Cấp phép hành nghề khoan giếng
Nghề khoan giếng tại các địa phương đa số được thực hiện bởi các hộ kinh doanh. Các hộ kinh doanh này bỏ khoảng chục triệu để đầu tư mua máy móc, thiết bị khoan và chủ yếu là làm việc theo yêu cầu. Với quy mô lớn hơn nữa, các doanh nghiệp hành nghề khoan giếng sẽ hoạt động theo hình thức dịch vụ và chủ yếu làm việc tại các công trình xây dựng. Vậy, ngoài việc đăng ký kinh doanh với ngành nghề kinh doanh dịch vụ khoan nước dưới đất. Thì các cá nhân, tổ chức phải được cấp giấy phép mới có đủ điều kiện hoạt động. Nhưng có phải mọi trường hợp đều phải cấp phép không? Và trình tự, thủ tục ra sao? Sau đây, Luật Nghiệp Thành sẽ tư vấn bạn đọc vấn đề trên.
- Những trường hợp không phải cấp phép
Hiện nay việc khoan giếng để khảo sát, điều tra, thăm dò hoặc khai thác theo pháp luật có quy định phải do tổ chức, cá nhân được phép hành nghề khoan nước dưới đất thực hiện. [1]
Vậy có phải tất cả các cá nhân, tổ chức hành nghề khoan giếng đều phải đăng ký hay xin phép không? Thực ra, không phải trường hợp nào cũng phải đăng ký giấy phép. Dưới đây là các trường hợp không phải xin cấp phép:
Khi việc khai thác, sử dụng nước trong: [2]
+ Sinh hoạt của hộ gia đình
+ Phục vụ các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học
+ Quy mô nhỏ[3] trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không vượt quá 10m3/ngày đêm[4]
+ Sản xuất muối
+ Phòng cháy, chữa cháy, ứng phó, khắc phục ô nhiễm, dịch bệnh. Và các trường hợp khẩn cấp theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Những trường hợp dưới đây dù là khai thác sử dụng nước trong sinh hoạt hộ gia đình. Hay trong phục vụ các hoạt động văn hóa, tôn giáo, nghiên cứu khoa học vẫn phải xin cấp phép, nếu thuộc các khu vực có:[5]
– Mực nước dưới đất bị suy giảm liên tục và có nguy cơ bị hạ thấp quá mức
– Nguy cơ sụt lún, xâm nhập mặn, ô nhiễm sẽ gia tăng nếu thực hiện khai thác
– Nguồn nước đó bị ô nhiễm hoặc có dấu hiệu ô nhiễm và chưa có giải pháp để xử lý chất lượng
– Đã có hệ thống cấp nước tập trung và dịch vụ cấp nước đáp ứng đầy đủ các yêu cầu về chất lượng, số lượng tại các khu đô thị, dân cư tập trung ở nông thôn, khu, cụm công nghiệp tập trung, làng nghề.
- Trình tự, thủ tục cấp phép
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ[6]
Hồ sơ bao gồm:
- Đơn đề nghị cấp phép hành nghề khoan nước dưới đất (MẪU SỐ 01)
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao chụp có xác nhận của cơ quan cấp quyết định thành lập tổ chức.
Hoặc bản sao có chứng thực hoặc bản sao chụp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép.
(Nếu chỉ có bản sao chụp thì phải kèm bản chính để đối chiếu)
- Bản sao có chứng thực hoặc bản sao chụp có xác nhận của cơ quan cấp văn bằng, chứng chỉ của người chịu trách nhiệm về kỹ thuật. Và hợp đồng lao động lao động với người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật
(Nếu chỉ có bản sao chụp thì phải kèm bản chính để đối chiếu)
- Bản khai kinh nghiệm chuyên môn trong hoạt động khoan nước dưới đất của người chịu trách nhiệm chính về kỹ thuật (MẪU SỐ 02)
Bước 2: Nộp hồ sơ[7]
Tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép nộp 01 bộ hồ sơ trực tiếp (hoặc gửi qua đường bưu điện) đến cơ quan thụ lý hồ sơ cấp phép.
Hình thức nộp: trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện
Tại các cơ quan[8]: Cục Quản lý tài nguyên nước (giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô lớn)
Hoặc Sở Tài nguyên và Môi trường (giấy phép hành nghề khoan nước dưới đất quy mô nhỏ)
Trường hợp cơ quan tiếp nhận hồ sơ cấp phép là Cục Quản lý tài nguyên nước thì tổ chức, cá nhân đề nghị cấp phép phải gửi thêm 01 bộ hồ sơ tới Sở Tài nguyên và Môi trường địa phương nơi đăng ký địa chỉ thường trú.
Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ[9]
Kể từ ngày nhận hồ sơ, trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc:
Trường hợp hồ sơ chưa đầy đủ, không hợp lệ thì cơ quan tiếp nhận sẽ trả lại hồ sơ và thông báo bằng văn bản để bạn bổ sung và hoàn thiện.
Bước 4: Thẩm định hồ sơ[10]
Kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc.
Nếu hồ sơ không đủ điều kiện thì hồ sơ sẽ được trả lại và bạn sẽ được thông báo bằng văn bản, trong đó có nêu rõ lý do.
Trường hợp hồ sơ đủ điền kiện sẽ được thẩm định.Việc thẩm định bao gồm các điều kiện hành nghề khoan giếng; nếu cần thiết sẽ có yêu cầu làm giải trình, bổ sung để làm rõ hồ sơ hoặc tổ chức kiểm tra thực tế về điều kiện hành nghề và năng lực chuyên môn. Kiểm tra thực tế sẽ được thực hiện trong thời hạn không quá 07 ngày từ khi nhận được đề nghị kiểm tra.
Hiện nay, phí thẩm định hồ sơ với quy mô lớn là 3 triệu đồng[11], còn quy mô nhỏ và vừa thì không có quy định thu.
Bước 5: Nhận kết quả[12]
Sau khi thực hiện thẩm định hồ sơ, nếu được chấp nhận thì trong thời hạn không quá 03 ngày làm việc, cơ quan có thẩm quyền cấp phép sẽ quyết định cấp giấy phép hành nghề khoan giếng.
Trường hợp không được chấp nhận, thì cơ quan tiếp nhận hồ sơ sẽ thông báo bằng văn bản cho bạn và có nêu rõ lý do.
Quyết định cấp phép hành nghề khoan giếng sẽ được giao trực tiếp tại nơi mà bạn đã nộp hồ sơ hoặc có thể gửi qua đường bưu điện.
Lưu ý: Thời hạn của giấy phép là 05 năm và được xem xét gia hạn nhiều lần, mỗi lần gia hạn 03 năm.
Bạn đọc có thể tham khảo bài viết liên quan Điều kiện và các vi phạm hành nghề khoan giếng.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Cấp phép hành nghề khoan giếng”
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận
[1] Điều 36.1 Luật Tài nguyên nước 2012
[2] Điều 44 Luật Tài nguyên nước 2012
[3] Là hành nghề khoan và lắp đặt các giếng khoan nước dưới đất có đường kính ống chống hoặc ống vách nhỏ hơn 110 mm và thuộc công trình có lưu lượng nhỏ hơn 200m3/ngày đêm.
[4] Điều 16.2.a Nghị định 201/2013
[5] Điều 44.1.a, d, Điều 17.1 Nghị định 201/2013 và Điều 52.4.b, c, d, đ Luật Tài nguyên nước 2012
[6] Điều 13.1 Thông tư 24/2014
[7] Điều 13.2 Thông tư 24/2014
[8] Điều 11, 12 Thông tư 24/2014
[9] Điều 13.3 Thông tư 24/2014
[10] Điều 13.4 Thông tư 24/2014
[11] Mục 4 Biểu mức thu phí tại Thông tư 270/2016/BTC
[12] Điều 13.5 Thông tư 24/2014