Chế độ nghỉ dưỡng sức cho lao động nữ sau khi sinh
Sau thời gian hưởng chế độ thai sản, nếu lao động nữ trong khoảng 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa ổn định thì được nghỉ dưỡng sức để phục hồi sức khỏe thêm 1 khoảng thời gian nữa. Cùng Luật Nghiệp Thành tìm hiểu thời gian và cách tính tiền nghỉ dưỡng sức cho người lao động nữ nhé!
Đối tượng được nghỉ dưỡng sức sau sinh
Lao động nữ và lao động nữ mang thai hộ[1].
Ngoài ra các đối tượng này còn phải đáp ứng đủ điều kiện:
– Đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản;
– Ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản, trong khoảng 30 ngày đầu trở lại làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi.
Thời gian nghỉ dưỡng sức sau khi sinh
Lao động nữ sau khi nghỉ thai sản, nếu sức khỏe chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng để phục hồi sức khỏe thêm 5-10 ngày tùy từng trường hợp[2]. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe do người sử dụng lao động (NSDLĐ) và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do NSDLĐ quyết định. Thời gian được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau[3]:
– Lao động nữ sinh một lần từ hai con trở lên: tối đa 10 ngày
– Lao động nữ sinh con phải phẫu thuật: tối đa 07 ngày
– Các trường hợp khác: tối đa 05 ngày
Cách tính tiền dưỡng sức sau sinh
Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở[4].
Hiện nay mức lương cơ sở là 1.490.000 VND[5].
Ví dụ: NLĐ nữ được nghỉ dưỡng sức sau sinh 07 ngày thì tiền nghỉ dưỡng sức được tính như sau:
Tiền nghỉ dưỡng sức sau sinh = 7 x 30% x 1.490.000 VND = 3.129.000 VND
Hồ sơ hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh gồm:
Danh sách NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh do người sử dụng lao động lập (Mẫu 01B-HSB danh sách do NSDLĐ lập)[6].
Bên cạnh đó, NSDLĐ có thể tạo điều kiện thuận lợi hơn cho NLĐ bằng việc cho phép sử dụng Đơn xin nghỉ dưỡng sức sau sinh. Sau đó NSDLĐ lập danh sách và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trên đây là kiến thức pháp lý về “Chế đổ nghỉ dưỡng sức cho lao động nữ sau khi sinh” mà Luật Nghiệp Thành gửi đến bạn.
Nếu bạn thấy thông tin này hữu ích thì hãy cùng chúng tôi lan tỏa tri thức này đến với cộng đồng bằng cách nhấn “chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn bạn đã tin tưởng, quan tâm sử dụng dịch vụ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
[1] Điều 13.1 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH
[2] Điều 41.1 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
[3] Điều 41.2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
[4] Điều 41.3 Luật Bảo hiểm xã hội 2014
[5] Điều 3.2 Nghị định 38/2019/NĐ-CP
[6] Điều 4.2.2 Quyết định 166/QĐ-BHXH