Cấp Giấy phép hoạt động môi giới việc làm
Để thúc đẩy hoạt động kinh tế – xã hội vận động và phát triển liên tục, không thể thiếu sự có mặt của lực lượng lao động. Đây được xem là nguồn lực then chốt và có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự phát triển của một quốc gia. Nhưng để người lao động có thể tiếp cận nhà tuyển dụng và còn phải đảm bảo các yêu cầu được đặt ra. Thì môi giới việc làm chính là cầu nối giữa họ. Dịch vụ việc làm hay có cách gọi thông thường là môi giới việc làm, là một ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Và phải xin cấp phép mới được hoạt động. Vậy thì trình tự, thủ tục xin cấp phép sẽ như thế nào? Sau đây, Luật Nghiệp Thành sẽ tư vấn giúp bạn vấn đề trên.
Điều kiện cấp phép[1]
– Đầu tiên, doanh nghiệp phải có trụ sở. Địa điểm đặt trụ sở phải ổn định và có thời hạn từ 03 năm trở lên.
– Đã thực hiện ký quỹ. Vậy ký quỹ là gì? Đây là khoản tiền được sử dụng để giải quyết các rủi ro và các khoản phải đền bù có thể xảy ra trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Và tiền ký quỹ phải nộp là 300.000.000 đồng, doanh nghiệp sẽ nộp tiền ký quỹ tại ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản giao dịch chính. Ngân hàng sẽ chịu trách nhiệm xác nhận tiền ký quỹ kinh doanh cho hoạt động môi giới việc làm của doanh nghiệp.
Trước đây, có rất nhiều công ty môi giới việc làm hoạt động tràn lan nhưng lại không xin cấp phép hoạt động. Với nhiều lời đường mật hấp dẫn như lương tăng chỉ sau 01 tháng làm việc; làm việc tại những nơi uy tín như hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi,…; được bố trí làm việc gần nhà; không cần nộp đơn xin việc hay phỏng vấn, v.v… Mà chỉ cần đóng cọc trước, không đủ tiền thì có bao nhiêu đóng bấy nhiêu. Nhưng cuối cùng, việc làm đợi mãi không có, mà tiền đặt cọc thì cũng đi tong.
Hơn nữa, những công ty này hoạt động như một “bóng ma”, địa chỉ và tên công ty được thay đổi liên tục. Dù bị bắt giữ và xử phạt nhưng những nơi này lại mọc lên như nấm và rất khó ngăn chặn kịp thời. Do vậy, đó là lý do muốn đề nghị cấp giấy phép hoạt động trong lĩnh vực này, về địa điểm hoạt động phải ổn định tối thiểu là 03 năm trở lên.
Bên cạnh đó, mức tiền ký quỹ được quy định là 300 triệu đồng, nhằm mục đích để bảo vệ quyền lợi người bị thiệt hại, cụ thể những người tìm việc thông qua môi giới. Đây được xem là biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ của các công ty môi giới. Nghĩa là nếu các công ty môi giới từ chối thực hiện nghĩa vụ đền bù. Thì lúc này ngân hàng nơi doanh nghiệp nộp tiền ký quỹ, sẽ thanh toán và bồi thường cho những người bị thiệt hại bằng số tiền ký quỹ đó.[2]
Trình tự, thủ tục cấp phép
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ[3]
Chuẩn bị 01 (một) bộ hồ sơ đề nghị cấp phép.
Hồ sơ bao gồm:
1.Văn bản đề nghị cấp giấy phép của doanh nghiệp;
2.Bản sao Giấy xác nhận đã thực hiện ký quỹ;
3.Giấy tờ chứng minh đủ điều kiện về địa điểm.
Bước 2: Nộp hồ sơ
Trực tiếp hoặc qua bưu điện.
Tại Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Hoặc nộp tại Sở Lao động – Thương binh và Xã hội được ủy quyền bởi Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.[4]
Bước 3: Cấp phép
Kể từ ngày nhận hồ sơ của doanh nghiệp, trong vòng 07 ngày làm việc.
Nếu hồ sơ hợp lệ thì sẽ được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Gọi là Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm.
Nếu không hợp lệ, bạn sẽ nhận được câu trả lời bằng văn bản có nêu rõ lý do.
Bước 4: Thông báo[5]
– Thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng:
Kể từ ngày nhận giấy phép, trong thời hạn 20 ngày làm việc. Doanh nghiệp phải thông báo công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng về giấy phép, địa điểm, lĩnh vực hoạt động, tài khoản, tên giám đốc và số điện thoại.
– Thông báo đến cơ quan nhà nước:
Khi doanh nghiệp bắt đầu hoạt động thì trước 10 ngày làm việc, phải thông báo bằng văn bản đễn cơ quan có thẩm quyền đã cấp giấy phép, về nơi đặt trụ sở chính và ngày bắt đầu hoạt động.
Sau đó, cơ quan có thẩm quyền sẽ thông báo cho Uỷ ban nhân dân cấp huyện nơi doanh nghiệp đặt trụ sở để quản lý.
Lưu ý: Thời hạn của Giấy phép hoạt động dịch vụ việc làm tối đa là 05 năm.
Xử phạt vi phạm[6]
– Không thông báo hoạt động dịch vụ việc làm không theo quy định pháp luật
Sẽ bị phạt tiền từ 500 nghìn – 1 triệu đồng.
– Thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn về vị trí việc làm
Phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng.
– Thành lập không hợp pháp hoặc không có giấy phép hoặc sử dụng giấy phép đã hết hạn
Bị phạt tiền từ 45 – 60 triệu đồng.
Bên cạnh đó, đối với hành vi này phải có biện pháp khắc phục hậu quả là buộc trả lại cho người lao động khoản tiền đã thu.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Cấp giấy phép hoạt động môi giới việc làm”.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi
Người hướng dẫn: Luật sư Thuận
Cập nhật, bổ sung: ngày 11/02/2022
Người bổ sung: Bùi Thị Như
[1] Điều 14 Nghị định 23/2021/NĐ-CP
[2] Điều 330 Bộ luật Dân sự 2015
[3] Điều 10.1 Nghị định 140/2018
[4] Điều 15 Nghị định 23/2021/NĐ-CP
[5] Điều 30 Nghị định 23/2021/NĐ-CP
[6] Điều 7 Nghị định 12/2022/NĐ-CP