Xử phạt khi đăng video độc hại không phù hợp với trẻ em
Xử phạt khi đăng video độc hại không phù hợp với trẻ em
Phần lớn trẻ em ngày nay được tiếp cận Internet từ rất sớm. Bên cạnh lợi ích về học tập, giải trí thì trẻ em sử dụng internet từ nhỏ cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Thời gian gần đây, youtube thường xuyên xuất hiện các video có nội dung độc hại như uống mất vệ sinh; bạo lực; đồi trụy; phá hoại tài sản,… không phù hợp với trẻ em. Hậu quả là có rất nhiều trẻ học theo các video trên, thực hiện những thử thách đáng sợ như tự hành hạ bản thân, tự sát,… không những làm các bậc phụ huynh lo lắng mà còn ảnh hưởng đến tâm lí và sự phát triển của trẻ.
Vậy hành vi đăng video có nội dung xấu sẽ bị xử phạt như thế nào, bạn đọc cùng Luật Nghiệp Thành tìm hiểu nhé!
- Các nội dung độc hại cho trẻ em bị cấm trên mạng xã hội
Người sử dụng các nền tảng xã hội khi cung cấp, chia sẻ video dành cho trẻ em như là đăng tải lên youtube phải đảm bảo video không có những nội dung sau:[1]
– Thông tin giả mạo, sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của người khác;
– Thông tin cổ súy các hủ tục, mê tín, dị đoan, dâm ô, đồi trụy, không phù hợp với thuần phong, mỹ tục của dân tộc;
– Thông tin miêu tả tỉ mỉ hành động chém, giết, tai nạn, kinh dị, rùng rợn;
– Thông tin bịa đặt, gây hoang mang trong Nhân dân, kích động bạo lực, tội ác, tệ nạn xã hội, đánh bạc;
– Chia sẻ các tác phẩm báo chí, văn học, nghệ thuật, xuất bản phẩm mà không có đồng ý của chủ sở hữu trí tuệ hoặc chưa được phép lưu hành hoặc đã có quyết định cấm lưu hành hoặc tịch thu;
– Quảng cáo, tuyên truyền, chia sẻ thông tin về hàng hóa, dịch vụ bị cấm như là buôn bán ma túy,…
– Cung cấp, chia sẻ hình ảnh bản đồ Việt Nam nhưng không thể hiện hoặc thể hiện không đúng chủ quyền quốc gia;
Bởi vì người xem là trẻ em và ở độ tuổi này chúng chưa có đầy đủ nhận thức và chưa thể phân tích được các nội dung nên thường dễ học theo dẫn đến có thể ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe, tâm lý, tinh thần nên cần phải kiểm duyệt nội dung chặt chẽ.
- Thực trạng các video độc hại cho trẻ em hiện nay
Trẻ em là nhóm người xem tiềm năng của youtube. Vì nguồn lợi nhuận lớn, các nội dung gắn mác dành cho trẻ em ngày càng nhiều. Các kênh youtube có nội dung cho trẻ em thường có lượt đăng kí rất cao lên đến hàng triệu lượt ví dụ như Chu Chu TV, Bhmedia, farmess,…
Tuy nhiên, không phải tất cả các kênh gắn mác trẻ em thì đều có nội dung cho trẻ em. Những nội dung độc hại không còn xa lạ trên Youtube nhưng gần đây những nội dung này còn xuất hiện ngày càng nhiều trong những video dành cho trẻ em, sử dụng những nhân vật hoạt hình để trá hình với những nội dung phản cảm bạo lực, dạy trẻ hành hạ cơ thể, phá hoại tài sản, thử thách những trò chơi nguy hiểm. Những video này không những vi phạm quy định khi đăng tải video nội dung trẻ em mà hậu quả còn ảnh hưởng trực tiếp đến trẻ và phụ huynh.
Hậu quả do các video độc hại gây ra là vô cùng đối với trẻ em. Những nội dung video nhảm nhí, phản cảm, đi ngược lại truyền thống đạo đức của người Việt Nam, có thể tác động xấu đến ý thức của trẻ, từ đó hình thành tư tưởng, nhân cách lệch lạc. Hơn nữa, nếu trẻ bắt chước làm theo các video bạo lực tính mạng thì sẽ nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng rất cao.
Đã có vô số các trường hợp được phát hiện do trẻ học theo các video như vậy làm xôn xao dư luận. Điển hình như giữa tháng 10/2020, một bé gái 5 tuổi tại TP.Hồ Chí Minh tử vong vì học theo trò treo cổ khi xem hoạt có nhân vật heo Peppa trên YouTube. Gần đó vào tháng 11, một bé trai 8 tuổi ở Đồng Nai được phát hiện tử vong ở phòng tắm trong tình trạng treo lơ lửng sát tường vì học theo thử thách treo cổ “Momo”.
- Quy định xử phạt
Vì những hậu quả xấu nêu trên, hành vi đăng video độc hại sẽ bị xử phạt hành chính hoặc hình sự tùy theo mức độ từng hành vi.
– Xử phạt hành chính: Người đăng tải các video vi phạm các quy định về trách nhiệm sử dụng dịch vụ mạng xã hội sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi tại mục 1.[2] Ngoài phạt tiền, các hành vi đó còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc gỡ bỏ thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn.
– Truy cứu trách nhiệm hình sự:
+ Người đăng video với nội dung làm nhục người khác còn có thể bị truy cứu về Tội làm nhục người khác với mức phạt tù từ 3 tháng – 2 năm.[3] Nếu gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên hoặc làm nạn nhân tự sát, người phạm tội có thể sẽ bị phạt tù từ 02 – 05 năm.[4]
+ Người đăng video có nội dung mê tín dị đoan sẽ bị truy cứu về Tội hành nghề mê tín dị đoan[5] nếu trước đó người vi phạm dùng bói toán, đồng bóng đã bị xử phạt vi phạm hành chính, kết án. Hành vi này sẽ bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Như vậy, để trẻ em không bị ảnh hưởng bởi các video độc hại thì các bậc phụ huynh cần phải quan tâm việc xem video của trẻ nhiều hơn, dùng các biện pháp như là xem video cùng trẻ, lọc nội dung phù hợp với lứa tuổi, chuẩn bị sẵn các kênh cho trẻ xem, sử dụng ứng dụng Youtube Kids,… Bên cạnh đó, YouTube cũng cần phải có những chính sách để kiểm duyệt mạnh hơn và báo cáo các video nào không phù hợp. Và cơ quan chức năng cũng cần có sự vào cuộc gắt gao và mạnh mẽ hơn nữa để có thể xử lý kịp thời những đối tượng có các hành vi vi phạm trên giúp cho mạng xã hội trở nên lành mạnh, tích cực hơn đối với cộng đồng đặc biệt là đối với đối tượng trẻ em.
Trên đây là nội dung tư vấn về: “Xử phạt khi đăng video độc hại không phù hợp với trẻ em”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, chia sẻ, góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Khánh Như
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 101.1 Nghị định 15/2020/NĐ-CP
[2] Điều 101.1 Nghị định 15/2020/NĐ-CP
[3] Điều 155.1.e Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
[4] Điều 155.1.g Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017.
[5] Điều 320.1 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017