Làm mới giấy phép lái xe khi bị cảnh sát giao thông thu giữ

Làm mới giấy phép lái xe khi bị cảnh sát giao thông thu giữ

Làm mới giấy phép lái xe khi bị cảnh sát giao thông thu giữ

Bên cạnh hình thức phạt tiền, tạm giữ phương tiện thì Nghị định 100/2019 về “Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt” vừa bắt đầu hiệu lực từ ngày 1/1/2020 đã có những chế tài theo hướng tăng nặng đối với nhiều hành vi vi phạm giao thông, nhất là đối với các vi phạm về nồng độ cồn. Thời hạn bị tước giấy phép lái xe (GPLX) có thể lên đến 24 tháng. Cũng chính bởi vì thời gian bị tước GPLX kéo dài, cho nên nhiều người đã bỏ GPLX bị thu giữ để xin được cấp lại một GPLX khác.

1) Thực trạng tồn đọng GPLX bị tịch thu

Các hành vi vi phạm thường gặp và bị áp dụng hình thức xử phạt thu giữ GPLX là: Vi phạm quy định về nồng độ cồn, lấn làn, vượt đèn đỏ, chạy ngược chiều, bị “bắn tốc độ”,…Theo thống kê của Cục cảnh sát giao thông (CSGT) thì cho đến năm 2016, còn tồn đọng đến 159.515 GPLX liên quan đến việc bị tạm giữ, bị tước quyền sử dụng mà người vi phạm không đến nhận.

Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2018: Tổng số GPLX tồn đọng là 22.795. Trong đó, số lượng GPLX bị tạm giữ để đảm bảo việc thực hiện quyết định xử phạt của người vi phạm là 13.695; Số lượng GPLX bị tước là: 9.100. Thậm chí, trên thực tế, có những trường hợp 10 năm trôi qua mà người vi phạm vẫn không đến nộp phạt để nhận lại GPLX.

Thông thường thì cứ 10 năm thì Cơ quan công an mới tổ chức một đợt tiêu hủy GPLX. Do đó, việc lưu giữ và bảo quản một số lượng lớn GPLX khiến các tủ chứa hồ sơ đều chật kín. Thậm chí, họ phải thuê cả xe tải mới chở hết được lượng GPLX còn tồn đọng để đi tiêu hủy.

2) Các nguyên do dẫn đến việc tồn đọng GPLX. Một người có đến 2, 3 GPLX

Vì cuộc sống mưu sinh, lo toan cho gia đình, các mối bận tâm về tài chính, cũng như những áp lực từ công việc mà nhiều người vi phạm dường như quên mất rằng mình đang bị phạt và tạm giữ các giấy tờ liên quan. Cho nên, đã không đến cơ quan công an để nộp phạt và lấy lại giấy tờ xe.

Sự phối hợp giữa Sở GTVT các tỉnh, thành phố với lực lượng công an chưa được đồng bộ. Trong một số trường hợp, người vi phạm bị CSGT thu giữ GPLX với mức tiền xử phạt lên tới hàng triệu. Cho nên, họ sẵn sàng bỏ GPLX đó, không đến cơ quan công an để chấp hành việc xử lý vi phạm, mà chỉ cần khai báo mất GPLX với Sở GTVT thì sẽ được làm thủ tục cấp lại, bởi vì phí làm lại GPLX thấp hơn nhiều so với số tiền phải nộp phạt.

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Theo như chia sẻ của một cán bộ Phòng Sát hạch cấp GPLX của Sở GTVT thành phố Hồ Chí Minh thì các Phòng Sát hạch cấp GPLX có thể phải mất đến 2 tháng để kiểm tra xem các trường hợp báo mất và xin cấp lại GPLX có đang bị cơ quan công an giữ GPLX không, rồi mới quyết định việc từ chối hay sẽ tiến hành cấp lại GPLX cho người có yêu cầu[1]. Chính bởi vì thời gian thực hiện hoạt động kiểm tra kéo dài, cho nên ít nhiều sẽ gây bất tiện cho người dân và cán bộ.

Từ trước đến nay, hầu như khi tạm giữ GPLX, CSGT không cập nhật thông tin lên cơ sở dữ liệu quốc gia về GPLX hoặc chỉ cung cấp thông tin bằng cách gửi văn bản cho Phòng Sát hạch. Do đó, việc kiểm soát và quản lý đối với các trường hợp bị thu giữ GPLX còn gặp nhiều khó khăn và bất cập.

3) Vậy làm thế nào để giải quyết một cách triệt để tình trạng người dân bỏ GPLX bị thu giữ và xin cấp GPLX khác?

Sở GTVT cần liên kết với cơ quan công an trong việc quản lý GPLX: Khi lực lượng CSGT gửi danh sách những trường hợp vi phạm giao thông mà bị thu giữ hay tước GPLX, Sở GTVT tiến hành cập nhật ngay thông tin lên cơ sở dữ liệu quốc gia về GPLX. Điều này sẽ góp phần phát hiện những trường hợp bị tước GPLX, chưa chấp hành hình phạt mà làm thủ tục xin cấp lại một cách dễ dàng hơn.

Xây dựng hệ thống phần mềm kết nối hiện đại và linh hoạt giữa Sở GTVT và cơ quan công an:

Việc xây dựng hệ thống phần mềm kết nối hiện đại giữa Sở GTVT và cơ quan công an là rất cần thiết. Phần mềm này có chức năng phát hiện người bị tước quyền sử dụng GPLX nhưng khai báo mất hoặc cố tình gian dối để làm thủ tục cấp lại GPLX. Đối với các trường hợp này, phần mềm sẽ cảnh báo đến cán bộ tiếp nhận hồ sơ khi cập nhật các thông tin như số GPLX, số chứng minh nhân dân. Để từ đó yêu cầu người vi phạm chấp hành xử lý vi phạm, đồng thời từ chối cấp lại GPLX cho họ trong trường hợp này.

Kiểm soát việc chuyển nhượng, tặng, cho đối với các phương tiện giao thông:

Việc mua đi, bán lại các phương tiện cần phải sang tên chính chủ. Điều này sẽ góp phần hạn chế phần nào việc bỏ GPLX, làm tồn đọng GPLX bị thu giữ.

Áp dụng các chế tài “mạnh mẽ” và khả thi hơn: Chúng tôi đề xuất việc áp dụng hình phạt như: tăng mức phạt và các chi phí phát sinh khác như phí lưu kho, đi kèm với việc hạn chế quyền sử dụng các dịch vụ công cộng hay dịch vụ hành chính như: phải nộp phạt thì mới cho thực hiện các thủ tục, giấy tờ hành chính tại các cơ quan khác.

Hiện nay, để giải quyết tình trạng bất cập nêu trên, Bộ GTVT đã ra văn bản chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam nghiên cứu về các chế tài xử lý đối với hành vi vi phạm giao thông. Đồng thời, Cục này cũng đã có đề xuất việc tổ chức thi sát hạch lại đối với các trường hợp gian dối, cố tình khai báo không đúng sự thật nhằm được cấp GPLX, thì mới được xem xét cấp lại GPLX.

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về vấn đề “Làm mới giấy phép lái xe khi bị cảnh sát giao thông thu giữ”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Võ Thị Minh Thương.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

[1] Điều 36.3 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT

 

 

 

 

 

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!
Categories: Cộng Đồng

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*