Họ, Hụi, Biêu, Phường là gì và chúng có là một?

Họ, Hụi, Biêu, Phường là gì và chúng có là một?

Họ Hụi Biêu Phường là gì và chúng có là một? Người ta vẫn hay ví von tiền bạc như huyết mạch của nền kinh tế. Từ các thương nhân hoạt động độc lập, thường xuyên, có đăng ký kinh doanh đến các cá nhân kinh doanh nhỏ lẻ đều cần đến sự hỗ trợ của dòng tiền để đảm bảo hoạt động thương mại của họ có thể vận hành trơn tru.

Họ hụi biêu phường

Nếu các ngân hàng huy động vốn bằng cách tăng vốn chủ sở hữu, nhận tiền gửi, vay vốn, đầu tư, ủy thác cấp phát…thì các cá nhân cũng có nhiều hình thức huy động vốn tương tự. Trong đó phải kể đến một hình thức dân gian khá phổ biến, có nét tương đồng với hoạt động nhận tiền gửi và cho vay của ngân hàng nhưng lại không rườm rà về thủ tục; không cần tài sản bảo đảm; có tính minh bạch và công bằng cao trong cơ chế “cho vay”; và vẫn có “lãi suất”…Điểm đặc trưng của hình thức này là các hoạt động chỉ diễn ra giữa các thành viên – mà trước đó đã tham gia các thỏa thuận về: số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh và quyền, nghĩa vụ của các thành viên với nhau.

Miền Bắc thường gọi hình thức này là Họ, miền Nam gọi là Hụi, còn miền Trung thì hay gọi là Biêu, là Phường. Tuy có khác nhau đôi chút về cơ cấu tổ chức và cách thức hoạt động giữa các khu vực, vùng miền nhưng xét về bản chất, Họ, Hụi, Biêu, Phường (“Hụi”) đều là một. Hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người tập hợp nhau lại cùng định ra[1]. Hụi mang các đặc điểm chính sau:

  1. Tính tương thân, tương ái[2]:

Mục đích ban đầu của Hụi là giúp đỡ nhau, tạo cơ hội huy động vốn trong thời gian ngắn, và bỏ qua rủi ro trong quá trình xác lập giao dịch giữa các con Hụi (“Thành Viên”) bằng cách lược bỏ các điều kiện ràng buộc về tài sản bảo đảm.

Đặc điểm này xuất phát từ việc dây Hụi thường bao gồm các Thành Viên có mối quan hệ gần gũi, khắng khít (đồng nghiệp, hàng xóm…) hoặc có mối quan hệ huyết thống với nhau (dòng họ).

  1. Người đứng đầu thường là người có uy tín, tài sản:

Theo quy định của pháp luật về Hụi, người đứng đầu Hụi (chủ Hụi) cần đáp ứng các điều kiện[3]:

  • Về độ tuổi: từ đủ 18 tuổi trở lên.
  • Về năng lực hành vi: không thuộc trường hợp mất năng lực hành vi dân sự, hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi theo quy định tại Bộ luật dân sự.
  • Điều kiện khác: chủ Hụi sẽ phải đáp ứng các điều kiện khác nếu các Thành Viên của Hụi có thỏa thuận khác.

Hụi chủ yếu dựa trên sự tin tưởng lẫn nhau giữa các Thành Viên, nhất là đối với chủ Hụi. Trong đại đa số các trường hợp, chủ Hụi sẽ là người tổ chức, quản lý Hụi; thu các phần Hụi và giao chúng đó cho Thành Viên được nhận.

Document

Vì các đặc điểm này mà trên thực tế, ngoài các yếu tố luật định kể trên chủ Hụi thường phải là người có uy tín (để tạo sự tin tưởng cho các Thành Viên và thu hút tham gia Hụi), hoặc có tài sản (để đảm bảo các nghĩa vụ liên quan khi đến hạn hốt Hụi của Thành Viên. Chẳng hạn, chủ Hụi phải dùng tiền hoặc tài sản của mình để đóng Hụi thay các Thành Viên không góp hoặc góp phần Hụi không đầy đủ trong trường hợp đến kỳ mở Hụi)[4].

  1. Cơ chế hoạt động:

Các Thành Viên sẽ góp một hoặc nhiều phần Hụi[5] trong một dây Hụi với thời gian được định trước. Thông thường thời gian của dây Hụi sẽ tỉ lệ với số Thành Viên/phần Hụi và thời gian mở Hụi. Chẳng hạn dây Hụi có 10 Thành Viên, mở vào cuối tháng, trong đó có một Thành Viên có 02 phần Hụi thì thời gian của dây Hụi (thông thường) sẽ là 11 tháng.

Đến kì hốt Hụi, chủ Hụi sẽ đưa số tiền thu được trong kỳ mở Hụi đó cho người được nhận. Quy tắc xác định người được nhận sẽ tùy thuộc vào thỏa thuận giữa các Thành Viên.

Ví dụ: Một dây Hụi không lãi, gồm 10 người do A là chủ Hụi, phần Hụi là 1.000.000 đồng/tháng, mở Hụi vào cuối tháng, dây Hụi kéo dài 10 tháng. Đến cuối tháng, người được hốt Hụi sẽ nhận số tiền:

Số tiền=Phần HụixSố Thành Viên
=1.000.000x10
=10.000.000 đồng.

Những người đã được hốt Hụi sẽ vẫn phải đóng phần Hụi là 1.000.000 đồng/tháng cho đến khi người cuối cùng trong 10 Thành Viên hốt Hụi[6].

Các vấn đề như cách thức, số tiền, thứ tự hốt Hụi; mức hoa hồng cho chủ Hụi…sẽ khác nhau tùy vào loại Hụi và thỏa thuận của dây Hụi.

Để tìm hiểu thêm về các thuật ngữ về Hụi và các loại Hụi phổ biến, bạn đọc có thể xem bài viết của chúng tôi về: Một số thuật ngữ về Họ, Hụi, Biêu, Phường và các loại Họ, Hụi, Biêu, Phường thường gặp.

Trên đây là chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về Họ, Hụi, Biêu, Phường là gì, và chúng có là một?

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Huỳnh Thái Sơn.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

[1] Điều 471 Bộ luật Dân sự 2015.

[2] Điều 471.2 Bộ luật Dân sự 2015; Điều 3.2 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

[3] Điều 6 Nghị định 19/2019/NĐ-CP

[4] Điều 18.4 Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

[5] Phần Hụi là số tiền hoặc tài sản khác đã được xác định theo thoả thuận mà Thành Viên phải góp trong mỗi kỳ mở Hụi. Phần Hụi phải là tài sản có thể giao dịch được.

[6] Điều 16.1.c Nghị định 19/2019/NĐ-CP.

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Categories: Cá Nhân

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*