Thủ tục đăng ký xuất xứ hàng hóa
Thế giới đã và đang trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế xuyên quốc gia. Các công ty, tập đoàn đa quốc gia đang ngày càng gia tăng số lượng và quy mô. Và Việt Nam cũng đã trở thành thành viên của nhiều tổ chức thương mại thế giới như WTO, FTA, TPP,… Các doanh nghiệp muốn phát triển thì điều kiện tiên quyết là mở rộng thương mại ra các nước trên thế giới vì quy mô trong nước là có giới hạn. Và để có thể bán hàng hóa từ Việt Nam ra nước ngoài, chứng minh nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, để được hưởng ưu đãi thuế thì cần một loại giấy rất quan trọng là Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (gọi tắt là C/O). Vậy điều kiện và thủ tục cấp C/O tại Việt Nam cụ thể là như thế nào, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu tại bài viết này.
- Đăng ký hồ sơ doanh nghiệp lần đầu
Đầu tiên để đăng ký C/O doanh nghiệp phải tiến hành đăng ký hồ sơ doanh nghiệp lần đầu tại Phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI). Đối với doanh nghiệp tại Thành phố Hồ Chí Minh ta có thể đăng ký tại Chi Nhánh Phòng Thương Mại Và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) Tại Tp. Hồ Chí Minh. Mục đích để xác nhận chữ ký của người đại diện pháp luật sẽ ký các tờ khai sau này, xác nhận con dấu, chữ ký số doanh nghiệp.
Thành phần hồ sơ đăng ký bao gồm[1]:
– Đăng ký mẫu chữ ký của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền ký đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa, ký Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa và mẫu con dấu của doanh nghiệp. (Mẫu số 01);
– Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (Ký, đóng dấu sao y bản chính của doanh nghiệp);
– Giấy chứng nhận đã đăng ký mẫu dấu với cơ quan công an (nếu có).
– Danh mục cơ sở sản xuất ra hàng hóa đề nghị cấp Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa theo Mẫu 02 (nếu có).
Nộp hồ sơ tại địa chỉ: Lầu 1, Tòa nhà VCCI HCM, 171 Võ Thị Sáu, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh
Trước khi khai C/O qua mạng, doanh nghiệp cần đăng ký hồ sơ doanh nghiệp với chữ ký số được kích hoạt trên trang web: http://comis.covcci.com.vn.
- Hồ sơ đề nghị cấp C/O[2]:
Thành phần hồ sơ bao gồm chứng từ xuất khẩu và chứng từ chứng minh nguồn gốc.
– Đơn đề nghị cấp C/O (Mẫu số 4);
– Phiếu ghi chép, dùng để ghi chép tình trạng hồ sơ khi cần (Mẫu VCCI HCM);
– Mẫu C/O tương ứng đã được khai hoàn chỉnh (1 bản chính và 3 bản copy);
– Bản in tờ khai hải quan xuất khẩu (Có xác nhận của doanh nghiệp);
– Bản sao hóa đơn thương mại (Ký, đóng dấu sao y bản chính của doanh nghiệp);
– Bản sao vận đơn (B/L), vận đơn hàng không (AWB) hoặc chứng từ vận tải tương đương (Ký, đóng dấu sao y bản chính của doanh nghiệp).
– Bảng kê khai chi tiết hàng hóa xuất khẩu đạt tiêu chí xuất xứ ưu đãi hoặc xuất xứ không ưu đãi (Chọn mẫu Bảng kê khai NVL phù hợp: 8 mẫu khác nhau);
– Bản khai báo xuất xứ của nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp nguyên liệu có xuất xứ hoặc hàng hóa có xuất xứ (Phụ lục X[3]);
– Bản sao Quy trình sản xuất hàng hóa (đóng dấu sao y bản chính của doanh nghiệp);
– Tờ khai hải quan nhập khẩu nguyên liệu, phụ liệu dùng để sản xuất ra hàng hóa xuất khẩu (trong trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu nhập khẩu trong quá trình sản xuất); hợp đồng mua bán hoặc hóa đơn giá trị gia tăng mua bán nguyên liệu, phụ liệu trong nước (trong trường hợp có sử dụng nguyên liệu, phụ liệu mua trong nước trong quá trình sản xuất); giấy phép xuất khẩu (nếu có); chứng từ, tài liệu cần thiết khác.
Tại TP.HCM, doanh nghiệp có thể nộp trực tiếp tại Lầu 1, Tòa nhà VCCI HCM, 171 Võ Thị Sáu, Phường 7, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh hoặc thực hiện kê khai trên website: http://comis.covcci.com.vn.
Lưu ý: Doanh nghiệp cần cập nhật thông tin của doanh nghiệp mỗi 2 năm/lần theo quy định cho dù không có thay đổi vẫn phải thực hiện.
Trên đây là chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về “Thủ tục đăng ký xuất xứ hàng hóa”.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem và mong nhận được phản hồi góp ý bổ sung.
Biên tập: Nguyễn Minh Cơ.
Luật sư hướng dẫn: Luật sư Thuận.
[1] Điều 13 NĐ 31/2018/NĐ-CP
[2] Điều 15 NĐ 31/2018/NĐ-CP
[3] Phụ lục 10 TT 05/2018/TT-BCT