Cấm sử dụng chất kích thích trong thi đấu thể dục, thể thao

Cấm sử dụng chất kích thích trong thi đấu thể dục, thể thao

Cấm sử dụng chất kích thích trong thi đấu thể dục, thể thao

Doping – một thuật ngữ được ra đời từ những năm đầu thế kỉ XX . Đối với giới chuyên môn và các vận động viên, thuật ngữ này có lẽ không còn quá xa lạ. Tuy nhiên, đối với những người xem thể thao hoặc chỉ được nghe qua thì vẫn chưa thật sự hiểu rõ về doping. Vậy Doping là gì? Chất này có tác động như thế nào đối với cơ thể? Tại sao nó lại bị cấm? Và chế tài xử phạt đối với người vi phạm ra sao?

Doping là gì?

Doping là thuật ngữ được sử dụng nhằm mô tả chung cho những loại chất kích thích, các chất bất hợp pháp, bị nghiêm cấm sử dụng trong các hoạt động thi đấu thể dục, thể thao. Hầu hết các Doping thường có tác dụng đẩy nhanh tốc độ tuần hoàn máu, làm tăng khối lượng máu chảy về tim, tăng cường thể lực và sự tập trung cho các vận động viên. Doping có 3 dạng thông dụng là: Doping “máu”, doping “cơ” và doping “thần kinh”:

– Doping “cơ”: Loại doping này thường được dùng cho các vận động viên thể thao như: bóng đá, điền kinh, cử tạ, đẩy tạ, đấu vật, xe đạp, … Khi sử dụng, chúng sẽ góp phần tăng cường sức mạnh của cơ bắp do sự gia tăng sản sinh hoocmon trong cơ thể người dùng.

– Doping “máu”: Là hình thức đưa thêm các tế bào hồng cầu vào trong dòng lưu thông máu của vận động viên. Các tế bào hồng cầu chứa oxy, được đưa vào máu của cơ thể làm cho việc đưa oxy đến cơ bắp được nhanh hơn, với số lượng lớn hơn. Từ đó, cơ thể có thể hoạt động ở tần suất cao, mạnh mẽ và bền bỉ hơn nhiều. Một số doping máu phổ biến như NESP (Darbapoetin), ESP (Erythropoetin)…

– Doping “thần kinh”: Thường dùng khi vận động viên bị mệt mỏi, đuối sức. Nó góp phần ngăn chặn sự điều khiển và phản hồi của cơ bắp tới hệ thần kinh, làm cho cơ thể không thể nhận được tín hiệu cần phải nghỉ ngơi khi mệt.

Tại sao doping bị cấm trong thi đấu thể dục, thể thao?

– Đa số các chất kích thích này khi sử dụng đều có tác dụng là tăng thể lực, sự tập trung và tăng sự sung mãn, khả năng hoạt động của cơ thể ngay cả trong trạng thái mệt mỏi nhất. Nó thúc đẩy nhanh tốc độ tuần hoàn máu, khối lượng máu chảy về tim, tăng lượng hồng cầu chứa ôxi đưa vào máu, giúp con người hoạt động nhanh hơn, mạnh mẽ và bền bỉ hơn.

Document

– Bên cạnh đó, một tác hại cực lớn mà sau khi sử dụng doping đó là: Khi chất kích thích trong cơ thể người dùng hết tác dụng, lúc này nó sẽ xuất hiện các dấu hiệu ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe người sử dụng: Cơ thể cực kỳ mệt mỏi, đuối sức hoặc thậm chí có thể ảnh hưởng đến tính mạng của vận động viên. Ngoài ra, điều này làm mất đi tính công bằng, minh bạch vốn có trong thi đấu thể dục, thể thao.

Tác hại khôn lường của Doping?

– Các vận động viên nữ có xu hướng bị nam tính hóa: Khi sử dụng thuốc tăng đồng hóa, nhất là các loại thuốc bắt nguồn từ hoocmon nam testosterone để làm tăng thể tích và sức mạnh cơ bắp. Ở các vận động viên nữ xuất hiện một số dấu hiệu điển hình như giọng nói trầm hơn, mụn nổi lên nhiều, tăng mọc lông, râu và thường kèm theo chứng rối loạn kinh nguyệt.

– Vận động viên nam có nguy cơ bị teo tinh hoàn, lượng tinh dịch giảm và về lâu, về dài có thể dẫn đến hiện tượng liệt dương.

– Làm yếu cơ, to các đầu chi: Các chất kích thích nêu trên thường được sử dụng với mục đích làm tăng sức mạnh, sức bền cho vận động viên, ngăn việc hệ thống thần kinh nhận các tín hiệu mệt mỏi từ cơ bắp. Trên thực tế, việc sử dụng chúng sẽ làm suy yếu dần các nhóm cơ, to các đầu chi hoặc gây nên căn bệnh tiểu đường.

– Gây nên các hội chứng run rẩy: Các thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương như amphetamin dường như có tác dụng giúp vận động viên tăng sức mạnh tạm thời. Nhưng nghiên cứu cho thấy, khi sử dụng liều quá nhiều hoặc quá thường xuyên, chúng không những không làm tăng lực và sức bền cho cơ, mà còn gây ra hội chứng run rẩy, thiếu tự tin, mất ngủ dẫn đến suy nhược thần kinh, suy nhược cơ thể.

– Gây tán huyết, sốt, mẩn ngứa: Phương pháp sử dụng doping “máu” làm tăng lượng hồng cầu, từ đó tăng khả năng cung cấp ôxi cho các tế bào, giúp cơ hoạt động mạnh mẽ và bền bỉ hơn. Tuy nhiên, những vận động viên áp dụng phương pháp này có thể bị tán huyết, sốt, nổi mẩn ngứa, suyễn nặng, nhiễm khuẩn gan, hoặc thậm chí nghiêm trọng hơn là nhiễm HIV.

– Ngoài ra, nó còn gây ra tình trạng giữ muối (Na+). Lâu dài rất dễ dẫn đến suy tim hoặc suy thận. Loại dược phẩm bị cấm này còn có thể gây bệnh gan ứ huyết và ung thư gan.

Vậy, đối với những trường hợp cố ý sử dụng các chất kích thích bất hợp pháp nêu trên, hình thức xử phạt nào sẽ được áp dụng?

Đối với các vận động viên sử dụng chất kích thích thuộc Danh mục bị cấm trong tập luyện, thi đấu thể thao thì người đó sẽ:

– Bị áp dụng hình thức phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng[1] và đình chỉ việc tham dự giải thi đấu thể thao có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng[2].

– Hiện nay có nhiều cá nhân, tổ chức đã đứng ra tổ chức bao che, tổ chức cho các cá nhân, đội, nhóm Vận động viên sử dụng Doping nhằm đem lại giải thưởng thành tích cao. Trường hợp này người vi phạm sẽ bị áp dụng mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

– Đồng thời, phải buộc hủy bỏ kết quả thi đấu thể thao, thành tích thi đấu thể thao và kết quả tuyển chọn vào đội tuyển thể thao, trường năng khiếu thể thao của vận động viên đó[3].

Trên thực tế, trong nhiều trường hợp, mặc dù người sử dụng doping biết rõ rằng chúng có nguy cơ cao gây hại cho sức khoẻ của bản thân. Song, do sức ép thành tích quá lớn, họ đành bất chấp sử dụng. Cho nên, hiện tượng này vẫn rất phổ biến ở cả Việt Nam và trên thế giới. Điều này đòi hỏi cần có nhiều giải pháp ngăn chặn khả thi và các chế tài xử phạt thật sự nghiêm khắc hơn nữa.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Nghiệp Thành về  vấn đề “Sử dụng chất kích thích trong thi đấu thể dục, thể thao”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Võ Thị Minh Thương.

Người hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Khoản 1, Điều 6, Nghị định 46/2019/NĐ-CP

[2] Điểm a, Khoản 3, Điều 6, Nghị định 46/2019/NĐ-CP

[3] Khoản 4, Điều 6, Nghị định 46/2019/NĐ-CP

 

 

 

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

DỊCH VỤ TƯ VẤN PHÁP LÝ HỢP ĐỒNG, BẢO HIỂM XÃ HỘI TRONG LĨNH VỰC LAO ĐỘNG

Categories: Cộng Đồng

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*