Thử việc và những vấn đề cần biết
Hiện nay, hầu hết các Doanh nghiệp đều yêu cầu thử việc đối với Người lao động (NLĐ). Bởi vì, khi nộp hồ sơ ứng tuyển (CV) hầu hết mọi người đều thiết kế cho mình một bản CV đẹp mắt, “đánh bóng” lên. Tuy nhiên trên thực tế, khả năng làm việc của họ lại hạn chế hơn nhiều so với những “thành tích, ưu điểm” được liệt kê trong CV. Hay có những trường hợp, NLĐ có kiến thức và khả năng vận dụng tốt nhưng thái độ làm việc kém, không hòa đồng…
Cho nên, việc thử việc góp phần giúp cho người sử dụng lao động (NSDLĐ) có thể đánh giá được năng lực của NLĐ, xem xét bố trí vào vị trí làm việc phù hợp trong Doanh nghiệp. Đồng thời, cũng giúp cho NLĐ biết được mình có thể thực hiện được các yêu cầu của công việc và có xác định tiếp tục làm việc lâu dài tại Doanh nghiệp hay không. Khi ký kết hợp đồng thử việc, 2 bên có thể thỏa thuận các vấn đề về công việc, địa điểm, thời gian thử việc,…
1) NLĐ nên có thái độ ra sao trong thời gian thử việc?
Tập thích nghi với môi trường làm việc: Môi trường Đại học và môi trường làm việc chắc hẳn là có rất nhiều điểm khác biệt. Cho nên, khi rời khỏi ghế nhà trường để bước vào một môi trường làm việc thật sự. NLĐ cần phải cố gắng thích nghi, hòa nhập với môi trường mới, xây dựng những mối quan hệ tốt, tạo được dấu ấn, niềm tin từ lãnh đạo và các đồng nghiệp. Bên cạnh đó, mỗi người cần có sự linh hoạt. Những nhân viên xuất sắc không bao giờ là người bị động, đợi người khác sắp xếp công việc cho mình. Họ luôn là người chủ động tìm hiểu việc mình nên làm, rồi dốc hết sức để hoàn thành tốt công việc ấy. Khi đã hoàn thành công việc, nhiệm vụ mà mình được giao thì có thể giúp các đồng nghiệp khác trong công ty hoàn thành công việc của họ. Thậm chí là khi rảnh rỗi, bạn có thể vệ sinh, dọn dẹp, bày trí lại văn phòng, vị trí làm việc của mình và người khác sao cho sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp. Chứ không phải ỷ y rằng công việc này chỉ dành cho nhân viên dọn vệ sinh. Bởi “công việc không nuôi người nhàn hạ, tập thể không nuôi những kẻ lười”.
Nói không với “đứng núi này, trông núi nọ”: Trong giai đoạn thử việc, công việc, nhiệm vụ được phân công còn khá ít. Mức tiền lương và quyền lợi còn hạn chế hơn so với những nhân viên chính thức. Đây là lý do khiến nhiều người cảm thấy chán nản, xem nhẹ các công việc được giao, coi đó là những công việc quá đỗi đơn giản, không cần thiết phải làm. Họ thiếu đi sự kiên nhẫn, bắt đầu nảy sinh tâm lý “đứng núi này, trông núi nọ”, so sánh nơi làm việc của mình với những nơi khác rồi tự ý rời bỏ công việc giữa chừng. Bên cạnh đó, nhiều người đi thử việc chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình mà không nghĩ đến nghĩa vụ của mình phải làm những gì để mang lại lợi ích cho cho công ty. Vừa mới hợp tác đã nghĩ cách sao cho mình không chịu thiệt, thì sự nghiệp khó mà tiến thân. Có bao giờ bạn nghĩ khi thử việc những nhân sự cấp cao của công ty phải dừng việc của họ để hướng dẫn mình, việc họ vẫn phải làm hết và công ty vẫn phải trả lương cho nhân sự cấp cao trong những giờ hướng dẫn bạn. Đây chính là sai lầm lớn của NLĐ, nếu ở họ thiếu đi chữ “cần”, chữ “nhẫn”, thì họ có thể sẽ mãi “dậm chân” ở giai đoạn thử việc. Khi vào một công ty làm việc, đừng chỉ chăm chăm vào việc kiếm tiền, được giao những việc mình thích. Bạn hãy học và làm sao cho mình đáng với đồng tiền được trả bằng cách thay đổi suy nghĩ “muốn nhận thì phải cho”, nghĩa là hãy cố gắng làm việc hết năng lực và trách nhiệm của mình đi, tiền, kinh nghiệm, niềm vui trong công việc sẽ đến với bạn.
“Nhảy việc” và ảo tưởng về việc tích lũy được nhiều kinh nghiệm: Hiện nay, có rất nhiều người cho rằng, khi làm việc ở mỗi nơi một ít họ sẽ có cơ hội học hỏi, tích lũy nhiều kinh nghiệm hơn. Thí dụ thực tế, có nhiều sinh viên Luật khi thì xin làm ở công ty Luật chuyên về tư vấn doanh nghiệp, chuyển qua làm bên tố tụng hình sự, dân sự, rồi qua pháp chế doanh nghiệp… Họ nghĩ rằng nếu như vậy, họ sẽ có thể làm việc ở cả mảng tư vấn, tranh tụng. Tuy nhiên, khi đụng vào chuyên sâu một hồ sơ vụ án hay được giao làm trọn một hồ sơ doanh nghiệp thì họ hoàn toàn “bó tay”. Cái gì bạn cũng biết, nhưng cuối cùng lại chẳng làm được gì.
Hoàn thành tốt công việc được giao: Năng lực làm việc của NLĐ được thể hiện chính xác qua giai đoạn này, góp phần quan trọng quyết định việc công ty có giữ người đó ở lại làm nhân viên chính thức hay không. Vì vậy, mỗi NLĐ cần xem đây là một cơ hội duy nhất và tốt nhất dành cho mình, để có thể ghi điểm, tạo dấu ấn đối với nhà tuyển dụng.
Luôn “giữ lửa” đam mê, tích cực đối với công việc: Điều này không những thể hiện khả năng chuyên môn mà còn cho nhà tuyển dụng thấy mong muốn được cống hiến của mình. Mặc dù có thể đôi lúc công việc của bạn chưa thực sự được hoàn thành tốt nhất có thể. Nhưng nếu như bạn luôn giữ trong mình niềm đam mê, nhiệt huyết, luôn nỗ lực tìm tòi, học hỏi thì bất cứ nhà tuyển dụng nào cũng sẽ có ấn tượng tốt và mong muốn giữ bạn ở lại công ty. Mức độ để tâm, lo lắng cho công việc ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả làm việc. Bất kỳ một công ty nào cũng đều rất cần những nhân viên tích cực, có trách nhiệm và chủ động trong công việc.
Tuân thủ kỹ luật lao động ở nơi làm việc: Bác Hồ từng nói: “Có tài mà không có đức là người vô dụng”. Bên cạnh năng lực làm việc thì phẩm chất, đạo đức của NLĐ cũng được nhà tuyển dụng đặc biệt chú trọng xem xét, để ý tới. Dẫu cho bạn có làm việc tốt đến đâu mà tự bản thân bạn không tự ý thức, ràng buộc mình vào những khuôn khổ, nguyên tắc, kỷ cương làm việc của công ty thì điều này chẳng khác gì việc chính bạn đang tự đào thải mình.Tránh thái độ “ỷ y” vào bằng cấp: Có nhiều NLĐ ỷ rằng mình có thành tích học tập tốt, bằng cấp cao nên chủ quan, luôn tự đắc mình học cao hơn những người cùng phòng thì phải được ngồi ở vị trị cao hơn, thường không tuân thủ yêu cầu làm việc, luôn tìm cách chống đối cấp trên để thể hiện cá tính cũng như muốn chứng tỏ rằng mình có bằng cấp cao đối với mọi người. Tuy nhiện, bằng cấp chỉ chứng tỏ là bạn có hiểu biết sâu lý thuyết về một công việc nào đó, còn kỹ năng làm công việc đó mới là cái đáng để trả tiền. Bằng cấp không chứng tỏ bạn làm công việc đó tốt hơn người khác, học giỏi không có nghĩa là làm giỏi. Khi đánh giá nhân viên, người quản lý chỉ nhìn vào hai tiêu chí. Một là năng lực và hai là thái độ. Cần tránh việc ngộ nhận hai khái niệm này và đánh đồng chúng với nhau.
Luôn luôn nỗ lực sáng tạo, tạo “nét riêng” cho mình: Cá nhân mỗi người sẽ có những ý tưởng, cách thức xử lý, làm việc riêng của mình. Bởi vậy, đôi lúc NLĐ không cần phải quá “rập khuôn”, thụ động theo những khuôn mẫu đã có sẵn. Hãy mạnh dạn trình bày quan điểm của mình đối với sếp, biết đâu được đó lại là một sáng kiến hay, giúp công việc được thực hiện hiệu quả và suôn sẻ hơn.
Sau một thời gian thử việc, nếu NLĐ cảm thấy công việc không phù hợp với mình hoặc không thể hoàn thành công việc như đã thỏa thuận thì họ nên nghỉ việc sớm. Điều này nhằm tránh mất nhiều thời gian, chi phí, cũng như hạn chế tổn thất cho cả 2 bên.
2) Những điều mà NLĐ và NSDLĐ cần biết khi giao kết Hợp đồng thử việc
Dưới đây, chúng tôi sẽ liệt kê những vấn đề mà NSDLĐ và NLĐ cần phải nắm rõ khi giao kết, thực hiện “Hợp đồng thử việc”:
Thời gian thử việc: Căn cứ vào mức độ phức tạp và tính chất của công việc mà mỗi loại công việc sẽ có một thời hạn thử việc tối đa nhất định. Nhất là đối với các công việc yêu cầu, đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao thì NSDLĐ cũng cần nhiều thời gian hơn trong việc xem xét, đánh giá NLĐ:
– Đối với người quản lý doanh nghiệp: Thời gian thử việc tối đa 180 ngày[1].
– Đối với các công việc, nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật từ cao đẳng trở lên: Thời gian thử việc tối đa 120 ngày[2].
– Đối với các công việc, nghề nghiệp cần trình độ chuyên môn, kỹ thuật trung cấp, công nhân kỹ thuật, nhân viên nghiệp vụ: Thời gian thử việc tối đa 60 ngày[3].
– Đối với các công việc còn lại (như PG, phục vụ quán ăn,…): Thời gian thử việc tối đa 6 ngày[4].
Lưu ý: Mỗi doanh nghiệp chỉ được yêu cầu thử việc NLĐ một lần đối với một công việc[5]. Bạn có thể tham khảo bài viết Số lần thử việc cho một công việc.
Tiền lương thử việc: Tiền lương thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng cần đảm bảo bằng ít nhất 85% mức lương của công việc mà bạn đang thực hiện[6].
Về lượng công việc trong thời gian bạn thử việc: Trong thời gian thử việc, bạn có thể làm việc ít hơn hoặc tương đương với nhân viên chính thức của công ty. Việc này không trái với quy định của pháp luật. Hai bên có thể thỏa thuận về khối lượng công việc trong quá trình thử việc.
Về cam kết trước khi được đưa đi đào tạo nghề: Trước khi được đưa đi đào tạo nghề, bạn cần phải ký Hợp đồng đào tạo nghề với công ty, Hợp đồng này phải được lập thành 02 bản và mỗi bên giữ 01 bản[7].
Kết thúc thời gian thử việc[8]:
NSDLĐ phải thông báo kết quả thử việc cho bạn trong thời hạn 3 ngày trước khi kết thúc thời gian thử việc. Chúng tôi đã có bài viết tư vấn về vấn đề này tại: Nghĩa vụ thông báo chấm dứt hợp đồng thử việc.
Trường hợp thử việc đạt yêu cầu thì: Bạn và doanh nghiệp có thể tiếp tục thực hiện Hợp đồng khi “thử việc” là một điều khoản trong Hợp đồng lao động; hoặc hai bên sẽ tiến hành ký kết Hợp đồng lao động nếu trước đó có ký kết Hợp đồng thử việc.
Trường hợp thử việc không đạt yêu cầu thì sẽ chấm dứt Hợp đồng lao động hoặc Hợp đồng thử việc đã ký kết.
Quyền đơn phương hủy bỏ Hợp đồng thử việc: Trong thời gian thử việc, nếu bạn cảm thấy công việc không phù hợp hay NSDLĐ cảm thấy bạn làm việc không đạt yêu cầu như đã thỏa thuận. Thì mỗi bên đều có quyền đơn phương hủy bỏ Hợp đồng lao động (có điều khoản thử việc) hoặc Hợp đồng thử việc đã giao kết, mà không cần phải báo trước và không phải bồi thường[9].
Các bạn có thể tham khảo mẫu hợp đồng thử việc tại: MẪU HỢP ĐỒNG THỬ VIỆC
Lưu ý: Bộ luật Lao động 2019 sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2021.
Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Thử việc và những vấn đề cần biết”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Võ Thị Minh Thương.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 25.1 Bộ luật lao động 2019
[2] Điều 25.2 Bộ luật lao động 2019
[3] Điều 25.3 Bộ luật lao động 2019
[4] Điều 25.4 Bộ luật lao động 2019
[5] Điều 25 Bộ luật lao động 2019
[6] Điều 26 Bộ luật lao động 2019
[7] Điều 62 Bộ luật lao động 2019
[8] Điều 27 Bộ luật lao động 2019
[9] Điều 27.2 Bộ luật lao động 2019