Có được khấu trừ lương khi người lao động gây thiệt hại?

Có được khấu trừ lương khi người lao động gây thiệt hại?

Có được khấu trừ lương khi người lao động gây thiệt hại?

 

Tình huống: Công ty chúng tôi có ký hợp đồng lao động (HĐLĐ) với thời hạn là 3 năm với anh A. Anh này hiện đang làm công việc điều hành dây chuyền sản xuất tại nhà máy. Tuy nhiên, vào cuối tuần trước, trong giờ làm việc anh này lại làm việc riêng khiến cho quy trình sản xuất có vấn đề, một số máy móc bị hư hỏng, các sản phẩm bị lỗi dẫn đến gây thiệt hại đáng kể cho công ty. Hiện tại, công ty và anh A đã có thỏa thuận về việc chấm dứt HĐLĐ. Luật sư cho tôi hỏi: Liệu công ty có thể giữ lại khoản tiền phải thanh toán hoặc giữ sổ Bảo hiểm xã hội của anh A cho đến khi anh này hoàn thành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại không? Và công ty chúng tôi có quyền khấu trừ tiền lương của anh A không?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đến cho Luật Nghiệp Thành. Với câu hỏi này của bạn chúng tôi xin tư vấn như sau:

1) Nghĩa vụ của Người sử dụng lao động (NSDLĐ) và Người lao động (NLĐ) khi chấm dứt Hợp đồng lao động (HĐLĐ)

Pháp luật hiện hành có quy định trách nhiệm của NSDLĐ và NLĐ sau khi chấm dứt HĐLĐ như sau:

Hai bên có nghĩa vụ thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên trong thời hạn 14 ngày làm việc[1], kể từ ngày chính thức chấm dứt HĐLĐ. Thời hạn thanh toán có thể kéo dài đến tối đa 30 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ nếu việc chấm dứt HĐLĐ thuộc một trong các trường hợp sau:

+ NSDLĐ không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động[2];

+ NSDLĐ hoặc NLĐ gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm[3];

+ NSDLĐ thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế[4].

Bên cạnh nghĩa vụ thanh toán nêu trên thì NSDLĐ còn có trách nhiệm thực hiện các thủ tục chốt và trả sổ BHXH cùng các loại giấy tờ khác (nếu có) cho NLĐ[5].

Mặc dù, việc hoàn trả, thanh toán các khoản liên quan đến quyền lợi của mỗi bên trong hợp đồng không phải là trách nhiệm của riêng ai. Tuy nhiên, chúng ta phải thừa nhận một sự thật rằng, pháp luật vẫn luôn có những quy định hướng đến bảo vệ quyền lợi cho NLĐ. Cho dù NLĐ vẫn chưa hoàn thành các nghĩa vụ của mình đối với NSDLĐ thì NSDLĐ vẫn có nghĩa vụ thanh toán lương, các chế độ khác cũng như phải chốt sổ và trả sổ BHXH cho NLĐ. Hay nói cách khác, việc anh A chưa hoàn thành nghĩa vụ bồi thường cũng sẽ không được xem là cơ sở để loại trừ các nghĩa vụ trên của công ty đối với anh A.

Document

Trong trường hợp công ty không tiến hành thanh toán hết các khoản phải thanh toán của mình trong thời hạn 14 ngày kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ. Nếu anh A khiếu nại lên Thanh tra lao động thì công ty có thể bị phạt tiền, mức phạt tiền sẽ từ 2 triệu đồng cho đến 5 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm[6]. Do đó công ty cần cân nhắc việc thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của mình đối với anh A để tránh bị phạt tiền như đã nêu.

2) NSDLĐ có được quyền khấu trừ lương đối với nghĩa vụ mà NLĐ chưa hoàn thành hay không?

Về mặt nguyên tắc, NSDLĐ không được khấu trừ vào tiền lương của NLĐ đối với nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà NLĐ chưa hoàn thành.

NSDLĐ chỉ được quyền khấu trừ tiền lương để bồi thường thiệt hại khi NLĐ làm hư hỏng, làm mất các thiết bị, dụng cụ của người lao động hoặc tiêu hao vật tư quá định mức cho phép[7](Về vấn đề này, các bạn có thể tham khảo bài viết Khấu trừ tiền lương của người lao động trên Web của chúng tôi). Do đó, trong trường hợp này, công ty của bạn hoàn toàn có căn cứ để khấu trừ tiền lương của anh A đối với lỗi của anh này.

Cụ thể, anh A sẽ chịu mức bồi thường tùy thuộc vào mức độ thiệt hại như sau:

Mức thiệt hạiMức bồi thường
Mức thiệt hại không quá 10 tháng lương tối thiểu vùng.Khấu trừ[8] 03 tháng tiền lương (Trong đó, mức tiền lương làm căn cứ để khấu trừ là mức lương được ghi trong HĐLĐ của tháng trước liền kề với tháng mà anh A gây ra thiệt hại).

Lưu ý: Mức khấu trừ tiền lương hằng tháng không được quá 30% tiền lương hằng tháng của NLĐ sau khi trích nộp các khoản bảo hiểm và thuế thu nhập[9].

Mức thiệt hại vượt quá 10 tháng lương tối thiểu vùng.Theo luật định thì trong trường hợp này thiệt hại phải được anh A bồi thường toàn bộ và kịp thời cho công ty[10].

Tuy nhiên, công ty và anh A có thể thỏa thuận với nhau[11] về:

+ Về một mức bồi thường khác phù hợp với khả năng chi trả của anh A hoặc giảm mức bồi thường do lỗi vô ý[12];

+ Về hình thức bồi thường: Bằng tiền, bằng tài sản hoặc phải thực hiện một công việc nào đó;

+ Về phương thức bồi thường: Bồi thường bằng tiền mặt một lần, nhiều lần hoặc khấu trừ vào tiền lương.

Lưu ý: Trên thực tế, đối với những thiệt hại mà NLĐ gây cho NSDLĐ, tuy nhiên không thuộc các trường hợp phải bồi thường nêu trên thì NSDLĐ không được quyền khấu trừ lương của NLĐ. Đồng thời, NSDLĐ vẫn phải trả đầy đủ các khoản chưa thanh toán cho NLĐ.

Trên đây là nội dung tư vấn về “Có được khấu trừ lương khi người lao động gây thiệt hại?”

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Võ Thị Minh Thương

Cập nhật, bổ sung: ngày 14/10/2021

Người bổ sung: Lê Tuấn Huy

Cập nhật, bổ sung lần 2: ngày 11/02/2022

Người bổ sung lần 2: Bùi Thị Như

Người hướng dẫn: Luật sư Thuận

[1] Điều 48.1 Bộ luật Lao động 2019

[2] Điều 48.1.(a) Bộ luật Lao động 2019

[3] Điều 48.1.(b) Bộ luật Lao động 2019

[4] Điều 48.1.(c) Bộ luật Lao động 2019

[5] Điều 48.3.(a) Bộ luật Lao động 2019

[6] Điều 9.1.(a) Nghị định 12/2022/NĐ-CP

[7] Điều 129 Bộ luật Lao động 2019

[8] Điều 102.1 Bộ luật Lao động 2019

[9] Điều 102.3 Bộ luật Lao động 2019

[10] Điều 585.1 Bộ luật Dân sự 2015

[11] Điều 585.1 Bộ luật Dân sự 2015

[12] Điều 585.2 Bộ luật Dân sự 2015

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Categories: Lao động

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*