Ứng dụng công nghệ mới trong đào tạo lái xe ô tô

Ứng dụng công nghệ mới trong đào tạo lái xe ô tô

Ứng dụng công nghệ mới trong đào tạo lái xe ô tô

Theo thống kê năm 2019, bình quân mỗi ngày nước ta có khoảng 21 người chết do tai nạn giao thông. Trước tình hình trên, việc nâng cao ý thức người tham gia giao thông là rất quan trọng, đặc biệt là bản thân họ phải có đủ kiến thức và kỹ năng điều khiển phương tiện. Thực tế, câu chuyện đào tạo và thi sát hạch lái xe vẫn còn tồn tại việc “du di”, dẫn tới nhiều người lái xe dù có bằng lái vẫn không biết nội dung các hiệu lệnh, biển báo hay chỉ dẫn, v.v…. Và nguy hiểm hơn là người điều khiển phương tiện không có các kỹ năng cần thiết để xử lý các tình huống. Điều đó có thể gây ra nhiều nguy hiểm cho người đi đường, hơn nữa có thể xảy ra tai nạn giao thông nghiêm trọng. Do vậy, bắt đầu từ ngày 01/5/2020, các cơ sở đào tạo lái xe sẽ bắt buộc phải thực hiện lắp thiết bị giám sát trong cả giờ học lý thuyết đối với học viên lái xe ô tô. Ngoài ra, phải kết hợp sử dụng các phần mềm mô phỏng trong quá trình học tập. Qua đó, nhằm giám sát chặt chẽ hơn và với mục tiêu là đảm bảo chất lượng đào tạo lẫn hoạt động sát hạch lái xe. Sau đây, Luật Nghiệp Thành sẽ tư vấn cho bạn đọc cụ thể nội dung trên.

Đối tượng được áp dụng là các học viên lái xe ô tô.[1] Và đối tượng phải thực hiện là các cơ sở đào tạo lái xe ô tô.

Phải có thiết bị giám sát việc học lý thuyết[2]

Cơ sở đào tạo phải ứng dụng công nghệ trong công tác quản lý đào tạo để nhận dạng và đảm bảo theo dõi thời gian học lý thuyết của môn học pháp luật giao thông đường bộ. Nghĩa là học viên phải tham dự đầy đủ môn học lý thuyết thì mới được dự sát hạch.

Theo đó, số giờ học lý thuyết (môn pháp luật giao thông đường bộ) sẽ được quy định cụ thể đối với từng loại hạng giấy phép lái xe (trừ hạng B1).

Ví dụ như hạng B2 và C thì phải học viên phải đảm bảo số giờ học lý thuyết là 90 giờ[3].

Đối với việc nâng từng loại hạng giấy phép thì người học vẫn phải đáp ứng thời giờ học lý thuyết theo quy định cụ thể. Như với hạng B2 lên C; C lên D; D lên E; B2, D, E lên F và C, D, E lên FC thì số giờ học lý thuyết sẽ là 16 giờ; hạng B2 lên D, C lên E là 20 giờ.[4]

Sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông[5]

Thiết bị mô phỏng để đào tạo lái xe bao gồm hệ thống các máy tính có cài đặt phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và ca bin học lái xe ô tô.

Đây là phần mềm có sử dụng thiết bị phần cứng như xe ô tô thật. Bao gồm cụm điều khiển vô lăng, cần số, côn, bàn đạp ga, phanh; hệ thống đồng hồ hiển thị vận tốc, vòng quay động cơ[6]. Người học sẽ được tiếp xúc và có trải nghiệm như thực tế trước khi học thực hành.

Việc có hệ thống mô phỏng như trên sẽ giúp các học viên chuẩn bị tốt hơn trước khi làm quen với xe thật. Điều đó sẽ khắc phục các trường hợp học viên tập lái gây tai nạn trong lúc học thực hành.

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Khi học qua phần mềm mô phỏng, học viên sẽ được thực hành trên cabin tập lái 3D. Trong đó, các vụ tai nạn giao thông được hiển thị rõ nét và sinh động, để giúp người học tham khảo, xử lý tình huống và nhận biết hậu quả do tai nạn giao thông gây ra.

Vì những lý do trên nên môn phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và môn thực hành trên cabin học lái là môn học mới được bổ sung tại Thông tư 38/2019. Qua đó, có quy định về thời gian học phần mềm đối với hạng giấy phép lái xe B2 và C là 4 giờ.[7] Đối với nâng từng loại hạng giấy phép thì số giờ học sẽ là 2 giờ.[8]

Còn đối với thực hành trên cabin thì số giờ học quy định ở hạng B2 và C là 3 giờ[9], trường hợp nâng hạng thì thời giờ học là 8 giờ hoặc 10 giờ đối với từng loại hạng.[10]

Nhiệm vụ của cơ sở đào tạo lái xe[11]

Bắt đầu từ ngày 01/05/2020, các cơ sở đào tạo lái xe phải ứng dụng công nghệ để nhận dạng và theo dõi thời gian học lý thuyết môn học pháp luật giao thông đường bộ đối với học viên học lái xe ô tô (trừ hạng B1).

Các trung tâm đào tạo lái xe nên lưu ý thực hiện đúng quy định. Bởi vì, theo chỉ đạo của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, sau ngày 01/05/2020 nếu trung tâm đào tạo lái xe ôtô không lắp thiết bị giám sát thời gian học lý thuyết môn pháp luật giao thông đường bộ sẽ bị đình chỉ hoạt động.

– Bắt đầu từ ngày 01/01/2021, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông trong đào tạo lái xe.

– Trong thời gian chưa sử dụng phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông và ca bin học lái xe ô tô. Thì cơ sở đào tạo lái xe phải xây dựng chương trình, giáo trình và tổ chức giảng dạy đảm bảo đủ thời gian đào tạo đã quy định[12], cụ thể phân bổ như sau:

+ Số giờ học kỹ thuật lái xe của học viên học lái xe hạng B1, B2, C bao gồm cả thời gian học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông;

+ Số giờ học môn đạo đức và văn hóa giao thông của học viên học lái xe nâng hạng bao gồm cả thời gian học phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông;

+ Số giờ học thực hành lái xe trên 01 xe tập lái, gồm cả thời gian học lái xe trên ca bin học lái xe ô tô.

– Sau 06 tháng kể từ ngày Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia có hiệu lực thi hành, các cơ sở đào tạo lái xe ô tô phải trang bị ca bin học lái xe ô tô, thiết bị giám sát thời gian và quãng đường học lái xe trên đường của học viên.

Trên đây là nội dung tư vấn về “Ứng dụng công nghệ mới trong đào tạo lái xe ô tô”

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, rất mong nhận được phản hồi và góp ý bổ sung.

Bạn đọc có thể tham khảo bài viết Những quy định mới trong việc đào tạo cấp giấy phép lái xe

 

Biên tập: Nguyễn Linh Chi.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

 

[1] Điều 1.3.a Thông tư 38/2019 sửa đổi, bổ sung “Điều 5.9 Thông tư 12/2017”

[2] Điều 1.3.a Thông tư 38/2019 sửa đổi, bổ sung “Điều 5.9 Thông tư 12/2017”

[3] Điều 1.9 Thông tư 38/2019 sửa đổi, bổ sung “Điều 13.3 hông tư 12/2017”

[4] Điều 1.10 Thông tư 38/2019 sửa đổi, bổ sung “Điều 14.3 Thông tư 12/2017”

[5] Điều 1.3.a Thông tư 38/2019 sửa đổi, bổ sung “Điều 5.9 Thông tư 12/2017”

[6] Thông tin từ Báo Nhân dân

[7] Điều 1.9 Thông tư 38/2019 sửa đổi, bổ sung “Điều 13.3 hông tư 12/2017”

[8] Điều 1.10 Thông tư 38/2019 sửa đổi, bổ sung “Điều 14.3 Thông tư 12/2017”

[9] Điều 1.9 Thông tư 38/2019 sửa đổi, bổ sung “Điều 13.3 hông tư 12/2017”

[10] Điều 1.10 Thông tư 38/2019 sửa đổi, bổ sung “Điều 14.3 Thông tư 12/2017”

[11] Điều 1.28 Thông tư 38/2019 sửa đổi, bổ sung “Điều 47 Thông tư 12/2017”

[12] Điều 1.9, 10 Thông tư 38/2019 sửa đổi, bổ sung “Điều 13, 14 Thông tư 12/2017”

 

 

 

 

Document
Categories: Cá Nhân

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*