Công chứng bản dịch là gì?
Tình huống: Em năm nay năm 3 sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ Pháp. Trước đây em có dịch dùm cho người quen một số hợp đồng để người đó hiểu và giao dịch với đối tác. Những lần trước đó chuyện làm ăn xảy ra rất suôn sẻ, tuy nhiên, mới gần đây, người quen chỉ trích và yêu cầu em bồi thường số tiền làm ăn lỗ cho người ta vì tại em dịch không đúng nên người ta ký hợp đồng sai. Cho hỏi em có bị bắt buộc đền tiền không ạ?
Ảnh minh họa: Internet
Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã quan tâm và đặt câu hỏi cho công ty Luật Nghiệp Thành, chúng tôi có thể giải đáp như sau:
Thứ nhất, bản dịch các loại giấy tờ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt phải do cộng tác viên (CTV) hoặc dịch thuật viên (DTV) của Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng phiên dịch.[1]
Thứ hai, các bản dịch cần đem đến Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng để thực hiện công chứng bản dịch.[2]
Như vậy, trả lời cho câu hỏi của bạn, bản dịch của bạn không hợp lệ và không có giá trị pháp lý dưới góc độ pháp luật Việt Nam.[3] Do đó, bạn không chịu trách nhiệm pháp lý đối với bản dịch thuật các hợp đồng từ tiếng Pháp sang tiếng Việt bạn đã dịch cho người quen của bạn.
Điều kiện để làm CTV dịch thuật là gì?
Dưới đây là hai điều kiện[4] tiên quyết để được nhận làm CTV dịch thuật:
– Điều kiện 1: Đã tốt nghiệp đại học hoặc chuyên ngành ngôn ngữ mà bạn muốn làm CTV dịch thuật ngôn ngữ đó.
– Điều kiện 2: Tự chịu trách nhiệm về tính chính xác và phù hợp của nội dung bản dịch.
Một số quyền lợi khác khi làm CTV dịch thuật:
– Được ký hợp đồng CTV bao gồm về nội dung công việc, chất lượng bản dịch, mức thù lao, quyền và nghĩa vụ hai bên.[5]
– Công việc CTV dịch thuật là công việc có trả lương.[6]
– Đăng ký chữ ký mẫu.[7]
– Được công khai danh sách CTV dịch thuật tại trụ sở nơi bạn làm việc và trụ sở Sở Tư pháp.[8]
Tuy nhiên, khi làm CTV dịch thuật, bạn cũng sẽ chịu trách nhiệm về:
– Bồi thường thiệt hại do bản dịch của mình sai gây ra thiệt hại hợp đồng (vì lý do dịch sai hiểu sai hợp đồng) cho người yêu cầu công chứng.[9]
– Chấp hành một số quy định cụ thể của Phòng công chứng hoặc Văn phòng công chứng khi ký hợp đồng.
Các bước để công chứng một bản dịch
Bước 1: Đem giấy tờ đã phiên dịch hoặc cần phiên dịch đến Văn phòng công chứng hoặc Phòng công chứng (sau đây gọi là nơi công chứng)[10];
Bước 2: Nơi công chứng sẽ nhận bản chính rồi chuyển qua bộ phận phiên dịch.
Lưu ý: Bản chính không được tẩy xóa, sửa chữa, nội dung không được bị hư hỏng, cũ nát, không thể xác định nội dung.[11]
Bước 3: Người phiên dịch văn bản, giấy tờ đó phải ký từng trang của bản dịch.[12]
Lưu ý: Từng trang của bản dịch phải được đóng dấu chữ “Bản dịch” vào chỗ trống phía trên bên phải; bản dịch phải được đính kèm với bản sao của bản chính và được đóng dấu giáp lai.
Bước 4: Công chứng viên ghi lời chứng đối với bản dịch theo mẫu[13]
Bạn đọc tham khảo Thủ tục thành lập trung tâm ngoại ngữ
Bạn đọc tham khảo Yêu cầu ngoại ngữ đối với công chức nhà nước
Trên đây là nội dung tư vấn về “ Công chứng bản dịch là gì?”
Nếu bạn cảm thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Lê Kim Bảo Ngọc
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 22(1) Thông tư 01/2021/TT-BTP
[2] Điều 61(2) Luật công chứng 2014
[3] Điều 5(1) Luật công chứng 2014
[4] Điều 22(1) Thông tư 01/2021/TT-BTP
[5] Điều 22(2)(a) Thông tư 01/2021/TT-BTP
[6] Điều 22(2)(c) Thông tư 01/2021/TT-BTP
[7] Điều 22(1) Thông tư 01/2021/TT-BTP
[8] Điều 22(2)(d) Thông tư 01/2021/TT-BTP
[9] Điều 22(3)(c) Thông tư 01/2021/TT-BTP
[10] Điều 61(2) Luật công chứng 2014
[11] Điều 61(2) Luật công chứng 2014
[12] Điều 61(2) Luật công chứng 2014
[13] Điều 61(3) Luật công chứng 2014