Trình tự thủ tục khiếu nại về lao động

Trình tự thủ tục khiếu nại về lao động

Trình tự thủ tục khiếu nại về lao động

Trong quan hệ lao động, người lao động (NLĐ) và người sử dụng lao động (NSDLĐ) không tránh khỏi những bất đồng khó có thể thỏa thuận được. Khi NLĐ nhận thấy Quyết định hay các hành vi của NSDLĐ trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì NLĐ có thể khiếu nại Quyết định hay hành vi của NSDLĐ đó[1]. Vậy, trong trường hợp có tranh chấp với Công ty thì NLĐ phải khiếu nại như thế nào cho đúng quy định để đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của bản thân?

Hình thức của khiếu nại

NLĐ có thể thực hiện việc khiếu nại bằng một trong hai hình thức, đó là: Gửi đơn khiếu nại bằng văn bản; hoặc khiếu nại trực tiếp[2].

Trong trường hợp NLĐ lựa chọn hình thức gửi đơn khiếu nại bằng văn bản thì đơn khiếu nại phải có đầy đủ các nội dung như: Ngày, tháng, năm khiếu nại; tên, địa chỉ của người gửi đơn khiếu nại; tên, địa chỉ của tổ chức hay cá nhân cụ thể bị khiếu nại; nội dung, lý do nộp đơn khiếu nại; các tài liệu, giấy tờ chứng minh liên quan (nếu có) và yêu cầu giải quyết khiếu nại. Đơn khiếu nại này phải được NLĐ ký tên hoặc điểm chỉ[3].

Trong trường hợp NLĐ lựa chọn hình thức khiếu nại trực tiếp thì người tiếp nhận khiếu nại sẽ hướng dẫn NLĐ viết đơn khiếu nại hoặc người tiếp nhận sẽ tự mình ghi chép lại đầy đủ nội dung khiếu nại của NLĐ. Đồng thời phải yêu cầu NLĐ ký tên hoặc điểm chỉ vào văn bản[4].

Thông thường, người tiếp nhận sẽ yêu cầu NLĐ có yêu cầu khiếu nại tự soạn sẵn đơn. Việc tự mình soạn đơn khiếu nại thì NLĐ có thể ghi lại đầy đủ ý kiến khiếu nại của mình. Đồng thời, NLĐ có thể chủ động hơn trong việc điều chỉnh các nội dung sao cho phù hợp nhất.

Thời hiệu khiếu nại

Thời hiệu là một thời hạn nhất định do luật đề ra. Cũng giống như thời hiệu khởi kiện, thời hiệu yêu cầu giải quyết tranh chấp,…thì thời hiệu khiếu nại cũng không được kéo dài mãi mà thời hiệu này chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nhất định. Khi hết thời hạn này thì NLĐ sẽ mất quyền khiếu nại về Quyết định hay các hành vi của NSDLĐ mà theo họ là trái pháp luật, làm xâm phạm trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Thời hiệu khiếu nại lần đầu: 180 ngày kể từ ngày NLĐ nhận được hoặc biết được Quyết định, hành vi NSDLĐ[5].

Thời hiệu khiếu nại lần hai: 30 ngày kể từ ngày hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc từ ngày NLĐ nhận được Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà không đồng ý với Quyết định đó[6]. Đối với vùng sâu, vùng xa thì thời hạn này có thể kéo dài đến 45 ngày.

Lưu ý: Nếu trong trường hợp NLĐ bị ốm đau, bận đi công tác, đang học tập ở xa,…mà không thể thực hiện được quyền khiếu nại của mình đúng thời hạn nêu trên thì khoảng thời gian mà NLĐ gặp các trở ngại nêu trên sẽ không tính vào thời hiệu khiếu nại của NLĐ đó[7].

Trình tự, thủ tục khiếu nại

Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần đầu:

Bước 1: NLĐ gửi đơn khiếu nại đến NSDLĐ của mình. Cùng với đơn khiếu nại, NLĐ có thể gửi kèm các tài liệu, giấy tờ, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khiếu nại của mình.

Bước 2: Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, NSDLĐ phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại và Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Việc thụ lý giải quyết khiếu nại phải được NSDLĐ ra quyết định thụ lý giải quyết khiếu nại[8].

Bước 3: NSDLĐ tiến hành việc kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại của NLĐ trong thời hạn 30 ngày (đối với vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài đến 45 ngày)[9]. Trường hợp ở vùng sâu, vùng xa thì thời hạn khiếu nại là 45 ngày (đối với vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài đến 60 ngày)[10].

Trong quá trình kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại thì NSDLĐ có các quyền và nghĩa vụ sau[11]: Yêu cầu người khiếu nại và những người có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu và chứng cứ về nội dung khiếu nại[12]; Yêu cầu người khiếu nại và những người có liên quan giải trình về nội dung khiếu nại bằng văn bản[13]; Triệu tập người khiếu nại và những người có liên quan[14],…

Trong quá trình giải quyết khiếu nại, nếu như yêu cầu khiếu nại của NLĐ và kết quả kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại của NSDLĐ còn có những điểm khác nhau thì NSDLĐ phải gặp gỡ, tiến hành đối thoại với NLĐ và những người có liên quan để làm rõ hơn về các nội dung, yêu cầu khiếu nại về đề ra hướng giải quyết[15].

Việc đối thoại phải được tiến hành một cách công khai, dân chủ. NSDLĐ phải nêu rõ nội dung cần đối thoại, kết quả đã thu được từ việc kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại; NLĐ và những người có liên quan khác tham gia đối thoại có quyền nêu ý kiến, đưa ra chứng cứ mà theo họ là có liên quan và cần thiết cho việc khiếu nại[16].

Những nội dung đối thoại phải được lập thành biên bản. Trong đó, biên bản phải ghi rõ và đầy đủ các ý kiến của những người tham gia, kết quả đối thoại. Đồng thời, phải có chữ ký của những người tham gia. Biên bản đối thoại này sẽ được lưu vào hồ sơ giải quyết khiếu nại[17].

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Bước 4: Trong thời hạn giải quyết khiếu nại thì NSDLĐ phải ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu.

Quyết định này phải bao gồm các nội dung sau: Ngày, tháng, năm ra Quyết định[18]; Tên, địa chỉ người khiếu nại, người bị khiếu nại[19]; Nội dung khiếu nại[20]; Kết quả kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại[21]; Kết quả đối thoại (nếu có)[22]; Căn cứ pháp luật để giải quyết khiếu nại[23]; Kết luận nội dung khiếu nại, giải quyết vấn đề cụ thể trong nội dung khiếu nại[24]; Việc bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại (nếu có)[25]; Quyền khiếu nại lần hai, quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án[26].

Bước 5: NSDLĐ phải gửi Quyết định giải quyết khiếu nại đến cho người khiếu nại, Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, trong thời hạn 3 ngày làm việc[27].

Trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại lần hai:

Trong trường hợp đã hết thời hạn giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc từ ngày NLĐ nhận được quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu mà không đồng ý với Quyết định đó thì việc giải quyết khiếu nại lần hai sẽ được thực hiện theo trình tự, thủ tục sau đây:

Bước 1: NLĐ gửi đơn khiếu nại lần hai đến Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Cùng với đơn khiếu nại, NLĐ có thể gửi kèm các tài liệu, giấy tờ, chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khiếu nại của mình.

Bước 2: Trong thời hạn 7 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản về việc thụ lý giải quyết khiếu nại cho người khiếu nại biết[28].

Bước 3: Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ giải quyết khiếu nại của NLĐ trong vòng 45 ngày (đối với vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài đến 60 ngày)[29]; Trường hợp ở vùng sâu, vùng xa thì thời hạn khiếu nại lần hai là 60 ngày (đối với vụ việc phức tạp thì có thể kéo dài đến 90 ngày) kể từ ngày thụ lý đơn.

Trong thời gian giải quyết, Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội sẽ tự mình hoặc giao cho bộ phận khác tiến hành việc kiểm tra, xác minh nội dung khiếu nại[30] và có thể thực hiện các hoạt động sau: Yêu cầu người khiếu nại và những người có liên quan cung cấp thông tin, tài liệu và chứng cứ về nội dung khiếu nại; Yêu cầu người khiếu nại và những người có liên quan giải trình về nội dung khiếu nại bằng văn bản; Triệu tập người khiếu nại và những người có liên quan,…

Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần hai, nếu xét thấy cần thiết thì Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội có thể tổ chức đối thoại với NLĐ và những người có liên quan để làm rõ hơn về các nội dung, yêu cầu khiếu nại về đề ra hướng giải quyết[31]. Việc tổ chức đối thoại lần hai được thực hiện tương tự như nội dung của lần tổ chức đối thoại đầu tiên[32].

Bước 4: Trong thời hạn giải quyết khiếu nại thì Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải ban hành Quyết định giải quyết khiếu nại lần hai.

Quyết định giải quyết khiếu nại lần này, ngoài các nội dung phải có như trong Quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu thì còn phải có thêm các nội dung sau: Kết quả giải quyết khiếu nại của người giải quyết khiếu nại lần đầu (nếu có)[33]; Quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án[34].

Bước 5: Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phải gửi Quyết định giải quyết khiếu nại đến cho người khiếu nại, người bị khiếu nại và những người có liên quan trong thời hạn 3 ngày làm việc[35].

Các bạn có thể tham khảo bài viết Người lao động cần làm gì khi quyền lợi của mình bị xâm phạm? để biết cách giải quyết hợp lý nhất khi bị xâm phạm về quyền và lợi ích trong quá trình làm việc tại doanh nghiệp.

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Trình tự thủ tục khiếu nại về lao động”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Võ Thị Minh Thương.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

[1] Điều 3.1 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[2] Điều 6 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[3] Điều 6.1 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[4] Điều 6.2 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[5] Điều 7.1 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[6] Điều 27.1 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[7] Điều 7.2 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[8] Điều 19 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[9] Điều 20.1 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[10] Điều 20.2 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[11] Điều 21.3 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[12] Điều 21.3.(a) Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[13] Điều 21.3.(b) Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[14] Điều 21.3.(c) Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[15] Điều 22.1 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[16] Điều 22.2 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[17] Điều 22.3 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[18] Điều 23.2.(a) Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[19] Điều 23.2.(b) Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[20] Điều 23.2.(c) Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[21] Điều 23.2.(d) Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[22] Điều 23.2.(đ) Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[23] Điều 23.2.(e) Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[24] Điều 23.2.(g) Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[25] Điều 23.2.(h) Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[26] Điều 23.2.(i) Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[27] Điều 24.1 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[28] Điều 27.2 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[29] Điều 28.1 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[30] Điều 29.1 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[31] Điều 30.1 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[32] Điều 30.2 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[33] Điều 31.2.(a) Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[34] Điều 31.2.(b) Nghị định 24/2018/NĐ-CP

[35] Điều 24.1 Nghị định 24/2018/NĐ-CP

 

 

 

Document
Categories: Lao động

Comments

    Write a Comment

    Your e-mail address will not be published.
    Required fields are marked*