Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

Tình huống thực tế tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động: Ngày 16/4/2001, ông Trực (nguyên đơn) và Công ty Cổ phần Tập đoàn Bình Vân (công ty Bình Vân – bị đơn) có ký kết HĐLĐ nhưng đến nay không còn lưu trữ. Đến ngày 1/1/2005, hai bên ký kết HĐLĐ khác là loại HĐLĐ xác định thời hạn với chức vụ làm việc là Trợ lý Tổng GĐ, GĐ nhập khẩu và chức danh khác như Phó Tổng GĐ phụ trách kinh doanh kiêm thành viên HĐQT công ty Bình Vân, chủ tịch HĐTV của công ty con và một số chức vụ khác nữa. Ngày 18/4/2011, ông Trực nộp đơn nghỉ việc bắt đầu từ ngày 30/9/2011. Sau khi nộp đơn, ông Trực vẫn tiếp tục đi làm đến ngày 29/4/2011. Trong khoảng thời gian cho đến ngày nghỉ việc, ông Trực đã nộp đơn nghỉ phép từ ngày 29/4/2011-9/5/2011, 11/5/2011-14/5/2011, 16/5/2011-26/5/2011, 27/5/2011-27/6/2011. Ngày 30/6/2011, ông Trực nhận được thông báo từ công ty Bình Vân số 53/TB/TGĐ/11 về việc chấm dứt HĐLĐ kể từ ngày 1/7/2011 cho nên sau thời gian này ông Trực không đi làm nữa. Mức lương ông Trực đang được hưởng trước khi nghỉ việc là 100 triệu đồng/ tháng, thù lao HĐQT 8 triệu đồng/ tháng, tiền lương bình quân 6 tháng liền kề là 88.187.667 đồng. Ông Trực cho rằng công ty đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật nên yêu cầu công ty Bình Vân như sau:

Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động

  • Trả tiền lương đợt II tháng 4/2011, lương tháng 5/2011 và lương tháng 6/2011 là: 67.247.845 đồng + 108.000.000 đồng + 108.000.000 đồng = 259.247,845 đồng.
  • Trả tiền lương và phụ cấp kiêm nhiệm trong suốt thời gian không được làm việc từ tháng 7/2011 đến 7/2012: 13 tháng x 88.187.667 đồng = 1.146.439.667 đồng.
  • Tiền trợ cấp thôi việc từ 16/4/2001 đến hết 31/12/2008 là 08 năm làm việc: 88.187.667 đồng X 8 năm 1/2 tháng/năm = 352.750.667 đồng.
  • Bồi thường 02 tháng tiền lương và phụ cấp kiêm nhiệm do chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật: 88.187.667 đồng X 02 tháng = 176.375.334 đồng.
  • Tiền lương chi bù lần thứ 3 cho 04 ngày thứ Bảy của tháng 09/2010 theo Thông báo số 46/TB/TGĐ/ll là: 9.056.909 đồng.

Không đồng ý với ý kiến của ông Trực, công ty Bình Vân có ý kiến như sau:

Trong quá trình làm việc, ông Trực có nhiều sai phạm. Biết về vấn đề này nên ông Trực mới nộp  đơn nghỉ việc. Sau khi nộp đơn, ông Trực có nghỉ việc từ 29/4/2011 đến ngày 09/5/2011. Công ty có ra thông báo yêu cầu ông Trực đến làm việc ngày 10/5/2011 nhưng ông Trực không đến, sau đó, công ty ra thông báo chấp nhận đơn xin nghỉ việc của ông Trực và đề nghị thời gian chấm dứt là 1/7/2011 thay vì 30/9/2011. Ngày 9/6/2011, công ty có hẹn ông Trực đến công ty giải quyết về vấn đề chấm dứt HĐLĐ nhưng ông Trực không đến và hẹn lại ngày 17/6/2011. Đến ngày đã hẹn ông Trực cũng không đến như đã hẹn. Việc công ty chưa trả đợt lương tháng 4/2011 vì ông Trực còn đang nợ thuế TNCN do công ty đã trích nộp thay cho ông Trực. Ông Trực xin nghỉ từ 30/9/2011 nhưng thực tế lại nghỉ từ 19/4/2011 nên ông Trực đã đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật. Do đó, công ty Bình Vân:

  • Không có nghĩa vụ trả lương những ngày ông Trực không được làm việc, không có nghĩa vụ bồi thường và không phải chi trả trợ cấp thôi việc.
  • Đồng ý chi trả tiền lương 02 ngày làm việc 16 và 18/4/2011 (ngày 17/4/2011 là ngày Chủ Nhật): 7.692,308 đồng.
  • Bù lương đợt 1 tháng 4/2011 (đo đợt 1 Công ty vẫn trả lương cũ cho ông NĐ_Trực): 20.500.000 đồng.
  • Tiền thù lao thành viên Hội đồng quản trị tính cho thời gian 1/2 tháng 4/2011: 4.000.000 đồng.
  • Trả bù lương 04 buổi làm việc ngày thứ Bảy của tháng 9/2010: 3.114.000 đồng.

Đưa ra yêu cầu phản tố đối với ông Trực:

  • Bồi thường nửa tháng tiền lương do đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật: 50.000.000 đồng.
  • Bồi thường tiền lương trong những ngày không báo trước vi phạm thời gian báo trước là 5,3 tháng): 100.000.000 đồng X 53 tháng = 530.000.000 đồng.
  • Hoàn trả tiền thuế TNCN năm 2010 mà Công ty đã nộp thay cho ông NĐ_Trực: 65.019.380 đồng.
  • Trả lại giá trị chiếc máy tính xách tay hiệu Dell Vostro của Công ty cấp cho ông NĐ_Trực: 13.398.000 đồng.

Yêu cầu phản tố bổ sung và yêu cầu đối trừ nghĩa vụ ngày 25/12/2014 và văn bản tự khai ngày 23/01/2015 với số tiền là 1.941.954.254 đồng (Một tỷ chín trăm bốn mươi một triệu chín trăm năm mươi bốn nghìn hai trăm năm mươi bốn đồng) bồi thường cho BĐ_Công ty cổ phần Tập đoàn Bình Vân về đơn phương chấm dứt HĐLĐ, trả tiền thuế thu nhập cá nhân năm 2010, tiền ông NĐ_Trực tạm ứng Công ty,…

Tòa án sơ thẩm tuyên:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Trực:

  • Buộc Công ty Bình Vân phải thanh toán cho ông Trực số tiền 431.046.677 đồng.
  • Không chấp nhận các yêu cầu khởi kiện về bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt HĐLĐ của ông Trực.
  • Đình chỉ yêu cầu phản tố bổ sung và yêu cầu đối trừ nghĩa vụ của Công ty Bình Vân.
  • Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Công ty Bình Vân: Buộc ông Trực phải hoàn trả lại cho Công ty Bình Vân số tiền 65.019.380 đồng. Không chấp nhận các yêu cầu phản tố về bồi thường thiệt hại do đơn phương chấm dứt HĐLĐ và yêu cầu hoàn trả giá trị chiếc máy tính xách tay.

Ngày 21/4/2015, công ty Bình Vân có đơn kháng cáo nội dung bản án sơ thẩm. Tuy nhiên tòa án Phúc thẩm giữ nguyên QĐ bản án lao động sơ thẩm.

Document

Ngày 19/8/2015, công ty Bình Vân nộp đơn đề nghị xem xét Giám đốc thẩm. Bên cạnh đó Chánh án TAND tối cao kháng nghị bản án lao động phúc thẩm nêu trên với nội dung:

Ông Trực và công ty Bình Vân có ký kết HĐLĐ từ 8/8/2001. Ngày 18/4/2011, ông Trực có đơn xin thôi việc từ ngày 30/9/2011 nên đã thực hiện đúng nghĩa vụ báo trước 45 ngày theo quy định. Việc công Bình Vân đưa ra đề nghị chấm dứt HĐLĐ ngày 1/7/2011 nhưng không được ông Trực đồng ý nên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ này không có hiệu lực. Tuy nhiên Tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm nhận định các bên thỏa thuận chấm dứt HĐLĐ là không đúng. Công ty Bình Vân cho rằng ông trực nghỉ việc từ 1/7/2011 nhưng xét các chứng cứ tại Tòa thì ông Trực có nộp đơn xin nghỉ phép 28/6/2011 – 20/7/2011, 21/7/2011 – 20/8/2011, 22/8/2011 – 30/9/2011. Vì vậy, có cơ sở xác định ông Trực vẫn duy trì quan hệ lao động với Công ty sau ngày 01/7/2011. Nếu ông Trực xin nghỉ mà công ty không chấp thuận thì được xem là vi phạm kỷ luật chứ không phải chấm dứt HĐLĐ vi phạm thời hạn báo trước như các bên đã đề cập.  Đối với yêu cầu phản tố bổ sung do ông  Chu ký là không đúng thẩm quyền. Trong quá trình chuẩn bị xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm không giải thích cho Công ty mà đình chỉ yêu cầu phản tố bổ sung của Công ty là sai sót về mặt tố tụng, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của Công ty.

Do đó quyết định hủy bản án lao động phúc thẩm, giao tòa án cấp sơ thẩm tiến hành xét xử lại.

Bình luận:

Giữa ông Trực và công ty Bình Vân có tồn tại quan hệ lao động bằng chứng là HĐLĐ không xác định thời hạn được ký kết ngày 1/1/2005. Tranh chấp xảy ra ở đây là tranh chấp liên quan đến chấm dứt HĐLĐ của hai bên. Mấu chốt vấn đề ở chỗ ông Trực có đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật hay không? Công ty Bình Vân có đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật hay không?

Thứ nhất, ngày 1/1/2005, hai bên đã giao kết HĐLĐ không xác định thời hạn. Ngày 18/4/2011, ông Trực nộp đơn xin nghỉ việc bắt đầu từ ngày 30/9/2011. Về tính hợp pháp của thông báo này, ông Trực đã tuân thủ theo đúng quy định là báo trước cho Công ty Bình Vân trước 45 ngày[1]. Thứ hai, công ty Bình Vân cho rằng ông Trực nghỉ việc từ ngày 1/7/2011 trước ngày ông Bình thông báo nghỉ việc 30/9/2011 là đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật. Tuy nhiên, dựa trên các đơn nghỉ phép của ông Trực đối với công ty Bình Vân cho đến ngày 30/9/2011 thì công ty Bình Vân cũng không có bất kỳ phản hồi nào về đơn xin nghỉ phép này của ông Trực. Cho nên đồng tình với nhận xét của Giám đốc thẩm thì ông Trực không đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật.

Thứ ba, công ty Bình Vân mới đưa ra thông báo nghỉ việc cho ông Trực nhưng chưa đưa ra bất kỳ quyết định thôi việc nào đối với ông Trực cho nên công ty Bình Vân cũng không đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái luật.

Từ các lý lẽ trên, HĐLĐ giữa hai bên vẫn còn hiệu lực. Do đó, các bên không có quyền yêu cầu các quyền lợi của mình trong trường hợp đơn phương chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật. Như vậy, để đúng theo trình tự thủ tục đơn phương chấm dứt HĐLĐ thì công ty Bình Vân phải xử lý kỷ luật đối với hành vi nghỉ việc quá 7 ngày/tháng mà công ty không đồng ý cho ông Trực nghỉ việc. Đây mới là căn cứ để công ty Bình Vân đơn phương chấm dứt HĐLĐ với ông Trực. Vì không thực hiện đúng trình tự thủ tục và HĐLĐ vẫn còn hiệu lực cho nên công ty Bình Vân phải chi trả cho ông Trực các khoản chi phí sau[2]:

  • Tiền lương cho đến ngày 30/9/2011 (trừ những ngày ông Trực xin nghỉ phép không lương).
  • Chi trả trợ cấp thôi việc cho ông Trực.
  • Hoàn trả tiền lương còn thiếu đợt II tháng 4/2011, lương tháng 5/2011 và lương tháng 6/2011 cho ông Trực.
  • Đóng BHXH, BHYT, BHTN cho đến ngày 30/9/2011.

Đối với các yêu cầu của công ty Bình Vân về số tiền công ty đã đóng thay thuế TNCN cho ông Trực thì ông Trực có trách nhiệm hoàn trả nếu công ty Bình Vân có yêu cầu.

Xét về việc tòa án Sơ thẩm ra quyết định đình chỉ yêu cầu phản tố bổ sung và đối trừ nghĩa vụ của công ty Bình Vân ngày 25/12/2014 thì việc đình chỉ của Tòa án đã vi phạm tố tụng bởi vì việc đình chỉ yêu cầu của đương sự chỉ được Tòa án thực hiện khi đương sự tự nguyện rút yêu cầu và được Hội đồng xét xử chấp thuận[3].  Tuy nhiên, ở tình huống trên, công ty Bình Vân có yêu cầu phản tố bổ sung và đối trừ nghĩa vụ nhưng không rút yêu cầu mà Tòa án tự ra quyết định đình chỉ đối với yêu cầu này đã vi phạm tố tụng. Do đó, quyết định Giám đốc thẩm hủy bỏ phán quyết Phúc thẩm là có căn cứ.

Từ tình huống thực tế trên cho thấy rằng phán quyết của Tòa án chưa chắc là đã đúng. Do đó, một tình huống tranh chấp xảy ra trên thực tế phải được xem xét, phân tích, đối chiếu với quy định cụ thể mới có cái nhình nhận đúng đắn. Hiện nay, BLLĐ 2012 đã có nhiều thay đổi, quy định rõ ràng hơn về trường hợp chấm dứt HĐLĐ và đơn phương chấm dứt HĐLĐ. Bạn có thể thao khảo thêm các bài viết lao động trên web https://tuvanluat.vn/ để tìm hiểu thêm về vấn đề này.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của chúng tôi về  tranh chấp chấm dứt HĐLĐ.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Trần Thị Duyên

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận

 

[1] Điều 37.3 BLLĐ 1994

[2] Điều 42.1, 43 BLLĐ 1994 sửa đổi 2002, 2006, 2007

[3] Điều 218.2 Bộ luật tố tụng DS 2004

 

Document
Categories: Lao động

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*