Tranh chấp tiền thưởng tết

Tranh chấp tiền thưởng tết

Tình huống thực tế tranh chấp tiền thưởng tết: Bà Q (nguyên đơn) làm việc tại ngân hàng TMCP P (bị đơn) theo HĐLĐ thời hạn 1 năm kể từ ngày 1/10/2013. Đến ngày 1/10/2014, ngân hàng tiếp tục ký HĐLĐ với bà Q có thời hạn là 1 năm với mức lương cơ bản là 25.840.000 đồng/tháng và lương thực nhận là 58.940.000 đồng/tháng.

Tranh chấp tiền thưởng tết

Ngày 25/01/2015 bà Q nộp đơn nghỉ việc và đến ngày 27/1/2015, ngân hàng phê duyệt đơn nghỉ việc của bà Q. Ngân hàng ra QĐ 332a/2015/QĐ-NS&ĐT chấm dứt HĐLĐ với bà Q từ ngày 27/2/2015. Trong khoảng thời gian này, ngày 8/1/2015, ngân hàng có ra thông báo số 02/2015/TB-NS&ĐT hướng dẫn đánh giá nhân viên năm 2014. Sau đó, ngày 11/2/2015 ngân hàng có thông báo số 21/2015/TB-NS&ĐT về việc chi lương năng suất năm 2014. Trong thông báo này có quy định về việc không chi lương năng suất cho các trường hợp như: CBNV đang giải quyết thôi việc (đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động đã nộp Phòng Nhân sự & Đào tạo và được Ban Điều hành phê duyệt tính đến ngày 12/02/2015 – bao gồm các trường hợp có kết quả đánh giá năm 2014). Không chấp nhận điều này vì cho rằng mình được đánh giá loại Khá và kết quả đánh giá này có trước thời điểm bà Q nộp đơn xin nghỉ việc. Cho nên ngày 31/7/2015, bà Q đã khởi kiện ngân hàng M ra tòa án với yêu cầu:

Ngân hàng M phải chi trả tiền thưởng năng suất cuối năm 2014 là 82.516.000 đồng.

Phản biện của ngân hàng M.

Bà Q nộp đơn nghỉ việc ngày 25/1/2015, ngày 27/1/2015, ngân hàng đã phê duyệt đơn nghỉ việc của bà Q. Trong thời gian này, ngân hàng đã ra thông báo chi lương năng suất năm 2014 cho nhân viên. Tuy nhiên trong thông báo có đề cập đến việc không chi lương năng suất cho các trường hợp như: CBNV đang giải quyết thôi việc (đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động đã nộp Phòng Nhân sự & Đào tạo và được Ban Điều hành phê duyệt tính đến ngày 12/02/2015 – bao gồm các trường hợp có kết quả đánh giá năm 2014) vào ngày 11/2/2015. Bà Q làm việc đến ngày 27/2/2015 cho nên chắc chắn bà Q sẽ biết về nội dung trên quy định trong thông báo đối với trường hợp của mình sẽ không được hưởng khoản tiền thưởng này. Việc chi thưởng của ngân hàng là nhằm mục đích khuyến khích nhân viên tiếp tục ở lại làm việc. Cho nên ngân hàng không chấp thuận yêu cầu của bà Q.

Nhận định và phán quyết của Tòa án:

Hai bên có xác lập HĐLĐ. Bà Q nộp đơn xin nghỉ việc và được ngân hàng chấp thuận nên các bên thuận tình chấm dứt HĐLĐ.  Dựa vào chứng cứ của ngân hàng cung cấp là thông báo số 21/2015/TB-NS&ĐT ngày 11/2/2015, Tòa án đã xác thực trong nội dung thông báo có quy định về việc không chi lương năng suất cho các trường hợp như: CBNV đang giải quyết thôi việc (đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động đã nộp Phòng Nhân sự & Đào tạo và được Ban Điều hành phê duyệt tính đến ngày 12/02/2015 – bao gồm các trường hợp có kết quả đánh giá năm 2014). Tuy nhiên, bà Q lại không đưa ra được chứng cứ chứng minh cho yêu cầu cầu của mình. Cho nên, tòa án đã không chấp thuận yêu cầu của bà Q.

Document

Bình luận:

Xét 2 HĐLĐ đã ký giữa bà Q và ngân hàng M có thời hạn tổng cộng là 2 năm thuộc loại HĐLĐ xác định thời hạn. Ngày 25/1/2015 bà Q nộp đơn xin nghỉ việc và chính thức nghỉ việc từ ngày 27/2/2015 (31 ngày) là phù hợp với quy định của BLLĐ về thời hạn thông báo khi chấm dứt HĐLĐ[1]. Ngày 27/1/2015, ngân hàng phê duyệt đơn nghỉ việc của bà Q. Theo đó, thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ giữa ngân hàng và bà Q không trái quy định pháp luật.

Quyền lợi của bà Q khi chấm dứt HĐLĐ như sau :

  • Ngân hàng thanh toán các khoản có liên quan bao gồm tiền lương (nếu có).
  • Xác nhận và hoàn trả sổ BHXH và giấy tờ khác của mình (nếu ngân hàng giữ lại).
  • Trợ cấp thôi việc (nếu không tham gia BHTN).

Tuy nhiên, căn cứ theo yêu cầu của bà Q trong đơn khởi kiện gửi ngày 31/7/2015, bà Q chỉ khởi kiện yêu cầu ngân hàng chi trả tiền thưởng cho mình với số tiền là 82.516.000 đồng mà không yêu cầu bất cứ khoản nào khác nên tòa án không xem xét đến là đúng quy định pháp luật[2].

Quay trở lại với yêu cầu của bà Q về việc chi trả tiền thưởng. Tiền thưởng được hiểu là số tiền mà NSDLĐ trả thêm cho NLĐ ngoài khoản lương, phụ cấp, trợ cấp đã được thỏa thuận trước đó dựa trên năng lực và hiệu suất làm việc của NLĐ theo đánh giá của NSDLĐ. Theo quy định tại Điều 103.2 BLLĐ 2012 có quy định quy chế thưởng do NSDLĐ quyết định và công bố tại nơi làm việc. Như vậy, việc chi trả tiền thưởng là không bắt buộc (trừ khi trong HĐLĐ có thỏa thuận thưởng), do đó ngân hàng có thưởng hay không thưởng là phụ thuộc vào quyết định của ngân hàng đưa ra và mức thưởng như thế nào cũng dựa trên quyết định của ngân hàng.

Theo như trình bày của ngân hàng về quy định thưởng cho nhân viên theo thông báo số 21/2015/TB-NS&ĐT ngày 11/2/2015 thì ngân hàng đã có quy định về việc “không chi lương năng suất cho các trường hợp như: CBNV đang giải quyết thôi việc (đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động đã nộp Phòng Nhân sự & Đào tạo và được Ban Điều hành phê duyệt tính đến ngày 12/02/2015 – bao gồm các trường hợp có kết quả đánh giá năm 2014)”. Thông báo này ban hành ngày 12/2/2015 sau ngày chị Q đã nộp đơn xin nghỉ việc từ ngày 25/1/2015 nhưng ngân hàng đã đồng ý phê duyệt ngày 27/1/2015 cho bà Q nghỉ việc theo nguyện vọng. Như vậy bà Q rơi vào trường hợp đang giải quyết chấm dứt HĐLĐ và đã nộp đơn trước ngày 12/2/2015) dẫn đến ngân hàng không chi trả tiền lương cho bà Q là có căn cứ. Mặt khác, bà Q không đưa ra được bất cứ bằng chứng nào chứng minh quy định trên là không phù hợp. Theo đó, phán quyết của tòa án không chấp thuận yêu cầu của bà Q là đúng với quy định.

Từ tình huống trên, cần lưu ý rằng tiền thưởng là khoản tiền mà NSDLĐ không bắt buộc phải chi trả cho NLĐ. Do đó, khi khởi kiện về vấn đề này cần cân nhắc để tránh phải nộp án phí đối với yêu cầu không được Tòa án chấp thuận.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về tranh chấp tiền thưởng tết.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Trần Thị Duyên

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận

 

[1] Điều 37.2.b BLLĐ 2012

[2] Điều 5.1 BLTTDS 2004

Document
Categories: Lao động

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*