Tạm dừng kinh doanh và nghĩa vụ của doanh nghiệp
Trong bối cảnh nền kinh tế thị trường trong nước và thế giới liên tục biến động, nhất là giai đoạn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số lượng doanh nghiệp thông báo tạm ngừng kinh doanh cũng ngày một gia tăng. Để có thể tạm ngừng hoạt động, các doanh nghiệp phải thông báo với Phòng đăng ký kinh doanh. Và đều phải tuân thủ việc thông báo chậm nhất là 15 ngày trước ngày tạm ngừng kinh doanh. Nhưng bắt đầu từ 01/01/2021, thời hạn trên đã được thay đổi và rút ngắn đi rất nhiều để tạo thuận lợi hơn đối với các doanh nghiệp.
Vậy doanh nghiệp cần chú ý những gì đối với thủ tục tạm ngừng kinh doanh từ năm 2021? Ngoài ra, theo quy định mới hiện nay cũng có những thay đổi về thủ tục tạm ngừng đối với cơ quan thuế. Do đó, Luật Nghiệp Thành sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu nội dung trên.
- Các doanh nghiệp thường tạm ngừng kinh doanh vì những lý do sau
– Hoạt động kinh doanh không hiệu quả và muốn tạm ngưng hoạt động để tìm kiếm hướng giải quyết trước khi trở lại hoạt động bình thường.
– Doanh nghiệp mới thành lập, nguồn vốn đầu tư lại không cao và gặp khó khăn trong việc huy động vốn để tiếp tục duy trì hoạt động.
– Doanh nghiệp muốn thay đổi ngành nghề, định hướng của mình và cần một thời gian để tìm kiếm hướng đi khác.
– Chủ doanh nghiệp phải tạm ngừng hoạt động để có thời gian cân nhắc có nên giải thể công ty hay không.
– V.v….
Về thời hạn tạm ngừng kinh doanh thì các doanh nghiệp phải tuân thủ không được quá 01 năm. Nếu vẫn muốn tạm ngừng kinh doanh thì phải tiếp tục thực hiện thủ tục thông báo tạm ngừng kinh doanh lần hai. Nhưng nên chú ý tổng thời gian tạm ngừng kinh doanh liên tiếp đó không được quá 02 năm.[1]
Về hồ sơ, doanh nghiệp phải đảm bảo kèm theo thông báo và tùy vào từng loại hình công ty sẽ có yêu cầu khác nhau về hồ sơ kèm theo.[2]
- Những thay đổi trong tạm ngừng kinh doanh tại Luật Doanh nghiệp 2020 và Luật Quản lý thuế 2019
Thứ nhất, thời hạn thông báo bằng văn bản tới Cơ quan đăng ký kinh doanh
Theo quy định Luật Doanh nghiệp 2014, khi doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh phải thông báo bằng văn bản cho Cơ quan đăng ký kinh doanh; trong thông báo phải có đầy đủ nội dung về thời điểm và thời hạn tạm ngừng kinh doanh. Việc thông báo được thực hiện chậm nhất là 15 ngày trước ngày tạm ngừng kinh doanh.[3] Đây cũng là thời hạn áp dụng tương tự với doanh nghiệp muốn tiếp tục kinh doanh trở lại trước thời hạn tạm ngừng kinh doanh mà trước đó đã thông báo trên Sở.
Nhưng từ đầu năm 2021, thời hạn trên sẽ rút ngắn chỉ còn chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng kinh doanh. Ngoài ra, đối với doanh nghiệp đã tạm ngừng kinh doanh trước kia nếu muốn tiếp tục kinh doanh trước ngày tạm ngừng kinh doanh, thì thời gian thông báo cũng tương tự với thông báo tạm ngừng.[4]
Thứ hai, bổ sung thêm trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm ngừng hoạt động
Hiện nay, với các doanh nghiệp không đáp ứng điều kiện về ngành nghề kinh doanh thì phải tạm ngừng kinh doanh khi có yêu cầu của các cơ quan có thẩm quyền.
Và Luật Doanh nghiệp 2020 đã bổ sung thêm hai trường hợp mà cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tạm ngừng hoạt động.[5]
Thứ nhất, nếu có sự vi phạm về pháp luật về quản lý thuế và môi trường.
Thứ hai, có quyết định của Tòa án về các lĩnh vực, ngành nghề kinh doanh bị đình chỉ hoạt động và chấm dứt kinh doanh.
Thứ ba, quy định cụ thể hơn về nghĩa vụ của doanh nghiệp khi tạm ngừng kinh doanh
Dù tạm ngừng kinh doanh nhưng doanh nghiệp vẫn phải hoàn tất các nghĩa vụ của mình như phải nộp đủ số thuế còn nợ, thanh toán các khoản nợ; những hợp đồng đã ký với khách hàng và người lao động phải hoàn thành. Tuy nhiên, trừ trường hợp đã có thỏa thuận khác.[6]
Bên cạnh những nghĩa vụ trên, Luật Doanh nghiệp 2020 còn liệt kê cụ thể hơn nghĩa vụ mà doanh nghiệp phải thực hiện đối với người lao động. Theo đó, doanh nghiệp phải thanh toán hết cho người lao động các khoản nợ số tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp. [7] Quy định này được nêu ra rõ ràng hơn, cũng nhằm nhấn mạnh nghĩa vụ của chủ doanh nghiệp khi đang trong thời gian tạm ngừng kinh doanh.
Tuy nhiên, nếu có sự thỏa thuận nào khác giữa doanh nghiệp với khách hàng và người lao động thì vẫn được chấp nhận.
Thứ tư, có thay đổi về thủ tục đăng ký tạm ngừng kinh doanh tại cơ quan thuế quản lý
Theo quy định tại Luật Quản lý thuế 2019 có hiệu lực từ ngày 01/7/2020 có quy định về việc thông báo khi tạm ngừng kinh doanh như sau:
Với doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh đã thông báo theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì cơ quan thuế sẽ căn cứ vào thông báo của người nộp thuế hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thực hiện quản lý thuế trong thời gian người nộp thuế tạm ngừng kinh doanh.
Nhưng tại Nghị định 126/2020[8] mới ban hành đã có văn bản quy định cụ thể về thẩm quyền của cơ quan nhà nước chấp thuận tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp đó là có nhiệm vụ gửi cho cơ quan thuế trong thời hạn chậm nhất là 03 ngày làm việc kể từ ngày ban hành văn bản chấp thuận.
Và đặc biệt ngày 07/12/2020 Công văn số 5189/TCT-CS đã có hướng dẫn chi tiết như sau:
“Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 37 Luật Quản lý thuế, Nghị định đã quy định đối với người nộp thuế là tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh thuộc diện đăng ký kinh doanh được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận, thông báo hoặc yêu cầu tạm ngừng hoạt động, kinh doanh hoặc hoạt động, kinh doanh trở lại trước thời hạn thì thời gian tạm ngừng kinh doanh hoặc hoạt động, kinh doanh trở lại trước thời hạn thực hiện theo văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Cơ quan thuế không nhận văn bản đăng ký tạm ngừng kinh doanh hoặc hoạt động, kinh doanh trở lại trước thời hạn của người nộp thuế mà nhận văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp gửi đến”.
Do đó, có thể nhận thấy quy định mới đã không còn yêu cầu doanh nghiệp phải gửi thông báo tạm ngừng theo mẫu 23/ĐK-TCT đến cơ quan thuế quản lý như trước đây[9] mà cơ quan thuế chỉ nhận văn bản do cơ quan có thẩm quyền gửi đến.
Nghĩa là doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh sẽ thực hiện thông báo tạm ngừng theo quy định của Luật Doanh nghiệp, còn việc thông báo đến cơ quan thuế sẽ do Sở kế hoạch đầu tư thông báo bằng văn bản.
Lưu ý: Quy định trên áp dụng với cả trường hợp hoạt động kinh doanh trở lại trước thời hạn.
Thứ năm, quản lý thuế trong thời gian tạm ngừng hoạt động, kinh doanh[10]
Theo quy định, trước khi tạm ngừng kinh doanh người nộp thuế đều phải thực hiện những nghĩa vụ về thuế.
Và trong thời gian mà người nộp thuế thông báo tạm ngừng, thì sẽ không phải nộp hồ sơ khai thuế. Tuy nhiên, nếu người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh không trọn tháng, quý, năm dương lịch hoặc năm tài chính thì lúc này vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế tháng, quý; hồ sơ quyết toán năm.
Lưu ý: Vì trong thời gian tạm ngừng hoạt động kinh doanh thì doanh nghiệp đương nhiên sẽ không phát sinh doanh thu do đó sẽ không sử dụng hóa đơn và không phải nộp báo cáo tài chính.
Trong trường hợp vẫn được chấp thuận sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế, vẫn phải nộp hồ sơ khai thuế, nộp báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn.
Vì doanh nghiệp sẽ được rút ngắn thời hạn thông báo chậm nhất là 03 ngày làm việc trước ngày tạm ngừng tại Sở Kế hoạch đầu tư và trong 03 ngày làm việc kể từ khi Sở chấp thuận việc thông báo tạm ngừng thì cơ quan thuế sẽ nhận được văn bản. Do đó, doanh nghiệp nên nộp các hồ sơ trên sớm hơn hoặc cùng lúc với thời gian nộp hồ sơ tạm ngừng kinh doanh tại Sở; để nộp kịp các tờ khai thuế, báo cáo tình hình sử dụng hóa đơn, hồ sơ quyết toán liên quan; tránh rủi ro bị phạt chậm nộp.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Tạm ngừng kinh doanh và nghĩa vụ của doanh nghiệp”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 57.2 Nghị định 78/2015
[2] Điều 57.3 Nghị định 78/2015
[3] Điều 200 Luật Doanh nghiệp 2014
[4] Điều 206.1 Luật Doanh nghiệp 2020
[5] Điều 206.2.b, c Luật Doanh nghiệp 2020
[6] Điều 200.3 Luật Doanh nghiệp 2014
[7] Điều 206.3 Luật Doanh nghiệp 2020
[8] Nghị định 126/2020 có hiệu lực từ ngày 05/12/2020
[9] Điều 21 Thông tư 95/2016/TT-BTC
[10] Điều 4.2 Nghị định 126/2020