Trách nhiệm bồi thường vụ cháy Chung cư Carina Plaza.

Trách nhiệm bồi thường vụ cháy Chung cư Carina Plaza.

Theo thông báo mới nhất của Cảnh sát PCCC TP. HCM thì chung cư Carina Plaza gồm ba block cao từ 14 đến 20 tầng, có khu thương mại, giải trí… và hơn 700 căn hộ. Vụ hỏa hoạn  xảy vào lúc hơn 1h ngày 23/3 làm 13 người thiệt mạng, hơn 48 người bị thương, thiêu rụi hơn 343 xe máy, 17 ôtô, chất lượng và kết cấu tòa nhà có thể bị ảnh hưởng khoảng 300 m2 dưới tầng hầm. Vụ cháy được đánh giá là nghiêm trọng chỉ sau thảm họa cháy tòa nhà ITC năm 2002 làm 60 người chết.

Vấn đề bồi thường liên quan đến vụ Hỏa hoạn  xảy ra  tại Chung cư Carina Plaza nằm trên đường Võ Văn Kiệt, phường 16, quận 8, TP.HCM đang được hơn 700 hộ tại đây và dư luận đặc biệt quan tâm trong những ngày qua. Nhằm giải đáp các thắc mắc cũng như hỗ trợ một số thủ tục pháp lý về trách nhiệm bồi thường tôi xin có một số ý kiến đóng góp như sau:

Căn cứ pháp lý:

–         Bộ luật Dân sự số 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015 và các văn bản sửa đổi bổ sung, hướng dẫn thi hành;

–         Luật Doanh nghiệp số 60/2005/QH11 ngày 29/11/2005 và các văn bản sửa đổi bổ sung, hướng dẫn thi hành;

–         Luật Phòng cháy, chữa cháy số: 27/2001/QH10 ngày 29/06/2001;

–         Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy số 40/2013/QH13 ngày 22/11/2013 ;

–         Nghị định Số: 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy và Nghị định số 130/2006/NĐ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2006 quy định chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;

–         Luật Kinh doanh Bảo hiểm số 24/2000/QH10 ngày 9/12/2000 và các văn bản sửa đổi bổ sung, hướng dẫn thi hành;

–       Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kinh doanh Bảo hiểm số 61/2010/QH12 ngày 24 tháng 11 năm 2010;

–         Thông tư 220/2010/TT-BTC ngày 30/12/2010 hướng dẫn thực hiện chế độ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc của Bộ Tài Chính;

–         Thông tư liên tịch số 41/2007/TTLT-BTC-BCA ngày 24/4/2007 hướng dẫn thực hiện một số diều của Nghị định 130/2006/NĐ-CP quy định chế nổ bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc

–         Các qui tắc bảo hiểm của các Công ty bảo hiểm ban hành (đã được đăng ký với Bộ Tài Chính).

Những thiệt hại của vụ cháy Chung cư Carina Plaza chia làm những nhóm, loại như sau:

–         Thiệt hại về người: 13 người chết, 48 người bị thương.

–       Thiệt hại trực tiếp về tài sản trong vụ hỏa hoạn: hơn 343 xe máy, 17 ôtô, kết cấu tòa nhà có thể bị ảnh hưởng khoảng 300 m2 dưới tầng hầm, sức nóng và hơi nóng có thể làm nóng chảy, hư hỏng đến các thiết bị điện và thiết bị điện tử, khói đen làm hỏng sơn ở nhiều tầng, khói cũng làm hỏng một số tài sản của như đồ trang sức/tranh quý và các đồ dùng như quần, áo, vật dụng, và các thiết bị ngoài trời khác như thảm cỏ, cây xanh…

–       Thiệt hại gián tiếp về tài sản trong và sau vụ hỏa hoạn: tài sản bên trong nhà các hộ gia đình bị mất cắp, mất trộm và cướp trong lúc hỏa hoạn và sau hỏa hoạn (loại tài sản này có thể được bảo hiểm bởi điều khoản bổ sung).

–       Thiệt hại tài sản vô hình về các loại giấy tờ có giá trị, văn bằng, chứng chỉ…;

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

–       Thiệt hại về mất thu nhập khi phải nghỉ làm, thiệt hại khi phải thuê nhà ở, thuê xe đi lại…

Trách nhiệm bồi thường trong các trường hợp có bảo hiểm và không có bảo hiểm được xác định như thế nào?

Đối với nhóm thứ nhất – Thiệt hại về người:

Sinh mạng con người là vô giá nên không thể tính bằng tiền là sinh mạng con người đền bao nhiêu tiền được. Vì vậy, trong các vụ án dân sự hay hình sự Tòa án cũng chỉ phán quyết bồi thường cho thân nhân người tử vong tiền mai táng phí.

Cũng vì sinh mạng con người là vô giá nên trong bảo hiểm con người được áp dụng bảo hiểm trùng, tức là một người có thể tham gia bảo hiểm bằng nhiều hợp đồng khác nhau và khi có sự kiện bảo hiểm xảy ra thuộc phạm vi bảo hiểm thì người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm được nhận đầy đủ quyền lợi bảo hiểm/số tiền bảo hiểm của các hợp đồng riêng biệt mà không bị loại trừ. Thân nhân người tử vong được nhận toàn bộ số tiền bảo hiểm hoặc chi trả tiền mai táng phí, người bị thương thì được chi trả tiền thuốc men, viện phí… tùy theo điều khoản của từng hợp đồng bảo hiểm khác nhau như:

–       Bảo hiểm y tế;

–       Bảo hiểm tai nạn;

–       Bảo hiểm chăm sóc sức khỏe (heal-care);

–       Bảo hiểm nhân thọ;

–       ….

Quyền lợi bảo hiểm của các hợp đồng này độc lập, ngay cả khi tiền viện phí đã được các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm chi trả thì Công ty bảo hiểm vẫn có trách nhiệm chi trả theo điều kiện của mỗi hợp đồng đã ký kết (mọi người lưu ý lưu lại bản gốc tất cả các loại giấy chứng tử, hóa đơn, phiếu thu, chứng từ, thuốc men, viện phí, phiếu xét nghiệm, kết luận y khoa… để làm cơ sở yêu cầu bảo hiểm chi trả sau này).

Đối với nhóm thứ  hai – Thiệt hại về tài sản trực tiếp trong vụ hỏa hoạn:

Đối với tài sản luôn áp dụng qui tắc bảo hiểm trùng, tức là đối với mỗi loại tài sản dù có tham gia nhiều loại hình bảo hiểm khác nhau, ở nhiều công ty khác nhau thì trong mọi trường hợp chỉ được bồi thường tối đa bằng giá trị thực tế của tài sản đó (Nếu đã được công ty A bồi thường thì công ty B, C, D… không phải bồi thường nữa, hoặc các công ty chia nhau bồi thường mỗi công ty một phần nhưng tổng số không vượt giá trị thực tế của tài sản).

Ngoài ra các loại tài sản cũng có thể được bảo hiểm bởi các loại hợp đồng bảo hiểm khác như:

1-       Bảo hiểm vật chất xe ô tô, xe gắn máy.

Là loại hình bảo hiểm tự nguyện được bồi thường trong các trường hợp đâm, va, lật đổ, cháy, nổ….

Hiện nay hầu hết xe ô tô có mua loại hình bảo hiểm tự nguyện này, còn đối với xe máy thì thường là người dân không mua và các công ty bảo hiểm cũng ít khi cung cấp bảo hiểm vật chất cho xe máy vì giá trị xe thấp, khó xử lý bồi thường khi có sự kiện bảo hiểm.

Với những xe có bảo hiểm vật chất xe thì chủ xe/người thụ hưởng quyền lợi bảo hiểm có thể yêu cầu công ty bảo hiểm bồi thường trước, sau khi chi trả bồi thường thì công ty bảo hiểm sẽ yêu cầu chủ xe ủy quyền đòi người thứ ba (là bên có lỗi gây thiệt hại tài sản). Công ty bảo hiểm đòi người thứ ba được thì số tiền này sẽ được giảm trừ vào chi phí bồi thường của doanh nghiệp.

Tài sản là xe ô tô và xe gắn máy trước tiên xác định bồi thường theo hợp đồng gửi giữ tài sản (Điều 554, bộ luật dân sự 2015) thì trách nhiệm trước tiên thuộc về Công ty Dịch vụ giữ xe và bảo vệ vì Công ty này thu phí trông giữ xe.

2-    Bảo hiểm cháy nổ bắt buộc;

Các đối tượng áp dụng bắt buộc mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc được qui định trong phụ lục 1, Nghị định Số: 35/2003/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2003 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy bao gồm: “Nhà ở tập thể, nhà chung cư, khách sạn, nhà khách, nhà nghỉ cao từ 5 tầng trở lên hoặc có khối tích từ 5.000 m3 trở lên”.

Tài sản phải tham gia bảo hiểm được qui tại Điều 3, Nghị định Số: 35/2003/NĐ-CP gồm: Nhà, công trình kiến trúc, máy móc thiết bị, các loại hàng hóa, vật tư tài sản khác.

Luật không qui định cụ thể số tiền tham gia bảo hiểm là bao nhiêu nhưng thông thường người tham gia bảo hiểm mua với số tiền bảo hiểm bằng giá trị thực tế trên thị trường hoặc căn cứ theo giá trị còn lại trên sổ sách kế toán, cũng có một số trường hợp mua thấp hơn giá trị tài sản thực tế.

Tổng công ty Bảo hiểm PVI đã thông báo và xác nhận là nhà cung cấp Bảo hiểm cháy nổ cho Carina Plaza với số tiền bảo hiểm 357 tỷ đồng. Đây là số tiền bảo hiểm cho công trình kiến trúc, máy móc thiết bị của tòa nhà.

3-    Bảo hiểm trách niệm công cộng là loại hình bảo hiểm trách nhiệm của chủ đầu tư sở hữu/sử dụng tòa nhà

Là loại hình bảo hiểm tự nguyện. Bồi thường cho những thương tật về người và tổn thất hay thiệt hại về tài sản là hậu quả của những rủi ro có liên quan đến hoạt động kinh doanh của người được bảo hiểm gây ra cho người thứ ba.

Tổng công ty Bảo hiểm PVI đã thông báo và xác nhận là nhà cung cấp Bảo hiểm trách nhiệm công cộng cho Công ty Hùng Thanh với số tiền bảo hiểm là 500 triệu đồng. Trong đó:

Số tiền bảo hiểm về người là: 20 triệu đồng/người/vụ, tối đa: 200 triệu đồng/vụ.

Số tiền bảo hiểm về tài sản cho bên thứ ba là: 300 triệu đồng/vụ.

Như vậy số tiền Bảo hiểm PVI phải chi trả tối đa cho 13 người chết và 48 người bị thương tối đa là 200 triệu đồng. Chi trả bồi thường tối đa cho toàn bộ ô tô, xe máy và các tài sản khác tối đa là 300 triệu đồng.

4-    Bảo hiểm cháy và các rủi ro đặc biệt (bảo hiểm tự nguyện);

5-    Bảo hiểm hỏa hoạn nhà tư nhân (bảo hiểm tự nguyện);

6-    Bảo hiểm mọi rủi ro tài sản (bảo hiểm tự nguyện);

Các loại hình bảo hiểm tài sản này chủ yếu là bảo hiểm cho giá trị xây dựng của tòa nhà trong các trường hợp hỏa hoạn, thiên tai… có thể được bảo hiểm bổ sung cho tài sản bên trong bao gồm ô tô/xe máy trong nhà để xe hoặc tài sản bên trong của các căn hộ.

7-    Bảo hiểm Trách nhiệm pháp lý đối với nghề nghiệp và dân sự đối với tổ chức nghề nghiệp dịch vụ bảo vệ.

Bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp bảo vệ doanh nghiệp và các cá nhân đối với các trách nhiệm dân sự phát sinh từ hành động sơ suất có thể dẫn đến bị kiện tụng hay bồi thường các chi phí kiện tụng và các thiệt hại phải trả cho bên thứ ba do sai sót trong quá trình thực hiện công việc chuyên môn của doanh nghiệp hoặc nhân viên của doanh nghiệp đó

Trường hợp Công ty dịch vụ trông giữ xe/chủ đầu tư có mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp hoặc bảo hiểm trách nhiệm công cộng thì sau khi bồi thường tài sản cho chủ xe thì Công ty bảo hiểm sẽ căn cứ mức trách nhiệm, căn cứ thiệt hại thực tế, căn cứ kết luận điều tra và và các điều kiện, điều khoản của hợp đồng bảo hiểm để chi trả lại cho Người mua bảo hiểm.

Tóm lại, về tài sản là tòa nhà hầu như không có bảo hiểm trùng có thể xác định thuộc trách nhiệm chính là của Bảo hiểm PVI, còn các tài sản khác như đồ dùng trong các căn hộ, xe cộ và con người có thể còn được bảo hiểm bởi nhiều loại hình bảo hiểm của nhiều công ty bảo hiểm khác. Mỗi loại hình bảo hiểm lại có số tiền bảo hiểm, qui tắc bảo hiểm, phạm vi bảo hiểm, điều kiện bảo hiểm và điều khoản khác nhau nên khi xác định trách nhiệm bảo hiểm còn phải căn cứ vào kết luận điều tra và căn cứ tùy từng hợp đồng bảo hiểm cụ thể để xác định số tiền bảo hiểm, đối tượng được bảo hiểm, trách nhiệm bồi thường, số tiền bồi thường, tỷ lệ bồi thường…

Qua vụ này người mua nhà chung cư cũng nên quan tâm thêm việc chủ đầu tư đã mua bảo hiểm cho tòa nhà những loại hình bảo hiểm gì, mức trách nhiệm là bao nhiêu trước khi chọn làm nơi an cư hoặc người dân cũng có thể tự mua bảo hiểm cho căn nhà, căn hộ của mình bằng gói bảo hiểm hỏa hoạn nhà tư nhân có mở rộng đối với các tài sản trong nhà.

Hy vọng bài viết phần nào giải đáp các thắc mắc của các cư đân tại chung cư về một số thủ tục pháp lý về bồi thường trong vụ hỏa hoạn đáng tiếc vừa qua.

 

Phạm Đức Toàn

VPLS SONG PHƯƠNG

H4D Bạch Mã. P.15, Q10, TP. HCM

Điện thoại: 0914 686 469

Email: ductoan73@gmail.com

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!
Categories: Dân sự

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*