Những lưu ý khi đi xuất khẩu lao động

Những lưu ý khi đi xuất khẩu lao động

Những lưu ý khi đi xuất khẩu lao động

Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng” khi tỷ trọng dân số từ 15 – 64 tuổi vẫn chiếm đa số, khoảng 68% dân số. Việc tận dụng nguồn lực này có ý nghĩa rất lớn đối với sự tăng trưởng kinh tế cũng như cải thiện trình độ và chất lượng đời sống người dân. Để có thể làm việc ở nước ngoài, có rất nhiều hình thức để đáp ứng nhu cầu của người lao động. Hơn nữa, những quy định về người lao động làm việc ở nước ngoài đang rất được quan tâm, như về công việc nào không được phép làm khi ở nước ngoài. Bên cạnh đó, với những ai quan tâm cần chú ý những gì khi đi xuất khẩu lao động?. Sau đây, Luật Nghiệp Thành sẽ cùng bạn đọc tìm hiểu vấn đề này.

Thứ nhất, người lao động Việt Nam có thể làm việc tại nước ngoài thông qua các hình thức sau:[1]

– Thông qua hợp đồng với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ hoặc tổ chức sự nghiệp.

Đây là hình thức phổ biến nhất và được nhiều người lao động lựa chọn.

Các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động và hiển nhiên phải có Giấy phép hoạt động. Gọi là giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.

Giữa người lao động và doanh nghiệp dịch vụ sẽ ký kết hợp đồng gọi là Hợp đồng cung ứng lao động. Và loại hợp đồng này đều phải được đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền đó là Cục quản lý lao động ngoài nước.

Hơn nữa, để biết doanh nghiệp mà bạn có ý định ký kết hợp đồng có hoạt động hợp pháp hay không. Bạn có thể kiểm tra tại trang web của Cục quản lý lao động ngoài nước thuộc Bộ LĐTBXH .

+ Các bước kiểm tra được thực hiện như sau:

Bước 1: Truy cập địa chỉ link http://www.dolab.gov.vn/

Bước 2: Chọn mục Doanh nghiệp XKLĐ, có thể thấy tại mục bên trái sẽ có hai danh sách:

  1. Danh sách Doanh nghiệp XKLĐ gồm miền Bắc, Trung và Nam
  2. Doanh nghiệp XKLĐ bị đình chỉ

Bước 3: Để kiểm tra nhanh chóng, bạn nên vào mục tìm kiếm Danh sách Doanh nghiệp XKLĐ, nhập chính xác tên công ty bạn đang có ý định ký kết.

Như tại công ty dưới đây, bạn sẽ thấy có đầy đủ các thông tin cơ bản nhất về tên công ty, người điều hành, tình trạng doanh nghiệp, địa chỉ, số điện thoại, số đăng ký kinh doanh và giấy phép.

Về tổ chức sự nghiệp, hiện tại, chỉ có duy nhất Trung tâm Lao động ngoài nước (Colab) là tổ chức sự nghiệp thuộc Bộ LĐTBXH. Người lao động thông qua tổ chức này sẽ được làm việc tại các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc và Cộng hòa Liên bang Đức. Để tham khảo thêm thông tin, người đọc có thể truy cập trang web dưới đây http://www.colab.gov.vn/.

– Thông qua hợp đồng với doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu hoặc tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài.

+ Những doanh nghiệp trúng thầu hay nhận thầu là những doanh nghiệp được chủ đầu tư lựa chọn để đáp ứng yêu cầu của mình. Qua quá trình đấu thầu sẽ giúp tìm ra những doanh nghiệp nào có khả năng thực hiện theo yêu cầu tốt nhất của bên tổ chức đấu thầu (chủ đầu tư).

+ Tổ chức, cá nhân đầu tư ra nước ngoài[2]

Người lao động sẽ chỉ được làm việc tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh do tổ chức, cá nhân đó đầu tư thành lập ở nước ngoài.

Hợp đồng được ký kết gọi là Hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Loại hợp đồng này sẽ không thực hiện đăng ký mà phải thực hiện báo cáo với Bộ LĐTBXH.

Với hình thức này, người lao động đều phải là người đã có hợp đồng lao động với doanh nghiệp và chỉ đi làm việc tại các công trình trúng thầu hoặc cơ sở sản xuất, kinh doanh do tổ chức, cá nhân đầu tư thành lập ở nước ngoài.

– Hợp đồng theo hình thức thực tập nâng cao tay nghề với các doanh nghiệp.[3]

Đây là hình thức được thực hiện đa số bởi các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với mục đích đào tạo người lao động của mình. Để làm việc ở nước ngoài, cả hai bên đều phải ký kết hợp đồng đó là hợp đồng nhận lao động thực tập. Loại hợp đồng này đều sẽ được doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký tại hai cơ quan đó là Cục Quản lý lao động ngoài nước và Sở LĐTBXH.

– Cuối cùng là dưới hình thức hợp đồng cá nhân.

Thay vì qua các doanh nghiệp hay tổ chức sự nghiệp, v.v….người lao động sẽ ký kết trực tiếp hợp đồng với người chủ doanh nghiệp nơi mình làm việc mà không thông qua trung gian môi giới nào.

Với hình thức này, người lao động phải có Hợp đồng cá nhân và Giấy xác nhận việc đăng ký Hợp đồng cá nhân của Sở LĐTBXH.[4] Việc đăng ký hợp đồng sẽ được thực hiện tại Sở LĐTBXH nơi thường trú và trong thời hạn 05 ngày làm việc sẽ có kết quả nếu hồ sơ[5] hợp lệ.

Ngoài ra, tại nước đến làm việc thì người lao động phải đăng ký công dân tại cơ quan đại diện ngoại giao hoặc lãnh sự Việt Nam[6]

Document

Tại các loại hợp đồng trên, mức tiền lương, tiền công, chế độ, thưởng, làm thêm giờ; điều kiện ăn ở, sinh hoạt; các chế độ khám bệnh, chữa bệnh, BHXH; v.v….đều sẽ được quy định rõ trong hợp đồng. Khi ký hợp đồng, nên chú ý ngày tháng, nội dung trong hợp đồng, chữ ký, đóng dấu. Hợp đồng phải lập thành 02 bản và người lao động giữ 01 bản, phòng khi có sự việc phát sinh và dùng để đối chiếu. Để chắc chắn hơn, bạn có thể yêu cầu bên thứ ba làm chứng về hợp đồng.

Thứ hai, điều kiện của người lao động đi làm việc ở nước ngoài[7]

– Phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ. Nghĩa là cá nhân đó phải từ 18 tuổi trở lên, không bị mắc các bệnh tâm thần hay các bệnh khác mà không làm chủ được hành vi của mình. Hoặc không nghiện các chất ma túy, chất gây nghiện. Có thể tự mình quyết định các hành vi của mình và tham gia vào các giao dịch.

– Tự nguyện đi làm việc tại nước ngoài

– Có ý thức chấp hành tốt về pháp luật và cả tư cách đạo đức

– Có đủ sức khỏe. (Không mắc các nhóm bệnh theo quy định tại các nước nhập khẩu lao động)

– Đáp ứng yêu cầu về ngoại ngữ, chuyên môn, kỹ thuật, tay nghề và các điều kiện khác do nước tiếp nhận yêu cầu

– Có chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết. Đây là điều bắt buộc mà người lao động phải làm trước khi đi làm việc ở nước ngoài. Vì qua khóa học kiến thức cần thiết, người lao động sẽ hiểu được các quy định pháp luật tại Việt Nam và nước tiếp nhận, cả những thói quen sinh hoạt, phong tục, tập quán, tôn giáo, hợp đồng lao động, v.v…. Điều đó giúp người lao động hòa nhập nhanh và tránh phát sinh những vấn đề không đáng có.

– Không thuộc trường hợp cấm xuất cảnh.

Liên quan đến hồ sơ[8] đi làm việc ở nước ngoài, thì người lao động còn phải đảm bảo các giấy tờ khác theo yêu cầu của nước tiếp nhận. Như hộ chiếu, lý lịch tư pháp và cấp visa; với mỗi nước thì sẽ có quy định về hồ sơ để cấp visa lao động khác nhau.

Thứ ba, các công việc người lao động KHÔNG được làm việc tại nước ngoài[9]

– Massage tại các nhà hàng, khách sạn hoặc các trung tâm giải trí

– Công việc phải tiếp xúc thường xuyên với chất nổ, chất độc hại trong luyện quặng kim loại màu[10]. Công việc tiếp xúc thường xuyên với mangan, điôxit thủy ngân.

– Công việc tiếp xúc với nguồn phóng xạ hở, khai thác quặng phóng xạ các loại.

–  Sản xuất, bao gói mà phải tiếp xúc với các hóa chất axit nitơric, natri sunfat, disunfua cacbon, các loại thuốc trừ sâu, diệt cỏ, diệt chuột, sát trùng, chống mối mọt có độc tính mạnh.

– Công việc săn bắt thú dữ, cá sấu, cá mập.

– Công việc thường xuyên ở nơi thiếu không khí, áp suất lớn (dưới lòng đất, lòng đại dương).

– Công việc liệm, mai táng tử thi, thiêu xác chết, bốc mồ mả.

Thứ tư, lưu ý về các khoản tiền phải đóng cho doanh nghiệp

Người lao động nên chú ý và có sự quan tâm về các khoản tiền mình phải nộp cho doanh nghiệp như tiền môi giới, tiền dịch vụ và tiền ký quỹ. Nếu phải đóng những khoản tiền có vượt cao hơn mức theo quy định của pháp luật. Người lao động nên xem xét lại trước khi giao tiền cho doanh nghiệp. Cụ thể, dưới đây là các mức tối đa về các khoản tiền trên.

– Tiền môi giới[11]

Tiền môi giới là khoản chi phí mà doanh nghiệp phải trả cho bên môi giới khi ký kết hợp đồng. Và người lao động phải có trách nhiệm hoàn trả cho doanh nghiệp một phần hoặc toàn bộ tiền môi giới cho doanh nghiệp.

Về mức trần tiền môi giới:

Không vượt quá một tháng lương/người lao động cho một năm hợp đồng.

Tiền lương (tính theo tháng) để làm căn cứ xác định mức tiền môi giới là: tiền lương cơ bản theo hợp đồng không bao gồm: tiền làm thêm giờ, tiền thưởng và các khoản trợ cấp khác.

Bên cạnh đó, người lao động sẽ không phải trả tiền môi giới cho doanh nghiệp nếu những thị trường và hợp đồng mà bên đối tác nước ngoài không yêu cầu về tiền môi giới.

Người lao động nên chú ý tiền môi giới sẽ không áp dụng đối với trường hợp người lao động đã hoàn thành hợp đồng ký với doanh nghiệp. Và được chủ sử dụng lao động gia hạn hoặc ký hợp đồng mới.

– Tiền dịch vụ[12]

Đây là khoản chi phí người lao động trả cho doanh nghiệp dịch vụ để thực hiện hợp đồng. Thông thường, mức tiền dịch vụ sẽ được ghi rõ trong hợp đồng giữa người lao động và doanh nghiệp.
Về mức trần tiền dịch vụ:

Không vượt quá một tháng tiền lương (hoặc tiền trợ cấp tu nghiệp[13]) theo hợp đồng một năm làm việc.

 

Tổng mức tiền dịch vụ tối đa không quá ba tháng lương theo hợp đồng/người/hợp đồng.

Tiền lương làm căn cứ xác định mức tiền dịch vụ cũng tương tự như với việc xác định mức tiền môi giới.

Ngoài ra, tiền dịch vụ sẽ không áp dụng đối với trường hợp người lao động đã hoàn thành hợp đồng ký với doanh nghiệp (kể cả thời gian gia hạn theo hợp đồng). Và được chủ sử dụng lao động gia hạn hoặc ký hợp đồng lao động mới.

Lưu ý: Đối với tiền dịch vụ và tiền môi giới thì người lao động chỉ nộp cho doanh nghiệp sau khi ký hợp đồng và phải được phía nước tiếp nhận chấp nhận vào làm việc hoặc cấp visa (thị thực nhập cảnh).

– Tiền ký quỹ của người lao động[14]

Đây là khoản tiền mà người lao động nộp khi có thỏa thuận với doanh nghiệp dịch vụ nhằm bảo đảm việc thực hiện hợp đồng. Sau khi thanh lý Hợp đồng, người lao động sẽ được hoàn trả cả gốc và lãi tiền ký quỹ đó.

Đối với từng thị trường lao động sẽ có mức trần tiền ký quỹ khác nhau. Người lao động có thể tham khảo bảng mức trần tiền ký quỹ (Tại đây)

Tại bảng trên, có thể thấy

Mức tiền ký quỹ sẽ không vượt quá 3.000 USD.

Chú ý: – Người lao động không phải mất phí tuyển chọn lao động[15]

Trong quá trình tuyển chọn, người lao động đều sẽ biết các thông tin như: số lượng người lao động cần tuyển, giới tính, độ tuổi, công việc mà người lao động sẽ đảm nhận, nơi làm việc, thời hạn hợp đồng, điều kiện về sức khỏe, tay nghề, ngoại ngữ, các khoản chi phí người lao động phải đóng góp và các quyền và nghĩa vụ cơ bản trong thời gian đi xuất khẩu lao động. Những thông tin đó đều sẽ được niêm yết công khai tại trụ sở.

– Người lao động phải thực hiện các nghĩa vụ như chịu trách nhiệm nếu vi phạm hợp đồng; tham gia gia bảo hiểm xã hội; nộp thuế thu nhập và đóng góp vào Qũy hỗ trợ việc làm ngoài nước. Bên cạnh tuân theo pháp luật Việt Nam phải tuân theo pháp luật của nước tiếp nhận.[16]

Tóm lại, người lao động nên đi xuất khẩu lao động theo hình thức hợp pháp. Đi hợp pháp nghĩa là có ký hợp đồng lao động, với hợp đồng cá nhân thì phải đăng ký với cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam. Và được chính quyền nơi nước tiếp nhận cấp visa và giấy phép lao động hợp pháp. Nghiêm cấm đi lao động “chui”, bỏ trốn, ở lại trái phép,… vì điều đó không chỉ gây nguy hiểm cho bản thân. Mà cả quyền lợi tối thiểu cho mình cũng không được ai bảo đảm về tiền lương; bảo hiểm; phải sống “ẩn dật”, “chui lủi”; còn phạt tiền nếu bị phát giác, v.v… Hơn nữa, để tránh rủi ro và chịu thiệt thòi, người lao động nên lưu ý mức tối đa các khoản tiền mà mình phải nộp; không phải nộp; trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng, trình độ trong công việc và cả pháp luật. Còn phải xem xét kỹ nội dung hợp đồng để đảm bảo quyền lợi cho mình. Hơn nữa, Chính phủ hiện nay đã có triển khai chính sách hỗ trợ về chi phí đào tạo, thủ tục, giải quyết rủi ro, v.v…để giúp đỡ người lao động.[17]

Trên đây là nội dung tư vấn về “Những lưu ý khi đi xuất khẩu lao động”

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Bạn đọc có thể tham khảo bài viết liên quan Cấp giấy phép đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Biên tập: Nguyễn Linh Chi

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận

 

[1] Điều 6 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006

[2] Điều 31.2 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006

[3] Điều 34, 35 Luật Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006

; Mục IV 2.2 Thông tư 21/2007/TT-BLDTBXH

[4] Điều 50 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006

[5] Hồ sơ gồm: Đơn đăng ký Hợp đồng cá nhân; Bản sao Hợp đồng cá nhân, kèm theo bản dịch bằng tiếng Việt có xác nhận của tổ chức dịch thuật; Bản chụp CMND/Hộ chiếu; Sơ yếu lý lịch có xác nhận UBND hoặc cơ quan quản lý.(Điều 52 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006 hướng dẫn bởi Thông tư 21/2007)

[6] Điều 53.2.i Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006

[7] Điều 42 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006

[8] Hồ sơ gồm: Đơn đi làm việc ở nước ngoài; Sơ yếu lý lịch có xác nhận của UBND thường trú hoặc cơ quan quản lý; Giấy chứng nhận sức khỏe do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; Văn bằng, chứng chỉ ngoại ngữ, chuyên môn, tay nghề và chứng chỉ bồi dưỡng kiến thức cần thiết. (Điều 43 52 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006)

[9] Phụ lục I kèm theo Nghị định 38/2020

[10] Quạng kinh loại màu: đồng, chì, thủy ngân, bạc, kẽm

[11] Mục II.1, 2 Thông tư liên tịch 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC

[12] Mục III.1, 3 Thông tư liên tịch 16/2007/TTLT-BLĐTBXH-BTC

[13] Đây là tiền trợ cấp cho các tu nghiệp sinh.

Tu nghiệp sinh là một chương trình do chính phủ hỗ trợ, nhằm đưa nhân lực sang các nước tân tiến để học hỏi và nâng cao tay nghề, nghiệp vụ để khi trở về nước giúp cho nền kinh tế nước nhà đang nằm trong giai đoạn chuyển mình.

[14] Điều 23 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006

[15] Điều 27.2.b Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006

[16] Điều 45 và Điều 53.2 Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng 2006

[17] Cụ thể chính sách tại Thông tư 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BTC

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Document
Categories: Lao động

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*