Con mới sinh cha mẹ cần làm những thủ tục nào?
Những ai sinh con lần đầu cũng đều khá hoang mang khi đứng trước vấn đề về làm thủ tục giấy tờ cho con sau sinh. Đây là những giấy tờ cần thiết nhằm đảm bảo quyền lợi cho bé. Thông qua bài viết sau đây Luật Nghiệp Thành sẽ hướng dẫn các bậc cha mẹ về những thủ tục cần thiết này.
1. Đăng ký giấy khai sinh, thẻ bảo hiểm y tế (BHYT)
Ngay sau khi sinh con, việc đầu tiên cha mẹ cần làm là đăng ký khai sinh cho con. Trong vòng 60 ngày kể từ lúc sinh con, cha mẹ có trách nhiệm đăng ký khai sinh cho con.
Nếu như cha mẹ vì lý do nào đó mà không thể tự mình trực tiếp đăng ký khai sinh cho con được thì ông bà hoặc người thân khác của con phải đăng ký khai sinh cho con thay cho cha mẹ.[1].
Cần lưu ý rằng, hiện nay, với trẻ mới sinh, để thuận tiện cho việc cập nhật thông tin của trẻ, cho nên thủ tục cấp giấy khai sinh cho trẻ có thể liên thông với thủ tục cấp thẻ bảo hiểm y tế và nhập hộ khẩu.
Theo đó, hồ sơ đăng ký khai sinh, BHYT cho con gồm[2]:
– Tờ khai đăng ký khai sinh theo mẫu Thông tư 04/2020/TT-BTP (Mẫu tờ khai đăng ký khai sinh)
– Giấy chứng sinh (bản chính). Nếu không có, phụ huynh cần nộp giấy tờ về việc con sinh ra có người làm chứng xác nhận hoặc giấy cam đoan về việc sinh.
– Giấy uỷ quyền (nếu cha mẹ không trực tiếp đi khai sinh cho con được).
– Tờ khai tham gia bảo hiểm y tế theo Mẫu số TK1-TS (Mẫu TK1_TS)
Cha mẹ nộp hồ sơ tại Uỷ ban nhân dân cấp xã/phường/thị trấn nơi cư trú của cha hoặc mẹ. Nếu có yếu tố nước ngoài thì nơi nộp hồ sơ là Uỷ ban nhân dân cấp huyện/quận.
Lưu ý: Trong Giấy khai sinh của trẻ có số định danh cá nhân.
2. Đăng ký nhập khẩu con vào hộ khẩu gia đình
Hồ sơ đăng ký thường trú cho con gồm[3]:
– Tờ khai thay đổi thông tin cư trú theo Mẫu CT01. (Mẫu CT01)
– Giấy tờ chứng minh quan hệ nhân thân: Giấy khai sinh, giấy chứng sinh…
– Phiếu báo thay đổi hộ khẩu, nhân khẩu theo Mẫu HK02 [4]. (Mẫu HK02)
Hồ sơ sau khi được hoàn tất, cha mẹ nộp tại công an cấp xã nơi mình cư trú[5].
3. Đăng ký giấy tiêm chủng
Cha, mẹ phải có trách nhiệm đăng ký tiêm chủng cho trẻ sau khi sinh hoặc khi đi tiêm lần đầu[6].
Trong trường hợp có yêu cầu thì cha mẹ sẽ phải cung cấp sổ theo dõi tiêm chủng cá nhân. Do đó, khi đưa trẻ đi tiêm hoặc đăng ký tiêm chủng cho trẻ thì cha mẹ cần phải giữ lại sổ theo dõi này[7].
Bạn đọc tham khảo: Thủ tục đăng ký khai sinh cho con riêng trong thời kỳ hôn nhân
Bạn đọc tham khảo: Các trường hợp được đổi tên trên Giấy khai sinh
Trên đây là toàn bộ bài viết về “Con mới sinh ra cha mẹ cần làm những thủ tục nào?”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Biên tập: Bùi Thị Như
Người hướng dẫn: Nguyễn Linh Chi
Người kiểm duyệt: Luật sư Thuận
[1] Điều 15.1 Luật Hộ tịch 2014
[2] Điều 6 Thông tư liên tịch 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT
[3] Điều 21.2 Luật Cư trú 2020
[4] Điều 6.3 Thông tư liên tịch 05/2015/TTLT-BTP-BCA-BYT
[5] Điều 22.2 Luật Cư trú 2020
[6] Điều 26.1 Nghị định 104/2016/NĐ-CP
[7] Điều 26.6 Nghị định 104/2016/NĐ-CP