Doanh nghiệp tư nhân có thể cải tổ không?

Doanh nghiệp tư nhân có thể cải tổ không?

Doanh nghiệp tư nhân có thể cải tổ không?

Cải tổ hay còn gọi là tổ chức lại doanh nghiệp, bao gồm 05 phương thức: chia, tách, hợp nhất, sáp nhập và chuyển đổi loại hình doanh nghiệp. Như vậy, doanh nghiệp tư nhân có thể thực hiện được phương thức cải tổ doanh nghiệp nào? Hãy cùng Luật Nghiệp Thành tìm hiểu thông qua bài viết sau.

Tình huống giả định: Năm 2023, doanh nghiệp tư nhân DC muốn tổ chức lại doanh nghiệp và có 2 phương án. Thứ nhất, chia doanh nghiệp DC thành Công ty TNHH C và Công ty TNHH D. Thứ hai, sáp nhập doanh nghiệp DC với công ty cổ phần BE. Hỏi chủ doanh nghiệp tư nhân DC có thể thực hiện được không?

Quy định của pháp luật: Đầu tiên, Luật Nghiệp Thành sẽ giải thích về các phương thức tổ chức lại doanh nghiệp:

Chia doanh nghiệp là việc chia một công ty để thành lập hai hoặc nhiều công ty mới;[1]

Ví dụ: Công ty A chia thành hai công ty B và C.

Tách doanh nghiệp là việc công ty chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty hiện có để thành lập một công ty mới nhưng không làm chấm dứt sự tồn tại của công ty bị tách;[2]

Ví dụ: Công ty A tách thành công ty A và công ty D.

Hợp nhất doanh nghiệp là hai hoặc một số công ty có thể hợp nhất thành một công ty mới, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của các công ty bị hợp nhất;[3]

Document

Ví dụ: Công ty A hợp nhất với công ty B thành công ty 2 thành viên ABC, đồng thời công ty A và công ty B chấm dứt hoạt động kể từ thời điểm công ty ABC ra đời.

Sáp nhập doanh nghiệp là một hoặc một số công ty có thể sáp nhập vào một công ty khác bằng cách chuyển toàn bộ tài sản, quyền và nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp sang công ty nhận sáp nhập, đồng thời chấm dứt sự tồn tại của công ty bị sáp nhập.[4]

Ví dụ: Công ty A sáp nhập vào công ty E thì công ty E là công ty nhận sáp nhập đồng thời sau khi công ty A sáp nhập thì sẽ chấm dứt hoạt động tại thời điểm đó.

Chuyển đổi loại hình doanh nghiệp là việc doanh nghiệp thay đổi sang một loại hình mới.[5]

Ví dụ: Doanh nghiệp tư nhân F chuyển đổi thành công ty TNHH.

Thứ hai, Luật Nghiệp Thành sẽ phân tích xem doanh nghiệp tư nhân có thể thực hiện phương thức nào để tổ chức lại doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp tư nhân sẽ do một cá nhân làm chủ, tự mình điều hành toàn bộ hoạt động của doanh nghiệp và toàn bộ tài sản của doanh nghiệp tư nhân thuộc về chủ sở hữu. Mà phương thức chia, tách được hiểu là hoạt động nhằm “chẻ doanh nghiệp” thành nhiều phần khác nhau với quy mô nhỏ hơn so với doanh nghiệp ban đầu; còn phương thức hợp nhất, sáp nhập là phương thức cho thấy rõ việc sự chuyển giao tài sản, quyền, nghĩa vụ và lợi ích hợp pháp của công ty này sang một công ty khác. Vì thế doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn không thể đáp ứng điều kiện để thực hiện các phương thức chia, tách, hợp nhất, sáp nhập. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân không có tư cách pháp nhân mà ở phương thức chia, tách, hợp nhất, sáp nhập chỉ hướng đến loại hình doanh nghiệp mang tính pháp nhân, gồm Công ty TNHH, Công ty Cổ phần và Công ty Hợp danh.

Giải quyết tình huống: Dựa vào tình huống thì doanh nghiệp tư nhân DC đều không thể thực hiện 2 phương án chia hay sáp nhập. Nếu muốn thực hiện thì chủ doanh nghiệp phải chuyển đổi loại hình trước mới có thể thực hiện việc chia, hay sáp nhập.

Như vậy, doanh nghiệp tư nhân theo quy định của pháp luật không được phép chia, tách, hợp nhất, sáp nhập mà chỉ được thực hiện chuyển đổi loại hình công ty sang Công ty TNHH, Công ty Cổ phần và Công ty hợp danh.

 

Trên đây là nội dung tư vấn về “Doanh nghiệp tư nhân có thể cải tổ không?

Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhắn “Chia sẻ” bài viết này

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Quách Gia Hy

Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi

Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận

 

[1] Điều 198.1 Luật Doanh nghiệp 2020

[2] Điều 199.1 Luật Doanh nghiệp 2020

[3] Điều 200.1 Luật Doanh nghiệp 2020

[4] Điều 201.1 Luật Doanh nghiệp 2020

[5] Điều 205  Luật Doanh nghiệp 2020

Document
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*