Thủ tục đăng ký kết hôn tại Việt Nam, việc kết hôn của vợ, chồng phải được đăng ký với cơ quan nhà nước để được công nhận và bảo vệ. Trên thực tế có nhiều đôi nam, nữ sống với nhau nhiều năm, tạo dựng được nhiều tài sản và có con chung tuy nhiên không thực hiện việc đăng ký kết hôn. Đứng trên phương diện pháp luật, Nhà nước sẽ không thừa nhận quan hệ hôn nhân này cho dù trên thực tế vợ chồng này chung sống với nhau, được họ hàng hai bên thừa nhận hoặc đã làm lễ theo tôn giáo, tín ngưỡng của mình. Việc đăng ký kết hôn kịp thời và đầy đủ sẽ giúp cho bạn và người bạn đời của bạn trong việc tạo lập mối quan hệ hôn nhân hợp pháp, con cái sinh ra đương nhiên sẽ được pháp luật thừa nhận là con chung của hai người cũng như tài sản tạo lập trong cuộc sống hôn nhân cũng là tài sản chung của hai người.
Điều kiện đăng ký kết hôn[1]:
- Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên.
- Người nam và nữ không phải là người có cùng dòng máu trực hệ, có họ trong phạm vi ba đời, không phải là giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
- Không phải là người đang có vợ hoặc có chồng.
Kết hôn phải dựa trên sự tự nguyện giữa người nam và người nữ. Kết hôn là thực chứ không phải kết hôn giả tạo vì một mục đích nào đó.
Trình tự đăng ký kết hôn:
Đầu tiên bạn và người bạn đời của bạn phải xin cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân nơi bạn và người bạn đời của bạn đăng ký thường trú.
Hồ sơ bao gồm:
- Tờ khai yêu cầu UBND cấp phường, xã cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân (Tờ khai cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân).
- Bản sao một trong các tài liệu sau: hộ chiếu, CMND hoặc thẻ CCCD.
- Bản sao hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.
Đăng ký kết hôn[2]:
Hồ sơ bao gồm:
- Đơn đăng ký kết hôn (Tờ khai đăng ký kết hôn).
- Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân
- Bản sao một trong các tài liệu sau: hộ chiếu, CMND hoặc thẻ CCCD.
- Bản sao hộ khẩu hoặc sổ tạm trú.
Bạn và người bạn đời của bạn phải trực tiếp có mặt và nộp hồ sơ đăng ký kết hôn tại UBND cấp xã nơi cư trú của một trong hai bên.
Trong trường hợp bạn và người bạn đời của bạn đang cư trú ở nước ngoài, bạn sẽ nộp hồ sơ ở Lãnh sự quán Việt Nam ở nước nơi đang cư trú.
Sau khi nghiên cứu hồ sơ nếu hai người đủ điều kiện thì công chứng tư pháp – hộ tịch ghi việc kết hôn vào sổ hộ tịch và hai bên nam nữ ký vào Sổ hộ tịch. Và được cấp 2 bản của Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn.
Trên đây là chia sẻ của Luật Nghiệp Thành về thủ tục đăng ký kết hôn.
Nếu các bạn thấy bài viết hữu ích thì Bạn cùng chúng tôi lan tỏa tri thức cho Cộng đồng bằng cách nhấn “Chia sẻ” bài viết này.
Luật Nghiệp Thành cảm ơn các bạn đã xem, chia sẻ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.
Nguồn bài viết: Tổng hợp.
[1]Điều 8 Luật hôn nhân và gia đình năm 2014
[2]Điều 20 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014