Tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc

Tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc

Tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc

Ta thấy, hình thức tử hình bằng hình thức tiêm thuốc không còn quá mới lạ ở một số nước. Ở Việt Nam, Nguyễn Anh Tuấn (27 tuổi) là tử tù đầu tiên của cả nước đã bị thi hành án tử hình bằng việc tiêm thuốc tại Trại tạm giam số 1, Công an TP Hà Nội. Tử tù bị tiêm 3 mũi thuốc gồm: Gây mê; làm tê liệt hệ thần kinh, cơ bắp và ngừng hoạt động tim.[1]

Năm 2015 tại Bình Phước, chắc hẳn mọi người vẫn chưa quên được vụ án giết người man rợ của phạm nhân Nguyễn Hải Dương thảm sát 6 người kinh hoàng. Vụ án này đã làm chấn động cả dư luận một thời gian dài bởi tính chất man rợ và thiếu tình người của người phạm tội. Trước hành vi phạm tội của Nguyễn Hải Dương và đồng phạm ngày 17/7/2015, TAND tỉnh Bình Phước mở phiên tòa xét xử sơ thẩm, lưu động và tuyên phạt bị cáo Nguyễn Hải Dương án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc.

Trong truy cứu trách nhiệm hình sự thì án tử hình được xem là hình phạt cao nhất đối với người phạm tội. Nó được xem là giải pháp ngăn cản tội ác hữu hiệu nhất (loại trừ vĩnh viễn bị cáo ra khỏi xã hội). Mục đích của án tử hình không chỉ là để trừng trị kẻ phạm tội ác nghiêm trọng, mà còn là sự cảnh cáo nghiêm khắc nhất với những kẻ có ý định phạm tội tương tự, qua đó hạn chế tối đa những tội ác tương tự tái diễn trong tương lai. Hình phạt này thường chỉ áp dụng cho các tội phạm có tính nguy hiểm đặc biệt cao, xâm phạm an ninh quốc gia, ảnh hưởng hòa bình thế giới, các tội phạm ma túy, giết người…

Cùng xem lại một số hình thức tử hình trên khắp các nước trên thế giới như treo cổ thực hiện ở các nước như Pakistan, Ấn Độ, Bangladesh, Nhật Bản, Iran; Xử bắn được sử dụng tại nhiều quốc gia như Indonesia, Trung Quốc, Triều Tiên, Yemen,…; chặt đầu Arab Saudi hiện là nước duy nhất trên thế giới áp dụng bản án này. Ngoài các hình thức tử hình trên còn một hình thức khác thể hiện tính nhân đạo của pháp luật đối với tử tù đó là tử hình bằng tiêm thuốc độc ít gây đau đớn hơn.

Tại Việt Nam đang áp dụng phương thức này đối với tù nhân mang án tử trên người. Và từ ngày 1-12,  Bộ Công an, Bộ Quốc phòng – Bộ Y tế – Bộ Ngoại giao – TANDTC – VKSNDTC đã ban hành Thông tư liên tịch số 02/2020 quy định về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc sẽ có hiệu lực thi hành trong đó có nhiều nội dung mới nổi bật.

Bàn về vấn đề trên, Luật Nghiệp Thành sẽ cung cấp cho bạn đọc một số thông tin hữu ích sau:

  1. Tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc:

* Thuốc sử dụng cho thi hành án tử hình[2]:

Theo quy định của pháp luật, thuốc được sử dụng để tiêm cho tử tù sẽ do Bộ Y tế cấp theo đề nghị của Bộ Công an, Bộ quốc phòng. Bao gồm 03 loại thuốc được tiêm cho 01 người, đó là:

Thuốc làm mất tri giác.

– Thuốc làm liệt hệ vận động.

– Thuốc làm ngừng hoạt động của tim.

* Quy trình thực hiện tiêm thuốc[3]:

Theo đó, quy trình tiêm thuốc được hướng dẫn như sau:

Bước 1: Tiêm thuốc làm mất tri giác.

Sau khi tiêm thuốc xong, cán bộ chuyên môn thực hiện thi hành án tử hình phải tiến hành kiểm tra, nếu người bị thi hành án tử hình chưa mất tri giác thì tiếp tục tiêm thuốc cho đến khi họ mất tri giác.

Bước 2: Tiêm thuốc làm liệt hệ vận động.

Bước 3: Tiêm thuốc làm ngừng hoạt động của tim.

Document

Hoạt động tim của người bị thi hành án tử hình sẽ được kiểm tra qua máy điện tâm đồ.

Theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, bác sĩ pháp y tiến hành kiểm tra, xác định tình trạng của người bị thi hành án tử hình và báo cáo kết quả cho Hội đồng.

* Trường hợp sau mười phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết:

– Cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để ra lệnh sử dụng thuốc dự phòng.

– Mỗi lần tiêm thuốc sau mười phút mà người bị thi hành án tử hình chưa chết, cán bộ kiểm tra phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình để ra lệnh tiếp tục sử dụng liều thuốc dự phòng tiêm lần thứ hai, thứ ba.

– Trường hợp tiêm hết liều thuốc thứ ba sau mười phút mà người bị thi hành án chưa chết thì Đội trưởng Đội thi hành án phải báo cáo Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình ra quyết định tạm dừng thi hành án.

* Trường hợp người bị tiêm thuốc đã chết:

– Sau khi bác sĩ pháp y kết luận người bị thi hành án tử hình đã chết, theo lệnh của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình, cán bộ thi hành án tử hình ngừng truyền và đưa kim tiêm, đường ống dẫn ra khỏi người bị thi hành án tử hình.

–  Hội đồng thi hành án tử hình lập biên bản theo quy định về việc người bị thi hành án đã chết.

Việc giải quyết các thủ tục sau khi người bị thi hành án đã chết thực hiện theo quy định của pháp luật.

  1. Một số quy định mới về thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc:

Kể từ ngày thông tư liên tịch số 02/2020 có hiệu lực (ngày 01/12/2020) thì các quy định về việc phối hợp tổ chức thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc có nhiều điểm nổi bật được cập nhật, bổ sung ho phù hợp với thực trạng hiện tại của nước ta như sau:

* Về đối tượng áp dụng:

Trước đây, phạm vi áp dụng Thông tư trên là các đối tượng sau: Công an, Quân đội, Y tế, Tòa án, Viện kiểm sát trong tổ chức thực hiện việc thi hành án tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc tổ chức thực hiện thi hành án tử hình.

Từ ngày 01/12/2020 đối tượng áp dụng được mở rộng thêm, bao gồm cả cơ quan Ngoại giao.

*  Đối với việc triển khai việc thi hành án tử hình:

Thông tư liên tịch số 02/2020 bổ sung thêm trường hợp:

– Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phân công cán bộ thi hành án xác định tĩnh mạch;

– Bác sỹ pháp y của Công an cấp tỉnh, đơn vị Quân đội cấp quân khu bộc lộ tĩnh mạch của người bị thi hành án tử hình trong trường hợp không xác định được tĩnh mạch.

* Về hồ sơ thi hành án tử hình:

Thông tư liên tịch bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 10 gồm những tài liệu đối với trường hợp có yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Viện trưởng VKSNDTC, đề nghị của Chánh án TANDTC xem xét lại quyết định của Hội đồng thẩm phán TANDTC.

* Về trường hợp người bị thi hành án tử hình chết trước khi đưa ra thi hành án tử hình: Thông tư liên tịch bổ sung thêm thẩm quyền của Chánh án Tòa án đã ra quyết định thi hành án tử hình ngoài thẩm quyền của Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình.

* Việc làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt và hài cốt:

Trong quy định trước đây tại Thông tư 05/2013 không đề cập đến việc làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt, hài cốt của người nước ngoài. Tuy nhiên trong Thông tư liên tịch sẽ được áp dụng từ tháng 12 đã bổ sung thêm quy định trên. Theo đó, trường hợp này được cập nhật trong văn bản pháp luật như sau:

– Chánh án Tòa án ra quyết định thi hành án thông báo bằng văn bản cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan khác được Bộ Ngoại giao ủy quyền để đề nghị cơ quan đại diện của nước mà người bị thi hành án tử hình mang quốc tịch liên hệ với thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người nước ngoài bị thi hành án tử hình biết để làm đơn xin nhận tử thi, tro cốt.

Bên cạnh đó, thông báo nêu rõ nhân thân, nơi quản lý giam giữ người bị thi hành án tử hình, địa chỉ liên lạc, các tài liệu liên quan và ấn định thời hạn trả lời.

Sau khi Chánh án Tòa án đã ra thông báo mà không nhận được đơn xin nhận tử thi, tro cốt của thân nhân, người đại diện hợp pháp hoặc văn bản trả lời của cơ quan đại diện của nước mà người bị thi hành án tử hình mang quốc tịch thì coi như thân nhân, người đại diện hợp pháp của người bị thi hành án tử hình từ chối nhận tử thi, tro cốt.

* Thông báo địa điểm mai táng:

Từ ngày 01 tháng 12 năm 2020 cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh hoặc cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu phải thông báo cho thân nhân hoặc người đại diện hợp pháp của người đã bị thi hành án biết về địa điểm mai táng trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày thi hành án.

Ngoài ra, pháp luật cũng quy định trường hợp người bị thi hành án tử hình là người nước ngoài thì thông báo cho Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao hoặc cơ quan khác được Bộ Ngoại giao ủy quyền biết. Đồng thời bàn giao đầy đủ giấy tờ, đồ vật, tài sản, tiền của người đã thi hành án tử hình (nếu có), việc giao nhận phải được lập biên bản theo quy định.

  1. Có nên bỏ hình phạt tử hình?

Hình phạt tử hình đã tồn tại trong Luật hình sự Việt Nam với cả ngàn năm lịch sử từ khi hình thành nhà nước, khi pháp luật chưa thành văn cho tới tận bây giờ. Tuy nhiên, đi kèm với đó vẫn còn tồn tại những ý kiến khác nhau về vấn đề có nên hay không tiếp tục sử dụng hình phạt này pháp luật Việt Nam và cho đến thời điểm bây giờ vẫn chưa tìm được sự thống nhất về ý kiến này giữa cộng đồng.

Việc duy trì hay xóa bỏ hình phạt tử hình trong Luật hình sự là đề tài gây nhiều tranh cãi trên phạm vi toàn cầu. Tuy nhiên, xu hướng chung là hạn chế và tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình.

Đánh giá có nên hay không hủy bỏ hình phạt này đã có nhiều quan điểm khác nhau.

Quan điểm hủy bỏ cho rằng hình phạt tử hình sẽ xâm phạm đến quyền con người, trong khi không chỉ ở Việt Nam và các nước trên thế giới đang đề cao và đầy mạnh bảo vệ quyền lợi này. Bên cạnh đó, họ đưa ra nhiều luận điểm chứng minh như việc xóa bỏ án tử thể hiện tính nhân đạo, giảm chi phí thi hành án và cho rằng hình phạt tử hình không có sức ảnh hưởng đến những con số thông kê số vụ phạm tội tăng hay giảm, bên cạnh đó hình phạt tù chung thân có tác dụng ngăn ngừa và răn đe không kém hình phạt tử hình,…

Trái với ý kiến trên, bên phía nên duy trì hình phạt này cũng có những lập luận chắc chắn để bảo vệ quan điểm của mình. Theo đó, bộ phận đồng tình duy trì hình phạt tử hình cho rằng việc hình phạt này được ban hành không chỉ nhằm đảm bảo tính răn đe, xử lí người phạm tội mà còn cần phù hợp với văn hóa, truyền thống mỗi quốc gia. Tại sao có những quốc gia họ có thể bỏ được hình phạt tử hình, vì văn hóa của họ đặc biệt, như các quốc gia Hồi giáo, người dân của họ coi cái chết như một phần thưởng, phần thưởng đó là tạo cơ hội và mở ra con đường cho họ được lên thiên đàng, vì vậy mà không thể “ban thưởng” cho người phạm tội. Còn ở tại Việt Nam, hình phạt tử hình đã có một chiều dài lịch sử hình thành và phát triển từ lâu đời, đó luôn là hình phạt nghiêm khắc nhất của tất cả các triều đại, các nền chính trị, từ xa xưa hình phạt tử hình tại Việt Nam điển hình thông qua các hình thức như: chém đầu, treo cổ,….

Và trước nhiều ý kiến trái nhau của dư luận, nhà nước ta đã thể hiện rõ quan điểm của mình là vẫn giữ nguyên hình phạt tử hình – hình phạt cao nhất, răn đe nhất đối với tội phạm thông qua những quy định của Bộ luật hình sự mới, Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017, Luật thi hành án hình sự và các nghị định Thông tư hướng dẫn. Tuy nhiên, để đảm bảo được tính nhân đạo cho người chấp hành án tử hình, Nhà nước đã quyết định thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt và thay đổi hình thức thi hành án tử hình là áp dụng hình thức tiêm thuốc độc.

Phạm vi áp dụng hình phạt tử hình đã được thu hẹp hơn và hiện tại nước ta đã loại bỏ hình phạt tử hình ra khỏi 07 tội danh trong BLHS năm 2015, đó là:

– Tội cướp tài sản (Điều 168);

– Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193);

– Tội tàng trữ trái phép chất ma túy (Điều 249)

– Tội chiếm đoạt trái phép chất ma túy (Điều 252);

– Tội phá hủy công trình, cơ sở, phương tiện quan trọng về an ninh quốc gia (Điều 303);

– Tội chống mệnh lệnh (Điều 394) và Tội đầu hàng địch (Điều 399).

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “ Tử hình bằng hình thức tiêm thuốc độc”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

Biên tập: Lê Thị Tú Anh.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

 

[1] Tham khảo báo người lao động.

[2] Điều 4 Nghị định 43/2020/NĐ-CP.

[3] Điều 6 Nghị định 43/2020/NĐ-CP.

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Categories: Cộng Đồng

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*