Thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế
Sáng chế là sản phẩm được con người tạo ra dựa trên việc ứng dụng các quy luật tự nhiên và áp dụng nó vào đời sống thực tiễn nhằm giải quyết vấn đề hoặc đáp ứng các nhu cầu nhất định của con người. Việc đăng ký sáng chế để được cấp văn bằng bảo hộ trong thời hạn 20 năm là điều cần thiết, vì thế quy định về thủ tục đăng ký sáng chế là quy định pháp luật quan trọng mà tác giả, người sở hữu sáng chế cần nắm rõ. Thông qua bài viết sau, Luật Nghiệp Thành sẽ hướng dẫn Qúy bạn đọc thực hiện thủ tục đăng ký sáng chế.
Đầu tiên, tác giả có thể tự mình thực hiện hoặc ủy quyền cho người khác thực hiện. Khi thực hiện, người nộp đơn sẽ chuẩn bị một bộ hồ sơ gồm các loại giấy tờ sau:
– Tờ khai đăng ký; (2 bản chính) (Mẫu A.01 đăng ký SC)
Lưu ý: nếu người nộp đơn không tự phân nhóm, phân loại hoặc việc phân nhóm không chính xác thì Cục Sở hữu trí tuệ thực hiện thay và người nộp đơn sẽ trả thêm phí dịch vụ cho việc đó.
– Bản mô tả sáng chế và yêu cầu bảo hộ sáng chế (nếu có hình vẽ thì phải bao gồm); (02 bản chính)
– Bản tóm tắt sáng chế; (02 bản chính)
– Giấy ủy quyền (nếu đơn nộp thông qua đại diện pháp luật); (01 bản chính)
– Tài liệu chứng minh về quyền đăng ký (nếu người nộp đơn được thụ hưởng quyền từ người khác), gồm: Bản sao đơn hoặc các đơn đầu tiên có xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên; Giấy chuyển nhượng quyền ưu tiên nếu quyền đó được thụ hưởng từ người khác; (01 bản chính)
– Tài liệu chứng minh quyền ưu tiên (nếu có); (01 bản chính)
– Chứng từ nộp phí, lệ phí; (01 bản sao)
Người nộp đơn có thể theo phương thức trực tiếp hoặc gửi bưu điện đến trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ ở Hà Nội và 02 văn phòng đại điện của Cục ở TP.HCM và Đà Nẵng;
Sau khi hoàn tất việc nộp đơn, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ xem xét và thẩm định đơn với thời hạn giải quyết như sau:
– Thẩm định hình thức đơn: 01 tháng[1]
– Công bố đơn trong tháng thứ 19 kể từ ngày ưu tiên đối với đơn được hưởng quyền ưu tiên hoặc ngày nộp đơn, hoặc trong thời hạn 02 tháng kể từ ngày được chấp nhận là đơn hợp lệ, tùy theo ngày nào muộn hơn.[2]
– Thẩm định nội dung không quá 18 tháng kể từ ngày công bố đơn yêu cầu thẩm định nội dung được nộp trước ngày công bố đơn hoặc kể từ ngày nhận được yêu cầu thẩm định nội dung nếu yêu cầu đó được nộp sau ngày công bố đơn.
– Cấp văn bằng bảo hộ: 15 ngày kể từ ngày nộp đầy đủ và đúng hạn các khoản phí và lệ phí[3]. Các khoản phí và lệ phí mà người nộp đơn sẽ đóng bao gồm[4]:
Lệ phí:
+ Lệ phí nộp đơn (150.000 VNĐ/mỗi đơn);
+ Lệ phí cấp văn bằng bảo hộ (120.000VNĐ/1 yêu cầu);
Phí:
+ Phí thẩm định hình thức (180.000 VNĐ/mỗi yêu cầu bảo hộ độc lập); phí thẩm định nội dung (720.000VNĐ/mỗi yêu cầu bảo hộ độc lập);
+ Phí phân loại quốc tế về sáng chế (100.000VNĐ/phân nhóm);
+ Phí thẩm định yêu cầu hưởng quyền ưu tiên (600.000VNĐ/mỗi đơn/một yêu cầu);
+ Phí tra cứu thông tin nhằm phục vụ thẩm định (600.000VNĐ/mỗi yêu cầu bảo hộ độc lập);
+ Phí công bố thông tin (120.000VNĐ/1 hình, từ hình thứ 2 trở đi thêm 60.000VNĐ/1 hình); phí đăng bạ Quyết định cấp văn bằng bảo hộ (120.000VNĐ)
– Công bố quyết định cấp văn bằng bảo hộ trên Công báo Sở hữu công nghiệp: 60 ngày kể từ ngày ra Quyết định[5]
Trên đây là nội dung tư vấn về “Thủ tục đăng ký bảo hộ sáng chế”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Quách Gia Hy
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 13.8 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN
[2] Điều 14.2 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN
[3] Điều 18.2 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN và Điều 1.17.(a) Thông tư 16/2016/TT-BKHCN
[4] Thông tư 263/2016/TT-BTC
[5] Điều 19.2 Thông tư 01/2007/TT-BKHCN và Điều 1.18.(d) Thông tư 16/2016/TT-BKHCN