Vi phạm về phòng chống sinh vật gây hại thực vật
Mỗi một mùa vụ, người nông dân phải làm rất nhiều công việc như dọn cỏ, san bằng, cày đất, tưới tiêu, lại mất một khoản tiền để mua phân bón, thuốc trừ cỏ..v…v. Không chỉ vậy, còn phải tìm cách đối phó với các loài sâu hại hay nói chung là sinh vật gây hại. Vậy sinh vật gây hại là gì? Theo Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật quy định “Sinh vật gây hại là các sinh vật gây ra thiệt hại trực tiếp hoặc gián tiếp đối với thực vật. Bao gồm vi sinh vật gây bệnh, côn trùng gây hại, cỏ dại và các sinh vật có hại khác”[1]. Các sinh vật gây hại này luôn là mối lo dai dẳng với người nông dân vì sự nguy hại của chúng đến năng suất lúa và giống cây trồng. Như bệnh đạo ôn, dịch rầy nâu, khô vằn, sâu cuốn lá, bệnh vàng lá,..v..v.. là các loại dịch bệnh chủ yếu trên cây lúa. Ngoài ra, ở cây điều, cà phê, ngô và các loại cây ăn quả khác cũng phổ biến các loại sâu hại như rệp, mọt, sâu đục thân, dịch châu chấu..v..v… Những sinh vật gây hại này khiến cho người nông dân điêu đứng mỗi khi bùng phát dịch trở lại. Điển hình là tháng 4/2019 vừa qua, bệnh rầy nâu bùng phát lại ở cây lúa vào vụ Đông-Xuân. Hay đầu năm 2020 này, cả bệnh vàng lá cũng xuất hiện và bùng phát mạnh ở các tỉnh ĐBSCL. Mặc dù dịch vàng lá này đã được kiểm soát từ rất lâu và hiện đang gây ra không ít khó khăn cho người nông dân.
Hiện nay, những quy định về phòng, chống sinh vật gây hại đã được thay đổi và sẽ có hiệu lực từ ngày 18/02/2020. Trong đó, có đưa ra các mức phạt và hành vi để siết chặt các vi phạm liên quan đến sinh vật gây hại hơn.
Vì vậy Luật Nghiệp Thành sẽ trình bày những vấn đề như trên và một số phương pháp hy vọng có thể giúp ích cho người nông dân.
- Vi phạm hành chính
Sinh vật gây hại là một phần tác nhân khiến năng suất, thu nhập người nông dân giảm. Nhưng nguyên nhân chủ yếu vẫn là do cách phòng, chống các sinh vật này. Nếu có sự lơ là hay tắc trách thậm chí là hướng dẫn sai về cách phòng ngừa dịch bệnh thì tác hại gây ra sẽ rất lớn. Đó là ảnh hưởng đến môi trường sinh thái ruộng lúa, bởi vì sự phát triển quá mức của một sinh vật nào đó sẽ gây mất cân bằng sinh học. Hơn nữa, công tác phòng chống dịch không đảm bảo, kịp thời thì sẽ gây ảnh hưởng rất lớn đối với nền Nông nghiệp Việt Nam.
– Cũng do vậy mà có mức phạt đối với hành vi vi phạm của người trực tiếp làm dịch vụ bảo vệ thực vật không có trình độ chuyên môn về bảo vệ thực vật theo quy định của pháp luật. Và đối với hành vi này sẽ có mức phạt là phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 – 500.000 đồng.[2]
– Ngoài ra, còn có hành vi cố ý áp dụng không đúng biện pháp chống dịch theo yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có quyết định công bố dịch hại thực vật.[3] Quyết định trên sẽ do Uỷ ban nhân dân tỉnh đưa ra theo đó sẽ công bố tên dịch hại cụ thể và yêu cầu các cơ quan có liên quan tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống dịch.
Bên cạnh đó, hành vi hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật không có văn bản đồng ý của Ủy ban nhân dân cấp xã[4] cũng được xem là hành vi vi phạm. Đối với các hành vi trên sẽ bị phạt tiền từ 500.000 – 1.500.000 đồng.
– Phạt tiền từ 1.500.000 – 3.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau:
Không áp dụng các biện pháp chống dịch theo yêu cầu và hướng dẫn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khi có quyết định công bố dịch hại thực vật.[5]
Không bố trí người, phương tiện phục vụ việc kiểm tra vật thể kiểm dịch khi cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật yêu cầu mà không có lý do xác đáng.[6]
– Các hành vi vi phạm khác như:
+ Vận chuyển, sử dụng giống cây hoặc vật liệu làm giống bị nhiễm sinh vật gây hại từ vùng công bố dịch sang vùng khác.[7]
+ Nhập khẩu, vận chuyển, nhân nuôi, lưu giữ sinh vật gây hại thực vật mà không được cho phép bằng văn bản bởi Bộ trưởng BNN&PTNT.[8]
+ Phát tán sinh vật gây hại thực vật.[9]
+ Đưa vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật[10] bị nhiễm sinh vật gây hại từ vùng công bố dịch sang vùng khác làm lây lan dịch hại.[11]
Những hành vi trên có mức phạt tiền tối thiểu là 3.000.000 đồng và tối đa là 12.000.000 đồng. Còn tùy thuộc vào mục đích của người thực hiện hành vi có phải là mục đích thương mại hay không[12] và cả mức tài sản gây thiệt hại[13].
Những mức phạt trên nhằm nâng cao ý thức người dân, góp phần hạn chế việc lây lan dịch bệnh để có thể kiểm soát tốt phạm vi do sâu hại gây ra. Người dân cũng cần chú ý đến các khuyến cáo của những cơ quan nhà nước và người có chuyên môn để chấp hành tốt các quy định. Với mục tiêu bảo vệ năng suất cây trồng mang lại một mùa vụ tốt đẹp và hiệu quả cao.
- Xử lý hình sự
Đó là tội làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho thực vật.[14]
Trường hợp làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho thực vật mà gây thiệt hại về tài sản. Hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về một trong những hành vi này mà còn vi phạm:
– Đưa vào, mang ra khỏi vùng có dịch thực vật, sản phẩm thực vật hoặc vật phẩm khác bị nhiễm bệnh hoặc mang mầm bệnh.[15]
– Đưa vào lãnh thổ Việt Nam thực vật, sản phẩm thực vạt thuộc diện kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch.[16]
– Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho thực vật.[17]
– Gây thiệt hại về tài sản.[18]
– Dẫn đến phải công bố dịch.[19]
Sẽ có mức phạt tiền tối đa là 200.000.000 đồng và mức phạt tù tối đa là 07 năm.
- Cách phòng chống
Trông coi đồng ruộng thường xuyên
Đối với mỗi loại sâu hại sẽ có sự xuất hiện tương ứng với từng giai đoạn phát triển của cây trồng. Vì vậy, vào những giai đoạn đó, người dân nên thăm đồng ruộng, vườn cây thường xuyên, chú ý các đặc điểm trên thân, lá, quả,v..v. Nếu phát hiện bất cứ dấu hiệu có thể là bệnh do sâu hại gây ra thì ngay lập tức nhờ sự giúp đỡ của các đại lý BVTV. Những người có trình độ chuyên môn trong lĩnh vực BVTV sẽ tư vấn cho bạn loại thuốc nào nên dùng và có biện pháp ngăn chặn kịp thời.
Sử dụng hợp lí thuốc BVTV
Đa số người nông dân thường pha trộn các loại thuốc BVTV với mục đích để tăng khả năng diệt sâu hại. Tuy nhiên, thực tế làm như vậy sẽ khiến thuốc mất tính hiệu quả và có thể gây ra tác dụng ngược lại. Ngoài ra, việc phun thuốc định kỳ và không hợp thời điểm sẽ làm tăng tính kháng thuốc cho các loài sinh vật này. Từ đó dễ gây bùng phát dịch trở lại. Chính vì vậy, Bộ NN&PTNT luôn đưa ra khuyến cáo về việc sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 Đúng”. Đó là đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm và đúng cách.
Ưu tiên sử dụng thuốc trừ sâu sinh học
Đây là loại thuốc trừ sâu sử dụng các chế phẩm có nguồn gốc sinh học để diệt trừ sâu hại như vi sinh vật (nấm, vi khuẩn, virus), các chất do vi sinh vật tiết ra (thường là kháng sinh), các chất trong cây cỏ (chất độc hoặc dầu thực vật),… để diệt trừ sâu bệnh. Ưu điểm của loại thuốc này là thân thiện với môi trường, an toàn với sức khỏe con người. Ngoài ra, còn ít để lại dư lượng độc trên nông sản và thời gian cách ly ngắn. Hơn nữa chi phí thấp vì quy trình sản xuất đơn giản. Tuy nhiên, hiệu quả diệt sâu chậm hơn và phải yêu cầu bảo quản hơn so với các loại thông thường. Nhưng trước nhiều lợi ích như vậy, thì thuốc trừ sâu sinh học là một lựa chọn vô cùng tốt cho bản thân người sử dụng và cả cộng đồng.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Vi phạm về phòng chống sinh vật gây hại thực vật”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
.
Biên tập: Nguyễn Linh Chi.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 3.6 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật
[2] Điều 19.1 NĐ 31/2016
[3] Điều 19.2.a NĐ 31/2016
[4] Điều 19.2.b NĐ 31/2016
[5] Điều 19.3.a NĐ 31/2016
[6] Điều 19.3.b NĐ 31/2016
[7] Điều 19.4.a NĐ 31/2016
[8] Điều 19.4.b NĐ 31/2016
[9] Điều 19.4.c NĐ 31/2016
[10] Vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật là vật thể thuộc danh mục diện kiểm dịch thực vật quy định tại Phụ lục I, Mục 11 tại Bảng mã số HS (Điều 1.1 Thông tư 15/2018/TT-BNNPTNT)
[11] Điều 1.2.a,b NĐ 04/2020
[12] Điều 19.5 NĐ 31/2016
[13] Điều 1.2 NĐ 04/2020 bổ sung “Điều 19.5.a, 19.4.d NĐ 31/2016”
[14] Điều 241 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
[15] Điều 241.1.a Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
[16] Điều 241.1.b Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
[17] Điều 241.1.c Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
[18] Điều 241.2.a, Điều 241.3.a Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)
[19] Điều 241.2.b, Điều 241.3.b Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)