Thủ tục cấp giấy phép phân phối bán lẻ đối với công ty có vốn ĐTNN tại Việt Nam

Thủ tục cấp giấy phép phân phối bán lẻ đối với công ty có vốn ĐTNN tại Việt Nam

Thủ tục cấp giấy phép phân phối bán lẻ đối với công ty có vốn ĐTNN tại Việt Nam

Câu hỏi: Tôi là nhà đầu tư người Nhật Bản đang có ý định đầu tư vào một công ty tại Việt Nam. Hoạt động chính ở công ty Việt Nam mà tôi dự tính cho hoạt động là bán các loại thực phẩm như trái cây sấy, hạt điều, v.v…cho người tiêu dùng qua các website thương mại điện tử như Shoppe, Lazada tại Việt Nam. Vậy trong quá trình mua bán sản phẩm qua các website này thì công ty VN sau khi tôi đầu tư thì có cần giấy phép gì liên quan đến hoạt động mua bán này không?

Trả lời: Cảm ơn bạn đã đặt câu hỏi tới Luật Nghiệp Thành. Trước tiên, cần làm rõ ngành nghề của công ty VN đang đăng ký là gì?

Vì hoạt động công ty là bán các loại thực phẩm cho người tiêu dùng, nghĩa là người tiêu dùng là người cuối cùng sử dụng sản phẩm do bên công ty VN bán trực tiếp mà không qua bất cứ tổ chức, cá nhân nào khác để bán lại thì đây là hoạt động bán lẻ.

1. Đăng ký ngành nghề bán lẻ khi thực hiện đầu tư tại VN

Cụ thể ngành nghề bán lẻ liên quan đến thực phẩm thì Công ty cần đăng ký ngành nghề 4781. Bán lẻ lương thực, thực phẩm, đồ uống, thuốc lá, thuốc lào lưu động hoặc tại chợ[1] (CPC 631). Nếu công ty tại VN chưa đăng ký ngành nghề trên thì khi thực hiện đầu tư phải đăng ký thêm ngành bán lẻ như trên.

2. Cấp giấy phép cho hoạt động bán lẻ

Liên quan đến hoạt động bán lẻ mà có yếu tố nước ngoài, pháp luật Việt Nam có quy định chặt chẽ về hoạt động này, cụ thể là nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam khi bán lẻ hàng hóa thì phải có giấy phép kinh doanh và giấy phép lập cơ sở bán lẻ do Sở Công thương cấp.[2]

Trong đó, chỉ khi công ty bạn có bán lẻ ở tại các cửa hàng tiện lợi, trung tâm thương mại, siêu thị mini, v.v..thì mới phải thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép lập cơ sở bán lẻ. Mỗi cơ sở bán lẻ sẽ phải có một giấy phép cơ sở bán lẻ tương ứng với cơ sở đó.

Tuy nhiên, với trường hợp của bạn không đề cập đến việc bán tại cửa hàng mà chỉ bán online trên website thương mại điện tử nên chỉ bắt buộc phải cấp giấy phép kinh doanh cụ thể là giấy phép phân phối bán lẻ. Lưu ý bước này thực hiện sau khi hoàn tất tất cả các thủ tục đăng ký đầu tư thay đổi trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, v.v….

Vậy có quy định giới hạn về các loại hàng hóa được phân phối bán lẻ không?

Document
Bạn cần tư vấn dịch vụ này!

Với tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài thì quyền phân phối bán lẻ hàng hóa được liệt kê là không bao gồm hàng hóa là gạo; đường; vật phẩm đã ghi hình; sách, báo và tạp chí.[3] Do đó, loại trừ các loại hàng hóa trên thì tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài đều có quyền phân phối bán lẻ với các hàng hòa còn lại.

3. Thủ tục cấp giấy phép phân phối bán lẻ

Thứ nhất, điều kiện cấp giấy phép[4]

– Nhà đầu tư nước ngoài phải thuộc nước, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước Quốc tế mà Việt Nam là thành viên có cam kết mở cửa thị trường cho hoạt động mua bán hàng hóa.

Cụ thể, Việt Nam và Nhật Bản đều thành viên WTO (Tổ chức thương mại thế giới) và cùng cam kết về thương mại dịch vụ gồm cam kết mở cửa thị trường hàng hóa, cam kết mở cửa thị trường dịch vụ và cam kết đa phương. Trong đó, có cam kết về dịch vụ phân phối (bao gồm dịch vụ bán lẻ), đây là một trong những nội dung được đề cập trong Biểu cam kết của WTO.

– Có kế hoạch tài chính khi đề nghị cấp giấy phép

– Không còn nợ thuế

Thứ hai, hồ sơ cấp giấy phép kinh doanh[5]

(1) Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh

(2) Bản giải trình về nội dung:

– Điều kiện cấp giấy phép đã nêu tại mục Thứ nhất

– Kế hoạch kinh doanh: Mô tả nội dung, phương thức thực hiện hoạt động kinh doanh; trình bày kế hoạch kinh doanh và phát triển thị trường; nhu cầu về lao động; đánh giá tác động, hiệu quả kinh tế – xã hội của kế hoạch kinh doanh;

– Kế hoạch tài chính: Báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh trên cơ sở báo cáo tài chính đã được kiểm toán của năm gần nhất trong trường hợp đã thành lập ở Việt Nam từ 01 năm trở lên; giải trình về vốn, nguồn vốn và phương án huy động vốn; kèm theo tài liệu về tài chính;

– Tình hình kinh doanh hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa; tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tính tới thời điểm đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh.

Nhìn chung, nội dung giải trình đều bao gồm các vấn đề về kế hoạch kinh doanh của tổ chức về hoạt động bán lẻ, sự phân bổ tài chính, tình hình kinh doanh và tình hình tài chính hiện tại của công ty. Việc yêu cầu các nội dung trên từ nhà đầu tư là để chứng minh cho các cơ quan có thẩm quyền thấy khả năng thực hiện cũng như sự đầu tư nghiêm túc, có định hướng của các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.

(3) Văn bản chứng minh không còn nợ thuế quá hạn từ cơ quan quản lý thuế

(4) Bản sao: Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp; Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động liên quan trực tiếp đến mua bán hàng hóa (nếu có).

Nộp tại: Sở Công thương nơi công ty đặt trụ sở, số lượng: 01 bộ hồ sơ

Thời hạn xử lý hồ sơ: 31 ngày kể từ nhận hồ sơ.

 

Trên đây là câu trả lời về “Thủ tục cấp giấy phép phân phối bán lẻ đối với nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam” mà Luật Nghiệp Thành gửi đến bạn.

Nếu bạn thấy thông tin này hữu ích thì hãy cùng chúng tôi lan tỏa tri thức này đến với cộng đồng bằng cách nhấn “chia sẻ” bài viết này.

Luật Nghiệp Thành cảm ơn bạn đã tin tưởng, quan tâm sử dụng dịch vụ và mong nhận được phản hồi, góp ý bổ sung.

 

Biên tập: Nguyễn Linh Chi

Người hướng dẫn: Luật sư Thuận

 

[1] Quyết định 27/2018/QĐ-TTg

[2] Điều 5 Nghị định 09/2018/NĐ-CP

[3] Điều 5.1.a và Điều 9.4.c Nghị định 09/2018/NĐ-CP

[4] Điều 9.1 Nghị định 09/2018/NĐ-CP

[5] Điều 12 Nghị định 09/2018./NĐ-CP

Document
Categories: Doanh nghiệp

Write a Comment

Your e-mail address will not be published.
Required fields are marked*