Trả lương cho người lao động đi làm thêm giờ nhưng sau đó được nghỉ bù?
Trả lương cho người lao động đi làm thêm giờ nhưng sau đó được nghỉ bù?
Theo quy định hiện hành, nếu người lao động làm thêm giờ vào ngày thường; ngày nghỉ hằng tuần; hoặc ngày nghỉ lễ, ngày nghỉ có hưởng lương thì sẽ nhận được số tiền lương tương ứng lần lượt bằng một phẩy năm (1,5); hai (02); và ba (03) lần tiền lương được trả vào ngày làm việc bình thường[1]. Tuy nhiên nếu người lao động làm thêm vào những ngày vừa được liệt kê, sau đó được nghỉ bù vào ngày làm việc bình thường thì việc tính lương sẽ được diễn ra như thế nào?
Tình huống thực tế:
Anh Bình là kỹ sư máy tính của công ty TNHH LINH LINH. Công ty quy định số giờ làm việc mỗi ngày là 08 giờ (sáng từ 07:00 – 11:00, chiều từ 13:00 – 17:00), tuần làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu. Vào ngày thứ Bảy (13/07/2019) hệ thống máy tính của công ty bị trục trặc, do đó công ty thỏa thuận với anh Bình để anh đi làm vào ngày thứ Bảy nhằm khắc phục tình trạng trên, sau đó anh sẽ được nghỉ bù vào ngày thứ Hai tuần sau (15/07/2019). Một số nhân viên thử việc ở phòng nhân sự của công ty đã thắc mắc về cách tính tiền lương cho anh Bình trong trường hợp này. Biết mức lương[2] của anh Bình là 10.000.000 đồng/tháng. Giả định không có các khoản phụ cấp và bổ sung khác.
Tính tiền lương cho anh Bình:
Cách tính này không được quy định cụ thể trong luật mà được suy ra sau khi ta tham chiếu[3] các quy định về cách tính tiền lương.
Đầu tiên, vì công ty anh Bình làm việc từ thứ Hai đến thứ Sáu do đó tháng 07 sẽ có 23 ngày làm việc. Gọi X là số tiền lương theo ngày mà anh Bình nhận được, ta có
X = = 434.783 (đồng/ngày).
Tiếp theo, vì anh đi làm thêm vào ngày thứ Bảy – ngày nghỉ hằng tuần, do đó anh nhận được gấp đôi số tiền lương làm việc theo ngày bình thường: 2 x 434.783 = 869.566 (đồng).
Sau đó anh lại nghỉ bù vào ngày thứ Hai tuần sau. Và theo quy định hiện hành, ngày nghỉ bù của anh không được tính là ngày nghỉ hưởng nguyên lương[4]:
STT | TRƯỜNG HỢP NGHỈ ĐƯỢC HƯỞNG NGUYÊN LƯƠNG | GHI CHÚ |
1 | Ngày nghỉ hằng năm. | Điều kiện: Người lao động phải làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì mới được tính số ngày nghỉ hằng năm. Bạn cần tư vấn dịch vụ này! Số ngày nghỉ hằng năm: dao động từ 12 – 16 ngày tùy tính chất công việc. Số ngày nghỉ có thể chia thành nhiều lần trong năm hoặc nghỉ gộp tối đa 03 năm một lần. Tính thêm thời gian: Nếu người lao động đi bằng các phương tiện đường bộ, đường sắt, đường thủy mà số ngày đi đường cả đi và về trên 02 ngày thì từ ngày thứ 03 trở đi được tính thêm thời gian đi đường ngoài ngày nghỉ hằng năm và chỉ được tính cho 01 lần nghỉ trong năm. |
2 | Nghỉ lễ, Tết. | Bao gồm các trường hợp: · Tết Dương lịch 01 ngày (ngày 01 tháng 01 dương lịch); · Tết Âm lịch 05 ngày; · Ngày Chiến thắng 01 ngày (ngày 30 tháng 4 dương lịch); · Ngày Quốc tế lao động 01 ngày (ngày 01 tháng 5 dương lịch); · Ngày Quốc khánh 01 ngày (ngày 02 tháng 9 dương lịch); · Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 01 ngày (ngày 10 tháng 3 âm lịch). Đối với lao động nước ngoài: Lao động là công dân nước ngoài làm việc tại Việt Nam ngoài việc được nghỉ lễ vào những ngày trên còn được nghỉ thêm 01 ngày Tết cổ truyền dân tộc và 01 ngày Quốc khánh của quốc gia họ. Nghỉ bù ngày nghỉ lễ, Tết: Nếu những ngày nghỉ lễ, Tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp. |
3 | Nghỉ việc riêng. | Bao gồm các trường hợp: · Kết hôn: nghỉ 03 ngày; · Con kết hôn: nghỉ 01 ngày; · Bố đẻ, mẹ đẻ, bố vợ, mẹ vợ hoặc bố chồng, mẹ chồng chết; vợ chết hoặc chồng chết; con chết: nghỉ 03 ngày. |
Như vậy về nguyên tắc, anh Bình không được hưởng lương vào ngày thứ Hai. Nếu tháng đó anh không nghỉ thêm ngày nào nữa, hoặc ngày nghỉ của anh thuộc ngày nghỉ hưởng nguyên lương thì tiền lương theo tháng của anh Bình được tính như sau: 10.000.000 + 869.565,217 – 434.682,609 = 10.434.682,609 (đồng).
Nói cách khác thì anh Bình chỉ nhận được phần chênh lệch giữa tiền lương làm thêm vào ngày thứ Bảy (ngày nghỉ cuối tuần) và tiền lương làm việc vào ngày thứ Hai (ngày làm việc bình thường). Tức 2X – X = 2 x 434.683 – 434.683 = 434.683 (đồng). Cuối tháng anh Bình sẽ nhận mức lương 10.000.000 đồng cộng với 434.683 đồng tiền làm thêm giờ.
Với những trường hợp làm thêm giờ và sau đó được nghỉ bù khác, cách tính lương cũng được thực hiện tương tự. Tiền lương làm thêm giờ người lao động được nhận khi làm thêm sau đó nghỉ bù sẽ được tính bằng chênh lệch giữa số tiền lương làm thêm và số tiền lương của ngày được nghỉ bù.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Trả lương cho người lao động đi làm thêm giờ nhưng sau đó được nghỉ bù?”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Huỳnh Thái Sơn.
Ngày cập nhập, bổ sung: 14.10.2021
Người bổ sung: Lê Tuấn Huy
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 98 Bộ Luật Lao động 2019.
[2] Tiền lương = Mức lương + Phụ cấp + Các khoản bổ sung khác.
+ Mức lương: xem thêm Điều 90 Bộ luật Lao động 2019; Điều 3 Thông tư 10/2020/TT-BLĐTBXH và Điều 90 Bộ luật lao động 2019
+ Phụ cấp: xem thêm Điều 90 Bộ luật Lao động 2019 và Điều 30 – Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH
+ Các khoản bổ sung khác: xem thêm Điều 90 Bộ luật Lao động 2019
[3] Căn cứ, dựa vào để tham khảo và đối chiếu.
[4] Xem Điều 111, Điều 112, 115 Bộ luật Lao động 2019.