Vi phạm về kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu và quá cảnh
Vi phạm về kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu và quá cảnh
Kiểm dịch thực vật là một câu chuyện mà các doanh nghiệp, nông hộ xuất khẩu lẫn nhập khẩu đều rất quan tâm. Trong thời gian qua, nông sản Việt Nam đã đạt được nhiều kết quả khả quan. Như đối với mặt hàng trái cây như thanh long, xoài, chôm chôm, vú sữa, nhãn…đã được hầu như các thị trường như Hoa Kỳ, EU, Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc.v…v.. cho phép nhập khẩu. Để có được niềm tin từ các thị trường khó tính, Việt Nam đã trải qua nhiều cuộc đàm phán để ra sức tháo gỡ những rào cản về kiểm dịch thực vật. Liên quan đến việc nhập khẩu hay quá cảnh, kiểm dịch thực vật cũng là một trong những yêu cầu rất quan trọng mà các tổ chức, cá nhân liên quan phải đáp ứng. Vậy tại sao kiểm dịch thực vật lại khắt khe đến như vậy?
Theo quy định của các nước, có một số loài sâu hại được xem là đối tượng nguy hiểm, cần phải loại bỏ và luôn được kiểm dịch gắt gao. Như các loài ruồi đục quả và rệp là một loại sinh vật có hại ở cây ăn trái, mà các nước như Mỹ, EU, v..v đưa chúng vào diện kiểm dịch và được kiểm soát đặc biệt. Ở nước ta, loài ruồi đục trái là một trong những đối tượng gây hại nguy hiểm hàng đầu ở tất cả các vùng trồng cây ăn quả. Đây là một loài đa ký chủ, nếu không có biện pháp ngăn chặn kịp thời, chúng sẽ phát tán lây lan trên diện rộng, gây thiệt hại cho năng suất cây trồng[1]. Ngoài ra, mọt cứng đốt hay xuất hiện ở hạt điều là một loại mọt nguy hiểm và phải kiểm dịch rất chặt chẽ. Do vậy, việc kiểm dịch thực vật là một điều tất yếu và cần thiết mà các cá nhân, tổ chức khi xuất, nhập khẩu và quá cảnh đều phải tuân theo. Vì mục đích đảm bảo lợi ích quốc gia và an toàn sản xuất trong nước cũng như quốc tế.
Chính vì tầm quan trọng của hoạt động kiểm dịch thực vật mà Nghị định 04/2020 đã có những thay đổi về vi phạm liên quan đến vấn đề này. Sau đây, Luật Nghiệp Thành sẽ giúp bạn đọc tìm hiểu.
- Kiểm dịch thực vật
Tại Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật có quy định “Kiểm dịch thực vật là hoạt động ngăn chặn, phát hiện, kiểm soát đối tượng kiểm dịch thực vật, đối tượng phải kiểm soát và sinh vật gây hại lạ”[2]. Và “Đối tượng kiểm dịch thực vật là sinh vật gây hại có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng đối với thực vật, chưa có hoặc có nhưng phân bố hẹp ở Việt Nam và phải được kiểm nghiêm ngặt”[3].
Những đối tượng này nếu không có quy trình kiểm dịch sẽ gây ra những nguy hại vô cùng to lớn. Đó là gây ra dịch bệnh ở thực vật trên toàn thế giới, tác động tiêu cực đến nông sản và an toàn lương thực toàn cầu. Do vậy, Chính phủ các nước luôn có những quy định rất nghiêm khắc liên quan đến kiểm dịch thực vật lẫn động vật. Nước ta, ngoài có sự thay đổi về các mức vi phạm còn có quy định về các danh mục vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật của Việt Nam[4] mà các tổ chức, cá nhân nhập khẩu nên chú ý. Và đối với những tổ chức, cá nhân có nhu cầu xuất khẩu ngoài tuân theo quy định của Việt Nam, còn phải thỏa mãn các điều kiện về kiểm dịch của nước nhập khẩu. Bên cạnh đó, vật thể nào thuộc diện kiểm dịch khi quá cảnh tại Việt Nam thì phải được cơ quan có thẩm quyền ở trung ương đồng ý. Đó là cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Và phải được kiểm dịch tại cửa khẩu đầu tiên nơi vật thể được đưa vào Việt Nam.[5]
- Vi phạm về kiểm dịch thực vật
- Xử phạt hành chính
Đối với các các vi phạm liên quan đến kiểm dịch thực vật xuất, nhập khẩu và quá cảnh sẽ có mức phạt tiền tối thiểu là 1.000.000 đồng[6] và tối đa là 30.000.000 đồng[7]. Cụ thể đối với một số hành vi như sau:
– Sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 – 2.000.000 đồng đối với các hành vi như:
+ Không làm thủ tục khai báo kiểm dịch thực vật trước khi nhập khẩu, xuất khẩu hay vận chuyển quá cảnh vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật.[8]
+ Không khai báo, không làm thủ tục kiểm dịch thực vật đối với vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật mang theo hành lý xách tay, hành lý ký gửi.[9]
– Bên cạnh đó, liên quan đến thủ tục nhập khẩu:
+ Không có Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu theo quy định thì sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng.[10]
+ Đưa vào lãnh thổ Việt Nam vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật mà:
- Không làm thủ tục kiểm dịch tại cửa khẩu sẽ bị phạt từ 3.000.000 – 5.000.000 đồng.[11]
- Không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch làm lây lan dịch hại gây thiệt hại về tài sản dưới 100.000.000 đồng thì sẽ bị phạt tối đa là 20.000.000 đồng.[12] Nếu gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên thì có mức phạt tiền tối đa là 30.000.000 đồng.[13]
- Không có Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật của nước xuất khẩu bị phạt tối đa là 20.000.000 đồng.[14]
- Không thực hiện biện pháp xử lý theo quy định trong Giấy phép kiểm dịch thực vật nhập khẩu.[15]Và cả hành vi đưa vào lãnh thổ Việt Nam đối tượng kiểm dịch thực vật hoặc đối tượng phải kiểm soát hoặc sinh vật gây hại lạ còn sống mà không được phép của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ bị phạt tối đa là 30.000.000 đồng[16]
– Đối với các vi phạm về vận chuyển, quá cảnh dưới đây sẽ bị phạt tiền tối đa là 10.000.000 đồng[17] như: Vận chuyển, quá cảnh vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật mà không thực hiện các biện pháp ngăn chặn sinh vật gây hại thực vật; Vận chuyển, quá cảnh vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật không đúng theo lộ trình quy định. Hoặc lưu giữ vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật quá cảnh trên lãnh thổ Việt Nam quá thời hạn được phép. Và không xử lý bao bì đóng gói bằng gỗ.
Còn hành vi vận chuyển vật thể, không thực hiện tái xuất hoặc sinh vật gây hại lạ thuộc diện kiểm dịch thực vật bị nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền sẽ có mức phạt tiền tối đa là 30.000.000 đồng[18]
– Ngoài ra nếu thực hiện những hành vi dưới đây sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 – 20.000.000 đồng:[19]
+ Khai man, giấu diếm, tẩu tán vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật trong quá trình được tiến hành kiểm dịch cho những lô hàng xuất khẩu, nhập khẩu được thực hiện bởi cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật.
+ Nếu đã được cấp Giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật cho lô hàng, mà còn đưa thêm vật thể thuộc diện kiểm dịch nhưng chưa được kiểm dịch vào lô hàng đó.
+ Đang chịu sự kiểm tra, giám sát của cơ quan chuyên ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật mà tự ý thực hiện các hành vi như: Tháo dỡ, niêm phong, xếp dỡ, chuyển tải, sang mạn, sang toa, cắt toa vật thể thuộc diện kiểm dịch thực vật xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh trên phương tiện vận chuyển.
– Bên cạnh đó, cũng có các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc tái xuất hoặc tiêu hủy; buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam[20]; buộc xử lý triệt để như: xông hơi khử trùng, xử lý nhiệt, xử lý hơi nước nóng, chiếu xạ, tái xuất, tiêu hủy, tạm ngừng xuất khẩu, tạm ngừng nhập khẩu, cấm xuất khẩu, cấm nhập khẩu và các biện pháp khác.[21]
- Xử phạt hình sự
Tội lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho thực vật
Thực hiện những hành vi dưới đây làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho thực vật gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về những hành vi này mà còn vi phạm: [22]
– Đưa vào lãnh thổ Việt Nam thực vật, sản phẩm thực vật thuộc diện kiểm dịch mà không thực hiện các quy định của pháp luật về kiểm dịch.
– Hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho thực vật.
Và các hành vi như:[23]
– Gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng trở lên.
– Dẫn đến phải công bố dịch.
Sẽ có mức phạt tiền tối đa là 200.000.000 đồng và mức phạt tù tối đa là 07 năm tù.
Trên đây là nội dung tư vấn về “Vi phạm về kiểm dịch thực vật xuất nhập khẩu và quá cảnh”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Bạn đọc có thể tham khảo bài viết Vi phạm về phòng chống sinh vật gây hại thực vật
Biên tập: Nguyễn Linh Chi.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Thông tin từ Sở khoa học và công nghệ tỉnh Bến Tre
[2] Điều 3.3 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật 2013
[3] Điều 3.8 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật 2013
[4] Phụ lục I, mục 11 Thông tư 15/TT-BNNPTNT
[5] Điều 32.1 Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật 2013
[6] Điều 20.1 NĐ 31/2016
[7] Điều 20.5 NĐ 31/2016
[8] Điều 20.1.a NĐ 31/2016
[9] Điều 20.1.b NĐ 31/2016
[10] Điều 20.2.c NĐ 31/2016
[11] Điều 20.2.a NĐ 31/2016
[12] Điều 1.3 NĐ 04/2020 bổ sung “Điều 20.4.d NĐ 31/2016”
[13] Điều 1.3 NĐ 04/2020 bổ sung “Điều 20.5.e NĐ 31/2016”
[14] Điều 1.3 NĐ 04/2020 bổ sung “Điều 20.4.d NĐ 31/2016”
[15] Điều 20.5.a NĐ 31/2016
[16] Điều 20.5.b NĐ 31/2016
[17] Điểu 20.3 NĐ 31/2016
[18] Điều 20.5.đ NĐ 31/2016
[19] Điều 20.4 NĐ 31/2016
[20] Điều 20.6 NĐ 31/2016
[21] Điều 34.2, 3 Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật 2013
[22] Điều 241.1 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017 )
[23] Điều 241.2, 3 Bộ Luật hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017)