Tiêu chuẩn xác định công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Tiêu chuẩn xác định công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Tiêu chuẩn xác định công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm

Hằng năm, các cơ quan quản lý về lao động đều chủ động tiến hành rà soát Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để đề xuất sửa đổi, bổ sung Danh mục đó sao cho phù hợp với sự phát triển kinh tế – xã hội, khoa học công nghệ và quản lý lao động trong từng thời kỳ.

Tuy nhiên, tiêu chuẩn để xác định được ngành nghề, công việc nào là nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì không phải ai trong chúng ta cũng hiểu rõ. Do đó, với bài viết này, Luật Nghiệp Thành sẽ giúp bạn hiểu hơn về vấn đề này.

Các tiêu chuẩn để xác định nghề nghiệp, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm như sau:

Tiêu chuẩn về ngành nghề kinh doanh của tổ chức, doanh nghiệp:

Ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp đó phải khớp với ngành nghề được quy định tại Danh mục[1] nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Ví dụ: Một doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh giày da thì chúng ta không thể xét ngành nghề này vào công việc “Phân loại và xử lý rác thải” thuộc ngành Sản xuất ô tô, xe máy; cũng không thể xét vào công việc “Bốc xếp thủ công” thuộc ngành Giao thông vận tải hay bất cứ các ngành nghề nào khác thuộc danh mục được ban kèm Thông tư 36/2012 TT-BLĐTBXH; Thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH,…

Trong trường hợp này, với công việc mà doanh nghiệp thực hiện là sản xuất, kinh doanh giày da thì có thể xét vào công việc “Mài nhẵn mặt da, lạng da[2]”; “Sơn, in da và pha chế hóa chất để sơn, in da[3]”; “Phết keo đế và mũ giầy[4]” hoặc “Hấp lưu hóa giầy, dép cao su[5]” thuộc ngành Sắt tráng men, nhựa, tạp phẩm, da, giầy, giấy, gỗ, diêm.

Tiêu chuẩn về chức danh, công việc

Chức danh, công việc của NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải trùng khớp với công việc được liệt kê trong danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Ví dụ: NLĐ làm các công việc văn phòng như thư ký, kế toán, văn thư, chuyên viên tư vấn qua điện thoại,…không thể được xem là công việc nặng nhọc; độc hại hay nguy hiểm được. Tuy nhiên, đối với công việc pha chế mực viết, do đặc thù công việc là thủ công và phải tiếp xúc thường xuyên với Asen (sẽ rất độc hại nếu chất này được tồn tại ở dạng hợp chất), đồng thời, công việc này cũng thuộc Danh mục được quy định. Cho nên, đối với những người làm công việc pha chế mực viết sẽ được xét vào trường hợp làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Như vậy, chỉ những công việc hay chức danh thuộc Danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội thì mới đáp ứng được tiêu chuẩn này.

Document

Bên cạnh đó, để cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) chấp nhận cho NLĐ được hưởng các chế độ đối với NLĐ làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm/đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thì: Khi thực hiện đăng ký tham gia BHXH, BHYT thì trong danh sách lao động, doanh nghiệp cần phải chú ý kê khai đầy đủ, chính xác chức danh, công việc khớp với ngành nghề, công việc thuộc Danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ.

Lưu ý:

Nếu như NLĐ thực hiện các công việc, chức danh nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm, tuy nhiên khi kê khai, thông tin lại không khớp, chính xác với tên của ngành nghề, công việc đó theo luật định thì cơ quan BHXH có cơ sở để từ chối việc cho NLĐ hưởng các chế độ.

Đối với những trường hợp sau khi tra cứu tất cả các ngành nghề thuộc Danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nhưng doanh nghiệp vẫn không tìm thấy ngành nghề, công việc khớp với ngành nghề kinh doanh hay công việc mà NLĐ thực hiện. Nếu xét thấy các công việc này trên thực tế là có các yếu tố nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và cần/nên được bổ sung để có thể đảm bảo được quyền lợi chính đáng cho NLĐ thì doanh nghiệp có thể soạn thảo bản Công văn gửi cơ quan BHXH[6] và Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội để được hướng dẫn kê khai ngành nghề nào cho phù hợp hoặc được bổ sung ngành nghề đó vào Danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trước khi tiến hành các hoạt động, công việc.

Tiêu chuẩn về đặc điểm của điều kiện lao động

Điều kiện lao động của công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm/đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trên thực tế phải giống với điều kiện lao động được quy định trong Danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm.

Ví dụ: Đối với công việc thủ kho vật liệu nổ công nghiệp[7] thì điều kiện lao động sẽ là làm việc ngoài lò, công việc nặng nhọc, nguy hiểm, tiếp xúc với hóa chất độc hại. Hay đối với các công nhân quản lý đường thủy nội địa phải đáp ứng các điều kiện lao động là làm việc ngoài trời, nặng nhọc, ảnh hưởng của sóng, gió thì mới đáp ứng được tiêu chuẩn về đặc điểm của điều kiện lao động.

Để có thể xác định được các tiêu chuẩn về khí hậu, bụi và các nhân tố môi trường khác như độ ồn, độ rung,…thì chúng ta cần dựa vào các tiêu chuẩn được pháp luật quy định cụ thể:

+ Tiêu chuẩn về nồng độ bụi trong không khí[8];

+ Tiêu chuẩn về chỉ số chất độc hại trong không khí[9];

+ Tiêu chuẩn rung cho phép[10];

+Tiêu chuẩn tiếng ồn cho phép[11];

+ Tiêu chuẩn khí hậu cho phép[12].

Các yếu tố độc hại, nguy hiểm nêu trên đã được quy định cụ thể về giới hạn tiếp xúc cho phép nhằm hạn chế các tác hại đối với sức khỏe của NLĐ. Hằng năm, các doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh thuộc Danh mục ngành nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm phải thực hiện quan trắc môi trường lao động để đánh giá về các yếu tố có hại.

Trên đây là tư vấn của Luật Nghiệp Thành về “Tiêu chuẩn xác định nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm”

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Võ Thị Minh Thương.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] DANH MỤC NGHỀ, CÔNG VIỆC NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM VÀ ĐẶC BIỆT NẶNG NHỌC, ĐỘC HẠI, NGUY HIỂM ban hành kèm Thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH

[2] Mục 3.12 Quyết định 190/1999/QĐ-BLĐTBXH

[3] Mục 3.14 Quyết định 190/1999/QĐ-BLĐTBXH

[4] Mục 3.15 Quyết định 190/1999/QĐ-BLĐTBXH

[5] Mục 3.17 Quyết định 190/1999/QĐ-BLĐTBXH

[6] Tham khảo Dự thảo Thông tư hướng dẫn điều chỉnh tên nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ghi chưa đúng trong sổ bảo hiểm xã hội của người lao động.

[7] Mục VII ngành Khai khoáng

[8] QCVN 02 : 2019/BYT – QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ BỤI – GIÁ TRỊ GIỚI HẠN TIẾP XÚC CHO PHÉP BỤI TẠI NƠI LÀM VIỆC ban hành kèm Thông tư 02/2019/TT-BYT

[9] QCVN 06:2009/BTNMT – QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ MỘT SỐ CHẤT ĐỘC HẠI TRONG KHÔNG KHÍ XUNG QUANH ban hành kèm Thông tư 16/2009/TT-BTNMT

[10] QCVN 27:2016/BYT – QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ RUNG – GIÁ TRỊ CHO PHÉP TẠI NƠI LÀM VIỆC ban hành kèm Thông tư số 27/2016/TT-BYT

[11] QCVN 24:2016/BYT –  QUY CHUẨN QUỐC GIA VỀ TIẾNG ỒN – MỨC TIẾP XÚC CHO PHÉP TIẾNG ỒN TẠI NƠI LÀM VIỆC ban hành kèm Thông tư số 24/2016/TT-BYT

[12] QCVN 26:2016/BYT – QUY CHUẨN KỸ THUẬT QUỐC GIA VỀ VI KHÍ HẬU – GIÁ TRỊ CHO PHÉP VI KHÍ HẬU TẠI NƠI LÀM VIỆC ban hành kèm Thông tư số 26/2016/TT-BYT

 

Document
Categories: Lao động
Tags: tag

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*