Thủ tục trở lại Quốc tịch Việt Nam

Thủ tục trở lại Quốc tịch Việt Nam

Quốc tịch thể hiện mối quan hệ giữa một cá nhân và một Quốc gia. Người mang quốc tịch của Quốc gia nào thì sẽ là công dân của Quốc gia đó và ngược lại. Hiện nay, có rất nhiều Quốc gia cho phép công dân của họ mang nhiều Quốc tịch  (đa quốc tịch) nhưng cũng có một vài Quốc gia chỉ cho phép mỗi công dân mang duy nhất một quốc tịch mà thôi. Tức là nếu công dân muốn mang quốc tịch của một quốc gia chỉ chấp nhận một quốc tịch  thì phải từ bỏ quốc tịch hiện tại mà mình đang mang.

Tại Việt Nam cũng đã có một số trường hợp công nhận công dân có 2 quốc tịch. Bạn có thể tham khảo bài chia sẻ “Trẻ em sinh ra tại Việt Nam có được quyền mang hai quốc tịch?”.

Trong trường hợp cá nhân trước đây đã từng có quốc tịch Việt Nam nhưng bị mất quốc tịch Việt Nam, tuy nhiên, vì một vài lý do nào đó mà họ muốn quay lại quốc tịch Việt Nam thì Nhà nước Việt Nam sẽ xem xét cho trở lại quốc tịch Việt nam với điều kiện người xin trở lại Quốc tịch Việt Nam thuộc trường hợp[1]:

  • Xin hồi hương về Việt Nam;
  • Có vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ hoặc con đẻ là công dân Việt Nam;
  • Có đóng góp đặc biệt trong việc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam;
  • Người có Quốc tịch có lợi cho Nhà nước;
  • Thực hiện đầu tư tại Việt Nam;
  • Đã không còn giữ quốc tịch Việt Nam để nhập quốc tịch nước ngoài, nhưng không được nhập quốc tịch nước ngoài.

Lưu ý:

  • Người đã mất quốc tịch Việt Nam do bị tước Quốc tịch xin trở lại quốc tịch Việt Nam thì phải sau ít nhất 5 năm, kể từ ngày bị tước quốc tịch mới được xem xét cho trở lại quốc tịch Việt Nam.
  • Người được trở lại mang quốc tịch Việt Nam thì phải thôi quốc tịch nước ngoài, trừ những người trong trường hợp đặc biệt, nếu được Chủ tịch nước cho phép.

Hồ sơ chuẩn cần có như sau:

  • Đơn xin trở lại quốc tịch Việt Nam;
  • Bản sao Giấy khai sinh, Hộ chiếu hoặc giấy tờ khác có giá trị thay thế;
  • Bản khai lý lịch;
  • Phiếu lý lịch tư pháp (nếu cư trú tại Việt Nam thì do Sở tư pháp nơi đăng ký tạm trú; nếu cư trú tại nước ngoài thì do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp). Bạn có thể tham khảo bài chia sẻ “Thủ tục xin lý lịch tư pháp”.
  • Tài liệu chứng minh rằng người xin trở lại quốc tịch Việt Nam đã từng có quốc tịch Việt Nam: Bản sao Giấy khai sinh, bản sao Quyết định cho thôi quốc tịch Việt Nam, Giấy xác nhận mất quốc tịch Việt Nam.
  • Một trong các giấy tờ chứng minh đủ điều kiện trở lại quốc tịch Việt Nam: Giấy tờ khác có giá trị thay thế Giấy khai sinh, Hộ chiếu (passport) của người xin nhập quốc tịch Việt Nam là những giấy tờ có giá trị chứng minh quốc tịch nước ngoài của người đó, Tài liệu chứng minh rằng trình độ tiếng Việt của người xin nhập quốc tịch Việt Nam hoặc Bản sao Thẻ thường trú…

Bạn cần chuẩn bị 3 bộ hồ sơ, được lưu hồ sơ tại Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp và cơ quan tiếp nhận hồ sơ.

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Bước 1: Nộp hồ sơ

Người xin trở lại quốc tịch Việt Nam nếu đã cư trú ở Việt Nam thì nộp hồ sơ cho Sở Tư pháp nơi cư trú, nếu cư trú ở nước ngoài thì nộp hồ sơ cho cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại.

Bước 2: Chờ cơ quan Công an xác minh nhân thân của người xin trở lại quốc tịch nếu nộp tại Sở Tư pháp. Chờ thẩm tra và chuyển hồ sơ từ Bộ ngoại giao đến Bộ Tư Pháp nếu nộp tại cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Bước 3: Làm thủ tục xin thôi quốc tịch nước ngoài

Sau khi đã đủ điều kiện được trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp sẽ thông báo đến bạn tiến hành thủ tục thôi quốc tịch nước ngoài.

Bước 4: Nộp giấy xác nhận thôi quốc tịch nước ngoài cho Bộ Tư pháp

Khi nhận được giấy xác nhận đã thôi quốc tịch nước ngoài của người muốn trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ tư pháp sẽ báo cáo Thủ tướng chính phủ trình Chủ tịch nước xem xét hồ sơ và quyết định.

Bước 5: Chủ tịch nước sẽ xem xét, quyết định cho hay không cho người trở lại quốc tịch Việt Nam.

Sau khi Chủ tịch nước sẽ xem xét và quyết định cho người nước ngoài trở lại quốc tịch Việt Nam, Bộ Tư pháp sẽ thông báo cho người xin trở lại quốc tịch VN về kết quả và đăng trên Trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp. Quyết định cho người mất quốc tịch Việt Nam trở lại quốc tịch Việt Nam cũng sẽ được đăng Công báo. Bạn sẽ nhận được bản sao Quyết định cho phép người nước ngoài trở lại quốc tịch Việt Nam.

Tổng thời gian xử lý: Khoảng 3 tháng kể từ ngày hồ sơ hợp lệ.

Trên đây là chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về thủ tục trở lại Quốc tịch Việt Nam.

Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Trần Thị Duyên.

Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.

[1] Điều 23.1 Luật Quốc tịch 2008

Document
Categories: Cá Nhân
Tags: tag

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*