Doanh nghiệp không phải thông báo mẫu dấu
Đây là nội dung nổi bật được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020, vừa mới được thông qua. Bắt đầu từ ngày 01/01/2021, quy định trên sẽ chính thức có hiệu lực. Điều đó giúp giảm tải một phần thủ tục hành chính và cả thời gian của các doanh nghiệp. Vậy có điều gì đáng chú ý tại quy định trên? Hãy cùng Luật Nghiệp Thành tìm hiểu tại bài viết này.
Con dấu doanh nghiệp được xem là một dấu hiệu đặc biệt, không giống nhau và nhằm để phân biệt giữa các doanh nghiệp với nhau. Hiện nay, con dấu doanh nghiệp được quy định phải hiển thị những thông tin đó là Tên doanh nghiệp và Mã số doanh nghiệp[1]. Dựa vào những thông tin trên, ta có thể tìm ra những thông tin cơ bản của doanh nghiệp đó.
Vậy quy định về con dấu theo Luật DN 2020 có thay đổi gì?
Đã loại bỏ nghĩa vụ thông báo mẫu dấu với cơ quan đăng ký kinh doanh.
Trước đây, các doanh nghiệp sau khi thành lập, đã khắc dấu nhưng vẫn chưa được phép sử dụng trong các giao dịch. Mà để sử dụng, doanh nghiệp phải thực hiện thông báo mẫu dấu theo Phục lục II-8. Khi có sự thay đổi mẫu dấu thì phải thông báo thay đổi theo Phụ lục II-9, nếu hủy dấu thì phải thông báo hủy mẫu dấu theo Phụ lục II-10 (Đính kèm theo Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT).
Sau đó, sẽ nộp hồ sơ trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. Khi hồ sơ hợp lê, thông báo mẫu dấu sẽ được đăng tải. Lúc này, doanh nghiệp sẽ được phép sử dụng con dấu.
Nhưng từ ngày 01/01/2021, doanh nghiệp sẽ không cần phải thông báo mẫu dấu với Cơ quan đăng ký kinh doanh nữa, mà có thể sử dụng ngay lập tức. [2] Điều đó đồng nghĩa với việc con dấu thay đổi hay hủy mẫu dấu thì cũng không cần phải thông báo trên Cổng thông tin điện tử.
Được phép sử dụng con dấu số
Ngoài dấu được làm tại cơ sở khắc dấu thì con dấu theo quy định này còn có thể khắc con dấu dưới hình thức chữ ký số. Nội dung trên sẽ được quy định theo nội dung pháp luật về giao dịch điện tử. [3]
Bổ sung thêm quyền hạn của doanh nghiệp về con dấu
Cụ thể “Doanh nghiệp quyết định loại dấu, số lượng, hình thức và nội dung dấu của doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện và đơn vị khác của doanh nghiệp”[4]
Nội dung mới được bổ sung thêm đó là doanh nghiệp sẽ được quyết định loại dấu, gồm dấu khắc và con dấu chữ ký số. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ tự mình lựa chọn về 2 loại dấu trên với cả các đơn vị trực thuộc như chi nhánh, văn phòng đại diện và các đơn vị khác của doanh nghiệp.
Bên cạnh đó, việc quản lý và lưu giữ dấu ngoài tuân thủ theo quy định của Điều lệ công ty thì doanh nghiệp còn có thể tuân theo quy chế do doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc các đơn vị khác của doanh nghiệp có con dấu ban hành.[5]
Không bắt buộc về nội dung con dấu
Tại Luật Doanh nghiệp 2014 nội dung con dấu phải thể hiện Tên doanh nghiệp và Mã số thuế của doanh nghiệp. Nhưng theo quy định mới, yêu cầu về nội dung con dấu không còn ấn định cụ thể như trước nữa. Mà lúc này, doanh nghiệp có quyền tự quyết định về nội dung con dấu của mình.
Lưu ý: Những quy định trên có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Doanh nghiệp tự quyết định mẫu dấu, loại dấu và không phải thông báo mẫu dấu”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 44.1 Luật Doanh nghiệp 2014
[2] Điều 43 Luật Doanh nghiệp 2020
[3] Tham khảo tại Nghị định 130/2018
[4] Điều 43.2 Luật Doanh nghiệp 2020
[5] Điều 43.3 Luật Doanh nghiệp 2020