Quy định mới về mức hỗ trợ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp
Quy định mới về mức hỗ trợ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp
Trong môi trường lao động, bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động là những rủi ro mà bất cứ người lao động nào cũng có thể gặp phải, đặc biệt là những công việc có tính nguy hại đến sức khỏe và có nhiều quy định vô cùng nghiêm ngặt về vấn đề an toàn khi làm việc. Tuy nhiên, nếu không may phát sinh những vấn đề trên, thì người lao động cần biết những quy định cơ bản nhất để bảo vệ quyền lợi của mình là một điều rất cần thiết. Vậy đầu tiên, người lao động cần hiểu tai nạn lao động là gì và bệnh nghề nghiệp là gì?.
Tai nạn lao động được định nghĩa là tai nạn gây tổn thương cho bất kỳ bộ phận, chức năng nào của cơ thể hoặc gây tử vong cho người lao động, xảy ra trong quá trình lao động, gắn liền với việc thực hiện công việc, nhiệm vụ lao động.[1]
Còn bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đối với người lao động.[2]
Hiện nay, Nghị định 88/2020 đã có đưa ra nhiều điểm mới liên quan đến các mức hỗ trợ cho người lao động về tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Chính vì thế, Luật Nghiệp Thành sẽ tư vấn bạn đọc nội dung trên.
- Thay đổi mức hỗ trợ và các điều kiện nhận hỗ trợ
Thứ nhất, riêng với chế độ bảo hiểm với người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp thì mức hỗ trợ đã tăng lên từ 50% đến 100%. Cụ thể trong đó,
Được hỗ trợ 100% chi phí khám bệnh, theo đó chi phí sẽ được tính theo biểu giá khám bệnh nghề nghiệp đã được ban hành tại thời điểm khám bệnh, sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả.[3]
Mức chi phí chữa bệnh nghề nghiệp cũng được hỗ trợ 100%, chi phí đó sẽ tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả.[4]
Thứ hai, hỗ trợ khám chữa bệnh nghề nghiệp
Đối với hỗ trợ khám bệnh nghề nghiệp thì mức hỗ trợ là bằng 50% chi phí khám bệnh tính theo biểu giá khám bệnh đã ban hành tại thời điểm người lao động khám bệnh, sau khi đã được bảo hiểm y tế chi trả. Và khoản hỗ trợ đó không quá 800 nghìn đồng/người/lần khám. So với quy định cũ thì mức hỗ trợ không quy định cụ thể là con số nào mà là không quá 1/3 mức lương cơ sở/người/lần khám.[5]
Người lao động để nhận được mức hỗ trợ trên thì phải đáp ứng những điều kiện như:[6]
– Tham gia đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên và đang phải tham gia tính đến tháng liền kề trước tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí khám bệnh.
– Bên cạnh đó, người lao động đã được phát hiện bệnh nghề nghiệp tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nghề nghiệp.
Đối với hỗ trợ kinh phí chữa bệnh nghề nghiệp, thì mức hỗ trợ sẽ bằng 50% chi phí chữa bệnh nghề nghiệp tính theo biểu giá chữa bệnh nghề nghiệp tại thời điểm người lao động chữa bệnh nghề nghiệp, nhưng không quá 15 triệu đồng/người. Nhận thấy, chi phí hỗ trợ đã có giới hạn cụ thể là 15 triệu đồng/người thay vì tính theo mức lương cơ sở như đã quy định trước đây.[7]
Điều kiện để nhận hỗ trợ cũng tương tự đối với khám bệnh nghề nghiệp nhưng bổ sung thêm yêu cầu đó là: Người lao động phải có tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc trong thời gian làm công việc trên.[8] Và quy định mới đã loại bỏ đi điều kiện “Người sử dụng lao động đã tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động theo quy định” [9] nhằm giúp rút ngắn thủ tục và thời gian nhận hỗ trợ cho người lao động hơn trước.
Cả hai trường hợp trên số lần hỗ trợ đều là tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.[10]
Người lao động nên đến các cơ sở khám, chữa bệnh nghề nghiệp đã được cấp phép. Hiện nay, có 34 cơ sở đủ điều kiện đã được cấp phép đã được cập nhật đến ngày 22/05/2019. Bạn đọc có thể tham khảo tại đây.
Thứ ba, hỗ trợ phục hồi chức năng lao động
Theo quy định thì mức hỗ trợ kinh phí vẫn tối đa bằng 50% chi phí phục hồi chức năng lao động được tính theo biểu giá đã quy định. Nhưng mức hỗ trợ cũng được quy ra một con số cụ thể là không vượt quá 3 triệu đồng/người/lượt thay vì sử dụng mức lương cơ sở.[11]
Giống với những mức hỗ trợ khác thì số lần được hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần và 01 năm chỉ được nhận một lần hỗ trợ.[12]
Ngoài ra, bên cạnh hai điều kiện để nhận hỗ trợ là được chỉ định phải phục hồi chức năng lao động và suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên. Một điều kiện được thêm mới đó là người lao động phải đang tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại thời điểm bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.[13]
Thứ tư, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp
Trước đây, người lao động chỉ cần đáp ứng hai điều kiện là suy giảm khả năng lao động từ 31% trở lên và được người SDLĐ sắp xếp công việc mới. Bây giờ, Người lao động cần phải đáp ứng thêm điều kiện là phải tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp tại thời điểm bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.[14]
Về mức hỗ trợ thì vẫn được giữ nguyên là tối đa 50% mức học phí và không quá 15 lần mức lương cơ sở.[15]
Thêm vào đó, còn có quy định bổ sung là số lần hỗ trợ tối đa đối với mỗi người lao động là 02 lần, trong 01 năm chỉ được nhận hỗ trợ 01 lần.[16]
- Bổ sung thêm đối tượng được hưởng hỗ trợ
Tại chế độ người lao động phát hiện bị bệnh nghề nghiệp khi đã nghỉ hưu hoặc không còn làm việc trong các nghề, công việc có nguy cơ bị bệnh nghề nghiệp, Nghị định mới có bổ sung thêm thân nhân của người lao động bị bệnh nghề nghiệp cũng là đối tượng được nhận hỗ trợ. Và mức hỗ trợ cũng tương tự như với người lao động.[17]
- Nếu không nghỉ việc thì sẽ không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe
Ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật là ngày nghỉ từ 05 -10 ngày cho một lần bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp. Và được áp dụng với người lao động sau khi đã điều trị ổn định nhưng khi trở lại làm việc trong thời gian 30 ngày mà vẫn chưa phục hồi sức khỏe.[18]
Người sử dụng lao động và Ban chấp hành công đoàn cơ sở sẽ có thẩm quyền quyết định số ngày nghỉ tùy thuộc vào mức suy giảm khả năng lao động.[19]
Theo quy định mới từ tháng 09/2020, nếu người lao động không nghỉ việc thì sẽ không được hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi đã điều trị thương tật, bệnh tật.[20]
Nghĩa là người lao động không nghỉ việc trong khoảng thời gian được phép cho nghỉ dưỡng sức sau khi điều trị, thì sẽ không được hưởng chế độ là 01 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.[21]
Trên đây là nội dung tư vấn về “Quy định mới về mức hỗ trợ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Bạn đọc có thể tham khảo các bài viết liên quan “Quyền lợi của người lao động bị tai nạn lao động”
“Trách nhiệm của NSDLĐ đối với NLĐ bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 3.8 Luật An toàn vệ sinh lao động
[2] Điều 3.9 Luật An toàn vệ sinh lao động
[3] Điều 5.3.b Nghị định 88/2020
[4] Điều 5.3.c Nghị định 88/2020
[5] Điều 12 Nghị định 37/2016
[6] Điều 16 Nghị định 88/2020
[7] Điều 16 Nghị định 37/2016; Điều 21 Nghị định 88/2020
[8] Điều 20 Nghị định 88/2020
[9] Điều 15.1.d Nghị định 37/2016
[10] Điều 17.2; Điều 21.2 Nghị định 88/2020
[11] Điều 25.1 Nghị định 88/2020
[12] Điều 25.2 Nghị định 88/2020
[13] Điều 24.3 Nghị định 88/2020
[14] Điều 12.1, 2, 3 Nghị định 88/2020
[15] Điều 13.2.a Nghị định 88/2020
[16] Điều 13.2.b Nghị định 88/2020
[17] Điều 5.3 Nghị định 88/2020
[18] Điều 54.1 Luật An toàn, vệ sinh lao động
[19] Điều 54.2 Luật An toàn, vệ sinh lao động
[20] Điều 9.2 Nghị định 88/2020
[21] Điều 54.3 Luật An toàn, vệ sinh lao động