Thủ tục công nhận điểm du lịch, khu du lịch

Thủ tục công nhận điểm du lịch, khu du lịch

Điều kiện và thủ tục công nhận điểm du lịch, khu du lịch

 

 

 

Điều kiện và thủ tục công nhận điểm du lịch, khu du lịch

 

Điểm du lịch là nơi có cảnh quan thiên nhiên[1], yếu tố tự nhiên[2] và các giá trị văn hóa (“Tài Nguyên Du Lịch”) được con người đầu tư, khai thác nhằm phục vụ khách du lịch[3].

 

Khu du lịch là khu vực có ưu thế về Tài Nguyên Du Lịch, được quy hoạch, đầu tư phát triển nhằm đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Khu du lịch bao gồm khu du lịch cấp tỉnh và khu du lịch quốc gia[4].

 

Việc công nhận điểm du lịch, khu du lịch ngoài việc thể hiện sự quan tâm của Nhà nước đối với hoạt động du lịch tại khu vực được công nhận còn là công cụ quản lý Nhà nước trực tiếp. Quyết định công nhận điểm du lịch, khu du lịch ngầm thể hiện rằng kể từ thời điểm được công nhận, điểm du lịch, khu du lịch ngoài việc được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì họ[5] bắt buộc phải tuân theo các quy định của Nhà nước nếu không muốn bị xử hạt hành chính.

 

Bên cạnh đó, việc đưa các địa điểm có tiềm năng du lịch vào khuôn khổ quản lý sẽ tạo ra lợi ích trực tiếp cho khách du lịch. Các điểm du lịch, khu du lịch sau khi được công nhận sẽ phải tuân theo các tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, trật tự an toàn xã hội…do Nhà nước định ra. Tổ chức quản lý điểm du lịch, khu du lịch không thể tự tung tự tác để bòn rút lợi ích từ khách hàng. Khách du lịch vì thế được hưởng các dịch vụ có chất lượng ổn định và an toàn.

 

 

Cuối cùng là việc công nhận điểm du lịch, khu du lịch góp phần nâng cao tầm ảnh hưởng và sức thu hút của khu vực đó. Được công nhận là điểm du lịch, khu du lịch đồng nghĩa với việc mức độ và quy mô dịch vụ du lịch của khu vực được nâng lên một tầm cao mới. Các phương tiện truyền thông chắc chắn sẽ đưa tin – và đây là cơ hội quảng bá và đánh bóng tên tuổi du lịch không thể hoàn hảo hơn. Điều này góp phần gia tăng đáng kể lượt khách du lịch đến tham quan điểm du lịch, khu du lịch. Tâm lý chung của khách du lịch là họ có xu hướng đến những nơi được Nhà nước công nhận và quản lý hơn vì nó cho họ cảm giác an tâm khi xê dịch.

 

 

Rõ ràng việc được công nhận là điểm du lịch và khu du lịch đem đến rất nhiều lợi ích cho tổ chức, cá nhân quản lý khu vực đó. Tuy nhiên, lợi ích lớn đương nhiên sẽ đi kèm với các yêu cầu lớn. Dưới đây là các điều kiện, hồ sơ, và trình tự thủ tục để được công nhận là điểm du lịch, khu du lịch.

 

 

 

 

Document

Điều kiện, hồ sơ, và thủ tục công nhận điểm du lịch, khu du lịch

LOẠI HÌNHĐIỀU KIỆN CÔNG NHẬNHỒ SƠ,

TRÌNH TỰ THỦ TỤC

Điểm du lịch[6]1. Điều kiện tiên quyết: Có Tài Nguyên Du Lịch, có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận[7].

2. Điều kiện về cơ sở hạ tầng, dịch vụ: Có kết nối giao thông, thông tin liên lạc thuận lợi; có hệ thống điện, nước sạch; có biển chỉ dẫn, thuyết minh về điểm du lịch; có dịch vụ ăn uống, mua sắm đảm bảo phục vụ nhu cầu của khách du lịch.

3. Điều kiện về an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường: Có bộ phận bảo vệ trực 24/24; công khai số điện thoại, địa chỉ của tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch; có hình thức tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của khách du lịch; nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng, được bố trí đủ, tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm; có biện pháp thu gom và xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường; áp dụng các biện pháp phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.

Người nộp: Tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch.

Hồ sơ bao gồm:

1.      Đơn đề nghị công nhận điểm du lịch theo Mẫu[8].

2.      Bản thuyết minh về các điều kiện công nhận điểm du lịch (đã được trình bày phía trên).

Số lượng: 01 bộ.

Nơi nộp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch trực thuộc tỉnh, thành phố nơi có điểm du lịch.

Thời hạn trả lời: tối đa 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

 

Khu du lịch cấp tỉnh[9]1. Điều kiện tiên quyết: Có ít nhất 01 Tài Nguyên Du Lịch cấp tỉnh; có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận.

2. Điều kiện về cơ sở hạ tầng, dịch vụ:

a. Có hệ thống điện lưới, hệ thống cung cấp nước sạch;

b. Có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 100.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 50.000 lượt khách lưu trú mỗi năm;

c. Có nội quy, hệ thống biển chỉ dẫn, thuyết minh về khu du lịch; có hệ thống biển chỉ dẫn, biển báo về giao thông, các cơ sở dịch vụ, các điểm tham quan;

d. Cung cấp dịch vụ thuyết minh, hướng dẫn du lịch.

e. Có kết nối với hệ thống hạ tầng giao thông, viễn thông quốc gia.

3. Điều kiện về an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường:

a. Có bộ phận bảo vệ, cứu hộ, cứu nạn;

b. Công khai số điện thoại, địa chỉ của tổ chức quản lý khu du lịch;

c. Có bộ phận thông tin hỗ trợ khách du lịch; có hình thức tiếp nhận và giải quyết kịp thời phản ánh, kiến nghị của khách du lịch;

d. Nhà vệ sinh công cộng sạch sẽ, được thông gió và đủ ánh sáng, được bố trí đủ, tương ứng với số lượng khách du lịch vào thời kỳ cao điểm;

e. Có hệ thống thu gom và biện pháp xử lý rác thải; có hệ thống thu gom, xử lý nước thải sinh hoạt hoặc hệ thống thu gom nước thải sinh hoạt liên thông với hệ thống xử lý nước thải tập trung theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường;

f. Áp dụng các biện pháp phòng, chống cháy nổ theo quy định của pháp luật.

Người nộp: UBND huyện hoặc tổ chức quản lý khu du lịch.

Hồ sơ bao gồm:

1.      Đơn đề nghị công nhận điểm du lịch theo mẫu: Khu du lịch cấp tỉnh[10].

2.      Bản thuyết minh về các điều kiện công nhận điểm du lịch (đã được trình bày phía trên).

Số lượng: 01 bộ.

Nơi nộp: Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch trực thuộc tỉnh, thành phố nơi có khu du lịch.

Thời hạn trả lời: tối đa 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

Lưu ý: Đối với khu du lịch nằm trên địa bàn từ 02 quận/huyện trở lên, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm lập hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch cấp tỉnh. UBND tỉnh thành lập hội đồng thẩm định, quyết định công nhận khu du lịch cấp tỉnh.

 

Khu du lịch quốc gia[11]1. Điều kiện tiên quyết: có ít nhất 02 tài nguyên du lịch, trong đó có tài nguyên du lịch quốc gia; có ranh giới xác định trên bản đồ địa hình do cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Là một trong các khu vực tiềm năng phát triển khu du lịch quốc gia được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

2. Điều kiện về cơ sở hạ tầng, dịch vụ:

a. Có cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, mua sắm, thể thao, vui chơi, giải trí, chăm sóc sức khỏe đạt tiêu chuẩn phục vụ khách du lịch, đáp ứng tối thiểu 500.000 lượt khách mỗi năm; hệ thống cơ sở lưu trú du lịch đáp ứng tối thiểu 300.000 lượt khách lưu trú mỗi năm, trong đó có cơ sở lưu trú du lịch được công nhận hạng từ 4 sao trở lên;

b. Các điều kiện còn lại đối với tiêu chí hạ tầng, dịch vụ của Khu du lịch cấp tỉnh.

3. Điều kiện về an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường:

a. Có hệ thống thu gom và xử lý rác thải, nước thải tập trung theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường; bố trí nhân lực làm vệ sinh môi trường;

b. Các điều kiện còn lại đối với tiêu chí an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ môi trường của Khu du lịch cấp tỉnh.

Người nộp: UBND cấp tỉnh.

Hồ sơ bao gồm:

1.      Đơn đề nghị công nhận điểm du lịch theo mẫu: Khu du lịch quốc gia[12].

2.      Bản thuyết minh về các điều kiện công nhận khu du lịch quốc gia (đã được trình bày phía trên).

Số lượng: 01 bộ.

Nơi nộp: Tổng cục Du lịch.

Thời hạn trả lời: tối đa 60 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ và hợp lệ.

Lưu ý: Đối với khu du lịch nằm trên địa bàn từ 02 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập hồ sơ đề nghị công nhận khu du lịch quốc gia trình Thủ tướng công nhận.

Từ ngày 01/08/2019, các quy định mới sẽ có hiệu lực. Theo đó kể từ thời điểm được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền công nhận, các hành vi vi phạm về quản lý và duy trì điều kiện công nhận điểm du lịch, khu du lịch sẽ bị xử phạt từ 1.000.000 đến 30.000.000 đồng tùy theo mức độ[13]. Mức phạt đối với tổ chức gấp đôi mức phạt đối với cá nhận[14]. Trước đó mức phạt tối đa là 10.000.000 đồng[15].

Tổ chức, cá nhân quản lý điểm du lịch, khu du lịch còn có thể bị tước quyền sử dụng quyết định công nhận điểm du lịch, khu du lịch; đình chỉ hoạt động; hoặc thu hồi quyết định công nhận điểm du lịch, khu du lịch như là hình thức xử lý bổ sung.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về Điều kiện công nhận điểm du lịch, khu du lịch.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Huỳnh Thái Sơn.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Tập hợp tất cả các nét đặc trưng có thể nhìn thấy của một khu vực bao gồm các yếu tố vật lý: đồi núi, sông hồ…; các yếu tố con người: công trình, kiến trúc…; và các yếu tố tạm thời: khí hậu, thời tiết…

[2] Là tất cả, trừ con người và các sản phẩm của con người tạo ra.

[3] Xem thêm Điều 3.4, Điều 3.7 Luật Du lịch 2017.

[4] Xem thêm Điều 3.6 Luật Du lịch 2017.

[5] Điểm du lịch, khu du lịch.

[6] Điều 23, Điều 24 Luật Du lịch 2017.

[7] Thông thường là Cơ quan Địa chính các cấp. Tỷ lệ bản đồ phụ thuộc vào yêu cầu quản lý và địa hình khu vực.

[8] Mẫu số 01 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL.

[9] Điều 26.1, Điều 27 Luật Du lịch 2017.

[10] Mẫu số 02 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL.

[11] Điều 26.2, Điều 28 Luật Du lịch 2017.

[12] Mẫu số 03 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL.

[13] Điều 16 Nghị định 45/2019/NĐ-CP.

[14] Điều 5 Nghị định 45/2019/NĐ-CP.

[15] Điều 48 Nghị định 158/2013/NĐ-CP.

 

Document
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*