Làm Hộ chiếu mới nhưng Visa trên Hộ chiếu cũ vẫn còn hiệu lực

Làm Hộ chiếu mới nhưng Visa trên Hộ chiếu cũ vẫn còn hiệu lực

Làm Hộ chiếu mới, nhưng Visa trên Hộ chiếu cũ vẫn còn hiệu lực

Nếu như Chứng minh nhân dân (CMND) hay Căn cước công dân (CCCD) được coi là yếu tố định danh cho từng cá nhân ở mỗi quốc gia thì Hộ chiếu (Passport) được coi là yếu tố định danh cho cá nhân ở phạm vi quốc tế. Hộ chiếu cũng bao gồm những thông tin cơ bản như CMND hay CCCD tuy nhiên lại do Cục Quản lý xuất nhập cảnh cấp. Hộ chiếu Việt Nam hiện nay có 04 loại: Hộ chiếu Ngoại giao (Diplomatic Passport, màu đỏ), Hộ chiếu Công vụ (Official Passport, màu ngọc bích), Hộ chiếu Phổ thông (Popular Passport, màu xanh lá), và Hộ chiếu Thuyền viên (Seaman’s Passport, màu xanh dương). Hộ chiếu có hình dạng như một quyển sổ tay, ngoài các trang có ghi thông tin thì các trang còn lại được để trống dùng để đóng dấu mỗi lần thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh. Bài viết này sẽ chỉ đề cập đến Hộ chiếu phổ thông – hộ chiếu được cấp cho tất cả công dân Việt Nam[1] và hay được sử dụng để đi du lịch hoặc học tập ở nước ngoài. Thông thường Hộ chiếu Phổ thông có thời hạn là 10 năm kể từ ngày được cấp, khi hết hạn thì làm thủ tục cấp mới[2] chứ không gia hạn[3]. Tuy nhiên cũng có một số cá nhân sẽ yêu cầu cấp lại[4] Hộ chiếu trước hạn.

Làm Hộ chiếu mới nhưng Visa trên Hộ chiếu cũ vẫn còn hiệu lực

Sau đây Luật Nghiệp Thành xin chia sẻ cách xử lý đối với các trường hợp có thể xảy ra khi bạn muốn sử dụng Hộ chiếu và Visa:

  1. Hộ chiếu và Visa đều còn hạn

Trường hợp này bạn có thể nhập cảnh vào quốc gia đã cấp Visa cho bạn, tuy nhiên bạn cần lưu ý về thời hạn còn lại của Hộ chiếu.

Thông thường Hộ chiếu còn hạn dưới 06 tháng sẽ không được cấp Visa[5]. Đây là một quy tắc bất thành văn tại nhiều quốc gia. Theo đó 06 tháng được hiểu rằng bao gồm 03 tháng tính từ ngày xuất cảnh và 03 tháng lưu trú tối đa tại quốc gia cấp Visa. Quy tắc này xuất phát từ việc thời hạn cho phép lưu trú tối đa của các quốc gia trên thế giới khá dài. Nếu Visa của bạn hết hạn khi bạn vẫn còn chưa xuất cảnh khỏi quốc gia cấp Visa sẽ gây ảnh hưởng đến công tác quản lý an ninh của quốc gia đó. Hệ quả là bạn sẽ gặp rất nhiều rắc rối trước chính quyền.

Đối với Visa còn hạn, bạn chỉ cần nhập cảnh trước ngày hết hạn của Visa. Sau đó lưu ý để rời quốc gia đó trước khi hết hạn lưu trú tối đa.

  1. Hộ chiếu và Visa cùng hết hạn

Bạn sẽ phải xin cấp lại cả hai.

Thủ tục xin cấp mới Hộ chiếu bạn đọc có thể tham khảo tại: đây.

Document

Đối với thủ tục xin Visa, tùy theo mục đích, đối tượng xin Visa, và quốc gia cấp mà hồ sơ và thủ tục sẽ khác nhau. Bạn cần liên hệ với Đại sứ quán của quốc gia mình muốn nhập cảnh để biết thêm chi tiết.

  1. Hộ chiếu còn hạn, nhưng Visa hết hạn

Bạn cần làm thủ tục xin Visa mới.

Lưu ý thời gian còn lại của Hộ chiếu phải còn trên 06 tháng. Nếu thời hạn còn lại là dưới 06 tháng bạn nên xin cấp mới Hộ chiếu.

  1. Hộ chiếu hết hạn, nhưng Visa còn hạn

Trường hợp này có thể xảy ra hai khả năng:

  • Hộ chiếu hết hạn (10 năm) hoặc có thời hạn dưới 06 tháng nên cá nhân xin cấp mới, Visa còn hạn.
  • Hộ chiếu còn hạn, nhưng cá nhân xin cấp lại (do mất, hỏng…) dẫn đến việc Hộ chiếu cũ hết hiệu lực, Visa còn hạn.

Khi nộp hồ sơ cấp mới, cấp lại Hộ chiếu, về nguyên tắc[6] cá nhân cần nộp kèm Hộ chiếu đang có (trừ trường hợp Hộ chiếu bị mất) cho cơ quan có thẩm quyền. Trường hợp Hộ chiếu cũ đã hết hạn thì sẽ bị đục lỗ và đóng dấu hết hiệu lực. Khi hoàn thành thủ tục, Hộ chiếu mới và cũ sẽ được gửi trả lại cho cá nhân.

Sau đó tùy theo quy định của từng quốc gia mà cá nhân thực hiện thủ tục xuất nhập cảnh, người đó có thể:

  1. Cầm cả hai Hộ chiếu (cũ, mới) khi thực hiện thủ tục[7]. Lúc này Hộ chiếu cũ không có giá trị khi được sử dụng riêng lẽ, mà phải được sử dụng chung với Hộ chiếu mới. Hộ chiếu mới sẽ là giấy tờ định danh hợp lệ tại thời điểm đó, Hộ chiếu cũ tuy không còn giá trị sử dụng (về mặt định danh) nhưng có giá trị xuất nhập cảnh vào quốc gia đã cấp Visa (còn hiệu lực).
  2. Nếu quốc gia đó không cho phép việc sử dụng cùng lúc hai Hộ chiếu, cá nhân bắt buộc phải xin Visa mới. Để biết thêm về việc quốc gia có cho phép cầm theo Hộ chiếu cũ hay không ta cần liên hệ đến Lãnh sự quán hoặc Đại sứ quán của quốc gia đó.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành đối với Làm Hộ chiếu mới nhưng Visa trên Hộ chiếu cũ vẫn còn hiệu lực.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Huỳnh Thái Sơn.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Điều 8 Nghị định 136/2007/NĐ-CP sửa đổi bổ sung bởi Nghị định 94/2015/NĐ-CP (“Nghị Định 136/2007/NĐ-CP”). Nếu công dân đáp ứng được những điều kiện nhất định.

[2] Cấp mới Hộ chiếu là trường hợp cấp Hộ chiếu lần đầu hoặc cấp Hộ chiếu mới sau khi Hộ chiếu cũ hết hạn. Bạn đọc có thể tham khảo quy trình cấp mới Hộ chiếu tại: đây.

[3] Điều 4.2.a Nghị Định 136/2007/NĐ-CP.

[4] Cấp lại Hộ chiếu là trường hợp công dân nộp hồ sơ xin cấp lại Hộ chiếu khi Hộ chiếu đã được cấp gần nhất vẫn còn thời hạn. Nguyên nhân chủ yếu là do Hộ chiếu hết trang đóng dấu; Hộ chiếu hỏng, mất; hoặc do cá nhân muốn được cấp lại Hộ chiếu để tiết kiệm chi phí…

[5] Một số quốc gia yêu cầu Hộ chiếu còn hạn ít nhất 03 tháng như Canada, Mexico…

[6] Mặc dù Điều 6.2.đ Thông tư 29/2016/TT-BCA chỉ quy định nộp lại Hộ chiếu đang có trong trường hợp Hộ chiếu đó bị hỏng.

[7] Chẳng hạn Canada chấp nhận Visa còn hiệu lực trong Hộ chiếu hết hạn, miễn là được xuất trình kèm theo một Hộ chiếu hợp lệ khác. Xem thêm: Website chính thức của Chính quyền Canada. Port of entry examinations. Xem ngày 15.07.2019, tại: https://www.canada.ca/content/dam/ircc/migration/ircc/english/resources/manuals/enf/enf04-eng.pdf, tr 73-74.

 

 

 

 

Document
Categories: Cá Nhân

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*