy ủy quyền mà chỉ đề cập đến công chứng Hợp đồng ủy quyền. Do đó, giấy ủy quyền không bắt buộc phải công chứng.
Một số trường hợp phổ biến cần chứng thực giấy ủy quyền:
Giấy ủy quyền cần phải chứng thực trong trường hợp chứng thực chữ ký trong giấy ủy quyền đối với trường hợp ủy quyền không có thù lao, không có nghĩa vụ bồi thường của bên được ủy quyền và không liên quan đến việc chuyển quyền sở hữu tài sản, quyền sử dụng bất động sản[2].
Trường hợp ủy quyền yêu cầu đăng ký hộ tịch phải được lập thành văn bản và chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền. Trong trường hợp người được ủy quyền là ông, bà, cha, mẹ, con, vợ, chồng, anh, chị, em ruột của người ủy quyền thì văn bản ủy quyền không phải chứng thực[3].
Trường hợp ủy quyền cho người khác làm thủ tục yêu cầu cấp Phiếu lý lịch tư pháp số 1. Việc ủy quyền phải được lập thành văn bản và chứng thực tại cơ quan có thẩm quyền. Nếu người được ủy quyền là cha, mẹ, vợ, chồng, con của người ủy quyền thì không cần văn bản ủy quyền[4].
Như vậy, thông thường giấy ủy quyền không bắt buộc phải công chứng, tuy nhiên, giấy ủy quyền vẫn phải chứng thực trong một số trường hợp cụ thể và các văn bản luật liên quan khác.
Bạn đọc tham khảo: Ủy quyền tặng cho bất động sản
Bạn đọc tham khảo: Người Việt Nam ở nước ngoài ủy quyền về nước
Trên đây là nội dung tư vấn về “Giấy ủy quyền có cần công chứng?”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Bùi Thị Như
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 563 Bộ luật Dân sự 2015
[2] Điều 24.4.(d) Nghị định 23/2015/NĐ-CP
[3] Điều 2.1 Thông tư 04/2020/TT-BTP
[4] Điều 45.3 Luật Lý lịch tư pháp 2009