Xử phạt vi phạm liên quan đến giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

Xử phạt vi phạm liên quan đến giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp

Xử phạt vi phạm liên quan đến giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Chắc hẳn mọi người khi nghe đến cụm từ “bán hàng đa cấp” sẽ nghĩ ngay đến những đối tượng kinh doanh bất chính, lừa đảo. Nhưng thực tế là loại hình kinh doanh này khá phổ biến ở các nước trên thế giới. Theo số liệu thống kê của Bộ Công Thương thì tính đến năm 2017 có đến 10 quốc gia có thị trường bán hàng đa cấp phát triển mạnh nhất là: Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Nhật, Brazil, Mexico, Malaysia, Pháp, Anh[1]. Khi du nhập vào Việt Nam, do một số đối tượng kinh doanh vì lòng tham đã lợi dụng hình thức kinh doanh này để thực hiện hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đứng trước tình hình quá nhiều công ty đa cấp có hành vi lừa đảo cùng hàng loạt các sai phạm nên bên cạnh các quy định về điều kiện bán hàng đa cấp cho những tổ chức, cá nhân muốn kinh doanh loại hình hoạt động này, pháp luật nước ta còn đặt ra điều kiện về giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

Trong bài viết này, Luật Nghiệp Thành sẽ cung cấp cho các bạn đọc một số thông tin liên quan đến vấn đề trên và biện pháp xử lý khi vi phạm.

  1. Giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp (GCNĐK BHĐC):

Kinh doanh theo phương thức đa cấp là hoạt động kinh doanh sử dụng mạng lưới người tham gia gồm nhiều cấp, nhiều nhánh, trong đó, người tham gia được hưởng hoa hồng, tiền thưởng và lợi ích kinh tế khác từ kết quả kinh doanh của mình và của những người khác trong mạng lưới[2].

Theo quy định, kinh doanh theo phương thức bán hàng đa cấp là hoạt động kinh doanh có điều kiện[3] và phải được Bộ Công Thương cấp GCNĐK BHĐC rồi mới được phép hoạt động.

Theo đó, pháp luật quy định như sau[4]:

Thứ nhất, hiệu lực của GCNĐK BHĐC  là trong vòng 5 năm kể từ ngày ký.

Thứ hai, Bộ Công Thương sẽ cấp 2 bản chính GCNĐK BHĐC, 1 bản giao cho doanh nghiệp đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp và 1 bản sẽ được lưu tại Bộ Công Thương.

Theo đó, trong nội dung của Giấy GCNĐK BHĐC sẽ bao gồm các nội dung sau:

  • Tên doanh nghiệp.
  • Thông tin giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp/giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có).
  • Thông tin người đại diện theo pháp luật.
  • Phạm vi hàng hóa được phép kinh doanh theo phương thức đa cấp.
  • Các nội dung khác theo quy định pháp luật.

Các bạn có nhu cầu xin cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp có thể tham khảo trình tự, thủ tục, hồ sơ đề nghị theo quy định tại các điều 9, 10 Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

Document
  1. Mức xử phạt:

Phạt hành chính: Tùy theo hành vi vi phạm và mức độ vi phạm mà pháp luật đưa ra những mức xử phạt hành chính khác nhau. Theo đó:

(1) Mức tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng được áp dụng đối với hành vi như[5]:

  • Tham gia vào hoạt động của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.
  • Tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo, giới thiệu về hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp của tổ chức, cá nhân kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp.

(2) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000  đồng[6] đối với hành vi kinh doanh theo phương thức đa cấp khi chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thu lợi bất chính đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác đến dưới 500.000.000 đồng, trừ trường hợp quy định tại (4).

(3) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với doanh nghiệp hàng đa cấp thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây[7]:

  • Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thủ tục đề nghị sửa đổi, bổ sung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp theo quy định của pháp luật;
  • Không thực hiện thủ tục đề nghị cấp lại giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp trong trường hợp pháp luật quy định;
  • Không thực hiện đúng quy định về thời hạn thực hiện thủ tục gia hạn giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp;

(4) Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với doanh nghiệp bán hàng đa cấp thực hiện hành vi[8] tổ chức hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp mà không có giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp hoặc không đúng với nội dung giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp thu lợi bất chính đến dưới 200.000.000 đồng hoặc gây thiệt hại cho người khác đến dưới 500.000.000 đồng.

Bên cạnh đó, pháp luật quy định mức xử phạt sẽ tăng gấp hai lần mức tiền phạt quy định tại hành vi vi phạm (2), (4) trong trường hợp hành vi vi phạm được thực hiện trên phạm vi từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trở lên[9].

Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp; Buộc cải chính thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn

có được do vi phạm hành chính đối với hành vi vi phạm theo quy định pháp luật[10].

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Xử phạt vi phạm liên quan đến giấy chứng nhận đăng ký hoạt động bán hàng đa cấp”.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Lê Thị Tú Anh.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

[1] Tham khảo: Bộ Công Thương việt Nam (2017), Bài viết: “Những quốc gia có thị trường bán hàng đa cấp phát triển mạnh nhất”.

[2] Điều 3.1 Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

[3] STT 58 Phụ lục IV của Luật Đầu tư 2020

[4] Điều 8 Nghị định 40/2018/NĐ-CP.

[5] Điều 73.4.a, 73.4.b Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

[6] Điều 73.5 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

[7] Điều 73.6.a, 73.6.c, 73.6.p Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

[8] Điều 73.9.h Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

[9] Điều 73.10 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

[10] Điều 73.11 Nghị định 98/2020/NĐ-CP.

Document
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*